Kỷ niệm về một bài thơ

08:05 | 01/09/2016

1,647 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong ngành Dầu khí Việt Nam, TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam thuộc hàng ngũ “trưởng lão”. Ông thực sự là một cuốn từ điển sống Dầu khí Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Thành lập Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) và 30 năm khai thác dòng dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ, chúng tôi có dịp gặp lại người cựu Tổng giám đốc khả kính của Vietsovpetro và gợi chuyện về những kỷ niệm một thời để nhớ này. Ông cười đôn hậu: “Kỷ niệm thì nhiều lắm, khó có thể kể hết với nhà báo. Nhưng có một kỷ niệm liên quan đến một bài thơ thì tôi nhớ mãi. Đó là kỷ niệm về bài thơ “Ngọn lửa” của Nhà thơ Tố Hữu”.

ky niem ve mot bai tho
TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Tôi nghĩ bụng, thế hệ của TS San và chúng tôi, thơ Tố Hữu được học và… thi nhiều vô kể. Ai chẳng thuộc “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”…

Dường như đoán được suy nghĩ của tôi, ông cười, không phải thơ Tố Hữu học ở nhà trường, mà là thơ về “những người đi tìm lửa” chúng tôi. Và Chủ tịch Hội Dầu khí kể lại cho chúng tôi điều mà ông gọi là kỷ niệm đáng nhớ về một bài thơ lấy cảm hứng từ một chuyến ra giàn.

Cũng như nhiều người khác trong ngành Dầu khí, ông San chỉ được biết nhà thơ Tố Hữu qua những bài thơ cách mạng. Học kỹ thuật, ra trường công tác đã lâu nhưng mãi đến năm 1985, lần đầu tiên ông mới được gặp và làm việc với Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu đến thăm Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro.

TS Ngô Thường San nhớ lại, lúc này đồng minh của ta là Liên Xô rục rịch cải cách, trong đó việc cung cấp xăng dầu cho chúng ta bắt đầu giảm. Làm thế nào để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phục hồi nền kinh tế là một bài toán cực kỳ khó đối với Đảng và Nhà nước lúc này. Vì vậy, việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí được Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu, trong đó ngành Dầu khí đóng vai trò quyết định, mà Vietsovpetro là nhân tố chính góp nên thành công.

Lúc bấy giờ Liên Xô rất mong Việt Nam tìm thấy dầu và có thể tự chủ về an ninh năng lượng. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn nhắc lại ước vọng của Bác Hồ về một nền công nghiệp dầu khí Việt Nam từ 30 năm trước. Thủ tướng ước ao cháy bỏng, mà có lẽ đó cũng là ước ao của cả dân tộc ta, chúng ta khai thác được 1 triệu tấn dầu một năm là thành công.

Hồi đó, dù kinh tế ta đang suy kiệt, dân thì thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, Đảng và Nhà nước vẫn xác định đầu tư cho năng lượng là chiến lược lâu dài và cực kỳ quan trọng nên đã dồn tâm sức cho ngành Dầu khí. Có thể nói, đó là sự hy sinh lớn lao của cả dân tộc cho ngành Dầu khí nước nhà. Đây là áp lực và cũng là trách nhiệm cực kỳ lớn đặt lên vai những người làm công tác dầu khí lúc bấy giờ. Nên việc tìm ra dầu trong đá móng với trữ lượng lớn tại mỏ Bạch Hổ của Vietsovpetro sau đó như một phao cứu sinh cho cả dân tộc.

Lúc đó ông Ngô Thường San là người đứng đầu Liên doanh phía Việt Nam nên phải đứng mũi chịu sào và không thể có những quyết định sai lầm. Ông bảo, trong “Báo cáo kinh tế kỹ thuật về phát triển và khai thác thử công nghiệp mỏ Bạch Hổ” được hình thành trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá lại các tài liệu địa chấn của Geco thu nổ và xử lý mạng 1x1km năm 1978 và tài liệu giếng khoan mỏ Bạch Hổ - 1X (BH-1X) của Mobil khoan năm 1974, với nội dung là sẽ khai thác sớm mỏ Bạch Hổ với 2 giàn khai thác cố định MSP-1, MSP-2 và 6 giếng thăm dò BH-1, 2, 3, 4, 5, 6. Ngay lúc đó nhiều người cho rằng, Vietsovpetro có quá phiêu lưu, mạo hiểm nếu chỉ dựa vào tài liệu địa chấn và một giếng khoan của Mobil mà đã vội đầu tư xây dựng khu cảng, dịch vụ trên bờ, khu nhà ở và quan trọng hơn là xúc tiến xây ngay 2 giàn MSP?

Với giả thuyết, nếu không thấy dầu trong móng thì hậu quả sẽ ra sao? Bài học quá đắt trong lịch sử dầu khí Việt Nam, khi một đất nước đang dè xẻn từng hạt gạo và dốc hết sức để hy vọng đổi lấy dầu sẽ trở thành ảo vọng. Tại sao không thuê khoan một giếng tìm kiếm trước để kiểm tra lại số liệu của Mobil? Những câu hỏi như thế luôn là nỗi trăn trở của ông San và ban lãnh đạo trong nhiều năm cho đến tháng 9-1988 khi khai thác được tấn dầu công nghiệp đầu tiên trong móng.

TS Ngô Thường San kể về một cột mốc quan trọng là ngày 25-5-1984 thử vỉa, phát hiện dầu trong trầm tích Mioxen (tầng 23). Cả nước vui mừng vì lần đầu tiên Việt Nam tìm thấy dầu và dầu chắc chắn sẽ khai thác được trong tương lai gần.

Lễ đốt đuốc mừng dòng dầu công nghiệp được tổ chức trong đất liền Vũng Tàu, nhưng ông San và những đồng nghiệp ngoài biển lại rất lo lắng. Tầng 23 được khẳng định là có dầu nhưng trữ lượng mỏ Bạch Hổ là bao nhiêu? Điều này quyết định tương lai phát triển của Vietsovpetro, cần phải nhanh chóng mở rộng diện tích thăm dò.

Ông San và Ban lãnh đạo Vietsovpetro cương quyết bảo vệ luận điểm của mình yêu cầu khoan giếng BH-4 ở phía bắc mỏ Bạch Hổ…

May mắn thay nỗi lo cũng qua nhanh khi càng ngày Vietsovpetro càng phát hiện ra nhiều vỉa dầu mới.

Để kịp thời động viên, đồng thời để chứng kiến việc thử vỉa ở giếng BH-4, Tổng cục Dầu khí đã mời và bố trí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, Phó chủ tịch Tố Hữu, Phó chủ tịch Đỗ Mười ra thăm giàn khoan vào ngày 7-3-1985.

Ông San nhớ lại, thời tiết đầu tháng 3-1985 rất xấu. Một đợt gió chướng tăng cường, ngoài giàn khoan tốc độ gió lên đến 22-24m/giây, sóng cao gần 5m. Với tốc độ gió lớn như thế và hướng neo của giàn Ekhabi cũng không thuận lợi nên phương án ra giàn bằng tàu bay trực thăng không thể thực hiện được. Mặc dù vậy, các đồng chí lãnh đạo vẫn quyết định ra giàn khoan bằng tàu biển vào tối 6-3-1985. Tàu địa chấn Gambuốcsép được sử dụng để đưa lãnh đạo ra giàn vì tàu có ca-bin thuyền trưởng có thể để các đồng chí lãnh đạo nghỉ ngơi. Thời gian đi từ Vũng Tàu đến mỏ Bạch Hổ khoảng 12 giờ. Ông San được phân công ra giàn trước bằng tàu dịch vụ để chuẩn bị và kiểm tra công tác thử vỉa.

Hơn 30 năm rồi TS Ngô Thường San đã ra giàn không biết bao nhiêu lần nhưng ông vẫn nhớ chuyến ra biển đặc biệt ấy. Cũng như ngư dân, người dầu khí hiểu biển chỉ đẹp khi đứng trên bờ ngắm biển hiền hòa, sóng yên biển lặng. Với nhưng người công tác trên giàn khoan, đêm bình an trên biển đẹp vô cùng với ánh sáng rực rỡ từ ngọn lửa Phaken và những đàn cá nhao lên bắt sáng. Còn những lúc biển động thì gian khổ khó mà kể siết. Vì thế tập thể cán bộ, công nhân trên giàn khoan rất trân trọng trước tình cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho mình và nơm nớp mối lo vỉa không cho dòng dầu như ý.

Vào lúc 8 giờ sáng ngày 7-3-1985, giàn Ekhabi bắt được liên lạc với tàu Gambuốcsép. Ông San và đồng sự khá an tâm vì đã đưa giếng vào chế độ ổn định, dòng dầu lên rất mạnh. Trong máy bộ đàm vang lên: “Ekhabi nghe rõ trả lời?” - Giàn trưởng Anosov chào mừng và cám ơn đoàn cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam ra thăm giàn. Tôi báo cáo với các đồng chí lãnh đạo về lưu lượng ổn định của giếng dầu… Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu thay mặt đoàn chúc mừng tập thể cán bộ, công nhân Việt Nam - Liên Xô trên giàn Ekhabi và Liên doanh Dầu khí. Tất cả chúng tôi đều rất xúc động trước tình cảm các đồng chí lãnh đạo dành cho mình, niềm hân hoan với dòng dầu đầu tiên. Tiếc rằng, biển vẫn động nên tàu phải quay về.

Hôm sau, khi trở về, ông Ngô Thường San mới có dịp báo cáo đầy đủ về tình hình của Liên doanh Dầu khí với Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu. Dẫu đây là lần đầu tiên được báo cáo trực tiếp với lãnh đạo Hội đồng Bộ trưởng, ông cũng mạnh dạn nêu những khó khăn của Vietsovpetro, kể cả xu hướng và tâm lý không mấy tin tưởng ở triển vọng dầu khí thềm lục địa Việt Nam. Ông San kể lại rằng, với nét mặt đầy suy tư nhưng ánh mắt luôn tươi cười, ấm áp, lạc quan, tạo sự gần gũi, Phó chủ tịch Tố Hữu nói, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Đất nước cần phải có nhiều dầu để xây dựng chủ nghĩa xã hội; Phải luôn lạc quan và tin tưởng, cần phải học tập các bạn Liên Xô, nhanh chóng làm chủ được ngành công nghiệp hiện đại này.

Nhà thơ Tố Hữu tâm sự với những “người tìm lửa” ở Vietsovpetro, ông được đi tham quan nhiều nước và cũng được dịp tìm hiểu ngành công nghiệp dầu khí… Để phát triển ra mỏ có khi phải cày đi xới lại nhiều lần, công ty này bỏ đi, nhưng người khác đến sau lại thấy dầu… Mình nghĩ làm dầu khí phải có cái “duyên”… Các đồng chí thấy có đúng không? Đêm qua không ngủ được khi nhớ lại ngọn lửa dầu rực cháy giữa Biển Đông và các đồng chí là “những chàng hoàng tử đang đánh thức nàng công chúa dưới thủy cung”…

Và nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ “Ngọn lửa” vào sổ lưu niệm tặng cho Vietsovpetro…

NGỌN LỬA

Nghe nói từ xưa dưới thủy cung

Có cô công chúa đẹp vô cùng

Đợi chàng hoàng tử hôm nay đến

Thức dậy… nguy nga ngọn lửa hồng

Ngọn lửa tình yêu lớn Việt - Xô

Biển Đông rạng rỡ, sáng cơ đồ

Ta nhìn ngọn lửa cay mi mắt

Lại nhớ Lênin, nhớ Bác Hồ!

Tố Hữu

Ngày vui 8-3-1985

Hơn 30 năm rồi, “chàng hoàng tử” - TS Ngô Thường San vẫn không hình dung tại sao Tố Hữu lại có thể diễn giải một nội dung hết sức khoa học trong ngành Dầu khí “rủi ro trong tìm kiếm thăm dò” bằng một hình tượng hết sức giản dị, văn học và có phần lãng mạn như vậy? Phải là một người lãnh đạo tầm cỡ nhưng có tâm hồn thi nhân ông mới có sự cảm thông, yêu quý ngành Dầu khí như vậy.

Vào đầu tháng 5-1991, ông Ngô Thường San lại có dịp đón nhà thơ Tố Hữu đang phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng thăm lại Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro. Ông nhắc nhở Liên doanh về công tác đào tạo cán bộ để phát triển và cũng không quên nhắc đến chuyến đi lịch sử ngày nào.

Tập thể cán bộ, công nhân Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro - Việt Nam cũng như Nga rất trân trọng tình cảm và sự quan tâm của Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Nhà thơ cách mạng Tố Hữu dành cho mình. Những thành quả của Liên doanh Dầu khí với sự đóng góp nhiều tỉ đôla cho ngân sách Nhà nước, cũng là thực hiện nguyện vọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của đồng chí Tố Hữu nhanh chóng xây dựng ngành Dầu khí thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, như lời chúc đồng thời cũng là ước mơ của ông: Sáng cơ đồ.

Thưa nhà thơ lớn Tố Hữu, hôm nay ở tuổi 35, cơ đồ của Vietsovpetro đã rực sáng. Ước mơ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã được biến thành hiện thực. Nước ta đã khai thác được trên 455 triệu tấn (quy dầu). Tiếc rằng chúng tôi không được đón tác giả bài thơ Ngọn lửa ra giàn. Vietsovpetro nhớ mãi nhà thơ Tố Hữu!

Bảo Dân

Năng lượng Mới 553+554

DMCA.com Protection Status