“Làm cán bộ dầu khí phải học... ăn cơm đúng giờ”
Tốt nghiệp Đại học Dầu khí Mátxcơva năm 1992, may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa, năm 1993 Nguyễn Văn Hội nộp đơn và trúng tuyển vào Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế Dầu khí, thuộc Vietsovpetro. Tấp tểnh bước chân vào nghề với biết bao bỡ ngỡ. Nói như anh, bỡ ngỡ từ công việc đến sinh hoạt hằng ngày…
Anh Nguyễn Văn Hội báo cáo với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi Thủ tướng đến kiểm tra tiến độ NMLD Dung Quất năm 2008 |
Anh bảo, ấn tượng sâu sắc của tôi khi bước chân vào ngành Dầu khí không phải là công việc, mà chính là... tác phong sinh hoạt của các “lão thành” trong ngành. Một trong những người để lại dấu ấn sâu sắc trong anh là ông Ngô Thường San và ông Cao Xuân Mộc. Anh kể rằng: “Ngày đầu về Vietsovpetro, tôi không biết hai ông làm chức gì, chỉ thấy mọi người rất kính trọng họ. Mấy anh lớn tuổi bảo tôi rằng, muốn trở thành cán bộ Dầu khí cứ nhìn ông San, ông Mộc mà học, không phải học cái gì cao xa, học ngay từ tác phong sinh hoạt của các ông. Cứ phấn đấu… ăn cơm đúng giờ như ông San là sẽ trở thành cán bộ Dầu khí xuất sắc”.
Lúc ấy tôi đâu hiểu đấy là lời khuyên chân thành, hay thấy bản mặt non choẹt ngơ ngác của mình mà mấy anh đùa như vậy. Bụng thì nghĩ thế, nhưng tôi không dám nói ra và “quyết tâm” quan sát mọi sinh hoạt của hai ông. Lính mới “tò te” tôi đâu dám tiếp xúc để hỏi chuyện, chỉ “kính nhi viễn chi”. Sau một thời gian ngắn, tôi thấy lời khuyên của các anh lớn tuổi là có lý.
Chưa biết công việc của hai ông như thế nào, nhưng chỉ qua “động tác” đi ăn cơm, dù trời mưa hay nắng, dù bão gió, giông lốc… cứ đến giờ là hai ông có mặt ở nhà ăn, tôi thấy ở con người ông toát lên sự nguyên tắc đến kính nể. Mãi sau này khi đã tương đối thạo việc, lại có dịp tiếp xúc nhiều với ông, mang suy nghĩ của mình tâm sự cùng ông, ông chỉ cười mà rằng: Làm khoa học tuyệt đối không được “dễ dãi” với bản thân, phải rèn cho mình một nếp sống có nguyên tắc, có “kiên định” từ việc nhỏ thì mới có bản lĩnh để đối đầu với những khó khăn và có giải pháp để vượt qua khó khăn ấy.
Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Hội báo cáo với đoàn công tác PVN tại hiện trường nhà máy. Anh: Ngọc Lâm |
Khắc ghi vào lòng những điều chỉ bảo chân tình của ông, tôi cũng đặt cho mình một nguyên tắc sống và làm việc khoa học. Nguyên tắc ấy là dứt khoát không được nản lòng trước khó khăn, càng khó càng phải tìm mọi biện pháp để vượt qua. Giờ làm Phó tổng giám đốc phụ trách công tác sản xuất của BSR, nhìn lại chặng đường mình đã đi qua. Mỗi chặng đều có những cam go thử thách riêng và mỗi khi phải đối đầu với những khó khăn, tôi lại nghe văng vẳng bên tai lời chỉ bảo chân tình “dứt khoát không được nản chí, người làm khoa học lại càng không được nản chí trước khó khăn. Hãy dũng cảm đương đầu, hãy đào sâu suy nghĩ, khó khăn thử thách chính là thời cơ, vượt lên được là thắng lợi, nhưng quan trọng hơn là mình trưởng thành và có thêm bản lĩnh để đương đầu với những thử thách còn ở phía trước…”.
Bây giờ phụ trách công tác sản xuất tại nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước. Mỗi lần cùng các cộng sự đối đầu với những phát sinh trong quá trình vận hành nhà máy, chúng tôi đều bình tĩnh xử lý hiệu quả không để xảy ra những sự cố đáng tiếc. Nhờ vậy, kể từ khi đi vào sản xuất đến nay, NMLD Dung Quất đã đạt trên 7 triệu giờ vận hành an toàn, có thời kỳ nhà máy vận hành ổn định 102-107% công suất thiết kế trong suốt hơn 600 ngày liên tục… Tính từ tháng 2-2009 đi vào hoạt động đến nay (tháng 6-2016) NMLD Dung Quất đã sản xuất được 40,79 triệu tấn sản phẩm các loại, sản phẩm tiêu thụ trên 40,53 triệu tấn. Tổng doanh thu đạt 758,1 ngàn tỉ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 129,4 ngàn tỉ đồng (khoảng 5 tỉ USD). Nhìn vào số liệu này mới thấy hiệu quả hết sức to lớn về sự đầu tư đúng đắn xây dựng NMLD Dung Quất của Chính phủ. Mới chỉ hơn 7 năm đi vào sản xuất, NMLD Dung Quất không chỉ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn đóng góp cho ngân sách nguồn thu khá lớn.
Anh Hội bảo, thành quả này không phải ngẫu nhiên mà có được, đấy là sự “truyền lửa” như một dòng chảy không ngừng nghỉ từ thế hệ này đến thế hệ khác của ngành Dầu khí. Anh nhớ lại, ngày ấy có những thời điểm cực kỳ khó khăn, cán bộ từ đất liền ra giàn khoan không được đi trực thăng như bây giờ mà phải đi tàu thủy. Tất nhiên cũng chưa có tàu hiện đại, có người vừa bước chân xuống tàu là đã say. Rồi sóng to, gió lớn, cả đoàn công tác hầu như say hết; người say ít thì bỏ ăn, người say nhiều thì nôn ra mật xanh mật vàng. Có người ra đến giàn nằm bẹp như người ốm, có người không trụ lại được sau vài chuyến tàu đã phải xin vào bờ.
Với bản thân mình, anh Hội cười, thời học sinh tôi là đứa “đẹt” nhất lớp, thường bị bạn ăn hiếp, sức khỏe cũng không tốt lắm. Say là chuyện đương nhiên, rồi những đêm mưa hiu hắt giữa biển mênh mông… đã có lúc thấy nản lòng. Mỗi khi tư tưởng dao động, tôi lại thấy ánh mắt hiền từ nhưng có lửa của ông San, ông Mộc nhìn tôi rõ lâu. Ánh mắt ấy nửa như động viên, nửa như sẻ chia… Hội bảo: Không phải tôi nói theo “sách vở” đâu, quả thực mỗi lần suy nghĩ của mình lấn cấn, tâm tư mình dao động, chính ánh mắt, chính hình ảnh của các “lão thành” trong ngành mà mình đã được tiếp xúc, được làm việc và được các ông dìu dắt, như là sức mạnh tinh thần nâng đỡ mình vượt qua khó khăn.
Gọi Nguyễn Văn Hội là con “dao pha” của ngành Dầu khí cũng đúng. Đang là cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế Dầu khí, thuộc Vietsovpetro. Ngày Hội được vinh dự đứng vào hàng ngũ tiên phong của giai cấp công nhân, cũng là ngày Nguyễn Văn Hội được ông Cao Xuân Mộc, lúc ấy là Viện phó và cũng là người giới thiệu anh vào Đảng gọi anh ra gặp riêng. Ông bảo với anh rằng: Giờ cháu là đảng viên rồi, ngoài Quảng Ngãi đang xây dựng NMLD Dung Quất, cháu hãy ra đó để thử sức. Khó khăn nhiều đấy, thách thức cũng không ít đâu… chỉ ngắn gọn vậy thôi, năm 1998 Nguyễn Văn Hội mang trong hành trang ra NMLD Dung Quất một tài sản mới, đấy là nhiệt huyết của người đảng viên trẻ. Công tác ổn định đến tháng 7-2010, một lần nữa anh lại được tổ chức phân công về làm Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS).
Ở vị trí mới, anh cùng với ban lãnh đạo DQS dường như phải “làm lại” từ đầu, từ nhân sự đến biên chế, tổ chức; xây dựng lại quy trình, quy chế… phải mất đúng một năm DQS mới thực sự đi vào nề nếp và mới thực sự hồi sinh. Những bộn bề nhộm nhoạm của thời kỳ trước khi bàn giao phải “xếp đống” lại, gỡ dần từng việc. Khi nhà máy đóng tàu dần ổn định, Nguyễn Văn Hội lại được trên điều động trở lại với “mái nhà xưa” là BSR.
Anh nói với tôi, mới đó mà đã 23 năm làm người dầu khí. Giờ được coi là lớp cán bộ lớn tuổi nhất ở BSR. Bài học mà anh thường nói với lớp cán bộ trẻ mới ra trường và “nhập môn” như anh hơn hai chục năm về trước là câu chuyện “ăn cơm đúng giờ” của ông Ngô Thường San. Anh bảo, nhập tâm về một nguyên tắc với việc nhỏ nhất, chính là hình thành tác phong công tác khoa học sau này. Với anh, bài học và kỷ niệm sâu sắc nhất “đóng đinh” vào cuộc đời công tác của anh chính là sự mẫu mực, mẫu mực từ việc nhỏ nhất trong sinh hoạt của những cán bộ “lão thành” như các ông Ngô Thường San, Cao Xuân Mộc là tấm gương để anh noi theo và trưởng thành.
Đặng Trung
Năng lượng Mới số 536