Một triệu sáng kiến-nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid – 19
Chương trình nhằm thực hiện kết luận Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch, với tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid – 19, từng bước đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội”; tiếp tục cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao đông nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid – 19” và triển khai Chủ đề hoạt động năm 2022 “Chăm lo việc làm, đời sống người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”.
Người lao động BSR |
Mục tiêu của Chương trình là trong năm 2022 và 2023, đoàn viên công đoàn, công chức, viên chức, người lao động cả nước đóng góp 01 triệu sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn. Theo đó, giai đoạn 1 (Từ nay đến hết tháng 5/2022) thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022 với mục tiêu 300.000 sáng kiến (Sáng kiến được tính từ 01/9/2021).
Giai đoạn 2 (Từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2023) chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023) và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII với mục tiêu 700.000 sáng kiến.
Vận động 5 đối tượng tham gia Chương trình
Tại Chương trình, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu rõ có 5 đối tượng tham gia Chương trình. Đó là, vận động cán bộ công đoàn đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động đáp ứng yêu cầu của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; chủ động nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất; bản lĩnh, tâm huyết, linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết các nhiệm vụ được giao với mục tiêu “Tất cả vì đoàn viên, người lao động”. Tích cực tham gia phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, phát huy trí tuệ, hiến kế, đề xuất, thực hiện các giải pháp, biện pháp mới, khoa học, khả thi, thiết thực, hiệu quả trong quá trình tổ chức hoạt động và triển khai nhiệm vụ công tác, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở, cán bộ chuyên trách.
Vận động công nhân lao động trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ra sức thi đua nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề, phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động; là những hạt nhân tích cực tham gia phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” và “Năng suất cao, chất lượng tốt”, góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Vận động cán bộ, công chức các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sáng tạo, đổi mới quy trình làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, thực hiện cải cách hành chính gắn với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đồng hành cùng các đơn vị và doanh nghiệp vượt khó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, ngành và đất nước. Tham gia tích cực và thực hiện có hiệu quả phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”.
Vận động cán bộ, viên chức, người lao động các đơn vị sự nghiệp đổi mới phương thức tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng phục vụ, dịch vụ và hiệu quả kinh doanh; tích cực sáng tạo, tham mưu thực hiện tốt cơ chế tự chủ và có giải pháp thích ứng trong tình hình mới.
Vận động công nhân viên chức lao động thực hiện các công trình, đề án, đề tài khoa học, nghiên cứu chế tạo máy móc, thiết bị, sáng kiến cải tiến kỹ thuật... góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện Chương trình
Văn bản nêu rõ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện Chương trình trên Cổng trực tuyến Công đoàn Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ ở cơ sở được trực tiếp tham gia.
Căn cứ chỉ đạo của công đoàn cấp trên, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương, đơn vị và điều kiện thực tiễn, các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với từng đối tượng. Lựa chọn các nội dung phù hợp gắn với nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đặc thù hoạt động của công đoàn cơ sở, nhất là công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp. Ưu tiên nhiệm vụ phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động và đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Các công đoàn cơ sở thành lập “Tổ hỗ trợ sáng kiến” để nắm bắt, hỗ trợ, hướng dẫn cá nhân có ý tưởng, sáng kiến triển khai thực hiện và lập hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến.
Báo cáo lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp vận động đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực tham gia Chương trình và các phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức; xây dựng cơ chế để khuyến khích đoàn viên, người lao động phát huy sáng kiến, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Tổ chức đánh giá, sơ tổng kết Chương trình; biểu dương, khen thưởng kịp thời, tạo sự lan toả trong hệ thống và toàn xã hội; quan tâm, cổ vũ các tập thể, cá nhân có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị.
Chỉ đạo thực hiện Chương trình này, trong văn bản Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ: Chương trình cụ thể hóa gắn với việc thực hiện Kế hoạch số 130/KH-TLĐ ngày 01/9/2021 của Tổng Liên đoàn tổ chức phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao đông nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid – 19”. "Các cấp công đoàn phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện từ nay đến Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII. Vận động thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động tham gia, đồng hành với Chương trình bằng nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật, các chế độ, chính sách động viên nỗ lực có hiệu quả của người lao động" - nội dung nhấn mạnh tại Chương trình.
Các cấp công đoàn tuyên truyền thường xuyên, liên tục, bám sát diễn biến tổ chức, triển khai Chương trình, đặc biệt là hoàn cảnh xuất hiện sáng kiến, cải tiến, các giải pháp hay của các cấp công đoàn đã thực hiện, góp phần lan tỏa sâu rộng Chương trình, khích lệ đông đảo đoàn viên, người lao động hưởng ứng Chương trình.
Ngọc Tú
-
Công đoàn PV Power Cà Mau tổ chức “Bữa cơm Công đoàn” gắn kết đoàn viên, người lao động
-
Cập nhật, nâng tầm Văn hóa Petrovietnam phù hợp với không gian phát triển mới
-
Ra mắt bản tin truyền hình Công đoàn Dầu khí Việt Nam
-
PV GAS COATING và PV GAS VUNG TAU tổ chức “Bữa cơm Công đoàn” - Ấm lòng người lao động