Người có duyên làm “phó”

07:00 | 29/05/2013

1,041 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Không thuộc thế hệ đầu tiên nhưng có thể nói, ông Nguyễn Chí Thành là một trong những người đã đi cùng lịch sử ngành Dầu khí nước nhà. Từ những ngày đầu ở Đoàn Địa chất 36C - Hà Bắc, rồi vào Công ty Dầu khí Nam Việt Nam sau khi nước nhà thống nhất, gần 8 năm làm việc tại Văn phòng II Tổng cục Dầu khí và Trạm Liên lạc phía nam; trải qua những tháng ngày gian khó ở PSC, đến khi PSC và GPTS sáp nhập và PTSC ra đời, ông Nguyễn Chí Thành là Phó tổng giám đốc đến ngày về hưu. Hơn 37 năm trong nghề, cứ thế, ông cần mẫn làm việc và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Tháng ngày gian khó

Sau 5 năm học tập trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của thời chiến, ông Nguyễn Chí Thành tốt nghiệp Trường ĐH Mỏ - Địa chất và được điều động về công tác ở Đoàn Địa chất 36C (thuộc Liên đoàn 36).

Ông vẫn nhớ những ngày làm ở Đoàn 36C với nhiệm vụ chính là khảo sát địa chất khu vực vùng trũng An Châu, vẽ các bản đồ cấu tạo để tiến hành khoan tìm kiếm. Những năm đó Đoàn 36C cũng đã thực hiện 2 giếng khoan, một giếng ở cấu tạo Chũ (Lục Ngạn) và một giếng ở cấu tạo Dương Hưu (Sơn Động), giếng thứ ba ở Nà Mò - Lạng Sơn cũng đã chuẩn bị nhưng về sau thì không triển khai nữa. “Anh Ngô Thường San (nay là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam) lúc ấy công tác ở Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước là người rất tâm huyết đã cùng với các cán bộ của ủy ban phối hợp với Đoàn 36C trong việc nghiên cứu, đánh giá triển vọng dầu khí vùng An Châu. Khu vực khảo sát chủ yếu ở tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn”, ông hồi tưởng. 

Ông Nguyễn Chí Thành - nguyên Phó tổng giám đốc PTSC từ năm 1996 đến 2008

Năm 1976, ông được điều vào Nam công tác và mang theo bao kỷ niệm một thời trên những nẻo đường ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Đây cũng là giai đoạn đầu của ngành Dầu khí sau khi nước nhà thống nhất, ông được phân công về công tác ở Đoàn Dầu khí 21 (do ông Lê Quang Trung làm đoàn trưởng) là đơn vị trực thuộc Công ty Dầu khí Nam Việt Nam. Năm 1978 thì đổi tên thành Công ty Dầu khí II và chuyển trụ sở xuống Vũng Tàu do ông Nguyễn Ngọc Sớm làm giám đốc.

Nhiệm vụ chính của Đoàn Dầu khí 21 là khảo sát địa chất khu vực vùng ven châu thổ Cửu Long và các đảo từ Ninh Thuận trở vào Cà Mau, trong đó có Côn Đảo, vùng biển Tây Nam mà xa nhất là đảo Thổ Chu nhằm đưa ra những kết luận mang tính tổng quát để phục vụ cho việc đánh giá chung. Đến năm 1978 thì Đoàn 21 hoàn thành nhiệm vụ và kết thúc hoạt động.

Sau đó, ông Nguyễn Chí Thành được điều về làm ở Phòng Kế hoạch - Điều độ để giúp cho Ban Giám đốc công ty theo dõi, giám sát việc thực hiện hợp đồng của 3 công ty dầu khí nước ngoài (DEMINEX của Đức, AGIP của Italia và BOW VALLEY của Canada) đang hoạt động ở Việt Nam và làm đầu mối phối hợp với Xí nghiệp Dịch vụ để cung cấp dịch vụ cho các công ty này. Thời kỳ đó Tổng cục Dầu khí cũng cho Công ty Dầu khí II đầu tư xây dựng căn cứ cảng dịch vụ dầu và thành lập Xí nghiệp Dịch vụ để cung cấp dịch vụ cho 3 công ty này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà 3 công ty dầu khí nước ngoài chỉ hoạt động từ giữa năm 1978 đến đầu năm 1981 thì kết thúc hợp đồng và rút về nước.

Năm 1981 cũng là năm mà Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được thành lập, nhiều cán bộ của Công ty Dầu khí II được cử sang Liên Xô học tập, một số thì được điều sang Vietsovpetro làm việc. Cũng năm đó Công ty Dầu khí II hoàn thành sứ mạng và giải thể. Lãnh đạo của công ty gồm các ông Nguyễn Ngọc Sớm, Ngô Thường San, Lê Quang Trung được điều động sang Vietsovpetro làm việc.

Giai đoạn này ông Thành được giao nhiệm vụ đi theo tàu CT 104 có công suất rất nhỏ chỉ khoảng 800CV thuê của quốc doanh đánh cá Chiến Thắng đi tiếp vận cho các trạm định vị ven biển từ mũi Cà Ná (Ninh Thuận) đến Cà Mau và ra các hải đảo. Đồng thời tàu CT 104 còn làm nhiệm vụ trực bảo vệ và hỗ trợ kéo, thả neo cho tàu khảo sát địa chất công trình Experimen II hoạt động tại khu vực mỏ Bạch Hổ. “Ngày nay mỏ Bạch Hổ thật sôi động và thường được gọi là “thành phố trên biển”, nhưng hồi ấy khu vực biển này thật vắng vẻ, nhiều ngày liền chỉ có hai con tàu lênh trên sóng nước mênh mông, thi thoảng mới có một con tàu viễn dương đi qua. Đây là một giai đoạn rất khó khăn, vất vả đối với hoạt động dịch vụ dầu khí vì còn quá sơ khai, phương tiện, thiết bị thiếu và lạc hậu, chưa có nhiều kinh nghiệm. Khi chúng tôi đi cùng các chuyên gia Liên Xô ra đảo Phú Quý, Côn Đảo, Mũi Né, Kê Gà (Bình Thuận), Hòn Khoai (Cà Mau)… thì có nhiều nơi như Kê Gà, Mũi Né rất hoang vắng và thiếu thốn nhiều thứ”, ông Thành cho biết thêm. 

Những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước, ngành Dầu khí có hai vấn đề trọng yếu là phải tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời để Vietsovpetro sớm khai thác được dầu khí, đồng thời phải tổ chức triển khai công tác chuẩn bị xây dựng khu Liên hợp Lọc - Hóa dầu Tuy Hạ (Đồng Nai). Được phép của Nhà nước, Tổng cục Dầu khí đã thành lập Văn phòng II của Tổng cục đóng trụ sở tại Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Vì thế, đầu năm 1982, ông Thành được điều động về làm việc tại Văn phòng II phụ trách công tác hành chính tổng hợp đồng thời là thư ký của Tổng cục phó Phạm Văn Diêu (cho đến khi ông Diêu nghỉ hưu năm 1984), sau đó là Tổng cục phó Phan Tử Quang. Vì ông Diêu và ông Quang phụ trách công tác xây dựng cơ bản nên ông Thành có dịp “cắp tráp” theo xuống các công trình xây dựng mà chủ yếu là “căn cứ dịch vụ tổng hợp của Vietsovpetro” nên có điều kiện học tập cách thức điều hành, chỉ đạo công việc để sau này có thêm kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Chí Thành khi làm Giám đốc Xí nghiệp Cảng PTSC (ảnh chụp năm 1996)

Cứ tưởng công việc hành chính - tổng hợp là nhàn rỗi nhưng không hẳn vậy, vì ngày ấy Vietsovpetro là tâm điểm của đất nước với khát khao tìm dầu để chúng ta có thể tự túc về nhiên liệu vì Liên Xô cũng bước vào giai đoạn khó khăn nên các vị lãnh đạo thường xuyên ở Vũng Tàu để họp, chỉ đạo, giải quyết kịp thời những khó khăn phát sinh. Do đó, công việc của cán bộ ở Văn phòng II không nhẹ nhàng chút nào.

Khi Văn phòng II hoàn thành nhiệm vụ lịch sử năm 1988 thì ông Nguyễn Chí Thành về PSC công tác (ngày 23/7/1986, Xí nghiệp Dịch vụ Dầu khí và Công ty Phục vụ đời sống hợp nhất thành Công ty Dịch vụ Dầu khí PSC do ông Phan Tiến làm giám đốc). Từ năm 1989, PSC bắt đầu triển khai một số loại hình dịch vụ dầu khí chuyên ngành, đồng thời tổ chức thực hiện hai dự án hạ tầng kỹ thuật quan trọng được Tổng cục Dầu khí giao cho đầu tư là Cảng Dịch vụ dầu khí và Kho Xăng dầu Vũng Tàu. Ông Thành cho rằng: “Cũng như Công ty GPTS do anh Nguyễn Xuân Nhậm làm giám đốc, PSC cũng thực hiện các loại hình dịch vụ giống nhau cho Vietsovpetro và các công ty dầu khí nước ngoài khác. Các dịch vụ chính bao gồm cung cấp các tàu hộ tống - bảo vệ, tàu dịch vụ, cung cấp dịch vụ căn cứ cảng, cung cấp lao động cho các giàn khoan, các trạm định vị, cung cấp nhiên liệu, vật tư, hóa phẩm…”.

Ngoài ra PSC còn thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, vì giai đoạn này PSC không được cấp phép hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp nên ban lãnh đạo đã tham gia thành lập Công ty Liên doanh PSA với hoạt động chính là dịch vụ xuất nhập khẩu dầu khí. Đây là một liên doanh giữa PSC và Công ty CanNam - Trimex (của Việt kiều Canada), được thành lập và hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (hoạt động từ tháng 8-1989). Có thể nói liên doanh PSA là cách đi đường vòng trong bối cảnh lúc đó và là những bước đi đầu tiên để mở ra một cánh cửa trong hoạt động xuất nhập khẩu của ngành Dầu khí nước nhà.

Còn Cảng Dầu khí hạ lưu, Kho Xăng dầu Vũng Tàu do PSC đầu tư xây dựng là những cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng góp phần làm nên căn cứ dịch vụ dầu khí PTSC Vũng Tàu sau này, một trong những căn cứ dịch vụ hiện đại, lớn nhất khu vực Đông Nam Á.  

Người đi xây cảng dịch vụ dầu khí

Khi GPTS và PSC sáp nhập thành Công ty PTSC vào năm 1993 thì ông Nguyễn Chí Thành về làm Giám đốc Xí nghiệp Cảng dịch vụ. Tuy nhiên, ban đầu cơ sở vật chất của Xí nghiệp Cảng rất thiếu thốn và trong mười mấy đơn vị của PTSC lúc ấy thì Xí nghiệp Tàu dịch vụ và Xí nghiệp Cảng dịch vụ là hai đơn vị chủ chốt mang lại nguồn thu chính và là nòng cốt cho sự phát triển của PTSC sau này.

Vất vả nhất lúc ấy là cơ sở vật chất thiếu thốn, cầu cảng ngắn không đủ đáp ứng cho tàu cập bến phải xếp hàng chờ, phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ chuyên dùng thiếu và đa số đã rất cũ, việc cung cấp nước cho các tàu dịch vụ và các giàn khoan cũng rất khó khăn. Trong đó, việc cung cấp nước cho các giàn khoan ngoài biển là vấn đề đau đầu nhất lúc bấy giờ: “Chúng tôi phải rất chật vật mới đảm bảo đủ nước phục vụ cho họ. Khi đó, một số đối thủ cạnh tranh của PTSC ở Singapore nói rằng, năng lực của PTSC không bảo đảm. Có lần gần đến giờ giao thừa mà tôi phải sang gặp anh Thường đề nghị anh hỗ trợ đưa các tàu của PTSC đang chứa sẵn nước bơm bổ sung lên tàu cho khách hàng kịp thời đưa ra biển”. Đúng là giai đoạn đó, nước là nỗi ám ảnh của đơn vị vì hệ thống đường ống dẫn nước nhỏ, cũ nát cộng với hệ thống cấp nước của thành phố Vũng Tàu rất hạn chế. Khó khăn là vậy nhưng Xí nghiệp Cảng đã thực hiện tốt nhiều hợp đồng kinh tế lớn của PTSC với các công ty dầu khí nước ngoài. Sau đó PTSC đã đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước, xây thêm 200m cầu cảng, một số kho, xưởng và mua sắm thêm xe, cẩu chuyên dùng nên Xí nghiệp Cảng đã ổn định và làm việc đỡ vất vả, đạt hiệu quả hơn trước rất nhiều.

Một số cán bộ Đoàn Dầu khí 21 Vũng Tàu (năm 1976)

Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc PTSC và tiếp tục kiêm Giám đốc Xí nghiệp Cảng dịch vụ cho đến giữa năm 2001. Sau 8 năm làm Giám đốc Xí nghiệp Cảng, ông được phân công phụ trách công tác đầu tư xây dựng công trình nhằm mở rộng và phát triển các cảng và căn cứ dịch vụ khác của PTSC trên cả nước. Trong thời kỳ ông phụ trách công tác này, ngoài những dự án nhỏ, PTSC triển khai đồng thời 6 Dự án xây dựng căn cứ - cảng dịch vụ như dự án mở rộng giai đoạn II căn cứ dịch vụ dầu khí hạ lưu Vũng Tàu với quy mô 46,7ha; Dự án mở rộng giai đoạn III căn cứ - cảng dịch vụ dầu khí hạ lưu Vũng Tàu với quy mô 13,8ha và 300m cầu cảng; Dự án cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Mỹ với quy mô khoảng 28ha và 485m cầu cảng; Dự án cảng điện - đạm Cà Mau; Dự án mở rộng bến số một cảng Dung Quất với quy mô 100m cầu cảng và dự án xây dựng căn cứ dịch vụ Dung Quất với quy mô 8ha nằm cách xa cảng khoảng 3km. Trong số các dự án này thì riêng cảng điện - đạm Cà Mau sau khi thực hiện xong công tác chuẩn bị đầu tư thì Petrovietnam có quyết định không để PTSC tiếp tục triển khai nữa.

Ông chia sẻ thêm: “Làm công tác quản lý ở lĩnh vực nào cũng có những khó khăn, vất vả, phức tạp cả, nhưng có lẽ công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình là hóc búa nhất vì nó được điều chỉnh bởi hàng loạt những văn bản pháp quy hết sức phức tạp, đôi khi còn chồng chéo, mâu thuẫn với nhau. Do đó, làm thế nào để quản lý tốt cả 3 yếu tố chất lượng, tiến độ và vốn đầu tư là cả một bài toán khó nên nóng vội quá mà thiếu cẩn thận thì rất dễ gặp phải “tai nạn nghề nghiệp”, ngược lại cầu toàn, quá dè dặt, không quyết đoán thì dự án sẽ bị ách tắc đình trệ. Đòi hỏi những người làm trong lĩnh vực này phải linh hoạt tìm ra các giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề một cách tốt nhất có thể”.

Đến giữa năm 2006, công việc của ông Nguyễn Chí Thành được chuyển giao cho ông Nguyễn Tấn Hòa tiếp tục những hạng mục công trình, những dự án còn dang dở. Sau giai đoạn ấy, anh em thường nói vui và gọi ông là phó tổng “libero”. Khi PTSC cổ phần hóa, ông còn tham gia trong hội đồng quản trị một thời gian đến khi nghỉ hưu. Được biết những năm sau đó PTSC đã tiếp tục đầu tư xây dựng một số cảng từ Hòn La - Quảng Bình, Nghi Sơn - Thanh Hóa, Đình Vũ - Hải Phòng, tạo ra một hệ thống cảng trải rộng khắp ba miền Bắc - Trung - Nam.

Ban Giám đốc PTSC nhận Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2001 - ông Nguyễn Chí Thành (thứ hai từ trái sang)

Câu chuyện của ông không chỉ dừng lại việc xây dựng cảng dịch vụ dầu khí mà còn câu chuyện làm Phó tổng giám đốc cho 5 vị Tổng giám đốc PTSC, có lẽ đây là trường hợp hiếm trong ngành Dầu khí nước nhà chăng. Ông làm phó dưới thời ông Nguyễn Xuân Nhậm khoảng 1  năm, rồi đến ông Nguyễn Quang Thường, ông Nguyễn Quốc Tuấn, ông Thái Quốc Hiệp (nay là Chủ tịch Hội đồng Quản trị PTSC), đến khi ông Nguyễn Hùng Dũng làm Tổng giám đốc PTSC được 3 tháng thì ông về hưu.

Gần 16 năm gắn bó với PTSC từ những ngày đầu mới thành lập đến những ngày PTSC trở thành một trong những công ty dịch vụ dầu khí lớn nhất nhì trong nước và có tầm khu vực, ông cho rằng, được phục vụ trong môi trường PTSC là rất vinh hạnh và đáng tự hào… Hồi tưởng cái thời đã qua, ông vẫn nhớ những ngày làm Giám đốc Xí nghiệp Cảng dịch vụ có được cái máy nhắn tin là quý rồi, sau đó thì được cấp cái điện thoại di động “to bằng cục gạch” để còn alô khi cần thiết. Giờ thì thế hệ trẻ có thuận lợi hơn nhờ có công nghệ hiện đại, họ lại được đào tạo bài bản hơn, năng động, dám nghĩ dám làm nên thành tựu PTSC đạt được ngày càng lớn hơn.

Ông cho rằng mình may mắn được phò tá đến 5 đời tổng giám đốc, ông bảo: “Các anh ấy mỗi người mỗi vẻ, đảm nhận chức vụ trong những bối cảnh, điều kiện khác nhau nhưng tựu trung thì ai cũng năng động, nhiệt tình, quyết đoán và có quyết tâm cao để làm người cầm trịch chèo lái con tàu PTSC vươn ra biển lớn”. Đã về hưu 5 năm nhưng ông vẫn giữ mối liên lạc rất tình cảm với đồng nghiệp cũ. Gia đình ông ở Vũng Tàu vẫn thường xuyên đón tiếp bạn bè đồng nghiệp: “Anh Thái Quốc Hiệp, anh Nguyễn Hùng Dũng và các anh em trong Hội đồng Quản trị, Ban Tổng giám đốc cũng thường ghé nhà tôi chơi. Tôi coi đó là niềm vui rất lớn của người về hưu mà không bị quên lãng”.

Bao nhiêu năm lăn lộn trong nghề giờ hồi tưởng lại ông cho rằng, muốn thành công trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí thì phải năng động, hiểu khách hàng, biết họ cần gì; xem nguồn lực của mình như thế nào, ngoại lực mình có thể hợp tác với ai, tận dụng được ra sao và quan trọng hơn khi làm dịch vụ thì bằng mọi cách không để lỡ việc của khách hàng. “Trước đây mức độ canh tranh chưa khốc liệt như bây giờ nhưng cạnh tranh là điều hiển nhiên của quy luật kinh tế thị trường, có cạnh tranh thì mới phát triển, mới lớn mạnh chứ chỉ một mình một sân thì hay ỷ lại và tạo ra sức ỳ” - đó là lời nhắn nhủ mà ông muốn gửi đến thế hệ trẻ PTSC hôm nay.

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status