Người đàn bà đẹp, thành đạt và hiền dịu

15:35 | 22/04/2011

837 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tôi nhận ra thần sắc của một người đàn bà đẹp thành đạt, mãn nguyện đang ở mùa thu cuộc đời. Chị tên là Vũ Thị Chọn Nguyên Trưởng Ban Kế hoạch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Chị Vũ Thị Chọn quê gốc ở Vĩnh Bảo – Hải Phòng, học trường cấp 3 mang tên nhà tiên tri, nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ lần thứ nhất, cả miền Bắc mù trời bom rơi đạn nổ, chị và bạn cùng lứa phải đội mũ rơm đi học đường dài trong tiếng máy bay gầm rú. Là một học sinh giỏi tự nhiên, tốt nghiệp phổ thông, chị trúng tuyển vào Đại học Ngoại Thương và được cử đi nước ngoài học tập. Nhưng, khi sang Liên Xô học hết một năm tiếng Nga thì người ta lại xếp chị vào học ngành Kinh tế Dầu khí ở Khoa Kinh tế, Trường Đại học Dầu khí Matxcơva. Dạo ấy, sinh viên Việt Nam sang Liên Xô học kỹ thuật dầu khí, đông nhất là học ở Ba Cu. Trường “Dầu” ở Mát ít hơn nhiều, sinh viên các chị chỉ học ở 3 khoa: Khoa Kinh tế, Khoa Đường ống – bể chứa, Khoa Thiết bị khai thác.

Những năm tháng du học ở Liên Xô, chị Vũ Thị Chọn dù có phải xa quê, xa bố mẹ, người thân trong nỗi nhớ nhà da diết, nhưng chị nhận được nhiều thứ: được kiến thức của một ngành kinh tế dầu khí mới mẻ, được tác phong làm việc công nghiệp, được trang bị ngoại ngữ khá vững…; đặc biệt là được một tình yêu đắm say, chân thành, lãng mạn với chàng trai cùng quê Hà Duy Dĩnh. Anh và chị học cùng trường cấp 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng khác lớp. Thời ấy, học trò tiếp xúc với nhau dụt dè, e ngại, con trai con gái không đàn đúm, bạo dạn như bây giờ nên mấy năm học phổ thông, họ dường như chẳng quen biết nhau. Sang Liên Xô, chị học “Trường Dầu” ở “Mát”, anh học Trường Đại học tìm kiếm thăm dò cũng ở Matxcơva. Sau những lần lưu học sinh trường nọ giao lưu với trường kia ở xứ người, lại cùng quê hương Vĩnh Bảo, cùng học Trường cấp 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm, nỗi buồn xa xứ và tình cảm cứ gần gũi thân mật hơn, họ đã tìm thấy cái nửa của mình và yêu nhau lúc nào không biết.

Năm đầu mới ra trường về nước, chị Vũ Thị Chọn làm chuyên viên ở Vụ Kế hoạch. Ông Phan Minh Bích – Vụ trưởng thấy chị học đúng ngành nghề, chị giàu lý thuyết, nhưng chưa qua thực tế, ông điều chị xuống cơ sở công tác 1 năm tại Công ty Dầu khí 1. Ông Vụ trưởng bảo: “Cháu đã học, có lý thuyết rồi. Bây giờ phải đi thực tế, ăn ngủ nghỉ, làm việc tại đó và phải quan tâm đến vấn đề giá thành sản xuất, các chi phí giá thành giếng khoan…” Thế là va li, tư trang, sách vở lại mang theo người, chị xa Hà Nội mấy trăm km xuống cơ sở thực tế, đêm ngủ nằm giường cá nhân, ngày lúc thì ở nhà lúc đi công trường. Chỉ một thời gian ngắn, chị phát hiện ra một điều bất hợp lý: Phân chia lương quân bình quá, người tích cực cũng như người đủng đỉnh, người làm nhiều cũng như người làm ít. Có anh em làm địa chấn, khoan ở nơi vất vả, mệt nhọc, năng suất cao hơn chỗ khác nhưng không được khuyến khích hưởng nhiều hơn. Chị nghiên cứu và đề xuất cách xếp lương theo định mức. Ví dụ mỗi giếng khoan sâu bao nhiêu thì tương ứng với bấy nhiêu định mức chi phí tiền lương hết bao nhiêu, giá thành tổng chi cho một giếng là bao nhiêu. Trước đây, cứ khoan, quyết toán theo thực chi mà không tính định mức trước.

Giải pháp định mức tiền lương lao động của chị được Công ty Dầu khí 1 chấp nhận, sau đó được trình lên Tổng cục Dầu khí Việt Nam duyệt thành một cơ chế khoán chi phí tiền lương theo định mức. Sáng kiến của chị đã đi vào đời sống. Trong quá trình khoan thăm dò, bộ phận nào chi phí thấp hơn định mức thì được thưởng, chi phí cao hơn định mức thì phải giải trình, giải trình không hợp lý không được chấp nhận thì bị phạt. Đó là việc làm hữu ích đầu tiên của chị trong năm tháng đầu tiên đi làm được anh em cán bộ nhân viên khoan thăm dò dầu khí rất đồng tình ủng hộ.

Qua thời gian đi thực tế, chị mới hiểu được những khó khăn, vướng mắc mà cơ sở đang phải đối diện cần giải quyết. Trở về Vụ kế hoạch Tổng công ty, chị đã đề xuất nhiều hướng giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị cấp dưới. Chị kể: Lúc mới về công tác, ông Vụ trưởng giao cho một nhiệm vụ đặc biệt: “Bây giờ, Chọn làm cho anh một báo cáo về Chi phí lao động tiền lương của Tổng cục Dầu khí.” Chị Chọn phản ứng lại: “Tổng công ty đã có Vụ lao động tiền lương rồi. Sao mình là kế hoạch lại phải làm?” Ông Vụ trưởng nghiêm khắc vẫn kiên quyết: “Anh giao, em phải làm.” Làm! Nhưng, số liệu ở đâu? Chị mò xuống phòng kế toán lấy tư liệu, có người bảo: “Mày đọc mày có hiểu không?” Chị vẫn mềm mỏng, kiên trì thuyết phục lấy tư liệu, nghiền ngẫm và viết báo cáo về các vấn đề bất cập, lạc hậu của cơ chế lương, và các truy vấn, đánh giá táo bạo. Một trong những ý kiến táo bạo là: Tại sao mình lại cứ thực hiện cơ chế lương lạc hậu như thế này? Sao mình không có định mức tiền lương và trên cơ sở đó khoán cho các đơn vị? Ông Vụ trưởng bảo: “Cái này phải có thời gian, mình chưa thực hiện ngay được.”

Tiếp đó, chị còn được giao làm nhiệm vụ đánh giá tài sản của Tổng Công ty và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chị làm tốt những việc không quen, chưa hề làm đó vì được đào tạo ở Liên Xô, học toàn diện, học chuyên sâu, học vượt cấp, chị học kinh tế Dầu nhưng được học cả kế toán doanh nghiệp, học xong có người về làm kế hoạch, có người về làm kế toán được ngay. Về sau chị mới hiểu ông Vụ trưởng giao cho chị làm các việc đó như những phép thử, đưa cán bộ dưới quyền vào công việc khó khăn, xa lạ để thử thách và nâng cao trình độ nghề nghiệp. Bây giờ, nói về người thủ trưởng cũ ngày xưa ấy, chị Chọn vẫn dành cho ông những nhận xét tốt lành và lòng cảm phục thành kính.

Năm 1994 chị được bổ nhiệm làm phó phòng Chế biến dầu khí phụ trách về kinh tế các dự án lọc hóa dầu. Năm 1995 chị được bổ nhiệm làm Phó phòng Kế hoạch. Năm 2000, Tổng Công ty tách đầu tư ra khỏi ban kế hoạch, chị phụ trách Ban đầu tư. Năm 2001, là Trưởng ban đầu tư phát triển. Năm 2004, sát nhập thành Ban kế hoạch – đầu tư, chị lại giữ chức vụ Phó ban Kế hoạch, đến năm 2006 chị là Trưởng ban kế hoạch. Nhiệm vụ chính của chị là theo dõi các kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn, của các đơn vị cấp dưới. Có một thời gian, chị lên Bộ Công nghiệp làm kế hoạch, còn lại hầu như cả cuộc đời làm việc chị hành nghề kế hoạch ở ngành Dầu khí và tham gia đánh giá các dự án đầu tư. Suốt đời làm một công việc kế hoạch và đầu tư, gắn bó và yêu mến nghề kế hoạch và đầu tư ở ngành dầu khí không phải ai cũng làm được.

Trong quá trình làm công tác kế hoạch, chị phải xử lý linh hoạt nhiều khó khăn. Kế hoạch phải vững chắc và có tính khả thi, kế hoạch phải phù hợp với thực tế và tình hình đơn vị thì mới hoàn thành chỉ tiêu. Kế hoạch của đơn vị cấp dưới và chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của tập đoàn không được căng nhau. Thực hiện tốt kế hoạch ở dưới nhưng phải bảo đảm chỉ tiêu của trên. Giao chỉ tiêu cao quá thì cấp dưới không thực hiện được, gần cuối năm phải điều chỉnh. Giao kế hoạch chỉ tiêu thấp quá thì dưới lại chơi, thu nhập thấp. Chính vì thế trong quá trình làm kế hoạch, chị và đồng nghiệp phải hiểu rõ, hiểu sát tình hình tài và lực của đơn vị cấp dưới để tư vấn cho lãnh đạo tập đoàn ra quyết định giao chỉ tiêu phù hợp để doanh nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ với khả năng và cố gắng tối đa. Về công tác đầu tư thì phải tính đúng tính đủ đầu vào đầu ra cho dự án, đồng thời đảm bảo được lợi ích cho chủ đầu tư và mục tiêu của Nhà nước, của xã hội đối với dự án để tư vấn cho Lãnh đạo ra quyết định đầu tư hợp lý.

Chị Chọn có một thuận lợi là làm ở Dầu khí quá lâu rồi, nên đến bất cứ một đơn vị trực thuộc nào, mọi người cũng quen biết chị. Chị nói điều gì thì họ đều hiểu, tin tưởng yêu quý. Thường là tháng 6 đã chuẩn bị kế hoạch của năm sau. Khoảng tháng 10, các đơn vị đã xong và gửi lên Tập đoàn Dầu khí. Chị và đồng nghiệp trong Ban sẽ nghiên cứu, xem xét, tổng hợp và tháng 12, Tập đoàn đã phải giao kế hoạch năm sau cho các đơn vị. Công tác kế hoạch liên tục không ngơi. Người giỏi làm kế hoạch là phải “cân” trên “cân” dưới. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cấp dưới hoàn thành tốt nhiệm vụ và bảo đảm chỉ tiêu của tập đoàn. Các doanh nghiệp lên báo cáo bảo vệ kế hoạch của mình thì chị Chọn và đồng nghiệp ở Tập đoàn đã phải đi trước một bước: tư vấn, thẩm định, giúp họ đặt chỉ tiêu. Những vấn đề chưa thống nhất thì sẽ được lãnh đạo quyết trong buổi thông qua kế hoạch đơn vị ấy.

Trong cuộc đời con người có những điều rất thú vị, có người chọn nghề, nhưng lại có nghề chọn người như định mệnh. Suốt đời làm kế hoạch ở Dầu khí, chị Vũ Thị Chọn là một người rất yêu nghề và nghề cũng yêu quý chị. Chị đã làm được những việc có ý nghĩa với mọi người và mọi người tin tưởng chị. Chị say mê nghề đến mức nhiều hôm đến tối về muộn không kịp nấu cơm cho chồng con. Ngay cả thời chỉ làm chuyên viên, chị vẫn mang tài liệu về nhà đọc buổi tối, nghiên cứu chuyên sâu. Tính chị thế, “tham công tiếc việc” nhưng việc đó là việc của ngành, của nhà nước. Tác phong làm việc kỹ lưỡng, khoa học đã thấm vào chị ngay từ hồi còn học ở Trường Dầu khí – Matxcơva.

Chị đã giúp đồng nghiệp cấp dưới về nghiệp vụ, hướng dẫn truyền đạt kinh nghiệm cho họ làm kế hoạch. Khi họ có điều gì vướng mắc, khó khăn, chị tận tình giúp đỡ giải quyết, chưa bao giờ gây phiền hà cho cấp dưới đến mức ông Đinh La Thăng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đã phải nói rằng: “Bà Chọn rất thương đơn vị”. Tôi hiểu, cái tình thương ấy thể hiện ở tình người chân thật, nhưng cũng chứng tỏ một năng lực làm việc nắm bắt thực tế khá chính xác, hiểu mình, hiểu người, hiểu thực lực của cán bộ chuyên ngành, hiểu doanh nghiệp ở bên dưới, và không tư vấn cho lãnh đạo giao cho họ làm những việc quá sức.

Chị Chọn cũng là người rất trăn trở với việc đổi mới công tác kế hoạch. Ví dụ như tập huấn nâng cao nghiệp vụ. Ví dụ như giao chỉ tiêu: Có chỉ tiêu quan trọng, nhưng Tập đoàn không giao thì ở doanh nghiệp dưới sẽ lờ đi. Ngày trước, Tập đoàn chỉ giao các chỉ tiêu cơ bản như sản xuất kinh doanh: số lượng, doanh thu, lợi nhuận. Vừa rồi, chị Chọn đã đề xuất với Tập đoàn Dầu khí giao chỉ tiêu sử dụng hiệu quả đồng vốn cho các doanh nghiệp thành viên. Đạt được chỉ tiêu này hay không là thước đo đánh giá đúng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi, thực tế đã chứng minh một doanh nghiệp nếu tính giá trị lợi nhuận có thể đứng thứ nhất, nhưng hiệu quả đồng vốn thì chưa chắc đã đứng đầu. Chỉ nhìn vào chỉ tiêu ấy có thể đánh giá được đơn vị đang dậm chân tại chỗ hay vẫn tiếp tục đi lên. Rồi tiếp nữa là đề xuất làm Báo cáo quý, sau đó gửi cho tất cả đơn vị. Tập đoàn yêu cầu các đơn vị báo cáo các chỉ tiêu: doanh thu, đầu tư, lợi nhuận… Tập đoàn tổng hợp và thông báo cho tất cả các doanh nghiệp thành viên. Từ đó, họ biết tình hình thực tế và khả năng hoàn thành kế hoạch của nhau, họ biết được kết quả sản xuất kinh doanh của nhau mà thi đua làm việc. Một sáng kiến tưởng là đơn giản, nhưng nó thể hiện năng lực bao quát rộng và nắm chắc tình hình thực tế sản xuất kinh doanh.

Mọi người vẫn còn nhớ Hiệp định Dầu khí Việt – Xô ký kết năm 1981, lúc đó điều kiện kinh tế Việt Nam còn rất khó khăn, mình với bạn liên doanh đầu tư thăm dò tìm kiếm khai thác dầu mỏ, khi có sản phẩm, lợi nhuận được chia cho các bên theo tỷ lệ góp vốn đầu tư (50/50). Nhưng lợi nhuận lại quy định là 15% trên giá trị sản xuất đó (giá thành sản xuất); còn lại phần Việt Nam được hưởng và bạn không phải nộp thuế. Việc này kéo dài đến tận năm 1990, và chênh lệch giữa giá sản phẩm làm ra với giá bán “theo giá khối CEP” không biết tính thế nào. Vì lúc đó Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Hợp đồng tương trợ kinh tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa (CEP) cũng không còn. Theo kinh nghiệm và thông lệ quốc tế thì các nước khai thác dầu mỏ đều đóng thuế tài nguyên, trong khi cơ chế cũ không thu một xu thuế tài nguyên nào từ Liên doanh dầu khí Việt – Xô. Cứ thăm dò, khai thác hút dầu lên rồi đi bán mà không phải đóng thuế; có nghĩa là sau khi được ăn chia thì phần của Liên Xô được hưởng lại không phải đóng thuế cho nước ta.

Đã đến lúc phải thay đổi! Nhưng thay đổi thế nào? Chị Chọn và các thành viên gồm chị Vũ Thị Bích Ngọc (nay là trưởng ban ở Tập đoàn), anh Nguyễn Văn Minh (hiện là phó tổng giám đốc Tập đoàn) tham gia Tổ tính toán các điều kiện kinh tế để phục vụ cho Đoàn công tác của ta đàm phán với bạn thay đổi một số điều khoản Hiệp định Dầu khí. Cuộc đàm phán thành công, không những điều chỉnh lại được tỷ lệ chia sản phẩm mà còn thu được hai loại thuế lợi tức và thuế tài nguyên.

Kế hoạch là một môn khoa học. Con người hoạt động trong tất cả mọi lĩnh lực đời sống kinh tế xã hội không thể tùy tiện, làm đến đâu hay đến đó mà phải có kế hoạch trước. Người làm kế hoạch luôn có phẩm chất về tầm nhìn xa rộng lớn, khả năng khái quát, bao quát và am hiểu tình hình thực tế sâu sắc. Chị Chọn là một người có những tố chất như vậy, lại được đào tạo ở Liên Xô nên khi đi vào chuyên ngành kế hoạch chị tỏ ra là một người đầy năng lực. Những dự án lớn của Tập đoàn như Nhà máy sản xuất đạm Phú Mỹ, Nhà máy lọc dầu Dung Quất số 1, Khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau v.v…, từ lúc manh nha hình thành ý tưởng dự án, khảo sát địa điểm, lập kế hoạch đến khi tổ chức thực hiện… chị đều tham gia tích cực bằng trình độ chuyên môn, bằng lòng nhiệt tình say mê nhất của mình.

Đặc biệt, năm 2001, chị được Lãnh đạo Tổng công ty khi đó giao cho trực tiếp đàm phán với đối tác về giá trị hợp đồng xây dựng nhà máy Đạm Phú Mỹ. Được sự chỉ đạo của Lãnh đạo, với tinh thần trách nhiệm cao, cùng với những hiểu biết về dự án, chị đã đàm phán với đối tác (nhà thầu Samsung và Technip) và buộc đối tác phải chấp nhận giá hợp đồng thấp hơn giá trị đã được phê duyệt, tiết kiệm cho ngân sách khoảng 300.000 USD (giá trị hợp đồng được HĐQT phê duyệt là 352,1 triệu USD, giá trị ký kết hợp đồng là 351,8 triệu USD). Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã được đưa vào vận hành từ tháng 9/2004 với chất lượng tốt và hiện sản phẩm của nhà máy đang cung cấp được khoảng 30% nhu cầu đạm của cả nước.

Có thể có những ý tưởng, những việc chị đề xuất, nhưng chưa đi vào cuộc sống, chưa biến thành kết quả. Bởi lãnh đạo ở cấp cao hơn có cái nhìn chiến lược rộng lớn bao quát hơn và thấy chưa phù hợp nên chưa quyết. Cũng có thể do điều kiện thực tế của ngành, của đất nước chưa thể thực hiện… thì cũng là những điều bình thường trong cuộc sống. Anh Hà Duy Dĩnh làm Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Công đoàn ngành Dầu khí Việt Nam nhiều năm. Chị không can dự vào công việc của chồng đang đảm nhiệm. Ban ngày hoàn thành chuyên môn ở nhiệm sở, ban đêm chị về nhà là tình cảm vợ chồng con cái gia đình. Đó cũng là một phẩm chất rất đáng quý của chị mà không phải đức phu nhân có chồng quyền cao chức trọng nào cũng làm được.

Theo VietNamNet

DMCA.com Protection Status