Người xông pha "Đất khó"
Lê Đắc Hóa (đứng giữa) kiểm tra công tác tại mỏ Sư Tử Vàng |
Năm 2012, tôi gặp Lê Đắc Hóa lần đầu khi khánh thành Giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm PV Drilling V (giàn V) tại Singapore. Tại buổi lễ, Lê Đắc Hóa được nhận bằng khen của Bộ Công Thương trong cương vị là người giám sát thi công giàn V. Việc Lê Đắc Hóa được lãnh đạo Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) cử làm Giám sát thi công giàn V là một điều chưa từng có; bởi lẽ đây là một giàn tiếp trợ vào loại hiện đại nhất trên thế giới lúc bấy giờ, trên thế giới cũng mới chỉ có 7 chiếc, nay thêm giàn V là thành 8. Tôi cũng được biết, nếu thuê một chuyên gia nước ngoài làm giám sát thì phải trả lương cho họ gần 3.000 USD cho một giờ làm việc. Vậy mà lãnh đạo PV Drilling đã mạnh dạn, quyết đoán giao cho Lê Đắc Hóa giám sát việc thi công của giàn và Hóa đã hoàn thành xuất sắc công việc này, được bằng khen của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Cho đến nay, giàn V đang thực hiện những hợp đồng khoan thăm dò lớn cho nước ngoài.
2 năm sau, khi đến Venezuela, tôi lại gặp Lê Đắc Hóa ở Lô 39 thuộc mỏ Junin 2. Lê Đắc Hóa lúc này đã điều chuyển về Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và làm Phó Tổng Giám đốc PVEP Venezuela.
Tôi vẫn còn giữ những tấm ảnh Lê Đắc Hóa và anh em ngồi trước những ngọn lửa bốc lên từ mặt đất. Dầu khí ở đây nằm ở độ sâu cực nông, cho nên nhiều khi chỉ cần một khe nứt nhỏ là khí đốt đã bay lên và cháy thành ngọn lửa. Những tưởng khai thác dầu ở đây là cực dễ và ngon ăn bởi lẽ đã nhìn thấy dầu khí bằng… mắt. Nhưng rất tiếc là dự án này cho đến nay vẫn chưa thực hiện được, mặc dù đã đổ vào đây hàng trăm triệu USD. Rủi ro đối với nghề dầu khí là thế. Nếu chính trường Venezuela không khủng hoảng và nếu giá dầu không tụt dốc thê thảm thì chưa biết chừng, Junin 2 sẽ là điểm sáng trong đầu tư ra nước ngoài của Petrovietnam. Rủi ro đến với ngành tìm kiếm, thăm dò của dầu khí là không ai đoán lường và dự đoán trước được. Nghề dầu khí là thế, lợi nhuận rất khủng, nhưng kèm theo đó là rủi ro cực lớn.
Tôi cũng chứng kiến cảnh Lê Đắc Hóa cùng anh em ngồi dưới bóng những bụi cây thấp lè tè, ăn vội ăn vàng những suất cơm công trường được nấu theo kiểu cho người Nam Mỹ.
Khi Dự án Junin 2 tạm dừng, đội quân PVEP ở đây được rút về thì Lê Đắc Hóa lại được điều sang làm Trưởng chi nhánh Dự án Peru 67 ở sâu tít trong vùng rừng rậm Amazon.
Khi tôi tới đây, Hóa dạy cho tôi cách bôi thuốc muỗi như thế nào, mà phải bôi ngay lập tức khi vừa ra khỏi máy bay. Muỗi ở rừng Amazon thì thật khủng khiếp! Cái câu “muỗi như trấu ném vào mặt” hoàn toàn đúng ở vùng rừng huyền bí nhất thế giới này. Rồi Hóa cũng dạy cho tôi cách lội bùn và cả cách rửa ủng mỗi khi ra khoan trường về.
Tôi cũng chụp được những bức ảnh Lê Đắc Hóa đi đôi ủng giày cộp, mặc bộ quần áo màu lửa của PVEP, lầm lũi lội bùn đi trong khu vực khoan trường. Và lúc ấy, tôi có cảm giác rằng con người này sinh ra để có mặt ở những nơi khó khăn nhất, phức tạp nhất, gian khổ nhất...
Dự án Peru 67 đang được PVEP và một đối tác khác là Công ty Dầu khí Perenco vận hành “ngon lành”. Sản lượng dầu khai thác được hoàn toàn theo đúng thiết kế và lúc này, chỉ còn chờ mỗi Chính phủ Peru cho làm đường ống dẫn ra cảng… Nhưng đến lúc này, một khó khăn không ai có thể lường trước được đó là việc thổ dân không cho chính phủ làm đường ống dẫn dầu qua khu vực rừng của họ… Xà lan chở dầu khai thác được chạy trên các nhánh sông đổ ra Amazon đi lòng vòng, vất vả vô cùng mà khối lượng mỗi chuyến không được nghìn tấn. Thổ dân thì ngăn chặn xà lan bằng cách chăng dây qua sông, rồi đưa ra các yêu sách này nọ… Chính phủ thì bất lực trước thổ dân, thế là dự án khai thác dầu ở đây không sao phát triển được.
Bẵng đi một thời gian, từ năm 2017, tôi được biết Lê Đắc Hóa đã về Cửu Long JOC và được đề bạt làm Trưởng phòng Điều hành sản xuất của Công ty Liên doanh, rồi có lúc lại được điều đi làm Giám đốc Dự án Lô 01&02 và đến năm 2023 lại quay về Cửu Long JOC và được đề bạt Tổng Giám đốc.
Có cảm giác rằng Lê Đắc Hóa như một “con dao pha”, cứ nơi “đất khó” là lãnh đạo PVEP lại đưa anh về… Và thực sự, Lê Đắc Hóa không phụ lòng tin của lãnh đạo và với anh, việc phải đương đầu với những khó khăn như một lẽ đương nhiên trong cuộc đời mình.
Cửu Long JOC là liên doanh điều hành chung thuộc Lô hợp đồng dầu khí 15-1 trên thềm lục địa Việt Nam, được thành lập năm 1998, bao gồm các bên tham gia: PVEP, Perenco, KNOC, SK và Geopetrol. Kể từ ngày thành lập đến nay, Cửu Long JOC cũng như các bên đầu tư đã phát hiện nhiều cấu tạo tiềm năng, đưa vào khai thác hàng loạt các dự án phát triển mỏ bao gồm Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng.
Cửu Long JOC là nhà khai thác dầu lớn thứ 2 ở Việt Nam chỉ sau Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Đến nay, trải qua 25 năm hoạt động, Cửu Long JOC đã khai thác hơn 400 triệu thùng dầu, doanh thu gần 30 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước hơn 13 tỉ USD và sau hàng chục năm khai thác, sản lượng dầu đã suy giảm rất nhiều nhưng vẫn ở mức 35 nghìn thùng dầu/ngày. Điều đáng nói, Cửu Long JOC có một bộ máy điều hành và số lượng nhân lực cực kỳ tối ưu.
Với 25 năm đồng hành phát triển cùng ngành Dầu khí Việt Nam, Cửu Long JOC đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, tạo nguồn thu ngoại tệ, đặc biệt trong giai đoạn đất nước vừa mở cửa nền kinh tế, còn nhiều khó khăn, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Lê Đắc Hóa và tác giả tại mỏ Junin 2 |
Tôi cũng là nhà báo may mắn được đi cùng Lê Đắc Hóa ra những giàn khai thác mang tên loài thú dữ như Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng…
Cụm mỏ Sư Tử Vàng, Sư Tử Đen, Sư Tử Nâu, Sư Tử Trắng của Cửu Long JOC nằm khá gần đất liền về phía tỉnh Bình Thuận. Từ đây, vào những ngày trời đẹp, có thể nhìn thấy lờ mờ đất liền và vào ban đêm, thấy ánh sáng từ ngọn hải đăng nổi tiếng Kê Gà…
Khi Lê Đắc Hóa được đề bạt Tổng Giám đốc vào cuối năm 2022 thì nói vui như anh em là “những con sư tử bắt đầu… ngủ”. Ấy cũng là lúc các mỏ dầu ở đây vào giai đoạn suy thoái nghiêm trọng.
Sở dĩ có tình trạng này là suốt nhiều năm Cửu Long JOC không có hoạt động khoan hoặc sửa giếng, nhiều hệ thống thiết bị hết hạn tuổi thọ thiết kế 20 năm, các mỏ dầu hầu hết đã ngập nước nghiêm trọng, đặc biệt là 2 giếng kỳ vọng sẽ cho sản lượng ổn định là SDNE-11P và SDNE-1P-ST thì bắt đầu ngập nước nghiêm trọng từ tháng 4-2023, sản lượng giảm 60-70% so với đầu năm; dẫn đến sản lượng khai thác hằng ngày giảm xuống dưới 34 nghìn thùng dầu/ngày.
Bên cạnh đó, một bầu không khí lao động cầm chừng, trông chờ và thậm chí bi quan đã bao trùm đội ngũ lãnh đạo là người nước ngoài trong liên doanh. Sở dĩ có tình trạng này là vì đến năm 2025, hợp đồng liên doanh Cửu Long JOC sẽ hết hạn. Muốn liên doanh tiếp tục hoạt động thì phải có hợp đồng dầu khí mới. Mà để có hợp đồng mới lại phải tiến hành rất nhiều thủ tục, qua nhiều cấp thẩm định xét duyệt và thời gian không phải chỉ tính bằng… tháng. Chính vì lý do này mà các đối tác nước ngoài không mặn mà gì trong việc đầu tư sửa giếng, khoan mới hoặc thay thế các thiết bị đã bắt đầu hư hỏng.
Ngay trong đội ngũ 340 cán bộ, công nhân viên người Việt làm việc tại 11 giàn khai thác, tàu chứa dầu cũng xuất hiện tư tưởng lo lắng cho tương lai của mình… Bởi lẽ, ai cũng biết nếu chấm dứt hợp đồng liên doanh, khu mỏ này sẽ được giao cho PVEP quản lý, vận hành, trong khi chúng ta chưa có cơ chế dành cho các mỏ hết hạn hợp đồng liên doanh. Và thế là anh em sẽ được hưởng đồng lương thấp kém, chế độ lao động cũng khác trước…, tóm lại là thiệt hại đủ đường. Bài học này PVEP đã có và chính Lê Đắc Hóa cũng từng phải trải qua, đó là khi anh được giao chỉ huy vận hành các giàn ở Lô 01&02. Đây là các mỏ của Petronas đầu tư và họ đã hết hợp đồng. Từ khi Việt Nam lấy về, Chính phủ giao cho PVEP vận hành… Không có cơ chế đầu tư mới, không có kinh phí bảo trì, sửa chữa, thế là các giàn khai thác ở đây chỉ sống “thoi thóp”. Sản lượng dầu đang từ 13 nghìn thùng mỗi ngày giảm chỉ còn 6 nghìn thùng.
Đây là thách thức cực kỳ lớn cho Lê Đắc Hóa với hai việc vô cùng quan trọng, đó là: Làm thế nào để nâng sản lượng và xây dựng kế hoạch mới để có hợp đồng dầu khí mới, kéo dài thêm thời gian hoạt động của liên doanh.
Nhận diện được những khó khăn, thách thức đó cho mục tiêu sản lượng của năm 2023, ngay từ giữa năm 2023, Lê Đắc Hóa đã tổ chức hàng loạt các hội thảo với lãnh đạo Petrovietnam và đối tác đề xuất thêm những giải pháp và cách tiếp cận đột phá để ngăn đà suy giảm sản lượng. Bên cạnh những hạng mục công việc có trong chương trình công tác và ngân sách 2023, Lê Đắc Hóa đã đề xuất thực hiện thêm 14 hạng mục công việc mới so với kế hoạch cũ được phê duyệt.
Lê Đắc Hóa cùng đội ngũ lãnh đạo và anh em nỗ lực từng ngày và thực hiện hàng loạt giải pháp, biện pháp kỹ thuật để khôi phục lại sản lượng của các giếng bị suy giảm. Những biện pháp đó, nói ra thì rất “lằng nhằng” mà chỉ có người dầu khí làm nghề khoan, khai thác mới có thể hiểu… Tóm lại là đã thành công, Lê Đắc Hóa cùng các cộng sự đã “đánh thức” những “con Sư Tử đang ngủ” với sản lượng vọt lên 34 nghìn thùng dầu mỗi ngày.
Kết thúc năm 2023, Cửu Long JOC đạt mục tiêu sản lượng xấp xỉ 12,5 triệu thùng dầu, vượt mức kế hoạch nửa triệu thùng, khí khai thác đạt 68 tỉ bộ khối khí, xuất bán xấp xỉ 19 tỉ bộ khối khí. Nếu quy đổi tương đương thì năm 2023, Cửu Long JOC đã khai thác được 15,6 triệu thùng dầu, đạt 108% sản lượng, doanh thu đạt xấp xỉ 1,2 tỉ USD, đặc biệt là nộp ngân sách Nhà nước xấp xỉ 640 triệu USD. Và có một sự “quy đổi” thú vị là mỗi ngày, một lao động ở Cửu Long JOC nộp thuế cho Nhà nước 100 triệu đồng.
Còn việc lớn nữa mà Lê Đắc Hóa đang nỗ lực tiến hành, đó là cùng lãnh đạo PVEP, Petrovietnam xây dựng hợp đồng dầu khí mới. Mọi việc cũng đang tiến hành theo đúng trình tự và hy vọng đón Xuân Giáp Thìn sẽ có tin vui.
Chúc mừng Lê Đắc Hóa và anh em Cửu Long JOC!
Nguyễn Như Phong