Vĩnh biệt Nhà giáo Nhân dân Trương Biên!

10:11 | 17/08/2023

7,889 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nhận tin Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư - Tiến sỹ Trương Biên qua đời vào hồi 10 giờ 25 ngày 16/8/2023, người Dầu khí, đặc biệt là đội ngũ cán bộ kỹ thuật, làm công tác khoa học ngành Dầu khí đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn. Chia buồn sâu sắc cùng gia đình, PetroTimes xin đăng lại bài viết "Người thầy của nhiều cán bộ kỹ thuật ngành Dầu khí" đã đăng ngày 14/12/2015 như một nén tâm nhang vĩnh biệt ông, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư - Tiến sỹ Trương Biên!

Người thầy của nhiều cán bộ kỹ thuật ngành Dầu khí

Năm 2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 34 năm ngày thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do Nhà nước trao tặng. Tại buổi lễ, Lãnh đạo Petrovietnam đã nêu những thành tích nổi bật của ngành Dầu khí, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh thành tích đó có được là do đóng góp của toàn thể cán bộ, công nhân viên trong ngành.

Góp phần vào thành tích này còn có công sức của những người làm công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật cho ngành. Một trong những người đó là Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư - Tiến sỹ Trương Biên, nguyên Trưởng khoa đầu tiên của Khoa Dầu khí, Đại học Mỏ - Địa chất, Chủ tịch Hội Công nghệ Khoan Việt Nam.

Nhà giáo Nhân dân Trương Biên sinh năm 1931 tại Duy Xuyên, Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống hiếu học, cha là thầy giáo. Thời niên thiếu, cậu bé Biên được học hành và giáo dục tốt. Sau Cách mạng tháng 8/1945 cậu tích cực tham gia dạy các lớp bình dân học vụ, làm liên lạc, tự vệ tại địa phương. Khi giặc Pháp quay lại chiếm nước ta một lần nữa, cậu cùng gia đình tản cư. Trong thời gian này, cậu chịu nhiều nỗi đau lớn: mất cha, anh và hai em. Nén đau thương, sau khi đưa mẹ về quê, cậu tham gia công tác tại Ủy Ban kháng chiến Liên khu 5.

Sau 1954, anh thanh niên Trương Biên tập kết ra Bắc, công tác tại Ban Dân tộc Trung ương, học văn hóa ở trường Bổ túc Công Nông. Năm 1956, anh thi vào Đại học Bách Khoa rồi được cử đi học Kỹ thuật Thăm dò Địa chất tại Đại học Thăm dò Matxcơva. Tốt nghiệp năm 1962, anh được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp phân công về Đại học Bách Khoa làm công tác giảng dạy tại khoa Mỏ-Luyện kim.

nha giao nhan dan truong bien nguoi thay cua nhieu can bo ky thuat nganh dau khi
Nhà giáo Nhân dân Trương Biên phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Công nghệ Khoan – Khai thác Việt Nam.

Năm 1966, khoa Mỏ-Địa chất tách ra trở thành Đại học Mỏ-Địa chất. Từ đó, Thầy Biên gắn bó suốt cuộc đời còn lại với trường này. Trong hơn 40 năm giảng dạy, nghiên cứu, thầy trải qua các cương vị Tổ trưởng Bộ môn khoan (thăm dò, khai thác), Phó Chủ nhiệm khoa Địa chất Công Trình, Chủ nhiệm khoa Địa chất Công trình, Chủ nhiệm khoa Dầu Khí.

Trong quãng thời gian đó, trừ những năm làm Nghiên cứu sinh tại Liên Xô 1969-1972 (giai đoạn này Việt Nam có 2 PTS ngành khoan là Trương Biên và Nguyễn Phả, Tổng Cục Địa Chất), thầy tập trung vào công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ở thầy, vai trò nhà giáo và nhà khoa học hòa quyện vào nhau. Nghiên cứu tốt để giảng dạy và đào tạo tốt. Đào tạo tốt trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học. Những đề tài nghiên cứu khoa học của thầy có được ứng dụng có hiệu quả trong thực tế sản xuất. Có thể liệt kê các công trình sau đây: Nghiên cứu chế tạo lưỡi khoan bằng hợp kim cứng (cùng với Nhà máy gang thép Thái Nguyên); Nghiên cứu chế tạo dung dịch khoan nhũ tương, sử dụng cho công tác khoan thăm dò và khoan sâu ở thềm lục địa Việt Nam; Nghiên cứu vật liệu barit, dolomite làm phụ gia cho dung dịch khoan, vv.

Thầy là Chủ biên Giáo trình Khoan thăm dò và Khoan khai thác Dầu khí, tác giả Từ điển Dầu khí Anh-Việt, Từ điển Địa Chất Nga - Việt, Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam. Ngoài ra thầy còn là tác giả gần hai mươi bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.

nha giao nhan dan truong bien nguoi thay cua nhieu can bo ky thuat nganh dau khi

Nhà giáo Nhân dân Trương Biên – Chủ tịch Trung ương Hội khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Công nghệ Khoan khai thác Việt Nam, tháng 10/2015.

Năm 1980 thầy được Nhà nước ta phong chức danh Phó Giáo sư. Năm 1994 được phong tặng Nhà giáo Ưu tú; năm 2008 được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (Thầy là một trong bốn nhà giáo của Đại Học Mỏ Địa chất được phong Nhà giáo Nhân dân đợt đầu tiên: Thầy Đặng Xuân Đỉnh, nguyên Hiệu trưởng, GS. TS Trần Văn Huỳnh, Hiệu trưởng, PGS. TS Võ Năng Lạc, nguyên Hiệu trưởng và PGS. TS. Trương Biên, nguyên Giảng viên cao cấp, nguyên Chủ Nhiệm khoa Dầu Khí).

Ngoài ra thầy còn được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương Vì nghiệp Địa chất, huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Lao động hạng III và nhiều danh hiệu cao quý khác. Thầy cũng là một trong các nhà khoa học được lưu giữ lý lịch, tư liệu các công trình khoa học tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Thầy đã góp phần cùng với nhà trường đào tạo gần 60 khoá đại học, Thạc sỹ, Tiến sĩ với hơn 50.000 kỹ sư theo 41 chuyên ngành khác nhau của các lĩnh vực Mỏ, Địa chất, Dầu khí, Trắc địa - Bản đồ, Kinh tế Mỏ, Cơ-Điện, Xây dựng và Môi trường, trong đó có hàng trăm kỹ sư cho nước bạn Lào, hàng ngàn học viên Cao học, hàng trăm nghiên cứu sinh Tiến sĩ (trong đó thầy trực tiếp hướng dẫn 10 nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành thăm dò khoáng sản).

nha giao nhan dan truong bien nguoi thay cua nhieu can bo ky thuat nganh dau khi
Cán bộ giảng dạy và sinh viên khoa Dầu khí-Đại học Mỏ Địa chất chúc mừng Nhà giáo Nhân dân Trương Biên ngày 20/11/2015.

Chúng tôi đặc biệt nhớ kỳ học của năm 1978, do thiếu thốn lương thực, sinh viên một số trường Đại học trên địa bàn Bắc Thái phải tạm nghỉ một thời gian, riêng Trường Đại học Mỏ Địa chất vẫn duy trì học tập nhưng sinh viên phải ăn sắn luộc hoặc hạt mì luộc ngày 2 bữa. Lãnh đạo nhà trường đã phân công các Chủ nhiệm khoa xuống tập hợp sinh viên để quán triệt tư tưởng và động viên.

Sinh viên khoa Dầu khí chúng tôi còn nhớ rõ lời tâm tình của Thầy: “Các em cố gắng khắc phục phó khăn, chịu đựng gian khổ, sau này Mỹ bỏ cấm vận, kinh tế đỡ khó khăn hơn. Các em tốt nghiệp, phục vụ cho ngành, chúng ta sẽ tìm ra dầu, dầu khí phát triển, đem lại nguồn thu cho đất nước. Khi đó chẳng những kinh tế đất phát triển mà đời sống anh em làm dầu khí nói riêng cũng khá hơn, người làm dầu khí cũng có vai trò, vị thế như người làm dầu khí của các công ty của Mỹ, Pháp, Ý, vv...”.

Sinh viên của khoa được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các thầy và đặc biệt là của thầy chủ nhiệm khoa, người thầy vừa làm công tác quản lý vừa trực tiếp giảng dạy. Trong quá trình học tập, do sức học và điều kiện hoàn cảnh cá nhân, một số sinh viên rơi rụng dần. Đến kỳ làm đồ án tốt nghiệp, có mấy sinh viên do học hành căng thẳng nên rất lo lắng. Chúng tôi đặc biệt nhớ trường hợp của anh X., do quá căng thẳng, sức khỏe yếu, anh đã có ý định xin không làm đồ án tốt nghiệp. Các thầy trong bộ môn (thầy Lâm, thầy Lân, thầy Lai, thầy Dân, thầy Bản) và đích thân thầy Chủ nhiệm khoa xuống ký túc xá động viên và cùng các sinh viên khác giúp đỡ anh X. và anh X đã bảo vệ thành công luận án. (Sau đó anh X. được phân công về công tác tại Công ty Dầu khí I và sau này về Xí nghiệp Liên Doanh Dầu khí Việt Xô, anh đã trưởng thành và là cán bộ có chuyên môn vững. Trong dịp lớp Khoan khai thác K22 tổ chức buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày ra trường tại thành phố Vũng Tàu, anh X. nhắc lại kỷ niệm này và tỏ lòng tri ân sâu sắc tới Thầy Biên và các Thầy trong bộ môn Khoan).

Một kỷ niệm nữa chúng tôi nhớ về Thầy, đó là năm 1981, chúng tôi đi thực tập sản xuất/tốt nghiệp ở Công ty Dầu khí I (Chợ Đậu, Thị xã Thái Bình và các tháp khoan ở Tiền Hải). Khi Thầy Biên xuống kiểm tra công tác thực tập của thầy trò chúng tôi, chúng tôi kể cho thầy nghe tình hình thực tập: hàng ngày theo xe ra tháp khoan, trợ giúp thợ phụ tháo lắp cần khoan hoặc phục vụ công tác bơm trám xi măng, hoặc theo dõi mẫu. Công việc thì tương đối nặng, ăn uống thì không đủ chất, thậm chí là đói. Chúng tôi tỏ ý chán nản về tương lai. Thầy nghỉ cùng nhà khách với chúng tôi, ăn cơm tập thể cùng. Thầy kể cho chúng tôi về cuộc sống của kỹ sư/công nhân dầu khí ở Liên Xô, động viên chúng tôi về một tương lai tươi sáng khi ngành dầu khí của Việt Nam phát triển (giai đoạn đó chúng ta chưa tìm ra dầu, chỉ mới tìm ra khí ở Tiền Hải). Sau này khi ngành dầu khí tìm ra dầu ở Bể Cửu Long và các bể khác, ngành dầu khí phát triển, trình độ và đời sống cán bộ dầu khí được nâng cao, chúng tôi càng thấy thấm thía lời động viên của Thầy.

nha giao nhan dan truong bien nguoi thay cua nhieu can bo ky thuat nganh dau khi

Nhà giáo Nhân dân Trương Biên chúc mừng con trai bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, 10/2015.

Tháng 10/1982 các sinh viên khóa đầu tiên của Khoa Dầu khí tốt nghiệp và được phân công công tác tại các đơn vị của Tổng Cục Dầu khí như Công ty Dầu khí I, Công ty Dầu khí II (tiền thân của Liên Doanh Dầu khí Việt Xô), Viện Dầu khí, vv... Các cựu sinh viên công tác ở các đơn vị khác nhau nhưng vẫn giữ mối liên hệ với các thầy của khoa, khi cần thiết bao giờ cũng nhận được sự giúp đỡ của các thầy. Thầy Trương Biên luôn động viên, khích lệ các học trò của mình không ngừng học tập, nghiên cứu để có kiến thức và trình độ cao hơn. Những năm thôi làm công tác quản lý do tuổi cao, thầy vẫn tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, giảng dạy cho các lớp đào tạo ngắn hạn của Tập đoàn Dầu khí. Ngoài ra Thầy còn tích cực tham gia thành lập và giữ cương vị Chủ tịch Hội Công nghệ Khoan khai thác Việt Nam, Giám đốc Trung Tâm Công nghệ Khoan nhiều khóa. Tại Đại Hội Đại biểu Toàn quốc của Hội tháng 10/2015, thầy được suy tôn làm Chủ tịch Danh dự, Cố vấn Trung ương Hội.

Nhà giáo Nhân dân Trương Biên đã trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ kỹ sư, nghiên cứu sinh chuyên ngành khoan cho ngành Dầu khí. Học trò của thầy (NCS Tiến sĩ, sinh viên cao học và đại học), có nhiều người sau này giữ các trọng trách ở các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Nguyên Chủ tịch HĐQT PVN Phùng Đình Thực (NCS Tiến sĩ); nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Khoan Đỗ Văn Khạnh; Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khoan Trần Văn Hoạt; Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí...

nha giao nhan dan truong bien nguoi thay cua nhieu can bo ky thuat nganh dau khi

Nhà giáo Nhân dân Trương Biên cùng gia đình, bạn bè.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Công nghệ Khoan khai thác nhiều khóa liền, cùng với Ban chấp hành và hội viên , Thầy đã đóng góp công sức cho sự phát triển của Hội. Đoàn kết cá nhân và tổ chức công tác khoa học, kỹ thuật, đào tạo, kinh doanh trong lĩnh vực khoan thăm dò địa chất, khoan khai thác dầu khí, khoan khảo sát địa chất thủy văn-công trình, địa công nghệ, địa kỹ thuật và xử lý nền móng các công trình xây dựng, cầu đường. Khuyến khích và giúp đỡ hội viên nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề, chuyên môn. Tư vấn và phản biện cơ quan nghiên cứu, thiết kế và đào tạo. Đề xuất và kiến nghị biện pháp cụ thể nhằm nâng cao và thúc đẩy ngành kỹ thuật khoan, khai thác phát triển. Hội đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, được Thủ tướng tặng Bằng khen.

Tận tình, “cho” nhiều hơn “nhận” là đặc tính của Thầy. Đã cùng phục vụ sáu đời Hiệu trưởng nhưng ai cũng quý mến thầy bởi thầy chỉ lấy giảng dạy và nghiên cứu làm mục đích. Thầy có phong cách ung dung, không ham muốn quyền hành, địa vị, lấy sự cống hiến cho đời làm trọng. Thầy cũng là người đọc rất nhiều sách. Thầy coi sách là bạn, là thầy, là kiến thức. Đã có tuổi nhưng thầy ham đọc sách, coi đó là nhu cầu như cơm ăn, nước uống hàng ngày, không thể thiếu. Thầy quan niệm chữ “tâm” đáng giá hơn chữ “tài” nhưng chữ “tài” cũng rất quan trọng. Muốn có tài phải thường xuyên học hỏi, bồi bổ kiến thức để phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy. Có thể nói cuộc đời Thầy là cuộc đời của một nhà giáo, nhà nghiên cứu suốt đời làm việc với nỗ lực cao, như lời thầy nói: “Các nguyên tử cacbon, sau một quá trình chịu áp suất và nhiệt độ cực cao thì biến đổi thành kim cương”.

Đối với gia đình, Thầy Biên là người chồng, người cha, người ông mẫu mực. Thầy Biên và vợ thầy (cô Nguyễn Thị Đoan Trang, công tác tại Tổng cục Dầu Khí) vừa tích cực thực hiện công tác giảng dạy, quản lý, vừa làm tròn công việc gia đình (Thầy Cô có 2 con trai, hiện tại đều công tác trong ngành Dầu khí, các anh đều là người có học vấn và chuyên môn tốt, các cháu nội của Thầy Cô đều chăm ngoan, học giỏi).

Chúng tôi yêu mến và kính trọng Thầy, người thầy uyên bác, tận tâm, gần gũi, nhiệt tình với đồng nghiệp và sinh viên!

Dương Hùng Sơn (Viện Dầu khí)

DMCA.com Protection Status