Nhịp đập năng lượng ngày 1/11/2023

20:19 | 01/11/2023

10,076 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ả Rập Xê-út có thể duy trì giá dầu đến châu Á trong tháng 12; Sản lượng dầu của OPEC tăng tháng thứ ba liên tiếp; EU phải viện đến Ukraine để dự trữ khí đốt… là những tin tức nổi bật về năng lượng tế ngày 1/11/2023.
Nhịp đập năng lượng ngày 1/11/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ả Rập Xê-út có thể duy trì giá dầu đến châu Á trong tháng 12

Nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Ả Rập Xê-út có thể gần như giữ nguyên giá dầu thô Arab Light hàng đầu của họ tại thị trường châu Á sau 5 tháng tăng giá, do thị trường này chao đảo vì căng thẳng địa chính trị, gây ra sự bất ổn về nguồn cung và nhu cầu giảm.

Theo 5 người trả lời khảo sát của Reuters, gã khổng lồ dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco có thể ấn định giá bán chính thức (OSP) cho loại dầu thô chua vừa của mình ở mức cao hơn khoảng 4 USD/thùng so với mức trung bình của dầu Oman/Dubai. Một người trả lời cho biết: “Những lo ngại về địa chính trị vẫn còn kéo dài và có nguy cơ thắt chặt nguồn cung. Nhưng vấn đề cấp bách hơn là biên lợi nhuận lọc dầu và nhu cầu dầu đang giảm”.

Giá dầu thô tăng vọt sau cuộc tấn công bất ngờ của nhóm quân sự Palestine Hamas vào Israel ngày 7/10, làm dấy lên lo ngại xung đột có thể leo thang ở Trung Đông và có khả năng làm gián đoạn nguồn cung dầu. Tuy nhiên, đà tăng giá đã giảm bớt do không có nguồn cung nào bị loại khỏi thị trường, và triển vọng tăng trưởng ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, vẫn còn mờ nhạt.

Sản lượng dầu của OPEC tăng tháng thứ ba liên tiếp

Một cuộc khảo sát của Reuters hôm 31/10 cho thấy, sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 10 nhờ sự gia tăng ở Nigeria và Angola và bất chấp việc Ả Rập Xê-út và các thành viên khác của liên minh OPEC+ liên tục cắt giảm sản lượng để hỗ trợ thị trường.

OPEC đã khai thác 27,9 triệu thùng/ngày trong tháng 10, tăng 180.000 thùng/ngày so với tháng 9. Trong tháng 8, sản lượng của OPEC đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 2. Sự gia tăng ổn định này phần lớn được thúc đẩy bởi một số ít nhà khai thác đang cố gắng khắc phục các yếu tố bên trong hoặc bên ngoài đã hạn chế nguồn cung, chẳng hạn như các lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc tình trạng bất ổn.

Sản lượng từ 10 thành viên OPEC tuân theo thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC+ đã tăng 150.000 thùng/ngày. Ả Rập Xê-út và các thành viên vùng Vịnh khác duy trì sự tuân thủ mạnh mẽ với mức cắt giảm đã thỏa thuận và mức giảm tự nguyện bổ sung.

EU phải viện đến Ukraine để dự trữ khí đốt

Financial Times dẫn số liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho thấy, các khu vực dự trữ nhiên liệu của Liên minh châu Âu (EU) hiện đã gần đầy tới 99%, vượt mục tiêu 90% dung lượng lưu trữ của Brussels vào tháng 11.

Trong bối cảnh kho dự trữ khí đốt tự nhiên của EU gần hết công suất, Ukraine đã nổi lên như một giải pháp lưu trữ thay thế bất chấp rủi ro do chiến sự tại đây, một phần vì nước này đã đưa ra các ưu đãi như thuế lưu trữ giá rẻ và miễn thuế hải quan trong 3 năm, cho phép khí đốt dễ dàng được tái nhập khẩu vào EU.

Theo Naftogaz, công ty năng lượng nhà nước Ukraine, các bể chứa ở nước này phần lớn nằm sâu dưới lòng đất ở phía tây nước này, cách xa tiền tuyến và hiện chứa hơn 2 tỷ mét khối khí đốt thuộc về các thực thể EU. Công ty đã cung cấp hơn 10 tỷ mét khối - một phần ba công suất dự trữ quốc gia của Ukraine - cho các đối tác nước ngoài.

Áo vẫn nhập khẩu kỷ lục khí đốt Nga

Theo đài RT, công ty dầu khí Áo OMV tiếp tục đẩy mạnh việc nhập khẩu khí đốt từ Nga theo hợp đồng dài hạn với tập đoàn dầu khí Gazprom. Trong báo cáo công bố ngày 31/10, OMV đã mua trung bình mỗi tháng 5,4 terawatt giờ, tương đương hơn 55 triệu mét khối khí đốt của Nga trong quý III. Mức nhập khẩu này cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

OMV cho biết, việc nhập khẩu khí đốt nằm trong thỏa thuận lâu dài của công ty với Gazprom của Nga. Theo báo cáo, trong quý III/2022, OMV đã nhập khẩu 2,5 terawatt giờ, tương đương hơn 25 triệu mét khối khí đốt từ tập đoàn Gazprom để cung cấp cho Áo và Đức. Trong quý IV/2022, lượng khí đốt nhập khẩu từ Gazprom tăng nhẹ lên 2,8 terawatt (tức 29 triệu mét khối), với phần lớn được OMV cung cấp cho thị trường trong nước.

OMV đáp ứng khoảng 30% nhu cầu khí đốt của Áo. Năm ngoái, tập đoàn này là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đồng ý thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp theo cơ chế thanh toán mới mà Moskva đưa ra và là bắt buộc đối với "các quốc gia không thân thiện" đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga.

Dòng chảy khí đốt từ Nga đến châu Âu có thể giảm một nửa trong năm 2023

Xuất khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống của tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom sang châu Âu đã giảm 2,4% trong tháng 10 so với tháng trước, theo tính toán của Reuters dựa trên khối lượng cung cấp qua Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng lượng xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga sang châu Âu đạt khoảng 23 tỷ mét khối trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, thấp hơn nhiều so với 62 tỷ mét khối ghi nhận trong cả năm 2022.

Theo tính toán của Reuters, nếu nguồn cung vẫn ở mức tương đương trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 12, xuất khẩu của Gazprom sang châu Âu vào năm 2023 sẽ giảm một nửa xuống còn 28-29 tỷ mét khối.

Nhịp đập năng lượng ngày 30/10/2023Nhịp đập năng lượng ngày 30/10/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 31/10/2023Nhịp đập năng lượng ngày 31/10/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status