Nhịp đập năng lượng ngày 31/10/2023

19:56 | 31/10/2023

7,574 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - IEA nhận định cần các chính sách mạnh mẽ hơn để đạt mục tiêu Net Zero; Equinor tiếp sức giúp Đức thoát phụ thuộc vào khí đốt Nga; Nhật Bản không cần tiết kiệm điện trong mùa đông này… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 31/10/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

IEA nhận định cần các chính sách mạnh mẽ hơn để đạt mục tiêu Net Zero

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới năm 2023. Nhu cầu năng lượng toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 7% đến năm 2030 theo kịch bản chính sách đã nêu, nhu cầu sẽ chuyển sang năng lượng tái tạo và hạt nhân. Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ chiếm hơn 70% nguồn cung - giảm từ mức xấp xỉ 82% vào năm 2022.

Đáng chú ý, theo IEA, là nhu cầu nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt mức cao nhất trong thập niên này. Tuy nhiên, IEA cũng lưu ý rằng than là nhiên liệu hóa thạch duy nhất được dự đoán sẽ giảm trong thập kỷ tới. Tiêu thụ than toàn cầu được dự đoán sẽ giảm 13,5% vào năm 2030, nhưng tiêu thụ khí đốt tự nhiên và dầu đều được dự báo sẽ tăng.

Theo kịch bản Net Zero đầy tham vọng, năng lượng tái tạo sẽ tăng hơn 60% sản lượng vào năm 2050. Báo cáo kết luận rằng, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn để đạt mức phát thải ròng bằng 0, hạn chế lượng khí thải trong thời gian ngắn, đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng an toàn và cung cấp điện cho tất cả mọi người. Hành động kịp thời trong thập kỷ này là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu về khí hậu và phát triển.

Equinor tiếp sức giúp Đức thoát phụ thuộc vào khí đốt Nga

Tập đoàn năng lượng RWE của Đức đã đạt được thỏa thuận cung cấp khí đốt trong vòng 5 năm với Equinor để tăng cường nguồn cung nhằm thay thế lượng khí đốt của Nga và củng cố quan hệ đối tác năng lượng với Na Uy, Upstream Online đưa tin.

Theo thỏa thuận mới, Equinor sẽ cung cấp từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm từ nay đến năm 2028, gã khổng lồ năng lượng Na Uy cho biết trong một tuyên bố hôm 30/10. Equinor nói rằng công ty đã bắt đầu giao các đơn hàng của tháng 10, đồng thời nói thêm rằng “hợp đồng được định giá theo điều kiện thị trường” mà không tiết lộ giá trị của thỏa thuận.

Khí đốt sẽ được chuyển đến trung tâm giao dịch ảo THE (Trading Hub Europe) của Đức cho RWE. Giám đốc điều hành RWE Supply & Trading Andree Stracke cho biết khí đốt đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng và an ninh năng lượng. “Thỏa thuận cung cấp khí đốt mới được ký kết bổ sung thêm một mảnh ghép quan trọng cho danh mục khí đốt tự nhiên trên khắp châu Âu của chúng tôi, góp phần đảm bảo an ninh nguồn cung,” ông nói.

Châu Âu lên tiếng về việc Bulgaria tăng phí vận chuyển khí đốt từ Nga

Đại diện Ủy ban châu Âu (EC) Tim McPhie phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 30/10 rằng, chính quyền Bulgaria đã đơn phương quyết định việc tăng phí vận chuyển khí đốt của Nga. Ông nói: “Đây là một biện pháp quốc gia”. Theo ông, biện pháp này không liên quan gì đến lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga.

"Những lệnh trừng phạt liên quan đến năng lượng, bao gồm cả lệnh cấm vận dầu và than, nhưng không có lệnh trừng phạt nào có thể áp dụng đối với nhập khẩu khí đốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh kế hoạch Repower EU hiện nay, chúng tôi vẫn cam kết sẽ giảm nhập khẩu tất cả nhiên liệu hóa thạch của Nga càng sớm càng tốt", vị quan chức EC cho biết.

Ông McPhie nói rằng EC "đã chú ý đến biện pháp được ban hành gần đây của Bulgaria liên quan đến việc nhập khẩu khí đốt của nước này". Ông nói thêm: “Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với Bulgaria và các quốc gia bị ảnh hưởng khác để đánh giá và thảo luận về những tác động có thể có của biện pháp này”. Quan chức EC nhấn mạnh rằng việc sử dụng nguồn thu từ mức thuế mới "thực sự là một dấu chấm hỏi lớn đối với chính quyền Bulgaria".

Argentina có thể cấm xuất khẩu dầu do thiếu hụt trong nước

Argentina có thể cấm các nhà khai thác dầu xuất khẩu bất kỳ loại dầu thô nào ra khỏi đất nước trừ khi họ đảm bảo đủ nguồn cung trong nước trong bối cảnh tình trạng thiếu nhiên liệu kéo dài, Oil Price đưa tin. Lời cảnh báo này đến từ Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa, người cũng đang tranh cử tổng thống.

Tình trạng thiếu nhiên liệu đã gia tăng vào đầu tháng này, khi các phương tiện truyền thông địa phương đối mặt với tình trạng mà tờ Buenos Aires Times cho rằng là do sự thiếu hụt đồng đô la đã khiến chính phủ không thể đảm bảo đủ nhiên liệu nhập khẩu, khiến dân chúng phải xếp hàng dài tại các trạm xăng và một số còn phải đóng cửa do hết nhiên liệu.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời các quan chức chính phủ cho biết tình trạng thiếu hụt sẽ sớm được loại bỏ và 10 chuyến hàng nhiên liệu nhập khẩu sẽ sớm được cập bến. Bộ trưởng Năng lượng nước này nói với truyền thông địa phương rằng việc phân phối nhiên liệu sẽ mất vài ngày nhưng việc này sẽ giải quyết được vấn đề thiếu hụt. Trafigura và Axion Energy thuộc sở hữu nhà nước cũng cho biết trong một tuyên bố chung việc cung cấp nhiên liệu sẽ trở lại bình thường trong những ngày tới.

Nhật Bản không cần tiết kiệm điện trong mùa đông này

Nhật Bản có đủ nguồn điện cho mùa đông và sẽ không cần yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết trong cuộc họp báo hôm 31/10 rằng, tỷ lệ dự trữ năng lượng của đất nước cho thấy nguồn cung điện dư thừa, đủ cho những tháng tới.

Triển vọng nguồn cung trở nên nhẹ nhõm hơn sau khi chính phủ yêu cầu người dân tiết kiệm năng lượng trong mùa hè và mùa đông trước đó. Nhiệt độ khắc nghiệt đã thử thách mạng lưới điện mỏng manh của Nhật Bản, khiến quốc gia này có nguy cơ mất điện luân phiên. Để giảm bớt áp lực trong mùa nhu cầu cao điểm, các nhà máy điện không hoạt động đã được khởi động lại.

Về lâu dài, Nhật Bản sẽ cần giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng để củng cố lưới điện. Ông Nishimura cho biết, đất nước vẫn phụ thuộc nhiều vào các nhà máy điện cũ kỹ. Chính phủ muốn khởi động lại nhiều nhà máy điện hơn - những nhà máy điện đã được cơ quan giám sát hạt nhân quốc gia phê duyệt.

BP chưa từ bỏ khí đốt của Israel bất chấp chiến tranh

Giám đốc điều hành tạm thời của BP Murray Auchincloss cho biết hôm 31/10 rằng BP đang thúc đẩy các kế hoạch thăm dò các mỏ khí đốt của Israel bất chấp cuộc chiến Israel - Hamas đang diễn ra, Montel đưa tin. “Chúng tôi đã ở phía đông Địa Trung Hải trong một thời gian dài [vì vậy] chúng tôi sẽ chờ xem diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào”, ông nói trong trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý III của BP.

Bộ năng lượng của Israel vào cuối tuần đã cấp cho BP, công ty dầu khí Socar thuộc sở hữu nhà nước của Azerbaijan và công ty thăm dò dầu khí NewMed của Israel 6 giấy phép thăm dò khí đốt. Ông Auchincloss nói: “Đây là diện tích thăm dò, vì vậy chúng tôi sẽ phải xem mọi việc diễn ra như thế nào”, đồng thời lưu ý rằng “chúng tôi chỉ hy vọng vào một giải pháp bền vững và hòa bình [cho cuộc xung đột Israel-Hamas]”.

Cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7/10 đã dẫn đến việc đóng cửa mỏ Tamar có công suất 10 tỷ mét khối/năm, một trong hai mỏ khổng lồ cung cấp khí đốt cho Ai Cập. Do sự bất ổn, những người tham gia thị trường đã bày tỏ lo ngại rằng các nhà đầu tư nước ngoài có thể bị cản trở đầu tư vào ngành năng lượng của khu vực. Ông Auchincloss cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa ra cập nhật về thị trường khi thích hợp, nhưng hiện tại không có bản cập nhật mới nào”.

Nhịp đập năng lượng ngày 28/10/2023Nhịp đập năng lượng ngày 28/10/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 30/10/2023Nhịp đập năng lượng ngày 30/10/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status