Nhịp đập năng lượng ngày 29/5/2023

21:12 | 29/05/2023

7,704 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Công khai quy trình các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp; Sản xuất điện của Petrovietnam tăng cao so với cùng kỳ; Giá khí đốt có thể giảm xuống dưới 0 ở châu Âu… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 29/5/2023.
Nhịp đập năng lượng ngày 29/5/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Công khai quy trình các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Các quy trình, thủ tục liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đều đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ban hành công khai, minh bạch và gửi đến các chủ đầu tư. Việc này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện nhanh nhất có thể theo đúng quy định của pháp luật.

EVN cho biết, sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 về quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) đã có các văn bản gửi các chủ đầu tư đề nghị gửi hồ sơ tài liệu để có thông số tính toán, đàm phán giá điện.

Đến cuối ngày 26/5/2023, Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) đã hoàn thành đàm phán ký biên bản và ký tắt hợp đồng PPA với 40/40 chủ đầu tư đề xuất giá tạm 50% khung giá trần. Trong ngày 27/5/2023, EVN đã có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét, thông qua đối với toàn bộ 40/40 chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đề xuất giá tạm. Đến thời điểm hiện tại, đã có 19 dự án (hoặc một phần dự án) đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và ký PPA.

Sản xuất điện của Petrovietnam tăng cao so với cùng kỳ

5 tháng đầu năm 2023, với việc Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức đi vào phát điện thương mại, sản xuất điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tăng cao so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đó, trong tháng 5, Petrovietnam sản xuất 2,77 tỷ kWh, bằng 100% kế hoạch tháng, tăng 7,8% so với tháng 4/2023. Tính chung 5 tháng, toàn Petrovietnam sản xuất 10,03 tỷ kWh điện thương phẩm, vượt 1% kế hoạch 5 tháng, bằng 42,5% kế hoạch năm và tăng trưởng tới 46,6% so với cùng kỳ 2022.

Cùng với sản xuất điện, Petrovietnam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, đảm bảo cung ứng các mặt hàng chiến lược. Cụ thể, khai thác dầu thô 5 tháng qua ước đạt 4,41 triệu tấn, vượt 13,7% kế hoạch và bằng 47,5% kế hoạch năm. Trong đó, khai thác dầu thô trong nước đạt 3,66 triệu tấn, vượt 16,3% kế hoạch 5 tháng, bằng 48,6% kế hoạch năm; khai thác khí ước đạt 3,42 tỷ m3, vượt 21,2% kế hoạch 5 tháng, bằng 57,6% kế hoạch cả năm 2023.

Giá khí đốt có thể giảm xuống dưới 0 ở châu Âu

Sự kết hợp giữa các yếu tố gồm nguồn dự trữ dồi dào từ cuối mùa đông ôn hoà, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ổn định và nhu cầu tiêu thụ yếu đã dẫn đến giá khí đốt tự nhiên tiêu chuẩn của châu Âu giảm 8 tuần liên tiếp - chuỗi giảm hàng tuần dài nhất trong hơn 6 năm.

Mặc dù giá tiêu chuẩn khó thể giảm xuống dưới 0, nhưng giá khí đốt tự nhiên tại một số khu vực ở Liên minh châu Âu (EU) có thể giảm xuống dưới 0 trong thời gian ngắn vào mùa hè này, nếu nhu cầu vẫn yếu và sản lượng điện tái tạo vẫn ở mức cao.

Ông Peder Bjorland, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh và tối ưu hóa khí đốt tại công ty năng lượng khổng lồ Equinor của Na Uy, nhận định với Bloomberg: “Các thị trường khí đốt khu vực riêng lẻ ở châu Âu có thể xuống mức âm nếu nguồn năng lượng sản xuất tái tạo dồi dào”. Ông cho rằng mức giá hiện nay còn cách xa với mức một con số và dưới 0, song nhiều điều có thể xảy ra trên lộ trình này.

IEA nhận định đầu tư sản xuất năng lượng mặt trời sẽ lần đầu tiên vượt dầu mỏ

Báo cáo Đầu tư năng lượng thế giới của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nêu rõ đầu tư hằng năm cho năng lượng tái tạo đã tăng gần 1/4 kể từ năm 2021, trong khi đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch tăng 15%. Khoảng 90% chi tiêu cho năng lượng sạch đến từ các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc.

Tuy nhiên, IEA nhấn mạnh đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch vẫn cao gấp đôi mức giới hạn để đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào giữa thế kỷ này. Giám đốc điều hành (CEO) của IEA, ông Fatih Birol cho biết: “Năng lượng sạch đang phát triển rất nhanh, nhanh hơn nhiều người biết. Mỗi USD đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch thì có 1,7 USD được đầu tư cho năng lượng sạch. Cách đây 5 năm tỷ lệ này là 1:1”.

Dự kiến tổng đầu tư vào năng lượng trên toàn cầu trong năm 2023 là khoảng 2.800 tỷ USD, trong đó hơn 1.700 tỷ USD sẽ dành cho năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, xe điện và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Phần còn lại, khoảng 1.000 tỷ USD, sẽ đầu tư vào dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá.

Năm 2023, chi tiêu cho điện mặt trời dự kiến sẽ đạt hơn 1 tỷ USD/ngày hoặc khoảng 380 tỷ USD/năm. Cũng theo báo cáo của IEA, đầu tư vào nguồn cung nhiên liệu hóa thạch mới sẽ tăng 6% trong năm 2023, lên 950 tỷ USD.

Các nước phương Tây vẫn mua dầu và khí đốt của Nga

Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov mới đây cho biết các quốc gia phương Tây vẫn không ngừng mua năng lượng của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Moskva.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia 1, ông Shulginov xác nhận việc các nước phương Tây đều tìm phương thức “lách luật” để nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Tuy nhiên, ông không nói cụ thể về tuyến đường thay thế được sử dụng để cung cấp năng lượng của Nga cho các khách hàng phương Tây.

Hồi tháng 3, hãng tin Bloomberg cho biết một số quốc gia EU đã tích cực mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, với Tây Ban Nha đứng đầu danh sách vào đầu năm 2023. Theo thống kê, khối lượng nhập khẩu sản phẩm này của Tây Ban Nha từ Nga đã tăng 84% kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Tây Ban Nha cũng là nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Nga từ đầu năm đến nay, tiếp theo là Bỉ và Bulgaria.

Nhịp đập năng lượng ngày 28/5/2023Nhịp đập năng lượng ngày 28/5/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status