Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/4/2023

22:12 | 22/04/2023

5,035 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Doanh nghiệp FDI kiến nghị cho phép các khu công nghiệp lập công ty phân phối năng lượng; Tồn kho LNG toàn cầu tăng do nhu cầu yếu; Anh đứng đầu bảng xếp hạng FDI năng lượng tái tạo toàn cầu… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 22/4/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/4/2023
Lượng khí đốt tự nhiên của thế giới đang nằm trong khoảng 550.000 tấn tính đến ngày 20/4. Ảnh: Storageterminalsmag

Doanh nghiệp FDI kiến nghị cho phép các khu công nghiệp lập công ty phân phối năng lượng

Sáng 22/4 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Một vấn đề các doanh nghiệp FDI rất quan tâm là việc phát triển năng lượng tái tạo nhằm thực hiện lộ trình trung hòa carbon được chính các doanh nghiệp cam kết khi đầu tư vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp FDI cho biết, việc sử dụng năng lượng tái tái tạo trong khu công nghiệp là hết sức cần thiết cho lộ trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, vì vậy cần có những công ty phân phối năng lượng chung cho cả khu công nghiệp. Đồng thời kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các khu công nghiệp triển khai các sáng kiến phát triển năng lượng tái tạo, từng bước thay thế các nguồn năng lượng truyền thống.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài - những người cam kết giảm lượng khí thải carbon và muốn đầu tư để bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, giảm chất thải hoặc xây dựng trung hòa carbon - cũng mong muốn đơn giản hóa các thủ tục hành chính và nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Tồn kho LNG toàn cầu tăng do nhu cầu yếu

Theo Reuters trích dẫn, lượng khí đốt tự nhiên của thế giới đang nằm trong khoảng 550.000 tấn tính đến ngày 20/4. Tồn kho tăng chủ yếu do nhu cầu giảm từ ba nước nhập khẩu khí thiên nhiên được hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Một nhà phân tích của Kpler nói với Reuters: “Hiện có nhiều LNG vẫn đang được thả nổi trên thị trường toàn cầu và sự không chắc chắn trong nhập khẩu của các quốc gia châu Á. Phản ánh nhu cầu yếu ớt từ những người tiêu dùng lớn Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc”.

Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) đã lưu ý trong một báo cáo gần đây rằng nhu cầu LNG của châu Á tiếp tục giảm trong quý đầu tiên của năm do mùa đông ôn hòa và giá cao. Đáng chú ý, ngay cả khi giá giảm rõ rệt, nhu cầu vẫn yếu, IEEFA lưu ý.

Anh đứng đầu bảng xếp hạng FDI năng lượng tái tạo toàn cầu

Bảng xếp hạng Những quốc gia đi đầu trong năng lượng tái tạo toàn cầu của fDi vừa công bố cho thấy Vương quốc Anh là quốc gia thành công nhất trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năng lượng xanh trong năm 2022.

Vào năm 2022, chỉ riêng các dự án điện gió ngoài khơi ở Scotland đã thu hút được số vốn nước ngoài cam kết trị giá 54,8 tỷ USD sau ScotWind, một dự án cho thuê quyền sử dụng biển để phát triển các trang trại điện gió quy mô thương mại. Trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, 10 dự án đã được huy động.

Đứng thứ hai trong Bảng xếp hạng tổng thể là Ai Cập. Hai quốc gia chiếm vị trí thứ ba và thứ tư trong Bảng xếp hạng tổng thể là Australia và Tây Ban Nha với cam kết đầu tư vào hydro xanh khá mạnh mẽ.

Nga và Saudi Arabia thúc đẩy quan hệ đối tác năng lượng

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman ngày 21/4 đã có cuộc điện đàm, thảo luận về quan hệ song phương cũng như thỏa thuận của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nhằm hạn chế sản lượng dầu.

Thông báo của Điện Kremlin nêu rõ hai bên đã chia sẻ sự hài lòng chung về giá dầu, cũng như về mức độ hợp tác giữa hai nước nhằm mang lại sự ổn định cho thị trường dầu mỏ toàn cầu trong một cuộc điện đàm.

Điện Kremlin nhấn mạnh cuộc trao đổi mang tính xây dựng và nhiều thông tin. Hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể và xem xét “triển vọng hợp tác giữa Ả Rập Saudi và nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

Litva thử nghiệm cắt đứt mối liên hệ năng lượng cuối cùng với Nga

Litva (Lithuania) có kế hoạch thử nghiệm lần đầu tiên việc ngắt kết nối lưới điện của mình với Nga để đánh giá khả năng của quốc gia vùng Baltic này trong việc cắt đứt liên kết năng lượng cuối cùng còn lại với Moscow, đồng thời kiểm tra mức độ sẵn sàng của nước này đối với việc chuyển đổi sang lưới điện châu Âu.

Nhà điều hành lưới điện quốc gia Litva Litgrid AB tiến hành thử nghiệm từ 11h sáng đến 9h tối ngày 22/4, giờ địa phương (tức từ 3h chiều ngày 22/4 đến 1h sáng ngày 23/4 giờ Việt Nam). Trong cuộc thử nghiệm, tất cả các kết nối với mạng lưới của Nga sẽ bị ngắt hoàn toàn. Điện trên lưới sẽ chỉ đến từ các nguồn trong nước và nhập khẩu từ Thụy Điển và Ba Lan.

Litva, cùng với Latvia và Estonia, đã cắt giảm phụ thuộc năng lượng vào Moscow bằng cách tìm kiếm các nguồn cung cấp dầu, khí đốt và điện thay thế.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/4/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/4/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status