Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/4/2023

19:35 | 21/04/2023

5,939 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nga có khách hàng tiềm năng mới mua dầu; Hungary và Serbia thương lượng xây dựng đường ống dẫn dầu mới; Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phân phối khí đốt tự nhiên khai thác từ Biển Đen… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 21/4/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/4/2023
Tàu khoan Kanuni của Thổ Nhĩ Kỳ ngoài khơi bờ biển tỉnh Zonguldak, miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AA

Nga có khách hàng tiềm năng mới mua dầu

Pakistan đã đặt đơn hàng dầu thô giảm giá đầu tiên của Nga, theo một thỏa thuận mới được ký kết giữa Islamabad và Moscow. Thỏa thuận này chỉ bao gồm dầu thô với lượng nhập khẩu dự kiến đạt 100.000 thùng/ngày nếu giao dịch đầu tiên diễn ra suôn sẻ. Bộ trưởng Dầu mỏ Pakistan Musadik Malik cho biết thêm rằng, một lô hàng sẽ cập cảng Karachi vào tháng 5 tới.

Dầu thô giảm giá rất cần thiết cho Pakistan, khi quốc gia này đang thiếu tiền mặt và đối mặt với khủng hoảng cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối cực kỳ thấp. Nhập khẩu năng lượng chiếm phần lớn các khoản thanh toán bên ngoài của đất nước.

Dữ liệu từ công ty phân tích Kpler cho thấy, Pakistan đã nhập khẩu 154.000 thùng/ngày vào năm 2022. Hầu hết dầu thô được cung cấp bởi Arab Saudi, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Nếu nguồn cung cấp dầu thô của Nga đạt 100.000 thùng/ngày, có nghĩa lượng dầu thô từ các nhà cung cấp đến từ Trung Đông cho Pakistan sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Hungary và Serbia thương lượng xây dựng đường ống dẫn dầu mới

Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto ngày 20/4 cho biết công ty dầu khí MOL của nước này với công ty vận chuyển dầu Transnafta của Serbia đang tiến hành thương lượng về việc xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu nối ngôi làng Algyo ở miền Nam Hungary với thành phố Novi Sad tại miền Bắc Serbia.

Cũng theo Bộ trưởng Szijjarto, Hungary hiện nhận từ 9-15 triệu m3 khí đốt mỗi ngày qua hệ thống đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (TurkStream) từ Serbia và Serbia cũng có thể bổ sung nguồn khí đốt tương đương với khối lượng khí đốt mà Budapest muốn mua từ Azerbaijan.

Do đó, Hungary quan tâm đến kế hoạch phát triển mạng đường ống nội bộ của Serbia và coi đây là một vấn đề của châu Âu, đồng thời kỳ vọng Liên minh châu Âu (EU) sẽ trở thành nhà tài trợ tài chính cho tiến trình phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực, qua đó cho phép khu vực Trung Âu tiếp cận với các nguồn năng lượng thay thế khác.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phân phối khí đốt tự nhiên khai thác từ Biển Đen

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/4 đã bắt đầu phân phối khí đốt tự nhiên khai thác ở độ sâu 2.200m tại mỏ Sakarya ngoài khơi Biển Đen như một phần trong dự án quan trọng của nước này nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Lượng khí đốt này được vận chuyển qua đường ống ngầm dưới biển dài 170km và qua nhiều trạm nén khí đến cơ sở Filyos mới được xây dựng trên đất liền thuộc tỉnh Zonguldak, miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định đây là “dấu mốc lịch sử hướng tới sự độc lập về năng lượng. Mỏ khí đốt này sẽ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ khi hoạt động hết công suất. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo nước này sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên miễn phí cho các hộ gia đình với khối lượng lên tới 25 m3/tháng trong 1 năm.

Theo Văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, trong giai đoạn đầu, mỏ Sakarya sẽ sản xuất 10 triệu m3 khí đốt tự nhiên/ngày và sẽ tăng lên 40 triệu m3/ngày vào năm 2028 trong giai đoạn 2. Công suất của giai đoạn đầu đáp ứng khoảng 6% mức tiêu thụ khí đốt hằng năm của Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng 60 tỷ m3), qua đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước này.

Gazprom tuyên bố đủ trữ lượng khí đốt cho ít nhất 100 năm

Ông Viktor Zubkov, Chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom, cho hay tập đoàn này đứng đầu thế giới về trữ lượng khí đốt, đủ dùng cho hơn một thế kỷ.

"Vào cuối năm ngoái, trữ lượng khí đốt đã được chứng minh của tập đoàn Gazprom đạt tổng cộng 35.000 tỷ m3. Chúng tôi hiện có trữ lượng khí đốt đủ dùng trong 100 năm tới", ông Zubkov tuyên bố. Trước đó, Gazprom cho hay hoạt động thăm dò địa chất đã bổ sung thêm 529,2 tỷ m3 vào trữ lượng khí đốt của họ trong năm 2022.

Nga là quốc gia sản xuất khí đốt lớn thứ hai thế giới, chiếm 17,4% sản lượng toàn cầu, chỉ sau Mỹ với 23,1%. Tuy nhiên, Nga lại có trữ lượng khí đốt nhiều hơn Mỹ (12.600 tỷ m3 trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được chứng minh tính đến năm 2020).

Châu Phi có thể trở thành nhà cung cấp hydro xanh của châu Âu

Trong bối cảnh châu Phi đang tìm cách đa dạng hóa cơ cấu năng lượng của mình sau khi quyết định giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga, Lục địa Đen có thể trở thành nhà cung cấp hydro xanh chủ chốt cho châu Âu. Đó là nhận định được đưa ra trong một báo cáo vừa công bố của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy).

Theo báo cáo của Rystad Energy, đến nay đã có hơn 52 dự án hydro xanh được công bố ở châu Phi, với tổng sản lượng dự kiến đạt 7,2 triệu tấn vào cuối năm 2035. Hầu hết các dự án này sẽ sản xuất amoniac như một sản phẩm cuối cùng để xuất khẩu sang châu Âu.

Nhà phân tích công nghệ sạch Rajeev Pandey tại Rystad Energy cho rằng, các nước châu Âu đang tìm kiếm quan hệ đối tác ở châu Phi, nhờ nguồn cung đất đai và các nguồn năng lượng tái tạo dồi dào cũng như chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, để trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu hydro xanh, châu Phi cần sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính và công nghệ từ các quốc gia phát triển, nhất là các đối tác đến từ châu Âu.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/4/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/4/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status