Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 23/4/2023

06:47 | 24/04/2023

2,587 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Dự kiến trình Thủ tướng phê chuẩn Quy hoạch điện VIII chậm nhất là trung tuần tháng 5; Nga bỏ hoàn toàn việc sử dụng đồng USD và đồng euro trong giao dịch năng lượng; Đức mở trạm LNG kết nối với đường ống Dòng chảy phương Bắc… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 23/4/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 23/4/2023
Moskva dự định từ bỏ hoàn toàn đồng euro và đồng USD trong giao dịch năng lượng với các đối tác nước ngoài. Ảnh: Reuters

Dự kiến trình Thủ tướng phê chuẩn Quy hoạch điện VIII chậm nhất là trung tuần tháng 5

Tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bản thảo mới nhất Quy hoạch điện VIII đang được Bộ này cùng tư vấn gấp rút hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 5 tới. Sau khi Quy hoạch điện VIII được duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch, đề xuất các chính sách triển khai thí điểm để thực hiện.

“Trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, chúng tôi có ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, cả điện mặt trời, điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, rồi điện sinh khối, cũng như các nguồn điện Việt Nam có lợi thế, thực hiện mục tiêu chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí bằng các hình thức đốt kèm, phát triển các ngành sản xuất mới như là hydro, pin năng lượng sạch. Chúng tôi đang triển khai xây dựng các cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái, cơ chế mua bán điện trực tiếp”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Liên quan đến cơ chế cơ bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến trực tiếp người tiêu dùng thông qua hệ thống truyền tải quốc gia (DPPA), Bộ Công Thương cho hay, quyền mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng lớn và đơn vị phát điện cũng được quy định rất rõ trong Điều 47 của Luật Điện lực. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế này, đang lấy ý kiến thông qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương từ tháng 9/5/2022 và đang tiếp thu để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng kiến nghị các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn chính sách trong phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo nói chung, các cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển thị trường lưu trữ carbon, các cơ chế chính sách khác trong lĩnh vực phát triển công nghiệp nền tảng như cơ khí, chế tạo, chế biến, năng lượng… Đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ hợp tác nghiên cứu để điều chế nguyên liệu mới, vật liệu mới, vật liệu thay thế tại Việt Nam và vận động các quỹ toàn cầu có những khoản tài trợ không hoàn lại hoặc cho vay với lãi suất thấp để thực hiện các mục tiêu trên.

Nhà máy Thủy điện Sơn La đạt sản lượng 100 tỷ kWh

Nhà máy Thủy điện Sơn La lúc 4h15 ngày 21/4 cán mốc sản lượng 100 tỷ kWh phát lên lưới điện quốc gia, góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với 6 tổ máy có tổng công suất đặt 2.400MW và có khả năng vận hành linh hoạt nên ngoài việc cung cấp sản lượng điện lớn lên hệ thống điện, Nhà máy Thủy điện Sơn La còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tần số, điện áp để cân bằng hệ thống điện, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng nhiều như hiện nay. Nhà máy Thủy điện Sơn La cũng đã giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phối hợp với các hồ thủy điện trên lưu vực Sông Đà thực hiện điều tiết hồ chứa, đảm bảo chống lũ cho vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Để đạt được sản lượng trên, trong những năm qua, công ty đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia vận hành an toàn hiệu quả nhà máy, khai thác điều tiết hồ chứa theo đúng quy trình. Đặc biệt, hệ số khả dụng của các tổ máy đạt mức cao nhất trong các nhà máy thủy điện trực thuộc EVN.

Nga bỏ hoàn toàn việc sử dụng đồng USD và đồng euro trong giao dịch năng lượng

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Russia-1 TV hôm 22/4, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này đang chuyển sang sử dụng đồng nội tệ của Nga và đồng nội tệ của các đối tác trong giao dịch năng lượng với nhau. Trong tương lai, Moskva dự định từ bỏ hoàn toàn đồng euro và đồng USD trong giao dịch năng lượng với các đối tác nước ngoài.

Phó Thủ tướng Nga cho biết: “Xu hướng đã thay đổi mạnh mẽ theo hướng giảm sử dụng đồng USD và đồng euro". Phó Thủ tướng Nga nhấn mạnh: "Xem xét các vấn đề hiện tại liên quan tới hai loại tiền tệ này, trong các thanh toán của mình, chúng tôi hầu như chỉ sử dụng đồng nội tệ (của Nga và của đối tác)”. “Các đối tác của chúng tôi ở Trung Quốc đã thanh toán tiền khí đốt cũng như một phần cho dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ. Họ cũng trả bằng đồng rúp”, ông Novak cho biết thêm.

Phó Thủ tướng Nga cam kết Moskva sẽ tiếp tục cải thiện hoạt động thanh toán lẫn nhau bằng cách sử dụng đồng nội tệ của nhau nhằm đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ đối với năng lượng của Nga, đồng thời nhấn mạnh “trong bối cảnh hiện nay, cơ chế thanh toán chỉ có thể được tiến hành thông qua việc sử dụng đồng tiền quốc gia (của Nga và nước đối tác)”.

Đức mở trạm LNG kết nối với đường ống Dòng chảy phương Bắc

Chính phủ liên bang Đức đang có kế hoạch mở một trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) kết nối với cơ sở hạ tầng của đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream). Kế hoạch này đã được thảo luận kín giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck và các quan chức khác vào tối 20/4.

Tại cuộc thảo luận, Bộ trưởng Habeck cho biết, một đường ống kết nối trạm LNG với đất liền sẽ được hòa vào cơ sở hạ tầng đường ống hiện có ở thành phố Lubmin từ mùa Xuân năm 2024. Lubmin là nơi có trạm tiếp nhận của đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) trên đất Đức.

Đại diện của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên BUND của Đức và Tổ chức Hành động vì Môi trường của Đức cũng như người phát ngôn khu nghỉ dưỡng Biển Baltic đã xác nhận những tuyên bố nêu trên của ông Habeck. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Kinh tế liên bang Đức vẫn chưa xác nhận về những bình luận này của ông Habeck, chỉ nhấn mạnh rằng, hiện cả Thủ tướng Scholz và Bộ trưởng Habeck “đều nhấn mạnh tính cấp bách cần phải hành động”.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/4/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/4/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status