Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/9/2022

19:45 | 09/09/2022

4,352 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chủ tịch EC kêu gọi các nước thực hiện phân bổ năng lượng; EU tăng cường mua tất cả dầu của Nga trước khi lệnh cấm có hiệu lực; Czech nhận khí đốt từ Mỹ qua cơ sở ở Hà Lan từ tháng 9… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 9/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/9/2022
Châu Âu đang nhập khẩu hơn 1 triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày. Ảnh: Energyintel

Chủ tịch EC kêu gọi các nước thực hiện phân bổ năng lượng

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã yêu cầu các quốc gia thành viên EU thực hiện các chính sách phân bổ năng lượng “bắt buộc”. Bà kêu gọi khối “san phẳng đường cong” về nhu cầu trong cuộc họp báo hôm 7/8.

Ngoài việc phân bổ nguồn cung hiện có, bà von der Leyen kêu gọi giới hạn lợi nhuận của các công ty năng lượng đang thu lãi kỷ lục do giá thị trường. Số tiền dành ra sẽ được đầu tư vào năng lượng tái tạo, mà bà gọi là “bảo hiểm năng lượng của chúng ta cho tương lai”.

Ngày 9/9, các Bộ trưởng Năng lượng của EU có cuộc họp không chính thức ở Brussels để xem xét đề xuất tất cả các nước thành viên EU giảm tiêu thụ điện 10% và 5% tiếp theo trong giờ cao điểm, cũng như áp giá trần đối với điện ở mức 200 euro mỗi megawatt-giờ cho tất cả các loại điện, ngoại trừ khí đốt.

EU tăng cường mua tất cả dầu của Nga trước khi lệnh cấm có hiệu lực

Theo trang tin Oilprice.com, lệnh cấm vận toàn EU đối với nhập khẩu dầu thô của Nga sắp có hiệu lực, sẽ đóng cửa hầu hết các chuyến hàng từ Nga sang châu Âu. Nhưng hiện tại, châu Âu đang nhập khẩu hơn 1 triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày và đã tăng cường nhập khẩu từ tháng trước.

Theo tính toán của Bloomberg, Nga đang xuất khẩu hơn 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày bằng đường biển, điều đó có nghĩa là châu Âu đang mua 1 phần 3 số này khi vẫn có thể. Điều này có nghĩa là không có gì thay đổi kể từ tháng 6 khi lệnh cấm vận được thông qua và châu Âu sẽ phải tìm nhà cung cấp dầu thay thế vào thời điểm giá có thể cao hơn.

Theo Bloomberg, xuất khẩu dầu từ Nga sang Bắc Âu đã tăng đặc biệt rõ rệt trong tuần đầu tiên của tháng này. Không chỉ có dầu mà châu Âu đang tích trữ. Tất cả nhiên liệu hóa thạch đang có nhu cầu lớn hơn và cấp thiết hơn trên lục địa này so với những năm qua. Tờ Thời báo Tài chính (Anh) gọi đây là “hậu quả không thể tránh khỏi của nhiên liệu hóa thạch thời chiến”.

Hungary phản đối áp giá trần đối với khí đốt Nga

Theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho hay việc áp giá trần đối với khí đốt Nga do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất sẽ khiến Moskva ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu ngay lập tức. Và sáng kiến của EC đi ngược lại với lợi ích của Hungary.

Trước đó, ngày 7/9, trong một cuộc họp báo ở Brussels, người đứng đầu Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết đã đề xuất với Hội đồng Năng lượng của Liên minh châu Âu thiết lập mức giá trần đối với khí đốt Nga.

Theo tờ Politico, EC muốn áp giá trần khí đốt của Nga tại Liên minh châu Âu ở mức 50 euro cho mỗi megawatt-giờ, hoặc khoảng 520 euro (520 USD) cho 1.000 m3 khí đốt.

Đức dự kiến ưu đãi giá điện cho các gia đình và doanh nghiệp

Theo các biện pháp mà Bộ Kinh tế Đức đưa ra, các nhà phân phối điện sẽ buộc phải cấp cho các gia đình một hạn ngạch sử dụng điện nhất định với mức giá ưu đãi trên mỗi kWh, với một mức tương tự cũng dự kiến dành cho các các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tách bạch giữa giá điện với giá khí đốt vốn đã leo thang.

Bộ Kinh tế Đức cũng làm rõ về kế hoạch áp trần giá điện đối với các nhà sản xuất, với sự chênh lệch so với giá thị trường để tài trợ cho các biện pháp hỗ trợ. Các nhà sản xuất điện có lợi khi giá khí đốt cao, yếu tố gián tiếp ảnh hưởng đến giá điện trên sàn giao dịch, dù chi phí sản xuất không thay đổi nhiều.

Cơ chế trên có thể huy động số tiền hàng chục tỷ euro. Đức sẽ kêu gọi thực hiện các biện pháp trên trên toàn Liên minh châu Âu (EU), nhưng sẵn sàng thực thi ở phạm vi quốc gia nếu không đạt được sự đồng thuận đủ nhanh.

Czech nhận khí đốt từ Mỹ qua cơ sở ở Hà Lan từ tháng 9

Ngày 8/9, Czech thông báo, dự kiến, nước này sẽ nhận khí đốt từ Mỹ thông qua cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Hà Lan ngay trong tháng 9. Cùng ngày, Hà Lan đã khánh thành cơ sở LNG tại cảng Eemshaven.

Theo đó, con tàu đầu tiên chở LNG cho CH Czech sẽ xuất phát từ Mỹ tới Hà Lan ngày 19/9. Từ nay đến cuối năm 2022, sẽ có tổng cộng 8 con tàu như vậy cập cảng Eemshaven, mỗi tàu mang theo 100 triệu m3 khí đốt. Ngoài ra, do Czech đã thuê 1/3 công suất cơ sở LNG của Hà Lan, tương đương 3 tỷ m³ khí đốt nên dự kiến sẽ có tất cả 30 tàu chở LNG cho Czech.

Phát biểu tại lễ khánh thành cơ sở LNG Eemshaven của Hà Lan, Thủ tướng Czech Petr Fiala cho biết, chính phủ Czech đang thực hiện các bước đi nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, trong đó có nỗ lực lấp đầy các kho dự trữ hiện ở mức 84%. Czech cũng đang đàm phán thuê các cơ sở LNG khác ở Đức và Ba Lan.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status