Những "từ mẫu" trên giàn khoan

07:38 | 29/01/2020

1,222 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Xưa nay khi nói về y đức, người ta hay trích dẫn câu “Lương y như từ mẫu”, câu này đặc biệt chính xác với hình ảnh của những người bác sĩ làm việc trên những công trình dầu khí biển, điển hình là đội ngũ bác sĩ ở Khoa Y tế biển thuộc Trung tâm Y tế của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

Để chăm lo sức khỏe cho CBCNV làm việc trên biển, cả trên giàn và trên tàu, có một nguyên tắc bất di bất dịch là lúc nào cũng phải có một bác sĩ.

nhung tu mau tren gian khoan
Diễn tập ứng cứu, cấp cứu trên biển

Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Tô Đình Tú, Phó trưởng khoa Y tế biển thuộc Trung tâm Y tế của Vietsovpetro cho biết, trên các công trình biển, những bác sĩ không chỉ khám, chữa bệnh đơn thuần mà quan trọng hơn, họ còn là một chỗ dựa tinh thần, là “liều thuốc tâm lý” cho các cán bộ, kỹ sư, công nhân. Hãy thử tưởng tượng, trong một môi trường bốn bề là biển cả mênh mông, nếu một cá nhân gặp trục trặc về sức khỏe mà không có bác sĩ thì mọi người sẽ hoang mang như thế nào?...

Trên giàn ngoài khơi, bác sĩ phải là người có kiến thức tổng hợp, phải là một bác sĩ đa khoa, bởi họ sẽ phải làm việc độc lập mà không hề có ê-kíp hỗ trợ. Bác sĩ đa khoa cũng chính là một trong những quy định bắt buộc đối với bác sĩ đi giàn. Ngoài chứng chỉ hành nghề y, bác sĩ còn phải có đầy đủ các chứng chỉ của một người đi biển thực thụ, đặc biệt là chứng chỉ an toàn trên công trình biển vốn được kiểm soát rất gắt gao.

Trên giàn, bác sĩ cùng mọi người sinh hoạt, gắn bó như một gia đình thật sự. Trong không gian đặc biệt ấy, sự gắn kết giữa họ càng trở nên khăng khít hơn. Song, dẫu có thân thiết đến mấy thì bác sĩ cũng phải giữ đúng nguyên tắc, tức là ai bị bệnh thì phải báo là bệnh thật và điều trị, tuyệt đối không được giấu bệnh để tiếp tục làm việc, bởi rất dễ gây ra nguy hiểm trong công việc, cho người xung quanh.

Bác sĩ Tú cho biết, bệnh tật của CBCNV trên giàn thường đột ngột, đó có thể là những tai nạn nhỏ gây xây xát ngoài da, có thể là vấn đề về tiêu hóa, huyết áp... Song đôi khi bác sĩ cũng gặp những trường hợp đã ủ bệnh từ đất liền, khi ra đến giàn mới phát bệnh. Như trong năm vừa rồi, Khoa Y tế biển của Trung tâm Y tế Vietsovpetro ghi nhận một số người lao động trên giàn mắc bệnh sốt xuất huyết phải đưa về bờ điều trị.

2. Hiện nay, trên các giàn của Vietsovpetro đều có phòng y tế được trang bị giường bệnh, máy đo điện tim, máy đo đường huyết, bình oxy, dụng cụ khí dung... như một trạm y tế trên bờ, thế nhưng thiết bị máy móc xét nghiệm chuyên sâu thì không thể trang bị được. Thay vào đó, bác sĩ sẽ là những “cỗ máy xét nghiệm tối tân nhất” bằng chính kiến lâm sàng rất vững chắc của mình. Nghĩa là, chỉ qua những thăm khám thông thường bằng mắt, ống nghe y tế, rồi bằng kinh nghiệm và kiến thức, bác sĩ sẽ đưa ra những chẩn đoán ban đầu để kịp thời có hướng xử lý thích hợp nhất. Bởi ở giữa biển khơi, chỉ cần chẩn đoán sai hay xử lý chậm thì hậu quả sẽ rất nặng nề.

nhung tu mau tren gian khoan
Những

Chẳng hạn, nếu như một trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe, rất cần hoặc chưa cần cấp cứu đưa về bờ lập tức, mà bác sĩ đưa ra chẩn đoán, quyết định sai thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu chậm trễ, hoặc sẽ gây lãng phí không cần thiết, bởi một ca cấp cứu bằng trực thăng vô cùng tốn kém, lên đến hàng chục nghìn USD, trong khi đó có thể chờ chuyển bệnh về bằng trực thăng đổi ca thông thường.

Chính vì thế, những bác sĩ đi biển thường dạn dày kinh nghiệm, đặc biệt có 18/43 bác sĩ đi biển của Trung tâm Y tế Vietsovpetro là những bác sĩ đã nghỉ hưu theo chế độ. Họ đa số đã ngoài 60 tuổi nhưng tâm huyết với nghề và đầy đủ sức khỏe, tiếp tục cống hiến trên những công trình biển.

Có một chuyện thú vị, theo bác sĩ Tú chia sẻ, vấn đề sức khỏe của anh em trên giàn tương đối ổn, nhưng vấn đề... tâm lý lại khá đa dạng. Suốt 19 năm làm bác sĩ đi biển, bác sĩ Tú không thể nào nhớ nổi mình đã tư vấn bao nhiêu lần cho anh em. Thường người đi xa hay lo nghĩ nhiều hơn cho người thân ở nhà, đó là tâm lý dễ hiểu. Cũng chính vì thế mà ở nhà ai có người ốm đau, bệnh tật..., anh em trên giàn đều tìm đến bác sĩ để nhờ tư vấn. Người già bệnh theo người già, trẻ em bệnh của trẻ em..., bác sĩ trên giàn phải có hiểu biết tất cả để bất cứ lúc nào anh em cần hỏi thì tư vấn. Thậm chí, bác sĩ Tú còn từng gặp trường hợp nhờ tư vấn về sức khỏe sinh sản, trong khi bác sĩ lại là chuyên khoa mắt. Nhưng, bác sĩ Tú không bó tay mà gọi về đất liền nhờ bác sĩ chuyên khoa sản trợ giúp...

Qua đó mới thấy rằng, bác sĩ trên giàn không chỉ có kinh nghiệm dày dạn mà còn phải có kiến thức phổ quát. Sự tư vấn của bác sĩ cho người thân của anh em trên giàn không chỉ có ý nghĩa trong việc hỗ trợ trị bệnh mà còn là một “liều thuốc tinh thần” giúp ổn định tâm lý cho anh em, một vấn đề đặc biệt quan trọng với người làm việc ngoài biển khơi.

3. Ngoài đối mặt với những áp lực khủng khiếp bên ngoài hằng ngày, bác sĩ trên giàn phải vượt qua áp lực khi đối mặt với chính bản thân mình, nếu không, họ không thể trụ được lâu. Thực tế có nhiều bác sĩ trẻ đi biển đã phải chuyển công tác sau một thời gian ngắn vì không vượt qua nổi những áp lực. Đó là 21 ngày trên biển, là 24/24 giờ luôn trong tâm thế làm việc, những áp lực về mặt chuyên môn..., tất cả là những thử thách bản lĩnh thực sự với một bác sĩ trên giàn. Cho nên, theo bác sĩ Tú, những bác sĩ đi biển thì tâm hồn phải bay bổng, lãng mạn một chút, mới trụ được.

Thật ra, mỗi bác sĩ sẽ có cách của riêng mình để vượt qua áp lực, riêng bác sĩ Tú thì chọn âm nhạc, thể thao. Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Tú mở điện thoại ra khoe một danh sách các bài hát mang theo. Đó là những khúc ca hào hùng khí thế như: “Hành khúc ngày và đêm”, “Nối vòng tay lớn”... hay những ca khúc ngọt ngào, da diết về Hà Nội như “Hoa sữa”... Thế nên, trong hành trang mỗi ca đi biển của vị bác sĩ này không bao giờ thiếu một món đồ, đó là chiếc loa nghe nhạc.

Rồi ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng là bác sĩ Tú thức dậy để tập thể dục. Điều đó không chỉ bảo đảm sức khỏe cho bản thân mà còn tạo nên một tấm gương tích cực trong sinh hoạt cho anh em trên giàn. “Một bác sĩ mà tâm trạng ủ dột, sức khỏe kém, lười thể thao thì còn tư vấn và thăm khám cho ai?”, bác sĩ Tú nói.

Bác sĩ trên biển là vậy, họ tự mang trên mình một trọng trách là tấm gương, là liều thuốc tinh thần cho mọi người. Xưa nay, người đời hay nói về nghề y rằng “Lương y như từ mẫu”, điều đó thật chính xác đối với những bác sĩ trên giàn khoan dầu khí ngoài biển khơi.

Hiện ở Vietsovpetro có 23 công trình biển đang hoạt động cần có bác sĩ, nhưng chỉ có 43 bác sĩ đi biển. Chính vì thế, một số bác sĩ phải làm tăng cường trong thời gian nghỉ ca 21 ngày. Thậm chí, trưởng, phó trưởng khoa cũng phải đi ca biển như các bác sĩ khác.

Lê Trúc

DMCA.com Protection Status