Niềm tin của cậu bé tật nguyền đã được thắp sáng

07:00 | 06/01/2013

747 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) – Mang một dáng hình nhỏ bé, một cánh tay không thể cử động và tâm lý mặc cảm đè nặng, thế nhưng Vũ Ngọc Anh (ĐH Điện lực) vẫn cố gắng vượt lên trong học tập và cuộc sống.

Khi cuộc sống chỉ là mặc cảm

Gặp Vũ Ngọc Anh trong buổi lễ tổng kết năm 2012 của Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin, ấn tượng của tôi về em là một cậu bé chỉ lẳng lặng ngồi yên, thi thoảng nhoẻn miệng, trong khi bạn bè xung quanh sôi nổi và ồn ào.

Đến khi tên của em được xướng lên trong lễ sinh nhật chung với các bạn tháng 12, em lê từng bước chậm chạp và khó nhọc, bên cạnh những sải chân mạnh mẽ, vững vàng của những cậu trai khác, chúng tôi chợt thấy lòng se lại.

Em là Vũ Ngọc Anh, quê ở Hà Trung (Thanh Hóa), là tân sinh viên của trường ĐH Điện lực và vừa nhận học bổng toàn phần của Quỹ Thắp Sáng Niềm Tin năm 2012. Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, em lặng im rồi cúi đầu nói, giọng cứ nhỏ dần.

Sinh ra đã mang dị tật bẩm sinh, em không có được dáng hình và sức khỏe như những bạn cùng trang lứa. 18 tuổi – lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, thế nhưng thân hình em nhỏ bé, không cân đối với đôi chân ngắn và một cánh tay không thể cử động. Gia đình có 2 chị em, chị gái của em đang học ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), may mắn hơn vì có một thân thể khỏe mạnh; vì thế, sự mặc cảm của Ngọc Anh lại càng đè nặng.

Vũ Ngọc Anh không giấu được những giọt nước mắt khi kể về hoàn cảnh gia đình.

Em nói, gia đình em chẳng có gì. Bố em trước đây làm ruộng, nhưng đất cằn cỗi quá, làm chẳng đủ ăn nên đành xa gia đình, vào miền Nam xin làm thợ hồ. Quần quật cả năm trời mới dám về nhà vào dịp Tết, có năm không có việc, bố còn không dám về thăm ông bà, vợ con. Còn mẹ em không có công việc ổn định, nghe chị em trong làng mách, đành bỏ lại hai đứa con để đi buôn đồng nát khắp tỉnh Thanh Hóa, kiếm dăm ba đồng gửi về nuôi con ăn học.

Hai chị em Ngọc Anh sống cùng với ông bà nội và một bác gái bị câm điếc bẩm sinh. Ông bà em đã hơn 80 tuổi, đau yếu luôn nên chẳng làm ăn được gì, người bác tật nguyền cứ 3 ngày lại “giở chứng” phá phách, lang thang. Hiện nay cả gia đình em đều chỉ trông vào khoản lương hưu ít ỏi của ông và số tiền trợ cấp khuyết tật 180.000 đồng/tháng của Ngọc Anh.

Bản thân em bị dị tật từ khi mới sinh ra, chạy chữa, thuốc thang đủ kiểu, nhưng chỉ có thể giữ lại được sự sống, chứ không thể cho em một thân thể bình thường. Ngọc Anh chia sẻ: “Em cũng mong muốn mình được bình thường như bao bạn khác. Thế nhưng trời bắt em phải tật nguyền, em không dám oán trách. Em chỉ thương bố mẹ, ông bà phải vì em mà quá vất vả”.

Ở nhiều làng quê, một đứa trẻ không có thân thể bình thường sẽ trở thành mục tiêu cho những đứa trẻ khác châm chọc, thậm chí khích bác và coi thường; và Ngọc Anh cũng không phải ngoại lệ. Từ ngày nhận thức được, em đã bị dèm pha về thân thể và cả những nỗ lực của em. Nhắc tới những ngày thơ ấu, em không giấu được những giọt nước mắt: “Chỉ cần em có chút vượt hơn người khác, lập tức sẽ bị nói xấu, bị nhìn ngó rồi cho rằng, em tật nguyền nên được ưu ái. Bố mẹ đi xa, ông bà già yếu, chị gái cũng ở xa nhà, em không biết trông cậy vào ai, mỗi khi bị trêu chọc chỉ dám cúi gằm mặt xuống và tủi thân thôi”.

Lên 5 tuổi, nhiều người nói với gia đình em đừng cho Ngọc Anh tới trường, vì họ sợ em sẽ làm phiền con cái họ, kéo tụt chất lượng của lớp học. Bỏ ngoài tai những lời dèm pha cay độc, Vũ Ngọc Anh vẫn cần cù học tập để thay đổi cuộc đời. Bàn tay phải không hoạt động được, em đã cố gắng học cách cầm bút, học cách viết nên từng con chữ a, b, c đầy khó nhọc. Nhiều ngày em vừa tập viết, vừa gạt nước mắt vì bị chê bai, dè bỉu.

Phải mất đến 2 – 3 năm, nét chữ mới bắt đầu cứng cáp và em mới có tự tin tới trường học cùng các bạn cùng trang lứa. Càng lên những cấp học cao hơn, những lời dè bỉu, chê bai càng ít dần, nhưng Ngọc Anh vẫn mang tâm lý mặc cảm từ đó.

Ước mơ trở về xây dựng quê nhà

Học hết 3 năm THPT, cũng như nhiều bạn bè, Ngọc Anh cũng mang ước mơ được bước chân vào trường ĐH và trở thành sinh viên để ông bà, cha mẹ bớt lo lắng hơn. Thế nhưng cho tới trước ngày thi, mặc cảm vẫn đè nặng lên em bởi những lời dè bỉu, ngăn cản của những người xung quanh. Ngọc Anh chia sẻ: “Lên Hà Nội để tham dự kỳ thi, em đã khóc suốt đêm trước ngày thi môn đầu tiên vì mặc cảm. Thế nhưng cậu ruột em (người đưa em đi thi – PV) đã động viên em rất nhiều để em có đủ tự tin bước vào phòng thi ĐH”.

Cuối cùng, với 19 điểm thi ĐH, Ngọc Anh đã trở thành tân sinh viên khoa Hệ thống điện, trường ĐH Điện lực. Giấy báo điểm về tới nhà, Ngọc Anh vừa mừng vừa lo. Nhìn ông bà ngày càng già yếu, người bác sức khỏe không bình thường, cha mẹ và chị gái đi xa, em đã cảm thấy vô cùng lo lắng, em sợ rằng ước mơ ĐH sẽ không bao giờ trở thành sự thật. Thế nhưng với sự động viên của gia đình, em đã “đánh liều” đi nhập học ở Hà Nội.

Đúng lúc ấy, Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin đã đến với gia đình em. Mặc dù không đủ điều kiện được làm hồ sơ xin cấp học bổng, nhưng nhiều bạn thấy hoàn cảnh của em khó khăn, nên đã động viên em hoàn thiện hồ sơ và gửi tới Ban lãnh đạo Quỹ để xét duyệt. Ngọc Anh cho biết, khi điền vào hồ sơ, em không có niềm tin và không bao giờ dám nghĩ mình sẽ nhận được học bổng.

Ngọc Anh và các bạn trong cộng đồng Quỹ học bổng TSNT nhận quà từ Ban lãnh đạo.

Và Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin đã đem lại niềm hi vọng cho em, giúp đỡ em trang trải học phí và một phần phí sinh hoạt khi trao cho em học bổng toàn phần, trị giá 10 triệu đồng/ năm. Khi biết tin mình được nhận học bổng, Ngọc Anh đã không thể thốt nên lời, em chỉ biết miêu tả cảm xúc bằng cụm từ “nghẹn ngào và xúc động”. Từ đây, niềm tin của em đã được thắp sáng.

Tham gia cùng cộng đồng Thắp Sáng Niềm Tin của ĐH Quốc gia, Ngọc Anh cho hay, em đã bớt tự ti vì các bạn và các anh chị rất cởi mở, giúp đỡ em rất nhiệt tình trong học tập và trong cuộc sống.

Chia sẻ với chúng tôi về tương lai, em trầm ngâm rồi khẽ khàng: “Em sẽ về Thanh Hóa, ở đó còn ông bà em, bác em và chị gái còn đang học tập. Em không có ước mơ giàu sang, chỉ dám mong mình khỏe mạnh để có được công việc ổn định để bố mẹ không phải đi xa vất vả, và cũng để báo đáp tình thương yêu mà các anh chị trong Ban lãnh đạo Quỹ học bổng dành cho em”.

Con đường sắp tới của em còn rất dài và còn nhiều gian khó. Thế nhưng chúng tôi vẫn tin rằng em có đủ mạnh mẽ để vượt qua, bởi từ hôm nay, em không chỉ có một mình mà còn cả Đại gia đình Thắp Sáng Niềm Tin luôn sát cánh và nâng bước em đi đến thành công. 

Vương Tâm

DMCA.com Protection Status