Petrovietnam sẽ là "một doanh nghiệp đầu đàn", dẫn dắt trong lĩnh vực năng lượng

19:03 | 02/11/2022

31,824 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 2/11, đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thứ trưởng Trần Duy Đông dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) về xây dựng chính sách cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn.

Tham dự buổi làm việc có đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía Petrovietnam có ông Nguyễn Văn Mậu, Thành viên HĐTV; đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn, đại diện các đơn vị thành viên gồm: PVEP, BSR, PV Power và PTSC.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Kinh tế Đầu tư Petrovietnam đã báo cáo với Thứ trưởng Trần Duy Đông và đoàn công tác về mô hình hoạt động, tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Petrovietnam hiện tại hoạt động trong 5 lĩnh vực chính với lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Tập đoàn hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty con gồm: Công ty Mẹ, 27 công ty con, công ty liên kết và 3 đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo. Tính đến tháng 6/2022, tổng tài sản của Petrovietnam đạt 960,2 nghìn tỷ đồng với gần 60 nghìn người lao động.

Petrovietnam sẽ là
Đại diện Ban Kinh tế Đầu tư báo cáo tổng quan về Petrovietnam

Trong những năm qua, Petrovietnam luôn tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Tập đoàn luôn chủ động tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng và Chính phủ đối phó với những biến động phức tạp của nền kinh tế đất nước. Các sản phẩm chủ yếu của Tập đoàn như dầu thô, xăng dầu, đạm, điện, khí, LPG... đã và đang góp phần tích cực chủ động bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, Petrovietnam còn là doanh nghiệp tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

9 tháng đầu năm 2022, Petrovietnam khai thác dầu thô đạt 8,15 triệu tấn, vượt 23% kế hoạch (KH) 9 tháng và bằng 93% KH năm 2022; bằng mức thực hiện cùng kỳ năm 2021. Sản xuất đạm 9 tháng, vượt 9% KH 9 tháng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Sản xuất xăng dầu (không gồm Cty Lọc hóa dầu Nghi Sơn) 9 tháng đạt 5,16 triệu tấn, vượt 9% KH 9 tháng và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Sản xuất khí, điện và các sản phẩm khác đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường.

Petrovietnam sẽ là
Toàn cảnh buổi làm việc

Cùng với nỗ lực trong sản xuất, các chỉ tiêu tài chính của Petrovietnam hoàn thành vượt mức cao so với KH. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 698,3 nghìn tỉ đồng, vượt 25% KH cả năm và tăng 56% so với cùng kỳ 2021. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 102,9 nghìn tỉ đồng, vượt 59% KH năm 2022 và tăng 51% so với cùng kỳ 2021. Đến hết 9 tháng đầu năm, Petrovietnam đã hoàn thành vượt mức, về đích trước 4 chỉ tiêu: Doanh thu toàn Tập đoàn, Doanh thu hợp nhất, Lợi nhuận trước thuế hợp nhất và nộp ngân sách nhà nước.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện Petrovietnam cùng các đơn vị thành viên đã trao đổi, đóng góp ý kiến về dự thảo tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới.

Petrovietnam sẽ là
Các điểm cầu trực tuyến

Cơ bản các ý kiến của Petrovietnam đều thống nhất với các ý kiến trong dự thảo. Căn cứ theo tình hình SXKD thực tế, Petrovietnam đề nghị giữ nguyên cơ chế thực hiện giao kế hoạch mục tiêu SXKD như các quy định hiện hành. Petrovietnam cũng đề xuất hiệu chỉnh một số nội dung về cơ chế, chính sách trong Đề án, trong đó kiến nghị nên phân cấp cho HĐTV/Chủ tịch công ty Tập đoàn kinh tế/Tổng Công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được chủ động quyết định thời điểm và tỷ lệ thoái vốn trong doanh nghiệp thành viên để tạo sự chủ động cho doanh nghiệp phù hợp.

Liên quan đến chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, Petrovietnam kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thuận và có ý kiến lên các cấp cho phép Tập đoàn triển khai, tham gia đầu tư các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi để tận dụng thế mạnh về nguồn lực cũng như cơ sở hạ tầng hiện có, góp phần đáp ứng mục tiêu, cam kết tại Hội nghị COP26 cùng một số vấn đề khác. Bên cạnh đó, đại diện các đơn vị PVEP, BSR, PV Power, PTSC đã có những kiến nghị cụ thể về các vấn đề liên quan đến tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này có thể triển khai hoạt động, tham gia đầu tư các dự án quan trọng trong thời gian tới.

Petrovietnam sẽ là
Thành viên HĐTV Petrovietnam Nguyễn Văn Mậu phát biểu tại buổi làm việc

Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Thành viên HĐTV Petrovietnam Nguyễn Văn Mậu thống nhất với các ý kiến, nội dung trong Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như giải trình làm rõ các ý kiến đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn và các đơn vị.

Lãnh đạo Tập đoàn mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực phối hợp, hỗ trợ tháo gỡ các cơ chế, chính sách còn vướng mắc, tạo điều kiện để Petrovietnam cùng các doanh nghiệp thành viên tiếp tục hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực hơn nữa cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Petrovietnam sẽ là
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông ghi nhận những đóng góp của Petrovietnam về các nội dung lấy ý kiến. Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, Petrovietnam là Tập đoàn kinh tế lớn nhất trong số những DNNN, giữ vai trò, vị trí chủ lực trong nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực cũng như an ninh quốc phòng. Với những đóng góp lớn của mình, trong Dự thảo Đề án phát triển DNNN quy mô lớn nhận định Petrovietnam sẽ là một "doanh nghiệp đầu đàn" phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, đặc biệt giữ vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng.

Ghi nhận các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị Petrovietnam tiếp tục tích cực phối hợp, cung cấp thông tin tới các đơn vị của Bộ, giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tổng hợp tình hình thực tiễn, từ đó có tham mưu tới Quốc hội, Chính phủ để xây dựng chính sách phù hợp cho DNNN quy mô lớn, tạo cơ chế đặc thù để các Tập đoàn/Tổng Công ty lớn có điều kiện phát triển, được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Petrovietnam tiếp tục khẳng định vị trí doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022Petrovietnam tiếp tục khẳng định vị trí doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022
Petrovietnam hướng đến làm chủ công nghệ năng lượng tái tạo ngoài khơiPetrovietnam hướng đến làm chủ công nghệ năng lượng tái tạo ngoài khơi
Petrovietnam tham gia vào việc bình ổn thị trường xăng dầu thế nào?Petrovietnam tham gia vào việc bình ổn thị trường xăng dầu thế nào?
Doanh nghiệp nhà nước luôn đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắtDoanh nghiệp nhà nước luôn đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt
Các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban đạt doanh thu gần 900 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu nămCác Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban đạt doanh thu gần 900 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
Phát huy tối đa vai trò, nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của PetrovietnamPhát huy tối đa vai trò, nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của Petrovietnam
Cần tập trung tháo gỡ thể chế, cơ chế chính sách để DNNN phát triểnCần tập trung tháo gỡ thể chế, cơ chế chính sách để DNNN phát triển
Tăng đầu tư, tăng đổi mới… để DNNN thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắtTăng đầu tư, tăng đổi mới… để DNNN thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt

H.A

DMCA.com Protection Status