PV Power ước đạt 25.175 tỷ đồng doanh thu và 1.917 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021

17:21 | 28/12/2021

10,898 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong những ngày cuối năm 2021, cổ phiếu POW được xem là điểm sáng của thị trường chứng khoán khi liên tục bứt phá lên mốc 19.500 đồng/cổ phiếu.

Vừa qua, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã chứng khoán: POW) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Analyst Meeting – POW hướng tới 2022”, thu hút sự tham gia của hơn 120 khách mời là các chuyên viên phân tích, chuyên viên tư vấn đến từ các công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Thi – Trưởng Ban Kinh tế kế hoạch của PV Power đã có những chia sẻ thông tin về ước kết quả thực hiện năm 2021, kế hoạch kinh doanh năm 2022 của toàn Tổng công ty, cũng như một số thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của các Nhà máy điện.

Theo đó, triển khai kế hoạch kinh doanh 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cùng với sự giảm sút về sản lượng huy động điện, doanh thu và lợi nhuận ròng của PV Power ước đạt lần lượt 25.175 tỷ đồng và 1.917 tỷ đồng, tương đương 88,6% và 144,7% kế hoạch năm. Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2021 chịu nhiều tác động bởi các yếu tố không thuận lợi nhưng lợi nhuận của PV Power vẫn vượt kế hoạch.

Hội thảo trực tuyến “Analyst Meeting – POW hướng tới 2022”
Hội thảo trực tuyến “Analyst Meeting – POW hướng tới 2022”

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc PV Power chia sẻ, đây mới là con số ước tính tính đến 21/12, trong thời gian gần 10 ngày trước khi kết thúc năm tài chính 2021, con số có thể thay đổi theo hướng tăng thêm.

Thông tin cho biết, công tác thu hồi các khoản công nợ của PV Power đang tiếp tục được đẩy mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, khoản nợ phí công suất từ tháng 02/2018 của Nhà máy điện Cà Mau đã được EVN/EPTC trả hết. Ngoài ra, tính đến nay EVN/EPTC tiếp tục trả tiền điện đến tháng 7/2021 và giữ lại khoản phí công suất Nhà máy điện Cà Mau với số tiền là hơn 60 tỷ đồng.

PV Power và EVN đã ký kết Hợp đồng mua bán điện của Nhà máy điện Cà Mau 1&2 tham gia thị trường điện. Giá điện chuyển đổi được đàm phán trên cơ sở chuyển ngang các thành phần tính giá điện đã được hai bên ký kết trong PPA ký năm 2008, cụ thể chuyển đổi đơn giá từ giá 2 thành phần (USD/kW.tháng và VNĐ/kWh) sang giá điện 1 thành phần (Đồng/kWh). Theo PPA mới, Cà Mau sẽ chủ động và linh hoạt hơn trong việc phát điện theo bảng giá chào.

Với cơ chế một phần giá khí cố định, và chi phí khấu hao thiết bị đã hết sẽ giúp Cà Mau 1&2 linh hoạt chào giá hấp dẫn hơn trên thị trường điện so với các nhà máy điện khí khác phải sử dụng nguồn khí giá cao hơn.

Đối với dự án Nhơn Trạch 3&4, PV Power cho biết gói thầu EPC sẽ được chốt trong tháng 1/2022, và dự kiến khởi công trong quý 1/2022. Dự án Nhơn Trạch 3&4 là dự án điện khí LNG đầu tiên tại Việt Nam với công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Đây sẽ là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu của PV Power từ năm 2023 khi nhà máy đi vào hoạt động.

PV Power ước đạt 25.175 tỷ đồng doanh thu và 1.917 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021
Kết quả kinh doanh hợp nhất qua các năm của PV Power

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, PV Power đặt kế hoạch khá thận trọng với doanh thu năm 2022 của Công ty mẹ là 16.921 tỷ đồng, lợi nhuận ròng của Công ty mẹ là 900 tỷ đồng, lần lượt tương đương với 94,1% và 53% ước thực hiện năm 2021. Kế hoạch được đặt ra dựa trên ước tính sản lượng điện hợp nhất năm tới là 13,9 tỷ kWh, chủ yếu giảm ở cụm Cà Mau 1&2 và Nhà máy điện Vũng Áng 1.

Trong khi hai Nhà máy điện Cà Mau 1&2 lần lượt thực hiện đại tu vào tháng 4 và tháng 8/2022 thì sự cố ở Tổ máy số 1 Nhà máy điện Vũng Áng 1 dự kiến tới hết quý II/2022 mới khắc phục được hoàn toàn khiến cho sản lượng tại Nhà máy điện Vũng Áng 1 năm tới ước tính giảm 21,4% so với thực hiện 2021.

Kế hoạch của PV Power đặt ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 dự kiến vẫn còn diễn biến phức tạp, khả năng chưa thể hết ảnh hưởng đến kinh tế xã hội thế giới và trong nước, ảnh hưởng đến nhu cầu phụ tải và sản xuất điện. Nguồn cung của hệ thống điện quốc gia lại tăng đáng kể trong thời gian cuối năm 2021 và năm 2022, do bổ sung các nhà máy nhiệt điện mới đưa vào vận hành.

Mặc dù kế hoạch kinh doanh được đặt ra khá thận trọng cho năm 2022 và thị trường ẩn chứa nhiều thách thức trong giai đoạn tiếp theo, song toàn hệ thống PV Power tự tin sẽ tiếp tục hoàn thành các mục tiêu, khẳng định vị trí của công ty cung cấp điện hàng đầu tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Giang cho biết, với nguồn lực tài chính hiện tại, PV Power có khả năng không phải tăng vốn điều lệ trong năm tới. Nhưng trong trường hợp có nhiều cơ hội đầu tư như Phú Mỹ, Cà Mau 3, các dự án LNG mới hoặc dự án offshore điện gió thì PV Power sẽ có phương án tăng vốn. Ngày 14/5/2021 PV Power vừa được xếp hạng tín dụng BB+, tương đương hạng quốc gia và tương đương Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đây là điểm tựa rất lớn để đàm phán vay vốn cũng như phát hành trái phiếu khi cần thiết.

Minh Châu

Thủy điện Đakđrinh đạt mốc 4 tỷ kWh điệnThủy điện Đakđrinh đạt mốc 4 tỷ kWh điện
PV Power tổ chức Hội thảo trực tuyến “POW hướng tới 2022”PV Power tổ chức Hội thảo trực tuyến “POW hướng tới 2022”
PV Power ký kết Hợp đồng mua bán điện Nhà máy điện Cà Mau 1&2PV Power ký kết Hợp đồng mua bán điện Nhà máy điện Cà Mau 1&2
Ký kết hợp đồng tín dụng tái cấu trúc Nhà máy thủy điện Đăk Đrinh trị giá 95 triệu USDKý kết hợp đồng tín dụng tái cấu trúc Nhà máy thủy điện Đăk Đrinh trị giá 95 triệu USD

DMCA.com Protection Status