PVN tập trung nguồn lực sau tái cấu trúc (Kỳ 1)

07:00 | 17/02/2016

1,763 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) luôn đi đầu trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu PVN giai đoạn 2012-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 5-1-2013 và sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1011/QĐ-TTg ngày 3-7-2015.

Kết quả khả quan

Những mục tiêu được đặt ra với PVN là đẩy mạnh cổ phần hóa, tiếp tục giảm tỷ lệ nắm giữ tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối; tái cơ cấu lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh, tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính; thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản; hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; nâng cao vai trò quản lý điều hành của Công ty Mẹ - PVN, tái cơ cấu để Công ty Mẹ - PVN trực tiếp hoạt động trong một số lĩnh vực kinh doanh chính…

pvn ta p trung nguo n lu c sau ta i ca u tru c ky 1

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang chuẩn bị tích cực cho cổ phần hóa

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng trở nên năng động, đa dạng và được triển khai một cách mạnh mẽ, thể chế kinh tế thị trường đã hình thành và dần hoàn thiện, việc ra đời và phát triển của các thị trường tài chính, tiền tệ đặc biệt là thị trường chứng khoán đã tạo điều kiện thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia cổ phần hóa, tái cấu trúc các đơn vị thành viên của PVN.

Nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng và Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể Trung ương và các địa phương liên quan đến công tác tái cơ cấu, PVN đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác tái cơ cấu các đơn vị thành viên và đạt được những kết quả khả quan.

Nhờ công tác chỉ đạo điều hành đúng đắn, hiệu quả cùng với việc tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống nên đã tạo được sự đồng thuận cao và sự tham gia tích cực của lãnh đạo, người lao động tại PVN và các đơn vị thành viên trong công tác tái cơ cấu. Phương án tái cơ cấu của tất cả các đơn vị thành viên được phê duyệt và sửa đổi, bổ sung kịp thời, làm cơ sở triển khai thực hiện. Tập đoàn đã phê duyệt phương án của 18 đơn vị, thành lập ban chỉ đạo tái cơ cấu ở tất cả các đơn vị thành viên.

Công tác cổ phần hóa được triển khai tích cực; cổ phần hóa thành công PVCFC trong giai đoạn 2012-2015, thu về số tiền 1.580 tỉ đồng, thặng dư 290 tỉ đồng, cổ phần hóa gắn với niêm yết cổ phiếu; đang thực hiện cổ phần hóa 3 đơn vị (PV Power, BSR, PV Oil); dự kiến sẽ tiếp tục cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu DQS sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án xử lý tồn tại.

Mặc dù tình hình thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi, các đơn vị thuộc đối tượng thoái vốn hoạt động kinh doanh khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng PVN và các đơn vị thành viên đã đạt được kết quả nhất định trong công tác thoái vốn, đảm bảo hiệu quả cao nhất phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Công ty Mẹ - PVN về cơ bản đã hoàn thành thoái vốn tại các lĩnh vực chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản (hiện còn PVcomBank với 4.680 tỉ đồng và SSG với 24 tỉ đồng mệnh giá); đang tích cực thực hiện thoái vốn tại các đơn vị thành viên PVN không cần nắm giữ cổ phần chi phối, giá trị là 1.016 tỉ đồng.

Tại các đơn vị thành viên, kế hoạch số vốn phải thoái giai đoạn 2012-2015 theo kế hoạch điều chỉnh là 2.789,37 tỉ đồng mệnh giá, số vốn đã thoái giai đoạn 2012-2015 là 2.201,5 tỉ đồng mệnh giá.

Đánh giá chung, quá trình thực hiện tái cơ cấu cho thấy mô hình tổ chức quản lý và hoạt động của PVN và các đơn vị thành viên ngày càng hoàn thiện; Công ty Mẹ - PVN từng bước phát huy vai trò là đầu tàu định hướng, mở đường, hỗ trợ, giám sát các đơn vị thành viên hoạt động hiệu quả hơn và là trung tâm kết nối, mở rộng, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm dầu khí theo Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã được phê duyệt.

Một số doanh nghiệp mạnh hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con đã được hình thành và kiện toàn, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính là tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, phân bón và hóa chất dầu khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy, công trình dầu khí, tư vấn thiết kế dầu khí.

Việc hình thành các tổng công ty giúp tập trung nguồn lực, tạo chuỗi liên kết chặt chẽ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con, phát huy thế mạnh của ngành Dầu khí, giúp Nhà nước đảm bảo chi phối trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, làm nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác cùng phát triển và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả. Hoạt động của các đơn vị thành viên đã chuyên nghiệp hơn, thị trường hơn. Công tác quản trị doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, thường xuyên hoàn thiện các quy trình, quy chế nội bộ; công tác công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát… được tăng cường. Hoạt động ra nước ngoài mở rộng, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đầu tư chiều sâu, áp dụng nhiều công nghệ mới. PVN và các đơn vị thành viên đã hình thành được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu; phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước.

Một số khó khăn

Mặc dù hiện nay, quy mô của PVN đã tăng lên rõ rệt song vẫn còn nhỏ bé so với các tập đoàn dầu khí trong khu vực và trên thế giới. Quá trình tái cơ cấu đã cho thấy tổ chức quản lý tại Công ty Mẹ - PVN và tại một số đơn vị thành viên còn cồng kềnh, thời gian xử lý công việc còn chậm. Công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp còn hạn chế. Diễn biến không thuận lợi của giá dầu từ giữa 2014 đến nay đã khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí nói chung và PVN nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế kéo dài, vốn của các doanh nghiệp dầu khí thường quá lớn, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, chịu sự điều tiết về giá bán sản phẩm của Nhà nước nên khó tìm kiếm cổ đông chiến lược, tỷ lệ nắm giữ của PVN tại một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn cao (ví dụ như PV Gas, PVCFC) dẫn đến tâm lý cho rằng, việc cổ phần hóa thực chất không thay đổi nhiều về phương thức quản lý điều hành doanh nghiệp.

Công tác thoái vốn chưa đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt là thoái vốn tại các đơn vị khó khăn, thua lỗ; chất lượng nguồn nhân lực chuyên gia đầu ngành trên một số lĩnh vực quan trọng còn thiếu; năng lực cạnh tranh còn thấp (đặc biệt là các đơn vị dịch vụ), PVN chưa có các đề án chính thức đánh giá chính xác lợi thế kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các đơn vị thành viên (năng lực cạnh tranh so với các đơn vị cùng ngành, nghề lĩnh vực trong nước và quốc tế) để từ đó có các giải pháp đột phá nhằm mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ động hội nhập quốc tế; vẫn còn hiện tượng cạnh tranh nội bộ trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Tiến Dũng

Năng lượng Mới 497

DMCA.com Protection Status