Quản trị biến động vượt "khủng hoảng kép" nhìn từ các đơn vị Petrovietnam

06:00 | 08/11/2020

4,361 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Áp dụng phương châm mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã đề ra và chỉ đạo thực hiện về: “Quản trị biến động, Tối ưu giá trị, Đẩy mạnh tiêu thụ, Nỗ lực vượt khó, Nắm bắt cơ hội, An toàn về đích”, các đơn vị thành viên đã vượt “khủng hoảng kép” thành công.

Đảm bảo SXKD hiệu quả

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các tập đoàn, tổng công ty lớn cả trong và ngoài nước; đặc biệt là những công ty dầu khí quốc tế lớn lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ chưa từng có trong lịch sử phát triển, thậm chí dẫn đến phá sản.

Thời gian qua, các đơn vị của Petrovietnam cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn từ những tác động tiêu cực của cuộc “khủng hoảng kép” này. Tuy nhiên, nhiều đơn vị như Tổng công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC),… đã vượt "bão kép" thành công với kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) 9 tháng đầu năm khả quan.

Quản trị biến động vượt
PVFCCo đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó "khủng hoảng kép", đảm bảo kết quả SXKD trong 9 tháng đầu năm

Và “bí quyết” cho những thành công đó chính là việc các đơn vị đã chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ, ứng phó kịp thời với “khủng hoảng kép” với phương châm chung mà Petrovietnam đã đề ra, chỉ đạo thực hiện: “Quản trị biến động, Tối ưu giá trị, Đẩy mạnh tiêu thụ, Nỗ lực vượt khó, Nắm bắt cơ hội, An toàn về đích”.

Một mặt, các đơn vị đã chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn, sức khỏe tuyệt đối cho CBCNV-NLĐ trong suốt thời điểm xảy ra dịch bệnh, mặt khác vấn đề quản trị biến động trong SXKD được đặt ra vô cùng cấp thiết.

Điển hình đầu tiên là đối với hai đơn vị sản xuất phân bón hàng đầu PVFCCo và PVCFC, họ không chỉ bị tác động bởi dịch bệnh, giá dầu giảm sâu mà thiên tai xảy ra nhiều nơi khiến hai đơn vị này phải nỗ lực bội phần.

Đứng trước tình hình thị trường nông sản bị thu hẹp khiến nhu cầu sử dụng phân bón giảm, hoạt động quản trị, điều hành của các đơn vị đã được nâng lên mức độ đỏ để có thể đảm bảo bộ máy hoạt động ổn định. Trong đó, PVCFC đã nâng cao công tác quản lý bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, tiết giảm chi phí thông qua vận hành nhà máy ổn định, áp dụng các chương trình, ý tưởng mới nâng cao năng suất, tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả.

0211-cang-xuat-hang
Phân bón Cà Mau đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và một số thị trường ít chịu ảnh hưởng đại dịch

Mặt khác, PVCFC tăng cường rà soát, điều chỉnh các quy định quản trị nội bộ, các định mức kinh tế kỹ thuật để hạ giá thành sản phẩm. Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và một số thị trường ít chịu ảnh hưởng đại dịch nhằm đảm bảo sản lượng tiêu thụ tốt nhất.

Trong khi đó, PVFCCo luôn đảm bảo an toàn trong sản xuất, vận hành sản xuất liên tục, hiệu quả để có thể tận dụng cơ hội giảm giá thành do giá khí đầu vào giảm theo đà giảm của giá dầu. Công tác kinh doanh cũng được PVFCCo cải tiến, sáng tạo phù hợp với nhu cầu thị trường, kế hoạch tiêu thụ năm và đặc biệt là tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh như năm nay. PVFCCo đã linh hoạt điều động hàng theo thời vụ, thời tiết, tăng cường xuất khẩu hàng; tích cực đưa các sản phẩm chuyên dùng phù hợp ra thị trường,...

Nhờ vậy, tính đến hết quý III/2020, các chỉ tiêu kinh doanh, kế hoạch vận hành cơ bản của PVCFC, PVFCCo đều được đảm bảo.

Phát huy nội lực, tự chủ

Ngoài công tác quản trị biến động trong SXKD, công tác quản trị biến động nhằm đảm bảo an toàn, tiến độ và hiệu quả tại các công trình, dự án như: Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1, các dự án của PTSC, công tác bảo dưỡng tổng thể (BDTT) Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất cũng đã đạt những hiệu quả tích cực.

Đầu tiên là ở PTSC, việc triển khai dự án Gallaf (Al Shaheen) ở Qatar hay các dự án của PTSC nói chung đều bị ảnh hưởng vì gần như toàn bộ các thiết bị đặt mua sắm ở nước ngoài đều bị hoãn, chậm, việc huy động nhân sự, chuyên gia cũng cực kỳ khó khăn, đã làm đảo lộn tất cả kế hoạch ban đầu.

Quản trị biến động vượt
Dự án Gallaf (Al Shaheen) của PTSC ở Qatar

Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và Petrovietnam trong việc huy động chuyên gia, đưa người lao động PTSC ra nước ngoài cũng như đưa các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để triển khai các dự án trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì nội lực là một trong những nhân tố hàng đầu giúp PTSC có thể làm chủ các phần việc, đảm bảo các dự án vẫn tiếp tục được triển khai, vận hành liên tục, ổn định và an toàn.

Sự tự chủ và nội lực của PTSC cũng được thể hiện rõ trong những lĩnh vực dịch vụ khác như bảo dưỡng sửa chữa (BDSC). Ở dự án BDTT lần thứ 4 NMLD Dung Quất, PTSC đã thực hiện 5/7 gói thầu. Trong 5 gói thầu này có 3 gói thầu trước đây chỉ có nhà thầu quốc tế mới có khả năng thực hiện. Lần này, PTSC đã vươn lên đảm nhận vai trò tổng thầu trong liên danh nhà thầu, thực hiện 5/7 gói thầu, với khối lượng công việc chiếm khoảng 70%, huy động gần 3.000 nhân sự tham gia thực hiện. Do đó, mặc dù bị ảnh hưởng rất nhiều do đại dịch Covid-19 trong việc huy động chuyên gia nhưng PTSC cùng với các nhà thầu trong nước đã phát huy nội lực thực hiện thành công đợt BDTT lần thứ 4 của NMLD Dung Quất. Tất cả các gói thầu PTSC thực hiện đều đúng và vượt tiến độ.

Quản trị biến động vượt
Công tác BDTT Nhà máy Đạm Cà Mau lần 9

Một điển hình nổi bật khác trong việc phát huy nội lực, tự chủ hoàn toàn trong vận hành, bảo dưỡng thay chuyên gia nước ngoài chính là đội ngũ CBCNV kỹ sư của Nhà máy Đạm Cà Mau.

Tháng 8/2020 vừa qua, Nhà máy Đạm Cà Mau đã tiến hành BDTT lần 9 với khoảng 1.950 hạng mục. Do đợt bảo dưỡng diễn ra đúng thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp nên đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc mua sắm, vận chuyển vật tư thiết bị, đặc biệt là việc huy động chuyên gia trong và ngoài nước… khiến kế hoạch này tưởng chừng bất khả thi.

Tuy vậy, do công tác chuẩn bị cho BDTT đã được thực hiện dần, trước cả khi dịch bệnh xảy ra nên Nhà máy Đạm Cà Mau đã hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế. Cộng với đó là đội ngũ kỹ sư nhà máy đã trưởng thành qua thời gian 10 năm vận hành, bão dưỡng nhà máy, cùng sự động viên hỗ trợ từ Ban lãnh đạo nên họ đã mạnh dạn tự đảm trách bảo dưỡng toàn bộ nhà máy thay cho các chuyên gia nước ngoài.

Kết quả, kỳ BDTT hoàn thành tất cả các hạng mục vượt tiến độ, an toàn, chất lượng. Đây cũng chính là kỳ BDTT đánh dấu mốc tự chủ của đội ngũ nhân sự Nhà máy Đạm Cà Mau.

Đặc biệt, dịch Covid-19 đã tác động rất tiêu cực đối với những dự án đang trong giai đoạn triển khai quan trọng, cần đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt thiết bị và chạy thử như NMNĐ Sông Hậu 1 bởi việc huy động nhân lực, vật tư thiết bị gặp rất nhiều khó khăn.

2438-h1
NMNĐ Sông Hậu 1

Đối mặt trước những khó khăn đó, Ban QLDA ĐLDK Sông Hậu 1 đã kịp thời phối hợp cùng với Tổng thầu LILAMA chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19; chủ động xây dựng phương án, kịch bản và triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch đến toàn thể CBCNV. Về công tác thi công, một mặt Ban QLDA nghiên cứu, điều chỉnh kế hoạch triển khai công việc phù hợp, thay đổi tiến trình thi công các hạng mục, sử dụng, phát huy nội lực để thực hiện một số công việc thay cho các chuyên gia nước ngoài. Mặt khác, đối với các chuyên gia nước ngoài không thể vào dự án, Ban QLDA sử dụng giải pháp kết nối, trao đổi online để cùng giải quyết những công việc cần thiết. Đồng thời, Ban QLDA liên tục đốc thúc các nhà sản xuất, nhà thầu phụ thực hiện các biện pháp khắc phục khó khăn để sản xuất và bàn giao hàng hóa phục vụ công tác lắp đặt, chạy thử...

Nhờ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp ứng phó nên nhìn chung các mốc tiến độ quan trọng của dự án trong năm 2020 đã được hoàn thành theo kế hoạch, tạo tiền đề quan trọng để nhà máy tiến tới chính thức vận hành thương mại Tổ máy 1 vào tháng 6/2021 và Tổ máy 2 vào tháng 10/2021.

Có thể nói, với phương châm chỉ đạo “Quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích” của lãnh đạo Tập đoàn, cùng sự chỉ đạo kịp thời và sát sao từ những cuộc họp CEO hàng tháng, đến việc tăng cường các buổi làm việc với từng đơn vị để kịp thời tháo gỡ khó khăn đã mang lại những kết quả tích cực. Trong đó, thành quả mà các đơn vị đạt được trong 9 tháng đầu năm 2020 đầy biến động, khó khăn là một minh chứng rõ ràng nhất.

Và qua đó để thấy rằng, các đơn vị của Petrovietnam đã chứng minh được sức mạnh nội lực của mình, cũng như đã trở nên mạnh mẽ, cứng cáp hơn rất nhiều từ phép thử của cuộc “khủng hoảng kép” do đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu.

L.Trúc

Dự án NMNĐ Sông Hậu 1: Đốt lửa lần đầu Lò hơi Tổ máy số 2 thành công Dự án NMNĐ Sông Hậu 1: Đốt lửa lần đầu Lò hơi Tổ máy số 2 thành công
Phân bón Cà Mau: Cứng cáp, vững vàng hơn sau “bão kép” Phân bón Cà Mau: Cứng cáp, vững vàng hơn sau “bão kép”
Phát huy nội lực, PTSC vững vàng vượt khủng hoảng Phát huy nội lực, PTSC vững vàng vượt khủng hoảng
Phân bón Phú Mỹ lần 4 liên tiếp được công nhận là Thương hiệu quốc gia Phân bón Phú Mỹ lần 4 liên tiếp được công nhận là Thương hiệu quốc gia

DMCA.com Protection Status