Rất cần thiết khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu |
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Một trong những nội dung được cử tri quan tâm là thuế suất giá trị gia tăng đối với ngành hàng phân bón.
Vậy, áp thuế như thế nào đối với phân bón vừa tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp vừa giảm được giá thành, có lợi cho người nông dân? Về vấn đề này, trao đổi với PetroTimes, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhận định, qua 10 năm thực hiện Luật thuế 71 cho thấy nhiều bất cập, ngành nông nghiệp vừa thiệt đơn vừa thiệt kép, mà chính người nông dân là đối tượng gánh chịu. Để tháo gỡ những bất cập này, cần điều chỉnh đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế.
Theo ông Phan Đức Hiếu, khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT, xét trên nhiều góc độ: từ thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước; góp phần tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước, trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, có cơ hội hỗ trợ tốt hơn trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ rõ trong các báo cáo, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế sẽ tháo gỡ khó khăn trong việc giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, khi phân bón không thuộc diện chịu thuế, thách thức cũng rất lớn. Nếu đưa vào diện chịu thuế, thì có cơ hội hoàn thuế, giảm chi phí sản xuất, Chính phủ không có mong muốn gì khác, từ cơ hội doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất thì có thể giảm giá bán, tạo lợi ích cho bà con nông dân. Do đó, ông Hiếu nhất trí với việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế.
Rất cần thiết khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế/Ảnh minh họa |
Ông Hiếu cũng cho rằng, nếu không đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế, gánh nặng sẽ tiếp tục đè nặng lên người nông dân và doanh nghiệp.
Bởi theo ông Hiếu, do mặt hàng phân bón không phải là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, vì vậy các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Đây chính là một điểm gây bất lợi cho doanh nghiệp, chính vì không được khấu trừ, nên VAT đầu vào của các chi phí sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tức là tính vào giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên, người nông dân chịu thiệt.
Ông Hiếu cho biết thêm, cần phải phân biệt được chi phí sản xuất ra sản phẩm và giá bán là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng, sự điều chỉnh này hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả cho ngành nông nghiệp để mọi người trong ngành đều được hưởng lợi tốt nhất, chứ không đơn thuần là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hay tăng giá, giảm giá.
Từ những phân tích trên, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, rất cần thiết đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp và người dân.
Huy Tùng