Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Sau gần 8 năm nộp ngân sách gấp hai lần vốn đầu tư

11:04 | 10/10/2017

783 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Lâu nay có những thông tin thiếu chính xác về Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Thậm chí có cả ý kiến cho rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy không hiệu quả…

Đầu tư đúng hướng

Những thông tin đó đã gây ra những tác động không nhỏ đến niềm tin của bạn đọc vào công trình trọng điểm quốc gia này. Trong đợt gặp gỡ trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí mới đây, lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý NMLD Dung Quất đã giải thích cặn kẽ những ý kiến, những vấn đề của các nhà báo đặt ra.

Kể từ khi BSR tiếp quản nhà máy đến nay, có lúc thuận lợi, có lúc gặp những khó khăn gay gắt. Sản xuất, kinh doanh (SXKD) cũng vậy, không phải năm nào cũng có lãi cao. Ở vào thời điểm mới tiếp quản, nhà máy mới đi vào vận hành thương mại, có những năm thua lỗ.

Tuy nhiên, đấy không phải là sự đại diện cho gần 8 năm SXKD của nhà máy này. Tính đến tháng 8-2017 nhà máy đã sản xuất được 47.985 nghìn tấn sản phẩm các loại và tiêu thụ 47.887 nghìn tấn, đáp ứng 40% nhu cầu của nền kinh tế đất nước.

Tổng doanh thu đạt 845.882 tỉ đồng (tương đương gần 40 tỉ USD). Nộp ngân sách 141.256 tỉ đồng (tương đương trên 6 tỉ USD). Lợi nhuận 13.975 tỉ đồng. Một nhà máy được đầu tư 3 tỉ USD, với 1.500 con người miệt mài lao động sản xuất trong gần 8 năm, đã làm ra một khối lượng sản phẩm có giá trị gần 40 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước gấp đôi số vốn đầu tư. Và còn làm lãi thêm xấp xỉ 14.000 tỉ đồng. Đấy chính là câu trả lời chính xác nhất cho sự đầu tư đúng hướng của Chính phủ.

sau gan 8 nam nop ngan sach gap hai lan von dau tu

Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Qua đây bạn đọc cũng đủ hình dung, chỉ tính hiệu quả của SXKD đơn thuần thôi, đây là một trong những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhất hiện nay. Nếu nói đến các nhiệm vụ chính trị có tính chiến lược của nền kinh tế đất nước, thì NMLD Dung Quất còn mang lại nhiều lợi ích khác không thể mang ra “đong đếm” theo kiểu số học.

Nhiều lợi ích không thể tính bằng tiền

Ngoài tính hiệu quả về SXKD như đã nói trên, quá trình tiếp quản, vận hành nhà máy, BSR đã đào tạo được một đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật chuyên nghiệp, lành nghề. Đây là vốn quý, là nòng cốt để phát triển các NMLD khác trong tương lai.

Nếu như ngày đầu nhận bàn giao từ nhà thầu chính, việc vận hành nhà máy phải cần tới “cả nghìn” chuyên gia nước ngoài giúp đỡ, thì đến nay, đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật của nhà máy đã đảm nhiệm được hầu hết các phân xưởng công nghệ, chuyên gia chỉ còn lại trên dưới hai chục người.

Qua 3 lần dừng nhà máy để bảo dưỡng tổng thể (BDTT) định kỳ, mỗi một lần như vậy nhân sự của BSR đều có sự trưởng thành vượt bậc. Đặc biệt đợt BTTT lần 3 trong tháng 7-2017 vừa qua được ghi nhận là một “mốc son” về sự trưởng thành cả công tác quản trị và kế hoạch. Nếu như các lần BDTT trước, tất cả kế hoạch, phương án và các giải pháp kỹ thuật phần lớn do chuyên gia nước ngoài quyết định, thì lần này do chính các nhân sự của BSR quyết định.

Sáng tạo không ngừng

Sau 7 năm đi vào vận hành thương mại (tính từ năm 2009), NMLD Dung Quất đã thực hiện 130 sáng kiến, tiết kiệm 128,9 triệu USD; 596 cải tiến, tiết kiệm 1,85 triệu USD và thực hiện 33 đề tài, nghiên cứu khoa học khác. Chỉ tính trong 8 tháng năm 2017, BSR tổ chức thực hiện 19 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm được 432,6 tỉ đồng. Trong đó phần giảm tiêu hao trong chế biến, tối ưu hóa năng lượng nội bộ là 212,9 tỉ đồng; tiết kiệm, tiết giảm chi phí, tiết giảm đầu tư… là 219,7 tỉ đồng.

Đặc biệt đề tài “Giải pháp giảm nhiệt độ tường lò, giảm nhiệt độ khí thải và tiết kiệm nhiên liệu cho lò gia nhiệt H-1101 tại Phân xưởng Chưng cất dầu thô CDU, NMLD Dung Quất” của kỹ sư Đào Xuân Giỏi và các cộng sự BSR vinh dự là 1 trong 72 công trình được ghi danh vào sách Vàng, tại Lễ công bố Sách Vàng sáng tạo Việt Nam năm 2017, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 28-8 vừa qua tại Hà Nội.

Một số sáng kiến tiêu biểu khác như: Thu hồi hoàn toàn dầu thải nhẹ tại Phân xưởng CDU với giá trị làm lợi khoảng 8,51 triệu USD/năm; Tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm của nhà máy đem lại hiệu quả kinh tế 12,6 triệu USD/năm; Nâng công suất vận hành của nhà máy cho phép tăng lợi nhuận tối đa 4,6 triệu USD/năm khi nhà máy hoạt động ở công suất 104-105% công suất thiết kế là con số làm lợi của sáng kiến này.

Lời kết

Hiện nay, cùng lúc BSR tiến hành song song 3 công việc quan trọng: Vừa vận hành nhà máy an toàn tuyệt đối; vừa triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất; vừa tiến hành cổ phần hóa.

Lý giải về tính tất yếu khách quan về việc phải nâng cấp mở rộng nhà máy, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San, đã phân tích kỹ và đầy đủ trong bài trả lời phỏng vấn Báo Năng Lượng Mới, số ra ngày 26-9 vừa qua, chúng tôi xin không được nói lại.

Công tác cổ phần hóa đang được triển khai theo đúng tiến độ. Ngoài việc lấy ý kiến các bộ, ngành theo chỉ đạo của Chính phủ, về phần mình BSR đã ký các hợp đồng tư vấn chào bán IPO; tư vấn truyền thông; tư vấn xây dựng hồ sơ chào bán cho cổ đông chiến lược với đơn vị tư vấn uy tín.

Hiện tại, BSR và tư vấn đang đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng kế hoạch IPO, gửi thư mời nhà đầu tư tham gia mua cổ phần và đầu tư BSR đến các nhà đầu tư. Nhìn chung thông tin phản hồi từ các nhà đầu tư là rất tích cực. BSR sẽ làm việc chi tiết về đề xuất của các nhà đầu tư để hướng đến mục tiêu chào bán cổ phần lần đầu (IPO) thành công và tiếp theo là bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược, trong đó đặc biệt là đối tác Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ngay sau khi phương án cổ phần được Thủ tướng phê duyệt.

Trong bối cảnh hiện nay, rất cần sự đồng hành của các cơ quan thông tin đại chúng. Mọi thông tin chính xác, trung thực chính là nguồn động viên người lao động BSR nói riêng, ngành Dầu khí nói chung vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Đặng Trung Hội

DMCA.com Protection Status