Sự thật về lao động Trung Quốc không giấy phép

09:53 | 25/08/2011

422 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Gần đây, một số báo đưa tin liên quan đến tình hình hơn 1.000 người lao động Trung Quốc đang làm việc không có giấy phép tại Ban Quản lý dự án Cụm Khí Điện Đạm Cà Mau. Một số thông tin chưa chính xác dẫn đến sự lo ngại trong dư luận xã hội, thậm chí ngay cả một số cơ quan chức năng của địa phương cũng chưa hiểu rõ vấn đề này. Vậy sự thật là như thế nào?

Công nhân Trung Quốc lắp đạt thiết bị tại Nhà máy Đạm Cà Mau

Ban Quản lý dự án (QLDA) được thành lập theo Quyết định số 1702/QĐ-HĐQT ngày 24/9/2001 của Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN), thay mặt PVN trực tiếp quản lý đầu tư xây dựng Cụm công trình Khí Điện Đạm Cà Mau.

Là một trong 4 công trình thuộc Cụm Khí Điện Đạm Cà Mau, Nhà máy Đạm Cà Mau (do Liên danh nhà thầu Wuhuan Engineering Co. Ltd – WEC và China National Machinery Import and Export Corporation – CMC làm Tổng thầu), có vốn đầu tư 900 triệu USD trên quy mô 52ha, xây dựng tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, công suất 800.000tấn đạm/năm. Sau 43 tháng xây dựng, dự kiến vào tháng 2/2012, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động. Phân đạm được sản xuất theo công nghệ tiên tiến hiện đại của Hãng Snamprogetty (Italia), ngoài ra nhà máy còn có các sản phẩm khác như: Amoniac, khí CO2 tinh khiết. Dự án sẽ giải quyết việc làm cho hơn 1 vạn người trong thời gian xây dựng và khoảng 400 người trong giai đoạn chính thức đi vào vận hành. Khi đi vào hoạt động, sẽ nâng tổng sản lượng phân đạm do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sản xuất lên trên 1,5 triệu tấn/năm. Đáp ứng 70% nhu cầu phân đạm cả nước và góp phần bình ổn giá phân bón, đảm bảo an ninh lương thực.

Trong quá trình triển khai dự án, Tổng thầu cũng đã tuyển dụng nhiều lao động địa phương thông qua các công ty xây dựng, các nhà thầu phụ Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn thi công lắp đặt, do yêu cầu kỹ thuật, hơn nữa tình trạng tuyển dụng lao động địa phương khó khăn nên phần lớn các lao động có kỹ thuật được Tổng thầu huy động từ Trung Quốc. Toàn bộ số công nhân kỹ thuật, kỹ sư giám sát của các nhà thầu phụ trực tiếp thi công được tổ chức ăn ở, sinh hoạt tại khu vực riêng trong khuôn viên mặt bằng dự án. Tổng thầu, các thầu phụ xây dựng ký túc xá cho công nhân ở, các khu vực này được quản lý, theo dõi, bố trí các dịch vụ ăn uống tại chỗ nên khá trật tự và rất ít giao tiếp với bên ngoài khu dân cư, do đó tình hình an ninh ổn định, tính đến nay chưa xảy ra bất cứ vụ việc nghiêm trọng nào.

Về việc tổ chức quản lý lao động nước ngoài của ban QLDA, ngay từ khi triển khai thi công trên công trường, Ban QLDA đã thành lập Tổ An ninh công trường và Quản lý lao động nước ngoài (tổ chuyên môn), giao cho 1 phó trưởng ban theo dõi. Ban QLDA đã phổ biến, sao gửi toàn bộ các văn bản có liên quan cho tổng thầu và các thầu phụ, đồng thời thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các nhà thầu Trung Quốc thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng người nước ngoài làm việc cho nhà thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Mặt khác, tổ chuyên môn thường xuyên phối hợp với Tổng thầu và các nhà thầu phụ báo cáo định kỳ hàng tuần, hàng tháng cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về số lượng lao động Trung Quốc đang làm việc và số lượng lao động Trung Quốc tăng giảm trong kỳ tại Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau. Ban QLDA cũng cử cán bộ chuyên trách tham gia tổ quản lý lao động nước ngoài liên ngành do UBND tỉnh Cà Mau thành lập, cùng phối hợp tiến hành kiểm tra 4 lần việc thực hiện các quy định nêu trên, mỗi lần đều lưu ý, nhắc nhở và phổ biến triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến từng nhà thầu. Ban QLDA cũng hỗ trợ các nhà thầu trong việc khai báo và đăng ký tạm trú tại địa phương nơi người lao động nước ngoài sống và sinh hoạt một cách đầy đủ, nghiêm túc, do đó công tác kiểm soát của Cơ quan Công an địa phương thuận lợi.

Trong quá trình thực hiện, Ban QLDA gặp một số khó khăn như: chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép lao động (GPLĐ) của các nhà thầu còn chậm do ngôn ngữ bất đồng, đa số công nhân, kỹ sư Trung Quốc không biết tiếng Anh; về phía Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, đôi khi không đủ hồ sơ xin cấp GPLĐ để cung cấp cho các nhà thầu; Nghị định số 46/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2011. Ngày 15/8/2011, Sở LĐ-TB&XH tiến hành phổ biến cập nhật cho Ban QLDA và các nhà thầu dẫn đến việc áp dụng để làm thủ tục xin cấp GPLĐ bị ảnh hưởng; Nhà thầu chậm khai các hồ sơ xin phép do có nhiều thủ tục phải xin xác nhận từ Trung Quốc.

Để khắc phục những khó khăn này, Ban QLDA đã tổ chức làm việc với nhà thầu, kiên quyết yêu cầu nhà thầu phân loại rõ các đối tượng cần phải khai hồ sơ xin cấp GPLĐ. Ngày 15/8/2011, Ban QLDA Cụm Khí Điện Đạm Cà Mau đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau phổ biến, hướng dẫn nhà thầu thực hiện việc tuyển dụng, làm hồ sơ xin cấp phép lao động theo Nghị định số 46. Ban QLDA đã đôn đốc nhà thầu hoàn thiện hồ sơ xin GPLĐ cho các lao động Trung Quốc chưa có GPLĐ được huy động đến công trường gấp để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đồng thời, tổ công tác của Ban QLDA sẽ phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ thêm trong quá trình khai báo hồ sơ. Ban QLDA cũng yêu cầu Tổng thầu lập kế hoạch chi tiết sử dụng lao động cho thời gian tới gửi cho các bên liên quan làm cơ sở theo dõi, giám sát. Phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và Công an tỉnh Cà Mau tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và xử lý vi phạm hành chính những nhà thầu không thực hiện đúng quy định của Nhà nước về tuyển dụng, quản lý và sử dụng lao động nước ngoài.

Tính đến ngày 22/8/2011, tổng số lao động có mặt trên công trường là 3.137 người, trong đó lao động Việt Nam là 1.508 người và lao động Trung Quốc là 1.629 người (gồm có 311 chuyên gia, kỹ sư; 340 thợ lắp đặt; 100 lao động phổ thông như công nhân vệ sinh, nấu ăn… và còn lại là các lao động tay nghề cao), trong đó, 484 lao động Trung Quốc có giấy phép lao động (đã cấp thêm 5 giấy phép lao động so với báo cáo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau ngày 19/8), 725 lao động chưa có giấy phép, 420 lao động làm việc dưới 3 tháng.

Trong số 725 lao động chưa có phép, ngày 19/8/2011, các nhà thầu đã khai và nộp 258 bộ hồ sơ xin cấp phép lao động và bổ sung hồ sơ tiếp tục hoàn thiện các giấy tờ còn thiếu như: giấy khám sức khỏe, lý lịch tư pháp chứng minh không vi phạm hình sự (do phía Trung Quốc cấp), giấy chứng nhận nghề, Sở LĐ-TB&XH đã cấp giấy phép cho 5 lao động Trung Quốc, 82 bộ hồ sơ đang chờ công chứng ở Phòng Tư pháp Cà Mau để được cấp phép.

Ngày 22/8/2011, Sở LĐ-TB&XH Cà Mau được bổ sung 500 bộ hồ sơ từ Bộ LĐ-TB&XH và đã cấp đủ hồ sơ cho nhà thầu và các nhà thầu phụ để khai báo làm thủ tục cấp GPLĐ và dự kiến đến ngày 31/8/2011 sẽ hoàn thiện hồ sơ để nộp lên Sở LĐ-TB&XH xin cấp giấy phép cho toàn bộ số lao động còn lại.

Trong thời gian tới, công tác lắp đặt hoàn thành và chuyển sang giai đoạn chạy thử, nghiệm thu và bàn giao Nhà máy Đạm Cà Mau vì vậy số lượng lao động Trung Quốc làm việc tại Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ giảm dần.

Ngân Hà

DMCA.com Protection Status