Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc

06:00 | 13/11/2021

22,085 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 12/11, Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Hội CCB Tập đoàn) chủ trì phối hợp với Hội CCB Cụm công tác số 3 Khối các cơ quan Ban, Bộ, Ngành Trung ương tổ chức Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc”.

Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi và kết nối trực tuyến qua MS Team tới hơn 100 cán bộ, lãnh đạo Hội, hội viên các Hội CCB các cơ quan Ban, Bộ, Ngành Trung ương và Hội CCB Tập đoàn.

Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc
Toàn cảnh Tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội

Tham dự Toạ đàm có đồng chí Lê Minh Tiến - Phó Trưởng ban Pháp luật Trung ương Hội CCB Việt Nam; cùng các đồng chí lãnh đạo tổ chức Hội CCB các cơ quan Ban, Bộ, Ngành Trung ương (thuộc Hội CCB khối 487).

Về phía lãnh đạo Tập đoàn, có đồng chí Nguyễn Hùng Dũng - Thành viên HĐTV Tập đoàn, Chủ nhiệm CLB Dầu khí Trường Sa; đồng chí Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; đồng chí Phạm Quang Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Hội CCB Việt Nam, Ủy viên BTV Đảng ủy, Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn; đồng chí Trần Quang Dũng - Ủy viên BTV Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông và Văn hoá doanh nghiệp Tập đoàn; đồng chí Nghiêm Thùy Lan - Ủy viên BTV Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam; đồng chí Mai Thị Nhật Lan - Quyền Trưởng ban Ban Pháp chế và Kiểm tra Tập đoàn; cùng các đồng chí trong BCH Hội CCB Tập đoàn, BCH Hội trực thuộc, các đồng chí đại diện lãnh đạo ban chuyên môn Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, đồng chí Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn chia sẻ, Tọa đàm là hoạt động thiết thực hướng đến kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 - 27/11/2021). Với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng sự phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan Bộ, Ngành Trung ương, từ khi thành lập đến nay, Petrovietnam đã có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ những hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí ban đầu đến nay đã phát triển ngành Dầu khí đồng bộ và hoàn chỉnh chính là nhờ sự quan tâm và tạo điều kiện cho sự ra đời của Luật Dầu khí và các văn bản quy định hướng dẫn thi hành để thực hiện trong suốt quá trình phát triển. Với mong muốn Petrovietnam phát triển hơn nữa, các đại biểu tham dự Tọa đàm sẽ cùng đánh giá, trao đổi và đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục sửa đổi về Luật Dầu khí, tạo điều kiện cho ngành Dầu khí có những đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.

Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc
Đồng chí Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn phát biểu khai mạc Toạ đàm

Tại Toạ đàm, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn chia sẻ, trải qua 60 năm hình thành và phát triển, đến nay, Petrovietnam đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác – phát triển công nghiệp khí – điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng; Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có đóng góp to lớn cho ngân sách Nhà nước, cho phát triển kinh tế - xã hội, tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên Biển Đông.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn những năm qua, khủng hoảng kép do dịch bệnh Covid-19 và giá dầu suy giảm đã tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, trong đó, Dầu khí là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh hàng loạt các công ty dầu khí lớn trên thế giới thua lỗ, phá sản, sa thải công nhân… Petrovietnam vẫn tăng trưởng dương, 10 tháng đầu năm 2021, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quản trị điều hành, khoa học công nghệ, Petrovietnam hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, đó là sự nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ, người lao động Dầu khí.

Đồng chí Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh, thông qua buổi Toạ đàm hôm nay, Petrovietnam mong muốn được đón nhận nhiều ý kiến, quan điểm xây dựng của các nhà khoa học, các chuyên gia, đại biểu là các CCB về tính đặc thù của hoạt động dầu khí trong quá trình xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi; vị trí, chức năng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong quản lý các hoạt động Dầu khí. Đồng thời, đón nhận sự ủng hộ và những đánh giá khách quan, góp ý xác đáng, thiết thực của các đại biểu đối với Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), để sau khi ban hành Luật Dầu khí sửa đổi có thể đi vào đời sống kinh tế - xã hội hiệu quả nhất.

Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc
Đồng chí Trần Quang Dũng, Trưởng Ban TT&VHDN Tập đoàn phát biểu ý kiến tại Tọa đàm

Chia sẻ tại Toạ đàm, đồng chí Trần Quang Dũng - Trưởng ban Truyền thông và Văn hoá doanh nghiệp Tập đoàn cho biết, trong suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Dầu khí Việt Nam được xây dựng với công thức “Thứ Nhất Bộ đội Cụ Hồ - Thứ Nhì trí tuệ Liên Xô”. Bắt đầu từ tầm nhìn thiên tài, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng sự quan tâm sâu sát, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước các thời kỳ, cùng sự tham gia ủng hộ, góp sức của nhân dân các địa phương, hội viên Hội CCB Việt Nam, Hội CCB các cơ quan Bộ, Ngành Trung ương,… các thế hệ "người đi tìm lửa" đã nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, xây dựng, trưởng thành và phát triển Petrovietnam trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước. Người Dầu khí đã và đang thực hiện tốt mong ước của Bác Hồ lúc sinh thời là “tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc”.

Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc
Đồng chí Mai Thị Nhật Lan – Quyền Trưởng ban Ban Pháp chế và Kiểm tra Tập đoàn trình bày về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Tại Tọa đàm, đồng chí Mai Thị Nhật Lan – Quyền Trưởng ban Ban Pháp chế và Kiểm tra Tập đoàn đã trình bày về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) và các điểm mới sửa đổi, các điểm nổi bật trong Dự thảo để lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện. Trong đó, tập trung vào các nhóm chính sách quan trọng như: Hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; Quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; Quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí; Quy định về các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; Quy định việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của Dầu khí....

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí đó là: Ngành Dầu khí có nhiều đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, phát sinh những vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động dầu khí, sửa đổi Luật Dầu khí là cấp bách. Đặc biệt, với đặc thù lĩnh vực dầu khí, không thể áp dụng những quy định chung chung. Cần có quy định, cơ chế đặc thù cho Petrovietnam, cho riêng khâu thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn; cần có hành lang pháp lý để tạo cơ chế chính sách mang đặc thù dầu khí, từ đó có cơ chế xử lý các vấn đề rủi ro, đặc biệt trong hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Các đại biểu cũng cho rằng, một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hoặc quy định chưa phù hợp như: Chưa có quy định phù hợp cho việc tiếp nhận tài sản sau khi nhà thầu chuyển giao cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí để có thể khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên trong thời gian còn lại. Quy định về thời hạn hợp đồng, gia hạn của hợp đồng dầu khí chưa linh hoạt để khuyến khích, ưu tiên cho nhà thầu hiện hữu đầu tư lâu dài hơn (hợp đồng có thời hạn dài hơn hoặc theo đời mỏ)… Đây là những vấn đề phải đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi.

Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc
TS. Nguyễn Công Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

TS. Nguyễn Công Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh, sự cần thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí để tạo hành lang pháp lý phát triển ngành Dầu khí. Phát triển ngành Dầu khí vững mạnh đồng nghĩa là vì sự hùng cường của quốc gia, dân tộc. Đồng chí Nguyễn Công Dũng cho rằng, Luật Dầu khí hiện tại chỉ quy định giới hạn hoạt động dầu khí ở các khâu tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, đối với các giai đoạn khác như vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu, hoặc liên quan đến công tác mua sắm vật tư thiết bị, thuê dịch vụ phục vụ các hoạt động trên… hầu như được điều chỉnh bởi các luật khác. Chính vì vậy, cần có hướng sửa đổi nhằm tăng tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Góp ý dưới góc độ tuyên truyền về xây dựng Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Công Dũng đề xuất Petrovietnam cần có văn bản, báo cáo liên quan đến Dự thảo để chia sẻ tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hàng tuần để các cơ quan báo chí cùng tham gia tuyên truyền sâu đậm, rõ nét về Luật Dầu khí với tinh thần phát triển dầu khí là lợi ích quốc gia dân tộc, không phải riêng của ngành Dầu khí, Petrovietnam; cùng với việc thông qua một số cơ quan báo chí để lấy ý đóng góp rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài nước, thế hệ cán bộ của ngành Dầu khí góp ý vào Dự thảo…

Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc

TS. Lê Xuân Thành - nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, Phó Chủ tịch Hội CCB Hội đồng lý luận Trung ương

TS. Lê Xuân Thành - nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, Phó Chủ tịch Hội CCB Hội đồng lý luận Trung ương chia sẻ, trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Dầu khí, đề nghị cơ quan chủ trì xem xét các quan điểm, mục tiêu đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 25-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TS. Lê Xuân Thành kiến nghị: Phát triển ngành Dầu khí phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; cần nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng; cần sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư. TS. Lê Xuân Thành đề xuất có các quy định, kế hoạch dự trữ năng lượng quốc gia (kết hợp với các mỏ dầu khí), nhập khẩu năng lượng (kết hợp với hạ tầng phân phối dầu khí)…

Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc
Đồng chí Lê Minh Tiến - Phó Trưởng ban Pháp luật Trung ương Hội CCB Việt Nam

Trao đổi tại Toạ đàm, đồng chí Lê Minh Tiến - Phó Trưởng ban Pháp luật Trung ương Hội CCB Việt Nam khẳng định: Trong quá trình phát triển đất nước, ngành Dầu khí có vị trí quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển. Đối với việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) này là rất cần thiết, với những nội dung được xuất phát từ thực tiễn, những vướng mắc cần phải được giải quyết để tạo bước phát triển cho ngành Dầu khí không chỉ trước mắt mà còn trong tương lai, làm sao cho hệ thống pháp luật về dầu khí phù hợp với hệ thống chung pháp luật quốc tế.

Đồng chí Lê Minh Tiến đề nghị, Petrovietnam, Hội CCB Tập đoàn phối hợp với Ban Pháp luật Trung ương Hội CCB Việt Nam tập hợp những nội dung, ý kiến đóng góp để cùng góp ý kiến trong quá trình xây dựng, tạo nên tiếng nói chung mạnh mẽ, chính xác để xây dựng một Luật Dầu khí hoàn thiện theo đúng kỳ vọng của ngành Dầu khí nói riêng và Nhà nước nói chung.

Cũng tại Tọa đàm, các nhà khoa học, các chuyên gia, đại biểu là các CCB tại các cơ quan Bộ, Ngành Trung ương: đồng chí Trần Văn Thiết – Phó Chủ tịch Hội CCB Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Võ Văn Hoa – Chủ tịch Hội CCB Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; đồng chí Nguyễn Hòa Văn – Chủ tịch Hội CCB Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Thủy – Chủ tịch Hội CCB Tạp chí Cộng sản; đồng chí Pham Thanh Sơn – Chủ tịch Hội CCB Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đều nhấn mạnh, hoạt động dầu khí là hoạt động đặc biệt, đặc thù. Các đại biểu cũng đã chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất với Đảng, Nhà nước vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), với mong muốn sau khi ban hành Luật Dầu khí mới có thể đi vào đời sống kinh tế-xã hội một cách hữu ích và hiệu quả nhất, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.

Sửa đổi Luật Dầu khí để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc
Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn phát biểu kết luận tại Tọa đàm

Kết luận Toạ đàm, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh, Nghị quyết 244/NQ-TW của Bộ Chính trị năm 1975 đã chỉ rõ nhiệm vụ cho ngành Dầu khí phải nhanh chóng tìm ra và khai thác dầu khí. Trong quá trình phát triển, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành Dầu khí. Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) cho phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về dầu khí, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong các hoạt động dầu khí, phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ dầu khí quốc tế.

Phó Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn thay mặt lãnh đạo Tập đoàn đánh giá cao Hội CCB Tập đoàn đã có sáng kiến tổ chức Tọa đàm, đồng thời ghi nhận, cảm ơn các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, đại biểu là các CCB tại các cơ quan Bộ, Ngành Trung ương đối với các hoạt động dầu khí để hiểu hơn về tính đặc thù của hoạt động dầu khí. Thông qua buổi Tọa đàm, Tập đoàn đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá khách quan, góp ý xác đáng và sẽ là cơ sở trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi); tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế chính sách phù hợp, giúp môi trường đầu tư dầu khí trở nên thuận lợi, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn mong muốn trong thời gian tới, tiếp tục nhận được nhiều ý kiến, quan điểm xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) từ các đại biểu, các chuyên gia để sau khi ban hành Luật Dầu khí mới, ngành Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể đóng góp nhiều nhất, cao nhất, trách nhiệm nhất cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Luật Dầu khí cần mang đặc thù dầu khíLuật Dầu khí cần mang đặc thù dầu khí
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng: Hội Dầu khí Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển ngành Dầu khíChủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng: Hội Dầu khí Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển ngành Dầu khí
Cần xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) một cách bao quát, cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo với các Luật khácCần xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) một cách bao quát, cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo với các Luật khác
Luật dầu khí mới của Nigeria: “Chìa khóa” thu hút đầu tư nước ngoàiLuật dầu khí mới của Nigeria: “Chìa khóa” thu hút đầu tư nước ngoài
Ủy ban QLVNN mong muốn Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ tạo thuận lợi cho Petrovietnam, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nướcỦy ban QLVNN mong muốn Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ tạo thuận lợi cho Petrovietnam, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước
Petrovietnam tích cực đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)Petrovietnam tích cực đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Nguyễn Hoan

DMCA.com Protection Status