Tây Bắc không xa xôi

14:23 | 29/03/2016

1,629 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chuyến đi thực tế Tây Bắc của lớp Cao cấp chính trị các cơ quan Trung ương khóa 45, khóa học 2014-2016 đã đạt được mục tiêu: giáo dục truyền thống lịch sử, khẳng định thành tựu của đất nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đem lại những trải nghiệm quý báu, những kỷ niệm khó quên cho các học viên. 

Ngày 18/12/2014, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ra quyết định cử 73 cán bộ, đảng viên của Tập đoàn tham dự lớp Cao cấp chính trị hệ không tập trung Các cơ quan Trung ương, khóa 45, khóa học 2014-2016. Lớp học còn bao gồm một số đồng chí của Bộ Ngoại giao, Tổng Công ty Phát triển Nhà ở Hà Nội, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, tổng cộng lớp có 90 học viên.

Các học viên của lớp có nhiều thành phần và độ tuổi. Một số đồng chí ở thế hệ 6x: anh Vinh (ủy viên HĐQT Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Phú Mỹ); anh Khánh, anh Sơn (Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí - PVEP), anh Hiền (ủy viên HĐQT PVcomBank), anh Sơn (Viện Dầu khí Việt Nam - VPI), anh Thắng, anh Khuê (PVEP), anh Huyên (Trưởng ban Chế  biến Dầu khí), anh Liêm (Phó Trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò)... Thế hệ trẻ nhất, 8x: chị Hương (Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, ủy viên BCH Đảng bộ, Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn.

Đến thời điểm này, lớp học đã trải qua hơn 2/3 chặng đường. Nhìn lại quá trình học tập, các thầy cô giáo của Học viện, cô đồng chủ nhiệm (Trung tâm Đào tạo VPI) và học viên đều thấy hài lòng. Các thầy cô có kiến thức sâu rộng, nhiệt tình giảng dạy. Học viên tích cực học tập, có kiến thức và phẩm chất chính trị tốt, tiếp thu nhanh, năng động trong học tập, có khả năng trong nhận thức cũng như trao đổi, thảo luận, được các thầy cô ghi nhận.

Một số thầy cô đánh giá lớp có trình độ nhận thức tốt, một số anh chị em có năng lực và tố chất có thể trở thành giảng viên chính trị/kinh tế (nếu được đào tạo thêm) như các anh Thắng, Hồng Sơn (PVEP), anh Đốc (OceanBank), anh Thạch (Ban Kiểm soát Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - , PVN), anh Hùng Sơn (VPI)... Chúng tôi hiểu lời khen ngợi của các thầy cô là sự động viên nhưng cũng tự hào về sự đánh giá chân thành, khách quan này. Về kết quả học tập, các bài thi đều đạt kết quả khá, giỏi. Các học viên cũng đã mở rộng và tăng cường mối quan hệ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và các mặt khác của đời sống.

Tiến sĩ Ngô Ngân Hà, chủ nhiệm lớp, các cán bộ của Trung tâm Đào tạo VPI (đơn vị phối hợp quản lý lớp) và các học viên đã có những trải nghiệm quý báu và kỷ niệm đẹp trong chuyến đi thực tế Tây Bắc (một nội dung nằm trong chương trình giảng dạy). Chuyến đi được tổ chức vào cuối tháng 11/2015 với mục đích: giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho các học viên, đồng thời cũng là đảng viên, cán bộ lãnh đạo tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp về dân tộc anh hùng, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03/CT-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Khơi dậy và làm sáng thêm giá trị truyền thống, giá trị nhân văn và giá trị đạo đức của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến và kiến quốc. Cổ vũ, động viên các học viên là các đảng viên gương mẫu thực hiện đạo lý và trách nhiệm của bản thân theo tư tưởng Hồ Chí Minh bằng những hành động tri ân cụ thể, thiết thực. Khẳng định những thành tựu vĩ đại của dân tộc đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là Chiến thắng “chấn động địa cầu” của Chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954). Nghiên cứu tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế xã hội và công tác an sinh xã hội của địa phương.

Từ Hà Nội, đoàn khởi hành lúc 7h sáng trên 2 xe ô tô.  Sau gần 2 giờ tới Lương Sơn, Hòa Bình. Qua dốc Cun, vượt đèo Thung Khe mây phủ sang Mai Châu. Hai bên đường nhấp nhô những ngọn núi đá vôi lẫn trong mầu xanh ngút ngàn của núi rừng. Cảm nhận được vẻ đẹp, sự giầu có về tài nguyên, khoáng sản của đất nước. Những ngọn núi đá vôi được hình thành ở kỷ Devon, cách đây hơn 200 triệu năm, là nguồn vật liệu xây dựng, là nguyên liệu để sản xuất xi măng. Nhớ tới nhà thơ/người lính Quang Dũng với bài thơ “Tây tiến” (viết năm 1948 ở Phù Lưu Chanh): “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm/Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…”. (Tây tiến là bài thơ ghi nhận sự ra đi, lao vào cuộc kháng chiến của lớp thanh niên Hà Nội những năm 46, 47. Họ để lại phía sau Thủ đô yêu dấu để tham gia cuộc chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hy sinh).

Qua Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, theo đường số 6 chúng tôi tới Thành phố Sơn La. Thăm nhà tù Sơn La, thắp hương tưởng niệm tại nơi thực dân Pháp bêu đầu liệt sĩ Đàm Văn Lý (anh trai Thượng tướng Đàm Quang Trung). Thăm cây đào Tô Hiệu, tưởng nhớ người chiến sĩ cách mạng kiên trung Tô Hiệu và Tô Chấn (người anh của Tô Hiệu, đã vượt ngục Côn Đảo và hy sinh giữa biển khơi cùng đồng chí Ngô Gia Tự). Thắp hương những nấm mồ chiến sỹ tại nghĩa trang Vườn Ổi.  Nhớ đến bài thơ “Qua thăm gốc ổi” của đồng chí Trần Huy Liệu, cựu tù nhân Sơn La, cố Viện trưởng Viện Sử Học: “Điểm lại người nằm dưới đất đen/Bốn ba chiến sĩ lạ và quen/Đã từng tranh đấu bao oanh liệt/Cho đến hơi cùng chịu ngủ yên…”.

Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích  2170m2. Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản. Bằng chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn vô cùng hiểm ác, kẻ thù tưởng sẽ tiêu diệt được tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng nhưng chính tại nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng, rèn luyện ý chí và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng những chiến sỹ, đảng viên cộng sản trung kiên, nổi bật nhất là vai trò của đồng chí Tô Hiệu và bao đồng chí trung kiên khác. Nhà tù Sơn La từng được xem là địa ngục trần gian chỉ sau nhà tù Côn Đảo, nơi thực dân Pháp giam cầm và bức hại những chiến sỹ đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam. Họ chết trong lao tù, chết trong những cánh rừng, những con đường. Trong số họ, ngoài đồng chí Tô Hiệu ra thì không ai có được nấm mồ riêng. Nhiều tù nhân ở đây sau này trở thành  lãnh đạo cao cấp của nước Việt Nam mới: Lê Duẩn, Trường Chinh, Đỗ  Mười, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch, Mai Chí Thọ, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Tùng, Nguyễn Văn Trân, Trần Huy Liệu...

tay bac khong xa xoi
Cây đào Tô Hiệu
tay bac khong xa xoi

Nghe hướng dẫn viên thuyết minh tại hầm biệt giam dưới mặt đất.

Nghe hướng dẫn viên thuyết minh, trực tiếp thăm xà lim giam chật hẹp, tối tăm, chúng tôi nhận thức sâu sắc sự chịu đựng, hy sinh của các chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp giam hãm, tra tấn nơi đây, nhận thức được nền độc lập của nước ta có được từ sự đấu tranh, sự hy sinh của bao thế hệ các chiến sỹ cách mạng. Trong khung cảnh trời chiều, chúng tôi bồi hồi nhớ tới giai điệu và lời hát bài “Chiều tù” của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận, cựu tù nhân chính trị Sơn La, sáng tác năm 1941: “Hôm nay trong tù/Vi vu gió may lướt trong chiều thu/Kìa áng mây trôi/Chim bay phương nào tới/Tung cánh giữa mây trời/Tim say yêu đời/Bao nhiêu tiếng reo vang trong hồn tôi/Tù vắng xa xôi...”.

Di tích nhà tù Sơn La được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng năm 1962. Hàng năm đón hơn trăm nghìn lượt du khách đến tham quan. Bên cạnh khu di tích nhà tù là Nhà bảo tàng tổng hợp của tỉnh Sơn La, nơi trưng bày nhiều hiện vật quí giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hoá của cộng đồng 12 dân tộc đoàn kết cùng nhau xây dựng Sơn La thành tỉnh giàu có của Việt Nam.

Rời Sơn La, vượt đèo Pha Đin vào đất Điện Biên. Miền Tây Bắc của Tổ quốc thật hùng vĩ. Chúng tôi chợt nhớ tới bức tranh “Nhớ một chiều Tây Bắc” của họa sĩ Phan Kế An, mô tả một nhóm các chiến sỹ Vệ Quốc Quân, vai đeo súng đang hành quân, mấy chiếc bóng đổ dài trên nền dốc nửa tối nửa sáng lúc trời chiều (bức tranh này đang được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam). Chị Hoa, một học viên trẻ, duyên dáng của lớp đọc mấy câu thơ: “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/Dù bom đạn, xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...” (Tố Hữu). Chúng tôi nhớ lại, hơn 60 năm trước, người dân nhiều vùng, miền, thậm chí từ rất xa như Nghệ An, Thanh Hóa đã chịu đựng bao gian khổ, thậm chí ác liệt, vận chuyển lương thực, vũ khí qua đây để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một sự cố xảy ra tại đèo Pha Đin là xe đi sau bị bó phanh trong khi xe trước đã gần tới Điện Biên. Ban Cán sự lớp đã quyết định cho xe trước để anh chị em ở xe này xuống nghỉ ở một quán ven đường và quay lại đón anh chị em ở xe thứ hai (trong thời gian đó sẽ điều một xe khác lên thay thế). Anh chị em ở xe 2 đã đi bộ tới một quán nước trên đèo, cách chỗ bị sự cố khoảng 300m để nghỉ. Chủ quán niềm nở tiếp đón, giới thiệu mình là người Thái Bình, bố là dân công trong chiến dịch Điện Biên năm xưa. Khi xe thứ nhất quay lại đón, anh chị em trong đoàn trả tiền nước nhưng chị chủ quán không nhận và nói: “gặp các anh các chị dưới xuôi lên, nói dăm ba câu chuyện là vui rồi, lúc nào có dịp đi qua vào quán nghỉ ngơi, uống nước”. 

tay bac khong xa xoi
Trên đèo Pha Đin

Trong 2 ngày ở Điện Biên, học viên đã thực hiện chương trình gặp gỡ Tỉnh ủy, thăm viếng di tích, thực hiện công tác an sinh xã hội và giao lưu với cán bộ, nhân dân địa phương. Đoàn đã có buổi làm việc, trao đổi với một số đồng chí trong Tỉnh ủy, nghe báo cáo về tình hình thực hiện kinh tế, xã hội của địa phương trong thời gian vừa qua. Biết được mức độ đầu tư của Trung ương, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tỉnh ban, các cơ quan, ban ngành cho Điện Biên qua những con số cụ thể. Biết được thuận lợi cũng như  khó khăn nhất định. Chúng tôi cũng được biết rằng Điện Biên cũng đã có những sự giúp đỡ trong lĩnh vực đào tạo cán bộ y tế cho nước bạn Lào; biết được những khó khăn, gian khổ, thậm chí nguy hiểm của bộ đội biên phòng đóng ở biên giới, thuộc địa bàn Điện Biên như ở đồn biên phòng cửa khẩu Tây Trang.

Sau đó chúng tôi tới dâng hương tại Đồi A1, viếng vong linh các liệt sỹ ở nghĩa trang. Điện Biên có 3 nghĩa trang lớn, hầu hết là mộ không tên. Trong 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ đã có hàng vạn người hy sinh, đặc biệt là tại đồi A1, xương cốt của các anh vẫn còn vùi lẫn trong đất. Chúng tôi cũng được biết thêm chi tiết về  chiến công đào hầm, cho nổ 1 tấn bộc phá, phá hủy cứ điểm quan trọng trên đồi A1, góp phần tạo bước ngoặt quyết định cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

tay bac khong xa xoi
Chiến hào trên đồi A1

Tới thăm hầm Đờ Cát, nghe thuyết minh về tổng thể chiến dịch Điện Biên. Nhớ tới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ, tài cầm quân, tính quyết đoán, tinh thần trách nhiệm của “Tướng ngoài biên ải”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhớ tới sự gian khổ, hy sinh của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Việt Nam năm xưa, đã làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chiến thắng Điện Biên đã buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Geneva năm 1954, chấm dứt chiến tranh, chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam. 

tay bac khong xa xoi
Hầm Đờ Cát

Thực hiện công tác an sinh xã hội, thầy trò của lớp đã tới thăm và tặng quà cho Nhà trường và học sinh tại Trường THCS Mường Pồn. (Chắc hẳn chúng ta còn nhớ địa danh Mường Pồn, nơi xẩy ra trận Mường Pồn trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954,  khi giá súng trung liên bị gãy, chiến sĩ Bế Văn Đàn đã lấy thân mình làm giá súng, lúc hy sinh hai tay vẫn ghì chặt  súng trên vai. Sách Tập đọc lớp ba phổ thông, thập kỷ 60 có bài “Người anh hùng Mường Pồn”). Trường được xây dựng năm 2002, nằm trên quốc lộ 6 cách trung tâm thành phố 23 km và cách trung tâm xã 3 km. Biên chế cán bộ gồm 28 cán bộ giáo viên và CNV, 1 hiệu trưởng, 1 hiệu phó và 3 tổ chuyên môn. Trường có hơn 300 học sinh, gồm các dân tộc Thái, Hmông, Kinh, trong đó có khoảng 100 học sinh nội trú.  Sau khi nghe thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Quỳ báo cáo tình hình chung, Đoàn trao quà cho giáo viên, học sinh và thăm phòng làm việc, phòng  học, ký túc xá nội trú, nhà ăn, nhà bếp của giáo viên và học sinh. Đoàn vui mừng với thành tích dạy và học của cán bộ, giáo viên và các cháu học sinh, với cơ sở vật chất của nhà trường tuy chưa thật tốt nhưng ngày càng được cải thiện. Ấm lòng với sự đón tiếp trang trọng nhưng thân tình của nhà trường và cảm động khi được chia sẻ tình cảm và vật chất với nhà trường.

Tối cuối cùng tại Điện Biên, học viên có buổi sinh hoạt ngoại khóa, giao lưu với các thầy cô giáo Trường THCS Mường Pồn và đội văn nghệ của đồng bào Thái tại sân khách sạn Mường Thanh. Chợt nhận ra nét duyên dáng, tài hát múa của đồng bào Tây Bắc cũng như tài năng văn nghệ tiềm ẩn của học viên.  Được hòa chung lời ca tiếng hát với đội văn nghệ người Thái bản Noong Chứn. Một số khách châu Âu đang lưu trú tại khách sạn trong chuyến thăm viếng di tích Điện Biên Phủ cũng hào hứng cùng tham gia. Điệu nhảy sạp làm mọi người không khỏi nhớ nhau. Miền Tây Bắc thật thân thương, người dân nơi đây hiền hòa, mến khách.

tay bac khong xa xoi
Thăm và trao quà cho giáo viên, học sinh THCS Mường Pồn
tay bac khong xa xoi
Giao lưu văn nghệ với giáo viên THCS Mường Pồn & đội văn nghệ người Thái

Rời Điện Biên về Sơn La, thăm Nhà máy Thủy điện Sơn La. Công trình được thi công bởi cán bộ, công nhân kỹ thuật của Tổng Công ty Sông Đà, khánh thành vào ngày 23 tháng 12 năm 2012, sau 7 năm xây dựng, sớm hơn kế hoạch 3 năm. Là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á với cao độ đỉnh đập 228,1 m; dài 961,6 m; chiều rộng đáy đập 105 m; chiều rộng đỉnh đập 10 m. Dung tích hồ chứa thủy điện 9,26 tỷ m3, với tổng công suất lắp máy 2.400 MW (6 tổ máy), sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỷ kW, bằng gần 1/10 sản lượng điện của Việt Nam năm 2012.

Tận mắt thấy quy mô,  sự hùng vĩ của công trình, chúng tôi thật sự khâm phục trình độ, năng lực của cán bộ, công nhân đã trực tiếp thi công, nhận thức được rằng đây là một trong những bằng chứng của thành tựu phát triển kinh tế trong giai đoạn đổi mới của đất nước.

tay bac khong xa xoi
Nhà máy thủy điện Sơn La

Chuyến đi Tây Bắc đã đem lại nhiều điều cho chúng tôi, sự nhận thức sâu sắc về mất mát, hy sinh, chiến công oanh liệt của cha ông, sự chịu đựng khó khăn của đồng bào, chiến sỹ vùng sâu, vùng xa cũng như những thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với an ninh, quốc phòng.

Chúng tôi thăm Tây Bắc khi mùa hoa ban chưa tới, thật là tiếc. Vì nói tới miền Tây Bắc là phải nói tới hoa ban, nói tới “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, tới “Mùa lạc” của Nguyễn Khải (khung cảnh Nông trường Điện Biên của các anh bộ đội đã từng đánh trận Điện Biên Phủ). Trong bài hát “Đường lên Tây Bắc” của nhạc sĩ Văn An có câu “Đường lên Tây Bắc xa xôi...”. Với chúng tôi, Tây Bắc không xa xôi. Chia tay Tây Bắc mà còn lưu luyến.

Dương Hùng Sơn (Viện Dầu Khí)

DMCA.com Protection Status