Thợ lặn dầu khí: Nặng nhọc - độc hại - nguy hiểm

06:10 | 03/11/2023

9,035 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong ngành Dầu khí, một trong những nghề nhọc nhằn nhất là nghề lặn. Làm thợ lặn đã khó, làm thợ lặn dầu khí còn khó gấp bội phần, nhất là hiện nay, việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế cho hoạt động lặn vẫn chưa có sự thống nhất. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã phỏng vấn ông Vũ Văn Hà - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ công trình ngầm, Trường Cao đẳng Dầu khí (PVCollege) - để làm rõ hơn thực tế này.

PV: Là người có trên 40 năm kinh nghiệm trong nghề, ông đánh giá như thế nào về những tính chất đặc thù của thợ lặn dầu khí?

Thợ lặn dầu khí: Nặng nhọc - độc hại - nguy hiểm
Ông Vũ Văn Hà

Ông Vũ Văn Hà: Tính chất nguy hiểm và độc hại của người thợ lặn rất nhiều. Tuy nhiên, với người thợ lặn trong ngành Dầu khí, tính chất nguy hiểm của công việc tăng thêm gấp nhiều lần.

Thứ nhất, trong hoạt động dầu khí có những nơi rất sâu cần có thợ lặn làm việc, sâu hơn 50m là bình thường.

Thứ hai, thợ lặn dầu khí phải thực hiện nhiều thao tác kỹ thuật phức tạp, vận hành máy móc, lắp đặt các cấu kiện thiết bị nặng dưới nước, đòi hỏi sự tập trung cao độ.

Thứ ba, thợ lặn dầu khí làm việc dưới nước nhưng là một phần của công trường, xung quanh họ, máy móc và tàu bè vẫn hoạt động.

Dưới tác động của các yếu tố bất lợi trong môi trường nước và các yêu cầu kỹ thuật phức tạp, thợ lặn rất dễ gặp tai nạn cũng như các trạng thái bệnh lý cấp tính và mạn tính. Nguy cơ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người thợ lặn dầu khí cao hơn hẳn các ngành nghề khác. Đó là lý do nghề lặn dầu khí được xếp vào loại công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Lặn giỏi thôi chưa đủ, người thợ lặn dầu khí còn phải thông thạo nhiều công việc khác như hàn, cắt, móc cáp treo hàng, lắp ráp xây dựng, vận hành máy móc thiết bị như máy cưa, mài, đào đất, cạo gỉ, phun cát làm sạch bề mặt kim loại... Tất cả những công việc đó, người thợ lặn được đào tạo một cách bài bản và cấp chứng chỉ riêng. Bên cạnh đó, nghề lặn có các yêu cầu phải rèn luyện, giữ vững thể lực nghiêm ngặt và thường xuyên được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Những ai có chỉ số sức khỏe không đạt tiêu chuẩn thì tuyệt đối không được tham gia công tác lặn.

Thợ lặn dầu khí: Nặng nhọc - độc hại - nguy hiểm
Thợ lặn luôn đòi hỏi các yêu cầu kỹ thuật phức tạp

PV: Có phải vì nghề lặn dầu khí thuộc nhóm đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là rào cản lớn nhất cho sự phát triển nguồn nhân lực ở lĩnh vực này không, thưa ông?

Ông Vũ Văn Hà: Đó cũng là một trong những lý do chính. Hiện nay, kinh tế nước ta đã phát triển, không còn quá khó khăn như trước đây. Nhiều cháu có điều kiện một chút thì gia đình không muốn theo nghề lặn vì độc hại và nguy hiểm. Trong tình hình thiếu hụt lao động hiện nay, nếu ai đã tốt nghiệp THPT thì hoàn toàn có nhiều sự lựa chọn ngành nghề khác. Chính vì vậy, việc tuyển sinh của chúng tôi trong những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn. Với đà phát triển như hiện nay, chỉ vài năm nữa thôi, chúng ta sẽ bị thiếu hụt lực lượng thợ lặn sâu chuyên nghiệp.

PVCollege là đơn vị hàng đầu tại Việt Nam thực hiện đào tạo về lặn sâu chuyên nghiệp. Từ khóa lặn đầu tiên năm 1977, dưới sự hướng dẫn giảng dạy của các chuyên gia Na Uy, bằng các nguồn lực, thiết bị hiện đại do Chính phủ Na Uy tài trợ, đến nay PVCollege đã đào tạo hàng trăm thợ lặn, đáp ứng được nhu cầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Do đó, việc phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực lặn là sứ mệnh và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của PVCollege. Làm sao để nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ và phát triển số lượng thợ lặn sâu chuyên nghiệp ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực tế, là điều chúng tôi trăn trở rất nhiều trong những năm gần đây.

Thợ lặn dầu khí: Nặng nhọc - độc hại - nguy hiểm
Chuẩn bị cho thợ lặn xuống nước

Ngoài công tác giảng dạy, PVCollege còn là một nhà thầu lặn hàng đầu tại Việt Nam, tiên phong trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động lặn. PVCollege là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được công nhận là thành viên của Hiệp hội Các nhà thầu hàng hải quốc tế (IMCA), một số công ty khác cũng đã bắt đầu gia nhập IMCA. Chúng tôi tin rằng đây là xu hướng tốt để nâng cao sự an toàn cho thợ lặn tại thị trường Việt Nam, qua đó tạo sự yên tâm cho người lao động gia nhập nghề lặn.

Thợ lặn dầu khí: Nặng nhọc - độc hại - nguy hiểm
Thợ lặn PVCOLLEGE

Ngoài ra, phát triển nhân lực cho lĩnh vực lặn còn khó khăn do thị trường lặn khảo sát, thi công xây lắp cho ngành Dầu khí không còn nhộn nhịp như xưa, thậm chí đang ngày càng thu hẹp, bởi hầu như chúng ta không có mỏ mới được phát triển. Với công tác lặn khảo sát - bảo dưỡng cho các mỏ hiện hữu, số lượng mỏ đã cố định và được thực hiện định kỳ. Nếu có công việc mới phát sinh thì chỉ trong trường hợp các mỏ có xảy ra sự cố hư hỏng nào đó cần sửa chữa, các trường hợp này không nhiều. Công việc giảm, cạnh tranh nhiều, dẫn đến thu nhập của thợ lặn dầu khí cũng bị ảnh hưởng.

Lặn giỏi thôi chưa đủ, người thợ lặn dầu khí còn phải thông thạo nhiều công việc khác như hàn, cắt, móc cáp treo hàng, lắp ráp xây dựng, vận hành máy móc thiết bị như máy cưa, mài, đào đất, cạo gỉ, phun cát làm sạch bề mặt kim loại..., được đào tạo bài bản và cấp chứng chỉ riêng.

PV: Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, để giải bài toán nguồn nhân lực lặn thì trước hết phải nâng cao tiêu chuẩn an toàn cho nghề lặn?

Ông Vũ Văn Hà: Cơ bản là vậy. Thu nhập chưa hấp dẫn cũng là một lý do. Nhưng việc thực hiện được hay không cũng không hề đơn giản.

Từ năm 2015, PVCollege đã tiên phong trở thành thành viên chính thức đầu tiên của IMCA tại Việt Nam. Tiêu chuẩn IMCA là một trong những tiêu chuẩn an toàn được yêu cầu bắt buộc bởi hầu hết các công ty dầu khí quốc tế. Từ khi gia nhập IMCA, PVCollege đã thay hầu hết các nhà thầu lặn nước ngoài trong cung cấp dịch vụ cho ngành Dầu khí.

Tuy nhiên, để được công nhận là thành viên IMCA, PVCollege đã chấp nhận chi phí cao hơn; hệ thống quản lý, hệ thống thiết bị, chứng chỉ đào tạo, khí thở... đều phải đạt tiêu chuẩn cao. Vì vậy, một số công ty cung cấp dịch vụ lặn tại Việt Nam chưa sẵn sàng tham gia IMCA. Nếu tiêu chuẩn IMCA được áp dụng rộng rãi, môi trường làm việc của nghề lặn tốt hơn, người thợ lặn yên tâm hơn rất nhiều, qua đó, việc phát triển nhân lực cho lĩnh vực lặn cũng thuận lợi hơn.

Một số công ty dầu khí đang áp dụng tiêu chuẩn an toàn khá thấp đối với hoạt động lặn, tạo nên môi trường làm việc kém an toàn với chi phí thấp. Tiêu chuẩn an toàn thấp không khuyến khích các công ty gia nhập IMCA và dẫn đến sự cạnh tranh về dịch vụ giá rẻ, xu hướng là giá dịch vụ ngày càng giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của thợ lặn. Thu nhập không còn hấp dẫn cũng là một rào cản trong việc phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực lặn.

Thợ lặn dầu khí: Nặng nhọc - độc hại - nguy hiểm
Thợ lặn của Vietsovpetro làm việc trên công trình biển (ảnh: Nguyễn Trường Sơn)

PV: Cũng có quan điểm cho rằng nên bỏ tiêu chuẩn IMCA để các nhà thầu có thể chào giá cạnh tranh hơn, tiết kiệm chi phí hơn. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Vũ Văn Hà: Đây cũng là một trong các vấn đề “nóng” được tranh luận nhiều. Một số công ty dầu khí muốn bỏ tiêu chuẩn IMCA để có giá dịch vụ thấp. Một số nhà thầu lặn ủng hộ quan điểm bỏ tiêu chuẩn IMCA bởi chi phí đầu tư tốn kém, khó chào giá cạnh tranh.

Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của chúng tôi vẫn là “không có hoạt động, dự án nào quan trọng đến mức có thể thực hiện mà không có sự quan tâm, chú ý đến sức khỏe, an toàn của nhân viên liên quan cũng như ngăn ngừa thiệt hại về tài sản và môi trường”. An toàn lao động là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại và uy tín của PVCollege. IMCA chính là thước đo tiêu chuẩn an toàn của PVCollege.

Từ năm 2015, PVCollege đã trở thành thành viên chính thức của IMCA. Tiêu chuẩn IMCA là một trong những tiêu chuẩn an toàn được yêu cầu bắt buộc bởi hầu hết các công ty dầu khí quốc tế. Từ khi gia nhập IMCA, PVCollege đã thay hầu hết các nhà thầu lặn nước ngoài trong cung cấp dịch vụ cho ngành Dầu khí.

PVCollege sẽ liên tục tuyên truyền, quảng bá để tiêu chuẩn IMCA được áp dụng ngày càng rộng rãi trong lĩnh vực dầu khí Việt Nam.

PV: Gần như cả sự nghiệp gắn liền với hoạt động lặn của PVCollege, điều gì làm ông hài lòng nhất và điều gì làm ông còn băn khoăn?

Ông Vũ Văn Hà: Điều tôi hài lòng nhất là đã cùng PVCollege đào tạo được nhiều thế hệ thợ lặn dầu khí phục vụ tốt cho ngành Dầu khí và các đơn vị khác như hải quân, cảnh sát biển... Chúng tôi đã xây dựng PVCollege thành một nhà thầu lặn đẳng cấp quốc tế, thay thế gần như hoàn toàn các đội lặn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất tự hào đã xây dựng được đội ngũ lao động đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau, đó là một nét văn hóa đặc trưng mà đội ngũ PVCollege nói chung và đội ngũ lặn nói riêng luôn gìn giữ và bồi đắp. Vừa qua, chúng tôi đã chung tay hỗ trợ một thành viên trong đội lặn mua nhà. Có an cư thì mới lạc nghiệp, nhất là đối với nghề có tính đặc thù cao này. Việc giúp anh em ổn định gia đình, nhà cửa, yên tâm công tác vô cùng quan trọng.

Nâng cao tiêu chuẩn an toàn cho thợ lặn và tăng thu nhập cho thợ lặn là những vấn đề quan trọng mà PVCollege ấp ủ và đang rất nỗ lực thực hiện. PVCollege mong muốn các đơn vị sử dụng dịch vụ lặn cũng như đơn vị cung cấp dịch vụ lặn cùng chung tay thúc đẩy sự phát triển của nghề lặn sâu chuyên nghiệp hơn, an toàn hơn, để người học yên tâm chọn nghề, thợ lặn yên tâm công tác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về quản lý an toàn

Trong ngành lặn luôn có một khối lượng lớn công việc được thực hiện dưới nước bởi các thợ lặn ở các áp suất và độ sâu khác nhau. Do tính chất khắc nghiệt giữa môi trường nước và không khí, nên làm việc dưới nước được xếp vào loại lao động “đặc biệt - nặng nhọc - độc hại”. Dưới tác động của các yếu tố bất lợi trong môi trường nước và các yêu cầu kỹ thuật phức tạp, thợ lặn rất dễ gặp tai nạn, mắc các bệnh lý cấp tính và mạn tính. Ngoài ra, thợ lặn thường làm việc trên máy cao áp, vòi cao áp và làm việc gần mép nước, chịu tiếng ồn, có nguy cơ bị rơi từ trên cao, nên nguy cơ tai nạn lao động có thể xảy ra.

Nhận diện những rủi ro tiềm ẩn và nhận thức được tầm quan trọng của công tác an toàn đối với đội lặn, PVCollege đã xác định: An toàn là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại và uy tín của PVCollege.

Nhận thức rõ yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu trong mọi hoạt động, PVCollege đã gia nhập IMCA và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý an toàn. Với sự hỗ trợ và hướng dẫn của IMCA, PVCollege đã ban hành nhiều quy trình về an toàn, kiểm soát chất lượng, bảo trì, sửa chữa cho hoạt động lặn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong những năm gần đây, PVCollege đã xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý tích hợp theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 với hệ thống quản lý an toàn - sức khỏe theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 45001:2018.

PVCollege ban hành chính sách an toàn - sức khỏe - môi trường với triết lý “Không có hoạt động, dự án nào quan trọng đến mức có thể thực hiện mà không có sự quan tâm, chú ý đến sức khỏe, an toàn của nhân viên liên quan và ngăn ngừa thiệt hại về tài sản và môi trường”.

Để áp dụng và duy trì hệ thống quản lý tích hợp, PVCollege đã ban hành chính sách về sức khỏe - an toàn - môi trường, xây dựng mục tiêu an toàn - chất lượng hàng năm và ban hành nhiều quy trình kiểm soát như đánh giá rủi ro, giám sát và kiểm toán an toàn, đào tạo và giáo dục, kiểm soát chất lượng... Đối với hoạt động lặn, có hơn 20 quy trình về vận hành lặn, bảo trì... Các quy trình này thường xuyên được xem xét và cập nhật cho phù hợp với những thay đổi trong hướng dẫn của IMCA.

Nhờ áp dụng thành công hệ thống quản lý tích hợp, trong nhiều năm hoạt động, PVCollege luôn bảo đảm an toàn cho thợ lặn và duy trì hoạt động an toàn liên tục trong các dịch vụ lặn.

Nguyên Phương (thực hiện)

Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Dầu khí nghỉ chế độ từ 1/8Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Dầu khí nghỉ chế độ từ 1/8
PVEP và PVCollege phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diệnPVEP và PVCollege phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện
PVCollege công bố và trao các quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởngPVCollege công bố và trao các quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng

DMCA.com Protection Status