Kỹ sư Trần Thị Thanh Nga

Thủ lĩnh công đoàn giàu sáng tạo

22:24 | 25/11/2017

1,378 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Như người nông dân gieo hạt, nếu cần mẫn chăm bón, vun trồng thì sẽ thu những quả ngọt trĩu cành. Cũng vậy, với bất cứ công việc gì, nếu làm bằng cả tình yêu và tâm huyết thì sẽ có thành quả “đẹp”. Đó cũng là kim chỉ nam trong công việc của chị Trần Thị Thanh Nga - Chủ tịch Công đoàn Xưởng Điện, Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Thấm thoát cũng đã gần 20 năm trôi qua. Năm 1999, khi chị Nga đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên ngành Kế toán thì chị nhận được tin báo nhận học bổng du học của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tại Trường Đại học Bách khoa Kiev, chuyên ngành điện. Đó cũng là bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời chị.

Đến bây giờ, chị Nga vẫn thắc mắc vì sao mọi người lại chọn một cô gái nhỏ nhắn như chị học chuyên ngành điện?! Nhưng bất ngờ hơn hết với chị là việc được chọn học đúng lĩnh vực mà chị yêu thích từ khi còn học phổ thông. Việc lắp nối những mạch điện và xem nó hoạt động khiến chị thích thú vô cùng. Chính vì vậy mà chị rất hứng thú học môn này và tiếp thu rất nhanh.

Sau khi tốt nghiệp ở Ucraina về, chị được phân công về Xưởng Điện của Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Thời gian đầu, chị Nga tham gia vào tổ trực tiếp bảo dưỡng động cơ, mạch điện (làm chuyên môn sâu về điện). Một thời gian sau thì chuyển qua công việc thiên về kỹ thuật, quản lý, theo dõi tình trạng máy móc thiết bị. Và hiện tại, công việc của chị Nga ở xưởng là phụ trách hệ thống quản lý chất lượng, lập kế hoạch bảo dưỡng thiết bị điện và một số công việc khác mà lãnh đạo xưởng cũng như lãnh đạo nhà máy phân công.

thu linh cong doan giau sang tao
Chị Trần Thị Thanh Nga

Ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ, trong mắt mọi người chị là một người có tinh thần sáng tạo rất cao. Nhưng chị chia sẻ, điều đó không có nghĩa chị là người có những thành tích nổi bật trong phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật của nhà máy với những công trình lớn như các anh em khác. Mà ở đây, đơn giản là những sáng kiến, hợp lý hóa nhằm phục vụ cho công việc hằng ngày của chị trở nên nhanh hơn, hiệu quả hơn. Có thể hiểu rằng, việc này xuất phát từ những tâm huyết của chị với nghề, tình yêu với tập thể mà chị đang gắn bó.

Nói đến đây, lại nhớ đến một “bông hồng” khác ở nhà máy mà tôi có dịp trò chuyện vào năm trước, đó là chị Dương Thị Ngọc Hà - Tổ trưởng Tổ Thống kê - Kế hoạch - Đào tạo - Định mức. Thật trùng hợp khi chị Nga và chị Hà là một đôi bạn rất thân thiết.

Ngoài việc thường xuyên trao đổi, tư vấn, hỗ trợ cho nhau trong công việc thì cả hai cũng là một cặp trong các tiết mục văn nghệ, như kiểu một cặp bè, người bè cao, người bè thấp nên không thể thiếu nhau vậy. Chị Nga kể, trước đây, hai chị em đã cùng nhau xông pha trên rất nhiều mặt trận phong trào, văn nghệ và đã gặt hái được những thành tích về cho đội, cho nhà máy và PVFCCo nói chung… Đặc biệt, chị Nga còn là người chuyên viết kịch bản và dàn dựng các tiết mục giúp các đội của nhà máy tham gia các cuộc thi như: Hội thi An toàn vệ sinh viên các cấp, Táo tháng 3… đạt giải cao.

Và cũng cần phải kể thêm rằng, ít ai có thể tưởng tượng ra người phụ nữ nhỏ nhắn như chị Nga lại từng là Đội trưởng Đội Bóng đá nữ của nhà máy. Riêng điều này thì có vẻ khác so với người bạn thân của chị, bởi chị Hà thì lại thích lãng mạn với văn thơ hơn!

thu linh cong doan giau sang tao
Bên trong Xưởng Điện của Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Theo nhìn nhận của chị Nga, ở Xưởng Điện, người thủ lĩnh Công đoàn của Xưởng Điện và anh em công đoàn viên trong xưởng trăn trở làm sao biến nơi làm việc trở thành một ngôi nhà thứ hai, các đồng nghiệp như là người thân trong gia đình để mỗi người đều cảm thấy vui, thấy gắn kết với nơi này. Mà muốn mọi người gần gũi và thân thiết với nhau hơn thì không cách nào khác ngoài việc phải thấu hiểu và chia sẻ cùng nhau. Đó cũng chính là mục tiêu quan trọng mà chị Nga nói riêng và lãnh đạo đơn vị nói chung muốn xây dựng và hướng đến.

Xác định được như vậy, hằng năm chị Nga và Công đoàn Xưởng tự tổ chức những buổi team building với nhiều chương trình hoạt động thiết thực để mọi người có dịp thể hiện tình đoàn kết và hiểu nhau hơn. Hay Công đoàn Xưởng cũng tự tổ chức những chuyến dã ngoại có mời cả gia đình của CBCNV xưởng đi cùng. Từ đó, giữa họ có dịp trò chuyện và quen biết nhau, để người thân của họ có thể thấu hiểu hơn và có niềm tin về nơi mà vợ, chồng mình đang gắn bó.

Kết quả là bây giờ, “đoàn kết” là tinh thần mà mọi người nói về Xưởng Điện mỗi khi nhắc đến. Đó là một niềm tự hào không nhỏ trong từng CBCNV Xưởng Điện khi chính tập thể họ đã, đang và tiếp tục xây dựng một tinh thần sống và làm việc trong toàn xưởng là “Together everyone archieve more”.

Tôi có hỏi chị Nga, công việc ở Xưởng Điện có vất vả quá đối một phụ nữ như chị hay không? Chị cười bảo, lúc trước làm về mạch điện thì không nặng nhọc như anh em làm điện động cơ hoặc các thiết bị tại hiện trường. “Hơn nữa, khi bản thân mình có đam mê, tâm huyết với công việc thì không còn cảm thấy mệt nhọc, vất vả nữa”. Đối với chị, kim chỉ nam trong công việc là làm gì cũng phải đặt cái tâm lên hàng đầu, có như vậy thì công việc mới đạt hiệu quả.

Chị Nga có kể lại câu chuyện về “nghề làm người” mà chị đã được bác Hội phó Hội đồng hương ở Ucraina chia sẻ từ thời chị còn là sinh viên bên đó. Chuyện là có một hôm, bác hỏi chị, ở đời làm nghề gì là khó nhất? Rồi bác ấy chia sẻ “nghề làm người” mới là khó nhất bởi đó là “nghề” mà con người ta phải học cả đời; và khi đã làm tốt rồi, tức là trở thành một con người tốt thì những nghề khác cũng sẽ dễ dàng thành công được! Bởi vì khi đó, làm bất cứ gì ta cũng làm bằng cả cái tâm.

Chị rất tâm đắc về bài học “nghề làm người” này và cũng kể từ sau hôm đó, bài học đó không chỉ có ảnh hưởng rất lớn mà còn trở thành hành trang quý báu cho chị trong cuộc sống, trong việc nuôi dạy con và nhất là trong công việc hiện tại ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Lê Trúc

DMCA.com Protection Status