Thủ tướng: Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường chạy theo tăng trưởng

13:30 | 06/12/2021

5,299 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Chính sách tiền tệ tài khóa phải hỗ trợ lẫn nhau, không để xung đột

Diễn đàn Cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số" là sự kiện lớn do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức diễn ra sáng 6/12.

Thủ tướng: Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường chạy theo tăng trưởng - 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn (Ảnh: NM).

Dành 30 phút phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc tới nội dung về 2 chương trình quan trọng Chính phủ đang tập trung hoàn thiện.

Trong đó có chương trình phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế xã hội. Theo Thủ tướng, hai chương trình này gắn liền với nhau. Bởi dịch bệnh tác động ngay tới phát triển kinh tế xã hội và ngược lại, nếu không phát triển được kinh tế xã hội thì sẽ không có nguồn lực chống dịch.

"Hai chương trình này sẽ song song, hỗ trợ tác động lẫn nhau, làm tốt cái này thì làm tốt cái kia", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về chương trình phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng phác thảo một số điểm chính như: Hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực y tế, bao gồm cả con người, cơ sở vật chất tài chính. Ngoài ra còn có các vấn đề khác về vaccine, điều trị, nâng cao ý thức người dân…

Theo Thủ tướng, phấn đấu chậm nhất tháng 12 này sẽ đảm bảo được 2 mũi vaccine cho các đối tượng trên 18 tuổi, tiêm vaccine mũi tăng cường, tiêm vaccine cho trẻ từ 12-18 tuổi và nghiên cứu tiêm cho trẻ em nhỏ hơn nữa.

Về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết sẽ tập trung một số nội dung quan trọng gồm các vấn đề y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tập trung hạ tầng chiến lược (trong đó có hạ tầng chuyển đổi số).

Triển khai gói phục hồi, theo Thủ tướng, sẽ sử dụng công cụ về tiền tệ và tài khóa. Chính sách tiền tệ tài khóa gắn chặt với nhau, thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau, không để xung đột, mâu thuẫn, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về an sinh xã hội, người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ tập trung vào trụ cột chính: Giảm thiểu khắc phục phòng ngừa rủi ro để người lao động thu nhập, cuộc sống ổn định.

"Hai chương trình đang tiếp tục hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền. Cả hai đều sẽ được thực hiện gắn chặt với nhau, có sự lan tỏa. Việc hồi phục hay phát triển thì nội lực vẫn là cơ bản, lâu dài, còn ngoại lực là hỗ trợ, tạo đột phá", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng, trong bối cảnh đặc biệt chúng ta cần tầm nhìn, hành động, cách làm đặc biệt. Tình hình nào thì quan điểm mục tiêu giải pháp đi theo tương ứng. Trước những diễn biến phức tạp thì cần có những nhiệm vụ giải pháp linh hoạt, thích ứng tình hình.

Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, an sinh xã hội nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, sự tàn phá của Covid-19 là hết sức nặng nề, không chỉ với Việt Nam mà các nước trên thế giới trong 2 năm qua. Với sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, chuyển sang giai đoạn thích ứng kiểm soát hiệu quả an toàn, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển phục hồi tới đây.

Gần đây thế giới xuất hiện chủng mới Omicron, Thủ tướng cho biết, các dự báo của các tổ chức quốc tế đều thấy dịch bệnh sẽ còn phức tạp, khó lường. Ứng phó tình hình mới, chúng ta không mất cảnh giác, chủ quan lơ là nhưng cũng vì thế lo sợ, mất bình tĩnh.

Đề cập tới cách chống dịch của Việt Nam hiện nay, Thủ tướng cho biết chúng ta chọn cách tiếp cận toàn dân để xử lý các vấn đề, lấy người dân là trung tâm, chủ thể. Chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân.

3 trụ cột chính trong phòng chống dịch được người đứng đầu Chính phủ nhắc tới đó là: Cách ly và giải tỏa thần tốc; xét nghiệm; giải pháp điều trị phù hợp hiệu quả. Công thức chống dịch là 5K + vaccine + thuốc + phương pháp điều trị + công nghệ + ý thức người dân.

"Không thể thiếu công nghệ được. Khi bình thường thì khác, nay đại dịch, chúng ta xử lý các vấn đề liên quan đến cả chục triệu người dân trong thời gian ngắn nhất có thể", Thủ tướng nhấn mạnh. Từ việc xây dựng công thức chống dịch, chúng ta phải thay đổi tư duy mới để chống dịch.

Kể lại về quá trình chống dịch trong thời gian vừa qua, Thủ tướng cho biết, khi chúng ta chưa có vaccine, thuốc, chưa dự báo được hết mức độ nguy hiểm thì buộc chúng ta phải sử dụng các biện pháp hành chính khắt khe nhất. Ngay lập tức, tăng trưởng kinh tế quý III âm. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta có công thức chống dịch nêu trên thì chuyển sang thích ứng linh hoạt, kinh tế tăng trưởng trở lại, đời sống nhân dân cải thiện, an sinh xã hội nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch.

"Khó khăn chỉ là tạm thời, nền kinh tế ổn định vững chắc, niềm tin doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế được giữ vững, tăng cường và củng cố", người đứng đầu Chính phủ cho hay quá trình thực hiện, cái gì rõ thì làm, cái gì chưa rõ có thể mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện.

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ tập trung khâu đột phá trong kết cấu hạ tầng chiến lược, bao gồm cả hạ tầng cứng và mềm. Đặc biệt là hạ tầng giao thông, viễn thông. Trách nhiệm không phải chỉ của Chính phủ mà còn của các địa phương. "Không có điện sóng thì làm sao có công dân số được", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị.

"Không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Nhất quán kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Vì mục tiêu hợp tác hòa bình phát triển, tích cực hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Những gì điểm nóng nổi lên là chúng ta phải cùng nhau xử lý", Thủ tướng nói.

Theo Dân trí

Tin tức kinh tế ngày 5/12: Thiệt hại kinh tế do Covid-19 lên tới trên 500 nghìn tỷ đồngTin tức kinh tế ngày 5/12: Thiệt hại kinh tế do Covid-19 lên tới trên 500 nghìn tỷ đồng
Xuất khẩu 11 tháng tăng trưởng 18,5%Xuất khẩu 11 tháng tăng trưởng 18,5%
Xuất nhập khẩu đảo chiều ngoạn mụcXuất nhập khẩu đảo chiều ngoạn mục
Kinh tế Việt Nam sớm tăng trưởng trở lạiKinh tế Việt Nam sớm tăng trưởng trở lại
Sẵn sàng đảm bảo điện trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, thích ứng an toàn với Covid-19Sẵn sàng đảm bảo điện trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, thích ứng an toàn với Covid-19

DMCA.com Protection Status