Thúc đẩy chuyển đổi số tại các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn

19:43 | 06/07/2023

11,138 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 5/7, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) làm việc với Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Ủy ban và Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công An, Tổ Phó Thường trực Tổ công tác đồng chủ trì buổi làm việc.
Thúc đẩy chuyển đổi số tại các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn
Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có các Phó Chủ tịch Ủy ban: Nguyễn Ngọc Cảnh và Đỗ Hữu Huy; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cùng các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, Văn phòng và Trung tâm Thông tin (Ủy ban); cùng đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Xác định năm 2023 là năm hành động, tạo lập dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, Ủy ban đã thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng chính phủ (theo Quyết định 183/QĐ-UBQLV ngày 06/05/2022).

Thúc đẩy chuyển đổi số tại các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn

Theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Ủy ban đã thực hiện rà soát các nhiệm vụ của Quyết định 06 và đưa ra các chương trình hành động cụ thể tại Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc, trong đó có một số hoạt động cụ thể như: Ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử tại Ủy ban, phiên bản 2.0; Triển khai kết nối thành công dữ liệu công chức, viên chức tại Ủy ban với Cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức, viên chức; Triển khai đánh giá hiện trạng và các nguồn lực về chuyển đổi số của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban; Thực hiện việc triển khai kết nối thuê bao trả trước với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để chuẩn hóa dữ liệu nhà mạng, áp dụng đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone; Thực hiện thí điểm sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thay căn cước công dân làm thủ tục đi máy bay tại các cảng hàng không từ 1/6/2023 đến 1/8/2023, áp dụng đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ: Để giải quyết các tồn tại, Ủy ban đưa ra một số mục tiêu đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong Ủy ban và 19 doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ nhóm nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn chặt chẽ với cải cách hành chính, xây dựng, phát triển Chính phủ số tại Ủy ban và hoạt động chuyển đổi số tại 19 Tập đoàn,Tổng công ty trực thuộc. Tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu của từng ngành nghề kinh doanh, thực hiện liên thông kết nối các cơ sở dữ liệu của các đơn vị trong Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Nâng cao năng lực quản trị, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu của doanh nghiệp bằng cách áp dụng các giải pháp chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong nội bộ Tập đoàn, Tổng công ty để đáp ứng nhu cầu quản trị doanh nghiệp và theo lộ trình đã đặt ra theo Đề án 06. Tổ chức xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành số áp dụng tại các tập đoàn, tổng công ty nhằm xác định đúng mức độ, lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Từng bước gắn đánh giá mức độ chuyển đổi số là một phần quan trọng của đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số tại Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/04/2023 về Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Thúc đẩy chuyển đổi số tại các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công An, Tổ Phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công An, Tổ Phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Đánh giá 1 năm thực hiện Đề án số 06, Thủ tướng Chính phủ đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm cho công tác phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đó là: Phải nhận thức đúng và có quyết tâm chính trị cao trong triển khai thực hiện Đề án; Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện; Chủ động, sáng tạo triển khai các nhiệm vụ của Đề án trong những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, không trông chờ hướng dẫn của cấp trên; Quán triệt tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, tránh việc đầu tư trùng dẫm, lãng phí; Đặc biệt coi trọng công tác bảo đảm an ninh an toàn, bảo mật dữ liệu; Lựa chọn triển khai thí điểm phù hợp các nội dung mới của đề án rút kinh nghiệm và nhân rộng toàn quốc.

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, trong 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban, đã có những doanh nghiệp thụ hưởng những lợi ích trong quá trình triển khai Đề án 06. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc dẫn chứng về việc các doanh nghiệp viễn thông đã tiết kiệm được 137 tỷ đồng trong công tác xác thực thuê bao di động qua căn cước công dân gắn chip hoặc thí điểm làm thủ tục hàng không bằng tài khoản định danh điện tử tại các Cảng hàng không...

Tại buổi làm việc, một số đại diện Tập đoàn, Tổng công ty đã tham gia đóng góp tham luận về quá trình triển khai thực hiện Đề án 06. Theo đó, việc triển khai Đề án 06 đã mang lại cho các doanh nghiệp rất nhiều lợi ích. Nhờ kết nối, tích hợp dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu dân cư, nên các doanh nghiệp đã tiết giảm được chi phí in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy với số lượng khổng lồ mỗi năm. Đồng thời, khách hàng sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp nhà nước cũng nhận được nhiều lợi ích. Ví dụ, đối với khách hàng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với việc chuyển đổi số trong giải quyết các dịch vụ điện theo phương thức điện tử của ngành điện mang lại hiệu quả thiết thực như giúp tiết giảm chi phí đi lại cho khách hàng, không phải bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy; tăng cường tiện ích trong sử dụng điện của khách hàng.

Nhật Quang

Chuyện nhỏ về chuyển đổi sốChuyện nhỏ về chuyển đổi số
Nâng cao hiệu quả quản trị, tối ưu các nguồn lựcNâng cao hiệu quả quản trị, tối ưu các nguồn lực
Khoa học công nghệ trước xu hướng chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi sốKhoa học công nghệ trước xu hướng chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số
PVcomBank đi đầu trong ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hướng tới chuyển đổi số toàn diệnPVcomBank đi đầu trong ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hướng tới chuyển đổi số toàn diện
Chuyển đổi số - Còn nhiều cản ngạiChuyển đổi số - Còn nhiều cản ngại
Một điển hình về vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng trong doanh nghiệp nhà nướcMột điển hình về vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng trong doanh nghiệp nhà nước

DMCA.com Protection Status