Tiêm chủng vắc xin - giải pháp căn cơ đẩy lùi dịch bệnh Covid-19

21:31 | 12/06/2021

12,274 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tối 5/6, Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội. Đây được đánh giá là một chiến lược xã hội hóa quan trọng để Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc xin tiêm chủng trên diện rộng cho người dân, kiểm soát dịch bệnh.
Tiêm chủng vắc xin - giải pháp căn cơ đẩy lùi dịch bệnh Covid-19

Trong bối cảnh toàn thế giới phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19, Việt Nam là một trong những nước phòng chống dịch tốt nhất, cũng là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng kinh tế dương.

Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng bình yên, làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát và nhanh chóng lây lan ra 30 tỉnh thành đất nước với diễn biến nhanh chưa từng có với những điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM. Số ca nhiễm mới liên tục tăng, xâm nhập vào khu công nghiệp, bệnh viện. Tính từ 27/4 đến nay (tối 12/6), số ca mắc mới đã lên đến 7.039 ca. Riêng trong ngày 25/5, Việt Nam ghi nhận kỷ lục thêm 447 ca mắc mới, trong đó 444 ca ghi nhận trong nước. Riêng Bắc Giang có 375 ca.

Cũng trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, tiếp tục phương châm “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đặt mục tiêu chống dịch tập trung và áp dụng các biện pháp mạnh trong khoanh vùng dập dịch. Tuy nhiên dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, những ổ dịch mới xuất hiện trong những môi trường nguy cơ cao đặc biệt như các khu công nghiệp. Công tác khoanh vùng dập dịch, truy vết, xét nghiệm, cách ly F1, kiểm soát cộng đồng đã và đang phát huy hiệu quả nhưng phải huy động nhiều nhân sự và nguồn lực của đất nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch cùng thời điểm, đặc biệt xuất hiện nhiều biến chủng virus mới, với khả năng lây nhanh, rộng hơn, mạnh hơn, tiêm chủng vắc xin - cách an toàn nhất giúp tạo hàng rào bảo vệ - được coi là chiến lược để đẩy lùi dịch bệnh. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, với các chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi giải pháp chống dịch theo phương châm mới 5K, cùng vắc xin và ứng dụng công nghệ. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19.

Thực tế trên thế giới đã cho thấy, để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa tích cực bao gồm: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn…, việc sử dụng vắc xin phòng ngừa chủ động càng ngày càng trở nên cấp bách tại từng quốc gia và toàn cầu.

Trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá về hiệu quả, tính an toàn của vắc xin phòng Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khuyến cáo tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch Covid-19, các nước cần đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng Covid-19 trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Theo WHO, để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, đặc biệt là với sự xuất hiện và lây nhiễm mạnh của các biến chủng virus SARS-CoV-2, độ bao phủ hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 phải đạt tới 75% dân số thế giới, đảm bảo tất cả các quốc gia và tất cả mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả những người khó tiếp cận nhất.

Xác định vắc xin là chiến lược đẩy lui dịch bệnh, trong thời gian qua, lực lượng chức năng nói chung và ngành y tế nói riêng đã và đang dốc sức tìm mọi phương cách để đưa được vắc xin về nước sớm nhất. Hiện đã triển khai đợt tiêm cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và các đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Vì chống dịch tốt, Việt Nam không nằm trong diện được ưu tiên vắc xin trong khi nguồn cung trên thế giới hạn chế nhỏ giọt, bên cạnh đó hiệu lực của vắc xin không kéo dài, phải tiêm vắc xin định kỳ, đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn.

Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến để tiêm đủ cho 75 triệu người dân (tương đương khoảng 75% dân số Việt Nam), lượng vắc xin phải mua lên đến 150 triệu liều với tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỉ đồng. Ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỉ đồng. Ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp khoảng 9.200 tỉ đồng.

Bởi vậy, việc thành lập quỹ vắc xin theo hướng xã hội hóa được đánh giá là chiến lược rất cần thiết, nhằm huy động nguồn lực xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch.

Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 ra đời, cùng với sự tích cực của cơ quan chức năng và tinh thần "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc xin để tiêm chủng trên diện rộng cho người dân, kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ” .

T.V

DMCA.com Protection Status