Tiến tới chấm dứt xuất khẩu thô

18:30 | 26/04/2011

367 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Theo Kế hoạch và các giải pháp điều hành xuất nhập khẩu năm 2011 của Bộ Công Thương, Bộ khuyến khích đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu mặt hàng công nghiệp chế biến theo hướng tăng dần tỷ trọng xuất khẩu hàng có giá trị gia tăng cao, giảm tỷ trọng hàng sơ chế, hàng có giá trị gia tăng thấp, tiến tới chấm dứt xuất khẩu thô.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ nông dân và có các giải pháp phù hợp để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng tiềm năng và các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao.

Ảnh minh họa

Đồng thời, có cơ chế hợp lý điều tiết tạm trữ một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực để tiêu thụ vào thời điểm có lợi, nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu và góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, qua đó, góp phần củng cố và nâng cao vị thế ảnh hưởng của nước ta trên thị trường quốc tế đối với các sản phẩm này.

Xây đề án đưa hàng Việt trực tiếp vào các siêu thị lớn ở châu Âu

Năm 2010, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 84 tỷ USD, tăng 20,1% so với năm trước.

Quý I/2011, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 19,2 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 22,3 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2010.

- Tổng cục Thống kê -

Bộ Công Thương chủ trương khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược thị trường cho từng loại sản phẩm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường xuất khẩu, tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại.

Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu xây dựng đề án đưa hàng Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối của các siêu thị lớn ở châu Âu (từ nhà sản xuất đến chuỗi phân phối lớn).

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường công tác thông tin dự báo về thị trường, nâng cao hiệu quả công tác này, kịp thời phát hiện và có biện pháp ứng phó thích hợp đối với các rào cản kỹ thuật hạn chế hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Kiểm soát nhập khẩu có hiệu quả, giảm nhập siêu

Đối với kế hoạch chỉ đạo điều hành nhập khẩu, Bộ Công Thương định hướng kiểm soát nhập khẩu một cách có hiệu quả, hạn chế các mặt hàng tiêu dùng chưa thiết yếu đối với đời sống nhân dân, tích cực thực hiện chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bộ ưu tiên nhập khẩu nguyên liệu vật tư, thiết bị trong nước chưa sản xuất hoặc sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu; chú trọng nhập khẩu công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng phục vụ đầu tư và sản xuất trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

Đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, tăng cường sử dụng máy móc, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước đối với các dự án sử dụng các nguồn vốn có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, góp phần giảm nhập siêu; khuyến khích tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng…

Bộ Công Thương chủ trương kiểm tra, đôn đốc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, công ty nhà nước trong việc thực hiện nhập khẩu đảm bảo sản xuất, không nhập khẩu quá nhu cầu và có biện pháp phòng ngừa hành vi nhập khẩu để đầu cơ, tích trữ hàng hóa.

Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát sao tiến độ nhập khẩu xăng dầu và tình hình bảo đảm nguồng xăng dầu, đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu thực hiện nhập khẩu đúng tiến độ, bảo đảm đủ nguồn cucng xăng dầu đáp ứng nhu cầu sản xuât, tiêu dùng trong nước.

Năm 2010, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 84 tỷ USD, tăng 20,1% so với năm trước.

Quý I/2011, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 19,2 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 22,3 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2010.

- Tổng cục Thống kê -

Theo Chinhphu.vn

DMCA.com Protection Status