Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (30/1 - 5/2/2023)

07:54 | 06/02/2023

6,223 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Shell thực hiện bước đầu trong kế hoạch tái cơ cấu; Gazprom công bố ý định rút khỏi liên doanh khí đốt của Hy Lạp; Phòng rủi ro, PDVSA gắt gao thanh toán dầu trả trước… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (30/1 - 5/2/2023)

Ngày 3/2, NNPC tiếp tục ký thêm một hợp đồng trị giá 741 triệu USD với Daewoo để cải tạo công trình Nhà máy lọc dầu Kaduna, nằm ở Nigeria. Đây là một thỏa thuận có tính ràng buộc về mặt pháp lý, dựa theo khuôn khổ Biên bản ghi nhớ được ký vào tháng 10/2022 giữa hai công ty. Trong một tuyên bố, NNPC cho biết: “Theo điều khoản của thỏa thuận, Daewoo sẽ khôi phục sản xuất từ ​​cơ sở này, từ 110.000 thùng/ngày lên ít nhất 60% công suất hiện tại, từ nay cho đến cuối năm 2024”. Nhìn chung, thỏa thuận này là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn của Chính phủ nhằm khôi phục hoạt động tại các nhà máy lọc dầu của Nigeria. Tình trạng này đã buộc Nhà nước không chỉ bỏ ra những khoản tiền lớn để nhập khẩu sản phẩm xăng dầu, mà còn không giải quyết được vấn đề thiếu hụt trong nước.

Ngày 30/1, gã khổng lồ dầu mỏ Shell công bố quyết định tích hợp hoạt động của hai mảng khí đốt và mảng thượng nguồn, nhằm giảm quy mô Ban quản trị từ 9 thành viên xuống còn 7. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7. Ngoài ra, Shell cũng sẽ hợp nhất hoạt động hạ nguồn với hoạt động về giải pháp năng lượng và năng lượng tái tạo.

Cũng trong tuần qua, Tổ chức phi chính phủ vì nhân quyền Global Witness (Vương quốc Anh) đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) điều tra Shell. Theo họ, hành động đầu tư vào cả khí đốt lẫn năng lượng sạch là biểu hiện cho thấy “Shell đã khai báo thông tin sai lệch cho chính quyền lẫn các nhà đầu tư”.

Exxon ngày 31/1 cho biết, họ đã tạo ra thu nhập 55,7 tỷ USD và dòng tiền 76,8 tỷ USD từ hoạt động kinh doanh vào năm 2022 bằng cách tận dụng danh mục đầu tư có lợi thế và mang lại hiệu quả hoạt động mạnh mẽ. Giá dầu và khí đốt cao là lý do chính giúp Exxon có lợi nhuận cao hơn, đánh bại kỷ lục thu nhập hàng năm 45,2 tỷ USD của chính họ từ năm 2008 khi giá dầu đạt mức kỷ lục 142 USD/thùng.

Hai nguồn tin của AFP cho biết, Gazprom sẽ sớm rút khỏi liên doanh khí đốt Prometheus Gas của Hy Lạp. Hiện nay, Công ty năng lượng Copelouzos (Hy Lạp) đang nắm giữ 50% vốn của Prometheus Gas, còn 50% thuộc về gã khổng lồ khí đốt tự nhiên của Nga. Trao đổi với AFP, Ban quản trị của Gazprom cũng cho biết “đã thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và cung cấp khí đốt từ Nga đến Hy Lạp”. Quyết định này sẽ đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ đối tác có từ năm 1991. Tuy nhiên, nguồn tin trong Copelouzos nói với AFP cho biết, “hợp đồng giữa hai bên sẽ còn hiệu lực cho đến tháng 12/2027”. Ngoài ra, họ cũng nói: “Sản lượng khí đốt từ Nga đã giảm đáng kể từ năm ngoái, giá cũng tăng cao”.

Tuần qua, công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA của Venezuela đã thắt chặt các quy định thanh toán trước đối với dầu của họ sau khi xem xét các hợp đồng, yêu cầu các lô hàng phải được thanh toán bằng tiền mặt hoặc bằng hàng hóa và dịch vụ, phải được nhận trước khi bốc dỡ hàng, Reuters đưa tin. Đầu tháng này, PDVSA đã đình chỉ hầu hết hoạt động xuất khẩu dầu thô và một số hoạt động xuất khẩu nhiên liệu để xem xét các điều khoản hợp đồng. Một cuộc đánh giá sẽ được thực hiện dưới thời người đứng đầu mới của công ty. Việc xem xét các hợp đồng dưới thời nhà lãnh đạo Tellechea - được bổ nhiệm bởi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vào đầu tháng 1, nhằm đảm bảo sẽ không xảy ra tình trạng vỡ nợ. Các quy tắc thanh toán mới được đưa ra ngay sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nới lỏng một phần lệnh trừng phạt áp đặt lên Venezuela, bao gồm việc cấp cho Chevron giấy phép nhập khẩu một số dầu thô của Venezuela sang Mỹ để bán cho các nhà máy lọc dầu của nước này.

Vào ngày 28/1, tại thủ đô Tripoli của Libya, gã khổng lồ hydrocarbon Eni (Ý) và Công ty Dầu khí Quốc gia Libya NOC đã ký một thỏa thuận mang tính “lịch sử” nhằm khai thác hai mỏ khí đốt ngoài khơi Libya. Ông Claudio Descalzi - Giám đốc điều hành của Eni cho biết đây là “Thỏa thuận lớn nhất từng được ký trong 20 năm qua”. Lễ ký chính thức có sự tham dự của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Thủ tướng Libya Abdelhamid Dbeibah, theo những hình ảnh do giới chức trách Lybia cung cấp. Thông cáo báo chí của Eni - doanh nghiệp đã có mặt tại Libya từ năm 1959, viết: “Đây là dự án lớn đầu tiên được phát triển ở Libya từ năm 2000, bao gồm hoạt động phát triển hai mỏ khí ngoài khơi, với khả năng khai thác được từ 750 - 800 triệu m3/ngày kể từ năm 2026”.

Từ ngày 29/1 trở đi, Qatar sẽ tham gia hợp tác với liên doanh giữa hai gã khổng lồ dầu khí TotalEnergies (Pháp) và Eni (Ý) để tiến hành thăm dò hydrocarbon từ một lô khí đốt ở vùng biển phía nam Lebanon, giáp biên giới với Israel. Chuyên gia về năng lượng Naji Abi Aad nói với AFP: “Việc Qatar gia nhập liên minh có ý nghĩa đặc biệt về mặt chính trị”. Theo lời giải thích của ông, sự tham gia của tiểu vương quốc giàu khí đốt này “giúp đảm bảo an ninh chính trị”, vì Qatar có mối quan hệ với nhiều nước phương Tây và thậm chí với cả Israel.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (18/12-24/12)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (18/12-24/12)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (25/12/2022-2/1/2023)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (25/12/2022-2/1/2023)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (2-8/1/2023)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (2-8/1/2023)

Nh.Thạch

AFP

DMCA.com Protection Status