Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (6-11/2/2023)

08:47 | 13/02/2023

1,255 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
TotalEnergies đình chỉ quan hệ đối tác với tập đoàn Ấn Độ Adani; Enel đặt tham vọng vượt mặt Trung Quốc về năng lượng mặt trời; Novatek hủy niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán London; Pertamina đặt mục tiêu tăng 5% khai thác dầu khí vào năm 2023… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (6-11/2/2023)

Cổ phiếu của Exxon Mobil (XOM) đang phục hồi trở lại mức cao kỷ lục sau khi The Wall Street Journal báo cáo rằng ông lớn năng lượng này sẽ sáp nhập các đơn vị kinh doanh như một phần của quá trình tái cơ cấu công ty. Cụ thể, công ty sẽ thành lập một số đơn vị nhỏ hơn vào cuối năm nay, chẳng hạn như nhóm dịch vụ tài chính, mua sắm và dịch vụ khách hàng. Việc Exxon tiến hành cải tổ là động thái mới nhất trong nỗ lực nhiều năm nhằm cố gắng tiết kiệm 9 tỷ USD chi phí hàng năm vào cuối năm nay, so với năm 2019. Ngoài ra, Bloomberg thông tin rằng, gã khổng lồ này đang thành lập một bộ phận giao dịch toàn cầu để cạnh tranh mạnh mẽ hơn với những công ty như BP Shell trong thế giới phái sinh năng lượng có rủi ro cao nhưng lợi nhuận cũng rất tiềm năng.

Công ty năng lượng Phần Lan Fortum ngày 7/2 đã công bố cắt giảm khoảng 1 tỷ euro cho các hoạt động của họ ở Nga, như một phần của "sự rút lui có kiểm soát" khỏi nước này do cuộc chiến tại Ukraine. Sự hao tổn tài chính này diễn ra "do môi trường hoạt động ngày càng phức tạp và sự không chắc chắn kéo dài liên quan đến hoạt động của Fortum tại Nga", công ty nhà nước Phần Lan chỉ rõ trong một thông cáo báo chí. Fortum sẽ đưa khoản khấu hao tài sản này vào báo cáo tài chính quý IV, sẽ được công bố vào đầu tháng 3 tới. Việc hao tổn tài chính được công bố ngày 7/2, theo sau các khoản khấu hao khác được công bố vào năm ngoái, làm giảm giá trị tài sản của Fortum ở Nga xuống chỉ còn 1,7 tỷ euro, từ 3,3 tỷ vào tháng 5/2022 và nhiều hơn nữa trước chiến tranh ở Ukraine.

Vào ngày 8/2, tập đoàn TotalEnergies của Pháp cho biết, nhờ điều kiện giá khí đốt và dầu thô tăng, trong năm 2022, tập đoàn đã thu về khoản lợi nhuận ròng 20,5 tỷ USD. Đây là con số lớn nhất từng được ghi nhận cho một tập đoàn lớn của Pháp, cũng như con số lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử của CAC40.

Cũng trong tuần qua, mối quan hệ hợp tác giữa tập đoàn Ấn Độ Adani và gã khổng lồ năng lượng TotalEnergies (Pháp), nhằm xây dựng một công ty hydrogen xanh khổng lồ, đã bị đình chỉ. Theo đó, Adani bị cáo buộc gian lận trên báo cáo tài chính. Vì vậy, TotalEnergies sẽ đình chỉ việc ký kết hợp đồng cho đến khi có kết quả kiểm toán điều tra.

Ngày 9/2, BP Azerbaijan đã tuyên bố bất khả kháng đối với việc vận chuyển dầu thô Azeri từ cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất kinh hoàng ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria vào đầu tuần này. BP Azerbaijan là nhà điều hành các đoạn của đường ống Baku - Tblisi - Ceyhan (BTC) ở Azerbaijan và Georgia. Các tài sản do BP vận hành ở Azerbaijan bao gồm mỏ dầu Azeri-Chirag-Gunashli (ACG), mỏ khí khổng lồ Shah Deniz, đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC) và Đường ống Nam Kavkaz (SCP). Ceyhan là cảng xuất khẩu dầu chính của Azerbaijan và vận chuyển khoảng 650.000 thùng dầu thô của nước này mỗi ngày. Kho cảng dầu Ceyhan ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm thời ngừng hoạt động sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Kho cảng dầu cách tâm chấn của trận động đất khoảng 155 km.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Enel của Ý dự định nâng năng lực sản xuất hàng năm lên lên 15 lần, đối với nhà máy sản xuất tấm pin điện mặt trời ở Catania, Sicily. Enel muốn đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng và chống lại sự thống trị của Trung Quốc tại thị trường này. Theo Enel, từ nay cho đến năm 2024, công suất sản xuất hàng năm của nhà máy năng lượng 3Sun sẽ là 3 GW, so với mức 200 MW hiện tại, giúp cơ sở này trở thành “nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất toàn châu Âu”. Như vậy, trong tương lai, nhà máy 3Sun sẽ vượt công suất của nhà máy sản xuất tấm pin quang điện do tập đoàn Thụy Sĩ Meyer Burger làm chủ. Nhà máy được đặt tại Freiberg, miền Đông nước Đức, với công suất hàng năm là 400 MW, và mục tiêu cuối cùng là 1 GW. Hiện nay, Trung Quốc là nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới, với phần lớn được xuất khẩu sang châu Âu.

Vào ngày 7/2, Novatek - Tập đoàn sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của Nga, cho biết kế hoạch hủy chứng chỉ lưu ký trên Sở Giao dịch Chứng khoán London, với lý do bị đình chỉ giao dịch chứng khoán gần một năm nay. Được niêm yết chứng khoán trên thị trường chứng khoán phương Tây từng là một phương thức đảm bảo uy tín cho các công ty Nga, tạo điều kiện cho họ tiếp cận với tiền tệ của phương Tây và tìm thêm nhà đầu tư. Tuy nhiên, vào tháng 4/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một dự luật yêu cầu các công ty Nga hủy niêm yết chứng chỉ lưu ký của họ, nhằm giảm thiểu tầm ảnh hưởng của quốc gia nước ngoài lên hoạt động của họ. Dự luật không áp dụng cho trường hợp được cấp phép tiếp tục niêm yết.

Theo tập đoàn, ngày 7/3 sẽ là ngày niêm yết cuối cùng đối với chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR) của họ tại Sở Giao dịch Chứng khoán London. Sau khi hủy niêm yết tại LSE, Novatek có ý định tiếp tục niêm yết cổ phiếu của mình tại Sàn giao dịch chứng khoán Moscow. Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục phát hành và niêm yết chứng chỉ lưu ký. Người mua chứng chỉ lưu ký sẽ được phép thực hiện một số quyền trong khuôn khổ luật hiện hành của Nga.

Công ty năng lượng nhà nước Pertamina của Indonesia đang đặt mục tiêu khai thác dầu khí vào năm 2023 đạt khoảng 900.000 thùng quy đổi dầu mỗi ngày (boepd), tăng 5% so với năm trước, Giám đốc điều hành Nicke Widyawati cho biết trong phiên điều trần trước quốc hội ngày 7/2. Giám đốc điều hành Wiko Migantoro cho biết trong cùng một phiên điều trần, đơn vị thượng nguồn của Pertamina, Pertamina Hulu Energi, có kế hoạch chi 5,7 tỷ USD chi phí vốn trong năm nay để giúp đẩy mạnh khai thác. Ông cho biết các khoản này sẽ được chi cho hơn 900 giếng khai thác và 32 giếng thăm dò, trong số những giếng khác.

Ông lớn Chevron của Mỹ đã tăng cường nỗ lực để đạt được thỏa thuận thăm dò năng lượng với Algeria và đang đánh giá nguồn tài nguyên khí đá phiến khổng lồ ước tính của quốc gia Bắc Phi này, thời báo phố Wall đưa tin. Các nguồn tin của tạp chí cho biết Chevron đã cử đại diện đến Algieria để khám phá các cơ hội và một số đại diện công ty đã gặp gỡ các quan chức Algeria trong những tuần gần đây.

Chevron cũng đang đánh giá các nguồn khí đá phiến khổng lồ mà Algeria ước tính có. Algeria được cho là có tài nguyên khí đá phiến lớn thứ ba thế giới, ở mức 706,9 nghìn tỷ feet khối, nhiều hơn tài nguyên khí đá phiến của Mỹ ước tính là 622,5 nghìn tỷ feet khối, theo dữ liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tổng hợp. Chỉ có Trung Quốc và Argentina được ước tính là nắm giữ nhiều tài nguyên khí đá phiến hơn Algeria.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (25/12/2022-2/1/2023)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (25/12/2022-2/1/2023)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (2-8/1/2023)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (2-8/1/2023)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (30/1 - 5/2/2023)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (30/1 - 5/2/2023)

Nh.Thạch

AFP

DMCA.com Protection Status