Trải qua khủng hoảng, PVN luôn giữ được giá trị cốt lõi
PV: Xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp đang là chủ đề quan trọng, được các doanh nghiệp quan tâm, chú trọng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS Võ Trí Thành |
TS Võ Trí Thành: Văn hóa là giá trị mang tính phổ quát toàn cầu nhưng cũng mang giá trị dân tộc sâu sắc. Văn hóa là một cái gì đó rất sâu xa nhưng lại cũng rất bình thường, gần gũi. Đối với doanh nghiệp, văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Văn hóa doanh nghiệp là câu chuyện của cả thế giới, đặc biệt là khi thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng.
Có 3 khía cạnh rất quan trọng có ý nghĩa với sự phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Thứ nhất, bên cạnh việc phát triển kinh tế đơn thuần, sự tăng trưởng của doanh nghiệp liên quan đến phát triển bền vững, đó là ứng xử với môi trường, với xã hội…
Thứ hai, chiến lược của doanh nghiệp nói rất nhiều đến tầm nhìn, quản trị. Tuy nhiên, nền tảng của chiến lược phát triển doanh nghiệp là đổi mới công nghệ và văn hóa, đó là “gen” của doanh nghiệp.
Thứ ba, văn hóa thể hiện qua hình ảnh của doanh nghiệp. Khi có sự tin cậy, niềm tin của khách hàng sẽ chuyển biến thành hành động, đó là vấn đề rất quan trọng của thương hiệu doanh nghiệp.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc xây dựng văn hóa trong các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay?
TS Võ Trí Thành: Văn hóa đã và đang được nhiều doanh nghiệp xem là vấn đề trọng tâm để hướng tới xây dựng giá trị cốt lõi, phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp, cộng đồng và đất nước. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không chỉ trong tâm thức mà chính là nâng cao năng lực cạnh tranh, là khuếch trương thương hiệu... đem lại những giá trị thiết thực, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Nhà nước, đều rất mong muốn điều này. Có thể có những doanh nghiệp chưa hoàn hảo nhưng tất cả mọi doanh nghiệp đều đã và đang xây dựng những giá trị cốt lõi cho mình như định hướng tầm nhìn, sứ mệnh, nội quy, quy ước... có thể thành văn hoặc không thành văn trong tương tác các quan hệ nội bộ cũng như với bên ngoài.
Văn hóa Petrovietnam góp phần làm nên thương hiệu Petrovietnam |
Petrovietnam chọn Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam 27-11-2019 để ban hành “Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam”, thể hiện tinh thần quyết tâm, ý chí thống nhất của cả hệ thống, từ cấp lãnh đạo cao nhất của Petrovietnam đến từng người lao động trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. |
Tuy nhiên, nếu so sánh việc xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân sẽ có những điểm khác biệt. Đối với doanh nghiệp Nhà nước, việc tạo dựng văn hóa sẽ có những điểm không được mạnh mẽ, quyết liệt như doanh nghiệp tư nhân. Ở đây chúng ta nhìn thấy có vấn đề về sở hữu, đó là “cha chung không ai khóc”, hay nói cách khác, đó là mâu thuẫn giữa chủ sở hữu và người đại diện, xung đột lợi ích tạo sự không gắn bó, không có động lực... nên vấn đề xây dựng văn hóa ở doanh nghiệp Nhà nước không được nhìn nhận dài hạn như ở doanh nghiệp tư nhân.
PV: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tái tạo văn hóa Petrovietnam là việc làm hết sức cần thiết, nhằm củng cố thương hiệu Petrovietnam. Ông nhận xét thế nào về con đường xây dựng văn hóa Petrovietnam?
TS Võ Trí Thành: Thương hiệu và văn hóa Petrovietnam đã có một tiến trình hình thành và phát triển rất lâu dài. Dù trải qua những giai đoạn thăng trầm, hoặc cuộc khủng hoảng vừa qua nhưng Petrovietnam luôn giữ được giá trị cốt lõi. Trên thực tế, trong quá khứ hay ngay cả bây giờ, văn hóa Petrovietnam thể hiện rất rõ qua sứ mệnh của Petrovietnam trong khai thác dầu khí, làm chủ công nghệ và cả trong lao động sáng tạo, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, cho nền kinh tế, cũng như đóng góp cho chính bản thân doanh nghiệp.
Lao động sáng tạo là một nét đặc trưng của văn hóa Petrovietnam |
Petrovietnam hơi khác với nhiều doanh nghiệp khác là do giai đoạn vừa qua gặp cuộc khủng hoảng “vô tiền khoáng hậu”, tác động đến những giá trị cốt lõi của Petrovietnam, giá trị này gắn với những câu chuyện không hay nên niềm tin nói chung đối với doanh nghiệp đã có phần giảm sút. Vì thế, nếu cứ nhấn nhá quá nhiều đến những thành tích trong quá khứ đôi khi không hay lắm. Khủng hoảng của Petrovietnam vào đúng thời điểm thế giới có nhiều biến động, có thể đây cũng là dịp để Petrovietnam nhìn thấy được “trong nguy có cơ”. Hay nói cách khác, giá trị thương hiệu cũ vẫn còn nhưng do những biến động trong thực tiễn vừa qua nên có thể đâu đó nó đang bị che lấp, điều mà xã hội muốn biết là sự cải tổ, là quyết tâm định vị lại giá trị của Petrovietnam. Điều đó cũng phù hợp với công cuộc cải tổ, xây dựng chiến lược mới của Petrovietnam.
Hiện tại và tương lai, lĩnh vực công nghệ và năng lượng sẽ phát triển mạnh mẽ. Đây là cơ hội để Petrovietnam chứng tỏ được vai trò của mình. Quá khứ là chuỗi các giá trị, nhưng hiện tại và tương lai cần có sự chọn lọc để xác định cái gì là cốt lõi, cái gì không còn quan trọng nữa. Mặt khác, lãnh đạo của doanh nghiệp Nhà nước không thể giữ vị trí mãi mãi được, nên phải làm sao để giữ và dẫn dắt những giá trị văn hóa cùng với đổi mới sáng tạo. Người lãnh đạo phải có tính kế thừa, truyền lửa cho người kế nhiệm. Nên nhớ rằng, truyền thế hệ lãnh đạo không phải là truyền tài sản mà quan trọng là truyền giá trị văn hóa. Nền tảng của quản trị chiến lược là công nghệ và văn hóa, trong đó văn hóa vẫn là yếu tố hàng đầu.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Loan