Trở lại Biển Đông

14:05 | 15/08/2023

4,961 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trường Sa xa quá, biết đến bao giờ mới có dịp đặt chân đến nơi xa xôi diệu vợi như thế... Nhưng giờ đây, sau 18 năm, chúng tôi đang trên con tàu vận tải đổ bộ Trường Sa 571 của Lữ đoàn 955 thuộc Quân chủng Hải quân hành quân ra nơi xa xôi diệu vợi đó.
Trở lại Biển Đông
Nhà giàn DK1

Chuyến biển xa nhất trong ba năm làm tại PTSC Marine của tôi là chuyến đi thu nổ Địa chấn phân giải cao (High resolution seismic) cho KNOC tại mỏ Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây, Lô 11-2. Phần việc này dùng tàu của TLGH (Teknik Lengkap - Malaysia) hiện đại rộng rãi, không phải ăn mỡ muối dưa chuột ngâm dấm nghe tiếng Anh âm sắc Nga từ mấy anh DMIGE. Tàu to chạy khỏe mà đi từ Vũng Tàu ra vị trí làm việc cũng mất trọn một ngày (hơn 24 tiếng). Không biết thời điểm đó do sắp tới mùa gió chướng (monsoon) hay do sức khỏe suy giảm sau những chuyến biển liên miên nên tôi bị ốm, cả chiều đi lẫn chiều về sốt run bần bật nằm li bì, khi tàu vào tuyến phải quấn chiếc chăn mỏng xuống ngồi làm với các bạn đủ mọi sắc tộc: Mã, In-đô, Ấn, Ba Lan… 34 nhân sự trên tàu lúc đó, mỗi tôi là người Việt.

Thực ra, những người đi biển khá cô đơn. Từ lâu lắm tôi đã nghe và giờ vẫn nhớ bài hát “Chỉ còn biển thôi” của Nguyễn Đình Thẩm có những câu hát da diết cô đơn của chàng trai đi biển chỉ còn lại duy nhất biển là chỗ dựa:

“Biển ơi, ơi biển xanh rờn

Ta buồn sao lại sóng còn đùa vui

Bỏ ta, nàng lấy chồng rồi

Bỏ ta, nàng lại theo người đàng xa

Biển ơi, ơi biển ta buồn

Ta bơ vơ, ta cô đơn, biết chỉ còn…

Chỉ còn biển thôi, nàng xa ta rồi

Chỉ còn biển thôi, nàng xa ta rồi

Biển ơi…”

Nghề dầu khí đi biển cũng vậy, ba năm ở Vũng Tàu và hơn 20 năm công tác trong ngành, tôi đã từng nghe, từng chứng kiến bao nhiêu câu chuyện bùi ngùi cay đắng khi người dầu khí hết ca từ biển trở về… Chuyện của người lính Hải quân thì tôi không biết, nhưng cũng là những người sống cùng với biển, chắc cũng có những nét giống nhau, dễ sẻ chia và cảm thông với nhau là vì vậy.

Ai đã từng đi biển mới hiểu cái cảm giác khi vừa làm xong công việc lên boong ngồi ngắm biển lúc tàu thu thiết bị xong quay mũi hướng về bờ, nó hạnh phúc, hào hứng và vui vẻ đến thế nào. Bao nhiêu dự kiến đan xen trong đầu sau một thời gian gần như tách biệt với cuộc sống thường nhật: sẽ làm gì, gặp gỡ những ai, đi ăn món gì, chơi ở đâu, cuộc sống những ngày qua có gì mới mẻ cập nhật không… Lúc đó chợt nhớ trước chuyến đi, các anh trong công ty bảo: Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây là mỏ gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam mình nhất trong các mỏ hiện tại (thời 2005) đấy. Tôi vội gỡ chăn, trèo lên boong vào buồng lái ngắm la bàn rồi ra lan can dõi mắt vào hướng mà bản thân vừa tự định vị, nhìn về phía có Trường Sa…

… chỉ thấy một màu bảng lảng khói sương mây nước mịt mù của một ngày biển không động cũng không yên…

Gần nhất từ các mỏ nhưng cũng cách hơn 10 tiếng chạy tàu nếu trời yên biển lặng với khoảng cách hơn trăm hải lý. Khi đó trong tôi đã dội lên một nỗi cồn cào, Trường Sa xa quá, biết đến bao giờ mới có dịp đặt chân đến nơi xa xôi diệu vợi như thế…

Nhưng giờ đây, sau 18 năm, chúng tôi đang trên con tàu vận tải đổ bộ Trường Sa 571 của Lữ đoàn 955 thuộc Quân chủng Hải quân hành quân ra nơi xa xôi diệu vợi đó. 31 giờ hành trình kể từ phao số 0 gần Quân cảng Cam Ranh.

Buổi sáng sớm của ngày hành quân đầu tiên (18/5/2023), một buổi sáng khá đặc biệt đối với nhiều người khi điện thoại không còn sóng, Internet hoàn toàn biến mất, đang từ trạng thái bận rộn ở mức “không biết làm gì trước, làm gì sau” bỗng dưng chuyển sang trạng thái “không biết làm gì”. Không ít người lần đầu trải nghiệm cảm giác say sóng. Tôi lững thững cầm ly café hòa tan còn nóng hổi đi lên mấy hàng ghế gỗ nơi mạn phải con tàu, ngồi ngắm biển.

Mặt biển từ màu xanh đậm dần dần chuyển sang màu xanh tím rồi tím sẫm, biểu thị độ sâu nước mỗi lúc một tăng theo hướng tàu chạy. Hoàng Sa và Trường Sa là hai bể trầm tích có độ sâu cao nhất ở Biển Đông, có nơi lên đến hơn 3.800m so với mực nước biển trung bình (MSL - mean sea level).

Các cụ bảo: “Tháng Ba bà già đi biển” để nói về độ hiền hòa của biển khoảng thời gian tháng 3 âm lịch. Đó là lý do các chuyến tàu dân sự đi thăm đảo thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến cuối tháng 6, năm nay nhuận hai tháng 2 âm lịch nên giữa tháng 5 chúng tôi mới khởi hành. Mặt biển hôm nay êm ả, gió thổi nhẹ, thi thoảng nhìn thấy vài con cá chuồn xòe vây bay là là trên mặt biển. Anh em trong đoàn lác đác có người lên ngồi ngắm biển và cùng trò chuyện. Trừ Thủy thủ đoàn là Hải quân quen “cưỡi sóng đạp gió” thì anh em đa phần mới lần đầu tiên có cảm giác ngồi trên boong tàu giữa ba bên bốn bề toàn nước là nước, được phóng hết tầm mắt mà chỉ thấy một màu mênh mông thăm thẳm của đại dương bao la.

Dù đã quen biết nhau hay gặp lần đầu, câu chuyện dần trở nên hào hứng. Ai cũng đều thể hiện sự khâm phục ngưỡng mộ đối với thế hệ đi trước, thời còn đi biển bằng thuyền thúng thuyền buồm, nhìn trăng ngắm sao đoán hướng gió mà đi, thời còn chưa có GPS, chưa có tàu to thuyền lớn trang bị hiện đại đầy đủ như bây giờ. Ngưỡng mộ và khâm phục tầm nhìn của cha ông khi từ thế kỷ 17 (hơn 400 năm trước), chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã thành lập những hải đội để khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa xa tít mù khơi. Có điều thú vị là, ai ai cũng tin tưởng vào sự đồng lòng nhất trí trong việc gìn giữ chủ quyền Tổ quốc, dù trong nhà có người này người kia, dù gia đình có lúc lục đục nhưng khi anh em “có chuyện” với người ngoài hay đất nước lâm nguy thì tất thảy đều kết thành một khối, đều đồng lòng “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” để cùng bảo vệ nhau và bảo vệ quê hương.

Từ sáng sớm, tới buổi trưa chan chứa nắng và gió, qua chiều rồi biển đón con tàu vào lòng đêm thăm thẳm với vầng trăng thượng tuần mỏng mảnh và những chòm sao lấp lánh chớp tắt nơi chân trời xa vời vợi.

Sắp tới Trường Sa rồi...

Một chuyến ra giàn đặc biệtMột chuyến ra giàn đặc biệt
Tiếng hát lời ca vang xa biển đảoTiếng hát lời ca vang xa biển đảo
Khơi dậy và tôn vinh tình yêu biển đảo, chủ quyền đất nướcKhơi dậy và tôn vinh tình yêu biển đảo, chủ quyền đất nước

Lê Hồng Lam

DMCA.com Protection Status