Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí: Làm thế nào để đạt chuẩn ASEAN và quốc tế

08:00 | 08/06/2014

1,357 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Là một trong những cái nôi chính đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong 39 năm qua, Trường cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhà trường đang chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, chương trình khung đào tạo một số ngành để đạt chuẩn ASEAN và quốc tế. Đó là cơ hội để PVMTC khẳng định thương hiệu trong khu vực và quốc tế. Phóng viên Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Vũ Duy Hảo - Hiệu trưởng Trường PVMTC xung quanh quá trình đổi mới và hội nhập của nhà trường trong bối cảnh hiện nay.

PV: Thưa ông, ngành giáo dục đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện, với đặc thù là nhà trường trong doanh nghiệp thì PVMTC đã và đang tiến hành đổi mới như thế nào để phù hợp với xu thế hiện nay?

Hiệu trưởng Vũ Duy Hảo: Trước hết, nhà trường tiến hành đổi mới chương trình đào tạo theo chủ trương mà Tập đoàn đã giao dựa trên 5 lĩnh vực cốt lõi là thăm dò khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Trong đó, thăm dò khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Bên cạnh đó, nhà trường tập trung đổi mới và đa dạng hóa các loại hình đào tạo tại trường, chú trọng đổi mới khung chương trình đào tạo gắn với thực tế sản xuất. Mở rộng liên doanh - liên kết trong đào tạo, xã hội hóa trong đào tạo. Thứ nữa là đặc biệt quan tâm và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của nhà trường theo chuẩn khu vực và hội nhập quốc tế.

PV: Riêng về lĩnh vực đổi mới đào tạo gắn liền với dịch vụ sản xuất, xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?

Hiệu trưởng Vũ Duy Hảo: Đào tạo kết hợp với dịch vụ sản xuất được PVMTC thực hiện lâu nay. Chính quá trình này tạo điều kiện cho nhà trường bổ sung chương trình vào nội dung đào tạo. Để học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, ra trường là đáp ứng ngay nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị trong ngành và các đơn vị ngoài ngành. Đồng thời, chính quá trình này giúp PVMTC tái đào tạo đội ngũ giáo viên. Bởi vì, giáo viên khi đứng lớp dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành cho học sinh, sinh viên là quá trình bổ sung kiến thức và kỹ năng hai chiều rất hiệu quả.

Thạc sĩ Vũ Duy Hảo - hiệu trưởng Trường PVMTC

PV: Hiện nay, Viện Dầu khí Việt Nam, PVMTC và PVU là ba nơi đào tạo nguồn nhân lực quan trọng của PVN. Riêng PVMTC trong hai năm qua đào tạo chủ yếu cho các đơn vị nào trong ngành, các dự án nào trong ngành và chất lượng đào tạo được các đơn vị đánh giá ra sao, thưa ông?

Hiệu trưởng Vũ Duy Hảo: Trong thời gian gần đây thì Vietsovpetro, PTSC, Đạm Cà Mau, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), PV Gas, PV Oil… và một số đơn vị khác thường xuyên gửi người đào tạo ở PVMTC. Đây là những đơn vị rất quan tâm đến công tác nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, kể cả đào tạo lại và đào tạo nâng cao. Mà mới đây nhất, vào ngày 30-5-2014, được sự đồng ý của lãnh đạo PVN, PVMTC phối hợp với BSR tổ chức khai giảng khóa đào tạo cho 158 học viên, trong đó có 87 kỹ sư và 71 công nhân là những người vận hành và bảo dưỡng bổ sung cho BSR. Trong quá trình đào tạo và dịch vụ kỹ thuật PVMTC đã được các đơn vị như Vietsovpetro, PTSC, BSR, Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ... đánh giá rất cao về chất lượng đào tạo và tính chuyên nghiệp trong quá trình tổ chức đào tạo và dịch vụ kỹ thuật.

PV: Các giáo viên giỏi của PVMTC cho biết: “Giáo viên trường nghề phải vững lý thuyết và giỏi thực hành”, đối với PVMTC thì ngoại ngữ cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với mỗi giáo viên. Để có một giáo viên toàn diện như thế thì PVMTC đã có những chương trình đào tạo bổ sung như thế nào?

Hiệu trưởng Vũ Duy Hảo: Về việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên chúng tôi phải làm thường xuyên, liên tục. Trên thực tế, quá trình cập nhật công nghệ mới ở nước ta, kể cả trong ngành Dầu khí thường không theo kịp các nước trên thế giới. Nên PVMTC phải thường xuyên đưa giáo viên đi tu nghiệp ở nước ngoài thông qua những khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn để giáo viên tiếp cận nhanh, kịp thời công nghệ hiện đại của ngành Dầu khí về phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy. Quá trình cập nhật công nghệ này cũng giúp giáo viên nâng cao trình độ tiếng Anh rất nhanh. Chúng ta đều biết đặc thù của ngành Dầu khí là ngành khoa học công nghệ cao và nhân sự chủ yếu làm việc trong môi trường tiếng Anh là chính.

Về ngoại ngữ, lâu nay PVMTC đã ra quy định là mỗi giáo viên phải đạt điểm TOIEC tối thiểu 500, gắn liền với quy định giáo viên nào chưa đạt 500 điểm TOIEC thì chỉ xếp lương theo ngạch chuyên viên thôi. Nhưng hằng năm giáo viên phải tiếp tục nâng cao trình độ tiếng Anh chứ không bằng lòng với trình độ như quy định. Chính điều này giúp giáo viên đáp ứng yêu cầu của nhà trường đang xây dựng một số ngành đào tạo theo chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế. Điểm nữa trong chất lượng giáo viên là nhà trường luôn tạo một môi trường làm việc thuận lợi, thân thiện, cởi mở. Kể cả mối quan hệ giữa giáo viên với các cấp lãnh đạo cũng rất thân thiện, cởi mở. Cùng với đó, PVMTC luôn trang bị cho giảng viên đẩy đủ phương tiện và công cụ để phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Nếu trước đây, giáo viên dạy lý thuyết và giáo viên dạy thực hành là hai người nhưng hiện nay nhà trường chuẩn giáo viên theo phương pháp dạy tích hợp nên giáo viên phải giỏi lý thuyết và vững thực hành là yêu cầu bắt buộc. Từ những nhu cầu đào tạo như vậy nên giáo viên PVMTC có rất nhiều sáng kiến, kể cả trong công tác giảng dạy và trong quá trình làm dịch vụ. Khoa An toàn môi trường có sáng kiến rất tốt là cải tiến thiết kế cơ cấu nạp và xả của chai khí CO2 trên các áo phao hàng không van để nạp vào bình. Trong khi trước đây dùng bình một lần rồi bỏ đi, chi phí rất cao, nhưng sau các giáo viên trong Khoa An toàn môi trường đã sáng kiến ra phương pháp nạp và xả gas, chai khí được tận dụng sử dụng nhiều lần trong giảng dạy. Đem lại nhiều lợi ích cho khoa và cho nhà trường.

Phải khẳng định rằng, chính phương pháp dạy tích hợp không chỉ đem lại lợi ích cho giáo viên, cho nhà trường mà bản thân học sinh, sinh viên cũng rất hứng khởi trong học tập. Chính thầy, cô dạy lý thuyết xong hướng dẫn thực hành nên các em nắm từ đầu đến cuối một bài giảng rất sinh động, gắn với thực tiễn. Như thế, các em rất chủ động và tự tin hỏi giáo viên trong quá trình thực hành những kiến thức mà mình chưa hiểu khi học lý thuyết. Làm cho quá trình tương tác hai chiều, giáo viên - học sinh, sinh viên ngày càng hiệu quả. Vì khi học sinh, sinh viên đặt câu hỏi cũng giúp giáo viên rút kinh nghiệm và điều chỉnh bài giảng lý thuyết sao cho hay và phù hợp nhất. Chính vì thế chất lượng giáo viên ngày càng nâng cao.

Khoa An toàn - Môi trường (PVMTC) trong giờ thực hành

PV: Trường PVMTC đào tạo theo đơn đặt hàng cho ngành Dầu khí. Từ môi trường nhà trường trong doanh nghiệp, ông có thể cho biết một vài kinh nghiệm trong đào tạo nghề gắn liền với thực tiễn nghề nghiệp hiện nay?

Hiệu trưởng Vũ Duy Hảo: PVMTC rất chia sẻ những khó khăn mà nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề trên cả nước đang rất khó khăn trong khâu đầu vào và cả đầu ra cho học sinh, sinh viên. PVMTC có lợi thế là môi trường nhà trường trong doanh nghiệp, chủ yếu đào tạo theo đơn đặt hàng. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi tự mãn và bằng lòng với những gì mình đang có, hay chỉ thực hiện những kế hoạch cấp trên giao mà PVMTC phải liên tục đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng viên và rất nhiều nhân tố khác để ngày càng xứng đáng là ngôi trường đào tạo chất lượng cao của ngành dầu khí nước nhà. Và cũng như đã chia sẻ ở trên, theo chỉ đạo của Tập đoàn cũng như theo ước nguyện của nhà trường sẽ phấn đấu một số ngành đạt chuẩn khu vực và thế giới. Muốn đạt được như thế thì chúng tôi phải phấn đấu rất nhiều.

Bên cạnh đó, PVMTC vẫn làm dịch vụ đào tạo kết hợp với dịch vụ kỹ thuật và khó khăn nhất là đầu ra. Chúng tôi nghĩ các trường cao đẳng trên cả nước hiện đang gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh là do khó khăn trong khâu đầu ra, mà không chỉ hệ cao đẳng mà còn cả hệ đại học ở nước ta hiện nay cũng gặp khó khăn như vậy. Trên thực tế có nhiều trường chỉ chú trọng đến việc tuyển sinh cho đủ số lượng để giảng dạy mà chưa quan tâm nhiều đến nhu cầu thị trường, cung - cầu của mỗi ngành nghề ra sao. Để giải quyết bài toán này, tôi nghĩ không riêng gì ngành giáo dục mà các bộ, ngành khác phải cùng bắt tay phối hợp, trong đó có sự chỉ đạo cùng công tác thanh tra, kiểm tra của Chính phủ chứ không thể để mãi tình trạng thừa thầy - thiếu thợ như hiện nay. Rất lãng phí.

PV: Vậy ông có thể nói gì về thương hiệu và chất lượng của PVMTC trong môi trường giáo dục cạnh tranh hiện nay?

Hiệu trưởng Vũ Duy Hảo: PVMTC luôn quan tâm thương hiệu và chất lượng đào tạo. Chúng tôi không dựa vào việc được PVN giao khoán đào tạo mà PVMTC còn tuyển sinh đào tạo dịch vụ. Với vai trò và trách nhiệm của mình, chúng tôi luôn nâng cao chất lượng để học sinh, sinh viên sau khi ra trường có cơ hội nghề nghiệp cao hơn. Chính thương hiệu và chất lượng đào tạo làm học sinh, sinh viên cân nhắc và lựa chọn thi vào PVMTC. 

Còn trên thực tế chúng ta phải nhìn nhận giáo dục trong nền kinh tế thị trường buộc phải có sự cạnh tranh. Chúng tôi cũng như những ngành nghề khác, nếu mình đào tạo có chất lượng, có thương hiệu thì người ta sẽ tự tìm đến. Coi giáo dục như một sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao trên thị trường lao động không có gì sai. Làm cho Nhà nước hay tư nhân đều vậy, nếu không có chất lượng thì chính anh đào thải anh khỏi thị trường cạnh tranh thôi.

PV: Với vai trò và trách nhiệm là Hiệu trưởng PVMTC, trong tương lai nếu được chọn PVMTC là môi trường đầu tư đào tạo thành trường chuẩn khu vực ASEAN và chuẩn quốc tế, ông có thấy áp lực?

Hiệu trưởng Vũ Duy Hảo: Bản thân PVN đã có chiến lược này và giao nhiệm vụ này cho PVMTC, phải xây dựng khung đào tạo, chương trình đào tạo và chất lượng giảng viên đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Mấy năm qua, PVMTC đã không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng dạy và học, trang thiết bị thực hành… để hướng đến chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế. Cũng như trước đây, PVMTC từng ký kết với Nhà máy Đạm Phú Mỹ để đào tạo cho các công ty trong và ngoài nước. Hiện tại PVN đã phê duyệt để PVMTC xây dựng từ 3-5 chương trình khung chuẩn khu vực và quốc tế.

Phải nói đó là cả một quá trình khó khăn, thử thách vì để một tổ chức công nhận PVMTC đạt chuẩn quốc tế không hề đơn giản chút nào. Lúc đó, tất cả thầy, cô giáo phải giảng dạy bằng tiếng Anh, rồi sinh viên phải nghe, nói, đọc, viết, hiểu bằng tiếng Anh. Điều này không chỉ mang tầm chiến lược ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mà của Tổng cục Dạy nghề và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cũng đã có chiến lược chọn ra một số trường cao đẳng có chất lượng cao trên cả nước để xây dựng thành trường chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế. Đồng thời PVMTC vẫn duy trì mở rộng hoạt động đào tạo dịch vụ sản xuất - kinh doanh cho ngành trên cơ sở trường đào tạo lâu nay. Rất thuận lợi cho học sinh ra trường đáp ứng được công việc ngay.

Sinh viên Trường PVMTC đặt câu hỏi cho các CEO dầu khí trong đêm giao lưu: “Doanh nhân trẻ dầu khí với sinh viên”

Đây chính là nhân tố khẳng định thương hiệu nhà trường và là tiếng vang để mọi người biết đến PVMTC. Đồng thời đào tạo dịch vụ sẽ góp phần tăng thu nhập cho giảng viên, để họ gắn bó lâu dài với nhà trường, cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của PVMTC ngày càng bền vững.

PV: Giáo viên có vai trò quyết định chất lượng đào tạo của nhà trường. Vậy PVMTC có chính sách gì để thu hút chất xám và tránh hiện tượng “chảy máu chất xám” trong tương lai?

Hiệu trưởng Vũ Duy Hảo: Khi giảng viên trong nhà trường dạy học bằng tiếng Anh và đạt chuẩn giảng viên quốc tế thì PVMTC lại đối diện bài toán không để chảy máu chất xám. Vì khi giảng viên đạt chuẩn cao như vậy thì rất có thể họ sẽ chuyển công tác đến môi trường có lương cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn… hoặc có thể làm việc trong các công ty đa quốc gia là chuyện khó tránh khỏi… Do đó, Ban Giám hiệu và Hội đồng trường luôn quan tâm đến lực lượng giáo viên nhà trường như đã nói từ ban đầu. Lương của giáo viên ở PVMTC luôn cao hơn lương cán bộ chuyên viên. Rồi hằng năm, chúng tôi luôn cập nhật thông tin để bổ sung lương, nâng lương cho lực lượng giáo viên đạt trình độ cao hay giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi…

Và trên thực tế có nhiều giáo viên lương cao ngang trưởng, phó phòng, thậm chí lương cao ngang phó hiệu trưởng của trường. Tuy nhiên, phương án nâng cao và bổ sung lương đều có hạn vì phải theo quy định khung của Tập đoàn. Đồng thời, chúng tôi luôn tạo điều kiện để giáo viên liên tục học tập, bổ sung kiến thức nghề nghiệp. Nói như thế, không phải chúng tôi không quan tâm đến các lực lượng cán bộ khác trong trường nhưng PVMTC luôn xác định giáo viên là lực lượng nòng cốt của nhà trường. Giáo viên chính là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của nhà trường và các bộ phận khác cùng tham gia, cùng xây dựng để nhà trường ngày càng phát triển.

Ngoài ra, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến lực lượng giáo viên trẻ, có tính kế thừa và nắm bắt khoa học công nghệ nhanh hơn; đồng thời luôn hỗ trợ kinh nghiệm giảng dạy giữa giáo viên có thâm niên và giáo viên trẻ. Đồng thời, PVMTC luôn tạo môi trường thân thiện giữa đội ngũ lãnh đạo và giáo viên trong môi trường sư phạm để họ luôn yêu ngành, yêu nghề và gắn bó với ngành nhiều hơn. Thậm chí có những chuyên viên đáp ứng đủ nhu cầu giáo viên thì PVMTC sẵn sàng chuyển chức danh sang làm công tác giảng dạy. Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhiều nhà trường áp dụng những chính sách dành cho giáo viên như vậy cũng không làm các bộ phận khác phải ghen tị với giáo viên.

Bằng nhiều biện pháp, PVMTC phải đạt được những mục tiêu đã đề ra theo chủ trương của PVN, đặc biệt là đạt chuẩn ASEAN và chuẩn quốc tế. PVMTC quyết tâm giữ vững thương hiệu của nhà trường, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status