TS Cấn Văn Lực: Các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số

11:00 | 12/01/2022

9,463 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Đó là chia sẻ của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV tại hội thảo “Chuyển đổi số và xu hướng M&A (hoạt động mua bán và sáp nhập) trong lĩnh vực công nghệ năm 2022” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 11/1.
TS Cấn Văn Lực: Các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV

TS Cấn Văn Lực chia sẻ, đại dịch Covid-19 chính là chất xúc tác đối với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Dịch Covid-19 đã khiến các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhìn nhận lại về cách thức làm việc, đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng (họp trực tuyến, làm việc tại nhà, khám chữa bệnh từ xa, đào tạo trực tuyến, livestream...); là động lực thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ.

Quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức nào nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ. Nhiều dịch vụ tài chính số mởi nổi lên như ngân hàng mở (Open banking) trên nền tảng API (Application programming interface); Cho vay ngang hàng (P2P lending); Huy động vốn cộng đồng (Crowd funding); Chứng khoán số (digital securities); Bảo hiểm số (InsurTech); Bất động sản số (Proptech); Tài sản/tiền mã hóa/kỹ thuật số (Cryptoassets/currencies...).

Tại Việt Nam, khung pháp lý về chuyển đổi số trong đầu tư, kinh doanh đang được hoàn thiện, gồm có: Luật Giao dịch điện tử (2005) - đang chuẩn bị sửa đổi; các nghị định về giao dịch điện tử; nghị định 130/2018/NĐ-CP về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định 52 (2013) về thương mại điện tử; Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0; Nghị quyết 52 (2019) của Bộ Chính trị về chủ động tham gia CMCN 4.0; Quyết định 645 của TTg (2020) về KH tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025; Quyết định 749 (6/2020) của TTg về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030;

Ngoài ra, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành về quy định E-KYC (12/2020); dự thảo quy định quản lý Fintech...; Quyết định 316/QĐ-TTg (9/3/2021) phê duyệt triển khai thí điểm Mobile money; Quyết định 810 (NHNN) ngày 11/5/2021 phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'; Quyết định số 942/QĐ-TTg (15/6/2021) phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt 2021-2025...; Quyết định 34/QĐ-TTg ngày 8/11/2021 quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư....

TS Cấn Văn Lực cho biết, các doanh nghiệp cũng đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số (cả kênh bán hàng và quy trình nội bộ); hình thành hệ sinh thái tài chính với các ngân hàng thương mại/doanh nghiệp lớn hay Bigtech giữ vai trò điều phối; dữ liệu khách hàng được sử dụng để tạo ra những sản phẩm "cá thể hóa"; các Bigtech, Fintech, doanh nghiệp bán lẻ trên nền tảng số... sẽ có ảnh hưởng lớn hơn tới thị trường: cạnh tranh hoặc hợp tác với các doanh nghiệp truyền thống; các mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhiều hơn.

Một số vấn đề đặt ra với xu hướng chuyển đổi số trong đầu tư, kinh doanh của Việt Nam gồm: Cần tiêu chí, đo lường kinh tế số; giải bài toán về dữ liệu lớn và xuyên biên giới; giải bài toán về hạ tầng số; đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, R&D...; bài toán nguồn nhân lực; quản lý rủi ro công nghệ thông tin và chuyển đổi số, an ninh mạng, dữ liệu, sở hữu trí tuệ, văn hóa số... Cần phải có cách tiếp cận, lộ trình và giải pháp về tiền kỹ thuật số; có tầm nhìn, chiến lược và thực thi trong thời gian tới.

TS Cấn Văn Lực cũng đưa ra một số khuyến nghị để thành hình và phát triển kinh tế số trong đầu tư kinh doanh: Chính phủ cần sớm sửa đổi Luật Giao dịch điện tử. Xây dựng khung pháp lý (gồm cả sandbox) cho các hoạt động kinh doanh số, tài sản số (Fintech, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, Proptech, Insurtech, Edutech, Healthtech; tài sản số; e-KYC ...); quy định về quản lý dữ liệu và chia sẻ thông tin, dữ liệu; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ở cả cấp quốc gia (dữ liệu dân cư và doanh nghiệp); quy định về dịch vụ đám mây (cloud services); dùng blockchain, AI trong cáclĩnh vực chủ chốt...; quy định, chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính (gồm cả tài chính số).

Đồng thời cần tăng cường đầu tư hạ tầng số, nguồn nhân lực số; đầu tư AI, R&D; an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao và tài chính số; Đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu về tiền kinh tế số của Ngân hàng Trung ương. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tài chính số (chương trình giáo dục tài chính quốc gia)... Doanh nghiệp cần có tầm nhìn, chiến lược và thực thi.

Phú Văn

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mạiĐẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại
BIDV - Ngân hàng chuyển đổi số xuất sắc 2021BIDV - Ngân hàng chuyển đổi số xuất sắc 2021
Phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại sốPhát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số
Chuyển đổi số, con đường dẫn đến thành côngChuyển đổi số, con đường dẫn đến thành công

DMCA.com Protection Status