TS. Võ Trí Thành: Văn hóa và công nghệ là nền tảng của doanh nghiệp trong thế giới mới

13:44 | 22/05/2021

17,793 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong thế giới mới, hai vấn đề cốt lõi nhất của doanh nghiệp là văn hóa và công nghệ.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Hy vọng nhất đối với giá dầu là dịch bệnh ổn hơnChuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Hy vọng nhất đối với giá dầu là dịch bệnh ổn hơn
TS. Võ Trí Thành: “Ngân hàng Nhà nước đang thông minh lênTS. Võ Trí Thành: “Ngân hàng Nhà nước đang thông minh lên"

Tác động vô cùng lớn của đại dịch Covid -19

Nói về đại dịch Covid – 19 thì tác động tích cực có thể có nhưng nhiều hơn là tiêu cực. Đại dịch này tác động vô cùng nghiêm trọng, trước hết là về sức khỏe, tính mạng, hàng trăm triệu người nhiễm và hàng triệu người chết. (Tính đến sáng 21/5, thế giới có trên 166 triệu người mắc Covid-19, trong đó hơn 3,44 triệu trường hợp đã tử vong). Với kinh tế thế giới, năm 2020 thì 3 – 4 nghìn tỷ USD “hóa thành tro bụi”. Nếu tính thêm chi phí cơ hội thì tổn thất còn lớn hơn. GDP thế giới khoảng 90 nghìn tỷ USD năm 2019. Nếu GDP thế giới năm 2020 giảm 4% thì tính ra đã mất khoảng 3,5 – 4 nghìn tỷ USD. Nhưng tính thế là chưa đủ vì nếu không có Covid thì năm 2020 kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng khoảng 3 – 3,5%. Nếu tính về chi phí cơ hội thì mất khoảng 7 – 8%, chứ không phải chỉ là 4%.

TS. Võ Trí Thành: Văn hóa và công nghệ là nền tảng của doanh nghiệp trong thế giới mới
TS. Võ Trí Thành

Bên cạnh đó là hàng trăm triệu người mất việc làm, giảm thu nhập hoặc giảm giờ làm. Năm 2020, thương mại toàn cầu giảm khoảng 15 – 20% tùy cách tính. FDI toàn cầu giảm 40%. Trong khi năm thế giới hứng chịu cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008 – 2009 thì FDI toàn cầu chỉ giảm khoảng 20%. Những con số đó cho thấy tác động của đại dịch Covid -19 kinh khủng như thế nào. Cho nên không phải ngẫu nhiên, người ta so sánh tác động nó như là cuộc đại suy thoái năm 1930, thậm chí hơn thế, bởi những ảnh hưởng về sức khỏe, tính mạng con người.

Thêm nữa là cách tác động, cách đánh vào kinh tế của đại dịch này có nhiều điểm khác. Thứ nhất khác ở chỗ nó không đơn thuần là vấn đề tiền tệ mà tâm lý. Tâm lý sợ hãi, lo ngại, cẩn trọng, thậm chí lúc đầu hoảng loạn. Thứ hai là đứt gãy các chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn cung lao động, giãn cách xã hội, ngăn chặn biên giới... Thứ ba là tổng cầu suy giảm, dòng tiền bị ứ, gãy, không quay được vì sản xuất kinh doanh đình trệ, suy thoái nặng nề.

Cách cứu chữa, cách hỗ trợ của các chính phủ cũng có nhiều cái khác bên cạnh những điểm chung. Tất cả các chính phủ đều rất khó khăn trong việc cân bằng giữa chống dịch và mở cửa kinh tế. Bởi phải chống dịch nhưng chống dịch thì ảnh hưởng đến kinh tế. Giai đoạn đầu, nhiều quốc gia có vẻ quá quan trọng mở cửa kinh tế, quá coi thường đại dịch này và họ đã để vỡ trận. Chưa bao giờ các nước tung ra nhiều tiền và hỗ trợ của chính phủ lớn như vậy. Năm 2020, những nước lớn chi hỗ trợ của chính phủ có thể lên tới 20% GDP. Bên cạnh “ném tiền”, nới lỏng kinh tế chưa từng có thì diện hỗ trợ cũng vô cùng rộng, đến từng người dân, từng gia đình, doanh nghiệp.

Phục hồi nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Năm 2021, lạc quan hơn với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng 4 - 5%, phần nào bù đắp mất mát của năm ngoái. Không chỉ dự báo cả năm, nhìn lại quý 1, giá dầu đã tăng vượt mọi dự báo năm ngoái, đó là chỉ báo lạc quan. Lạc quan hơn là nền kinh tế Trung Quốc quý 1 tăng trưởng có thể 16 – 18%. Hoa Kỳ cũng tăng trường mạnh, cả năm dự báo tăng trưởng 6 – 7%. Các chính phủ đã tìm ra cách cân bằng giữa mở cửa và chống dịch tốt hơn, khéo hơn.

Tuy nhiên bên cạnh những dấu hiệu phục hồi cùng còn rất nhiều rủi ro, như làn sóng mới của dịch Covid -19 ở Brazil, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan,… và cả ở nước ta với mức độ bùng phát lại rất mạnh.

Đại dịch Covid -19 tiếp tục diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều rủi ro
Đại dịch Covid -19 tiếp tục diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều rủi ro

Một rủi ro rất lớn nữa là tài chính. Nếu không giải quyết được nợ (Nợ chính phủ, nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình, nợ thế giới,…) thì dự báo rất ảm đạm, kinh tế thế giới có thể trì trệ 7 – 10 năm tới nữa sau mức tăng của năm nay, hoặc năm sau nếu không tái cấu trúc vấn đề nợ này. Nợ lại gia tăng do năm 2020 các ngân hàng trung ương, các chính phủ nới lỏng tiền tệ, tung tiền ra để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Rủi ro nữa là chính sách tiền tệ. Năm nay có thể nói là năm thử thách với chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương rất khó là vẫn phải tiếp tục nới vì nếu không nới tín dụng không đủ, doanh nghiệp không thể phục hồi. Nhưng với nợ hiện nay, chưa tính mức độ rủi ro với lạm phát thì nếu cứ tung tiền ra mãi thì rủi ro tài chính vô cùng lớn, chưa nói đến việc hình thành các “bong bóng”. Chính sách tiền tệ như thế nào cho khéo là thách thức vô cùng lớn giữa nới lỏng và thắt chặt.

Cách làm hay của doanh nghiệp Việt

Trong đại dịch Covid – 19, doanh nghiệp Việt đã cho thấy nhiều cách làm hay. Trong đó, doanh nghiệp kết nối tốt hơn, cũng như có sự chuyển đổi cách thức quản trị, quản lý, tương tác khách hàng, thị trường, người tiêu dùng. Trên 50% trong số 152 nghìn doanh nghiệp được khảo sát bởi Tổng cục Thống kê vào tháng 9/2020 cho biết có kết nối với doanh nghiệp Việt khác, chia sẻ khó khăn, đơn hàng, thanh toán,…; Hơn 30% doanh nghiệp có đầu tư công nghệ ở mức độ khác nhau, nhất là công nghệ số để thay đổi cách thức tiếp cận thị trường và quản trị. Đặc biệt là quản trị rủi ro, rất nhiều doanh nghiệp, kể cả tư nhân đều rất chú trọng. Nhiều doanh nghiệp lập ra phòng tác chiến nhằm phản ứng linh hoạt, nhanh với thị trường.

Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi sản phẩm linh hoạt theo thị trường trong đại dịch Covid
Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi sản phẩm linh hoạt theo thị trường trong đại dịch Covid

Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp cắt giảm chi phí, “ngủ đông”, nhưng vẫn giữ tương tác với đối tác, khách hàng. Và trong cắt giảm chi phí của doanh nghiệp thì con người, lao động luôn bị cắt giảm cuối cùng. Nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động, linh hoạt thay đổi đối tác, khách hàng, sản phẩm theo tình hình thị trường.

Cùng thắng, cùng chia sẻ rủi ro

Các xu hướng của thế giới hiện nay như: Chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng, phát triển bền vững (xanh, an toàn, nhân văn), gắn với xu hướng mới về tiêu dùng, các cam kết hội nhập, vấn đề địa chính trị thế giới – tự do hóa, hội nhập va đập mạnh mẽ với chủ nghĩa bảo hộ...

Trong bối cảnh đại dịch Covid – 19, cũng như trước các xu hướng lớn của thế giới thì cách sống, cách kinh doanh, cách làm chiến lược, kế hoạch của doanh nghiệp hiện nay rất khác. Ngày nay vốn xã hội quan trọng hơn vốn tiền bạc rất nhiều. Trong đó, vốn xã hội là kết nối, là cách ứng xử với đối tác, thị trường,... Quan trọng nhất của kết nối là “phép chia”, chân thành nhưng phải có “phép chia”, tức là cùng thắng “win – win” và cũng phải cùng chấp nhận chia sẻ rủi ro.

TS. Võ Trí Thành: Văn hóa và công nghệ là nền tảng của doanh nghiệp trong thế giới mới
Tư duy cùng thắng một nguyên tắc quan trọng trong kinh doanh

Một vấn đề nữa là sáng tạo. Hiện nay chúng ta nói nhiều đến chuyển đổi số. Và khi nghĩ đến chuyển đổi số khía cạnh đầu tiên là sản phẩm. Một sản phẩm đầy đủ ý nghĩa thì trước hết phải “xanh, an toàn, nhân văn”; thứ hai là có giải pháp đi kèm; thứ ba là tạo được sự tương tác khách hàng với sản phẩm. Do đó, phải không ngừng sáng tạo sản phẩm, biết cách học để thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ, vì công nghệ thay đổi rất nhanh, không ai có thể biết hết và chính xác được.

Bài học của chuyển đổi số là bắt đầu từng bước, từ những cái thiết thực nhất, mang lại hiệu quả nhanh nhất. Bởi như vậy sẽ được nhiều người ủng hộ và chuyển đổi số bắt đầu từ sản phẩm, gắn với thị trường để có thể tạo ra tiền và lấy tiền tiếp tục đầu tư vào chuyển đổi số. Trong đó, vai trò của người đứng đầu là cực kỳ quan trọng, phải nhập cuộc. Và chuyển đổi số phải gắn với chiến lược kinh doanh bởi nó không phải là thế giới ảo, nằm tách biệt khỏi chiến lược, kế hoạch kinh doanh.

Với người lãnh đạo ngày nay thì đòi hỏi là tốc độ, linh hoạt, ứng xử với các bên liên quan (stakeholders),… và dám làm. Thời đại này không còn chờ cho đến khi hiểu tất cả rồi mới làm mà vừa làm, vừa học, bởi hiện nay “tốc độ hơn quy mô” - tốc độ chuyển đổi, tốc độ làm,...

Nhìn chung, quản trị chiến lược với doanh nghiệp hiện nay có 2 vấn đề cốt lõi nhất là công nghệ và văn hóa, nhưng gốc nhất là văn hóa. Và trong một thế giới đầy rủi ro, bất định thì quản trị rủi ro là cực kỳ quan trọng.

M.P

(Lược ghi nhận định của TS. Võ Trí Thành

- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh)

DMCA.com Protection Status