Xây dựng mối quan hệ gắn bó
Đón tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nghiêm Thùy Lan – Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN); đồng chí Nguyễn Mạnh Kha, Phó chủ tịch CĐ DKVN cùng đại diện lãnh đạo các Ban/Văn phòng CĐ DKVN.
Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan tiếp Tổng giám đốc NSRP Shitaro Ishida |
Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc NSRP Shitaro Ishida thông tin về tình hình hoạt động của NSRP. Theo đó, NSRP mới hoàn thành xong giai đoạn xây dựng, vận hành thử và đang bước vào giai đoạn vận hành thương mại. Ông Shitaro Ishida cho rằng vấn đề tăng cường mối quan hệ lao động cũng như hiểu biết hơn về người lao động rất là quan trọng, ý thức về an toàn lao động trong giai đoạn này là một trong những vấn đề trọng yếu nhất mà Công ty muốn quan tâm.
Ông Shitaro Ishida đánh giá cao vai trò của công đoàn, vì công đoàn đại diện cho người lao động. Thông qua tổ chức CĐ DKVN, ông Shitaro Ishida muốn học hỏi kinh nghiệm của công đoàn về các vấn đề lao động như an toàn lao động, sự gắn kết giữa người lao động và công ty cũng như việc trao quyền cho người lao động.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Thay mặt lãnh đạo CĐ DKVN, Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan đã nồng nhiệt chào mừng đoàn công tác NSRP và chúc mừng ngài Shitaro Ishida mới được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và ngài Khaled Albader mới được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc NSRP.
Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan cảm ơn tình cảm, sự quan tâm của đoàn công tác tới CĐ DKVN. Bà Nghiêm Thùy Lan cho biết, CĐ DKVN hiện có gần 60 nghìn đoàn viên, với 28 công đoàn trực thuộc và 9 công đoàn cấp trên cơ sở; là một hệ thống công đoàn mạnh của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, là thành viên chính thức của Công đoàn Công nghiệp thế giới. CĐ DKVN đã tập trung xây dựng các quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp; tập trung vào các hoạt động thi đua để khuyến khích người lao động và đặc biệt là công tác an toàn vệ sinh lao động. Trong hệ thống CĐ DKVN, nhiều tổ chức công đoàn đã làm rất thành công công tác an toàn này như công đoàn BSR, PVGAS, VSP.
Ngoài ra, nhiệm vụ rất quan trọng của CĐ DKVN là việc tham gia vào việc xây dựng các thỏa ước lao động tập thể, vận động người lao động phải thực hiện các nội quy, quy định, quy chế của công ty và kỉ luật lao động tập thể. CĐ DKVN có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, truyền bá văn hóa Petrovietnam với nhiều hoạt động như Tuần lễ văn hóa dầu khí nhằm thúc đẩy văn hóa công ty, văn hóa dầu khí; thường xuyên tổ chức các đợt phát động thi đua nhằm khuyến khích, động viên người lao động hăng say lao động giỏi, lao động sáng tạo, bảo đảm ATVSLĐ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; tổ chức các hoạt động hợp tác với các công đoàn ngành, trung ương thuộc hệ thống công đoàn Việt Nam và hợp tác song phương với hơn 20 công đoàn các nước trên thế giới để có thể học hỏi những kinh nghiệm của công đoàn các nước.
Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan nhấn mạnh: Tất cả các việc của công đoàn ở NSRP, CĐ DKVN đều có sự chỉ đạo, hưỡng dẫn và thống nhất bằng các chương trình, kế hoạch, văn bản, quy chế và đều phải được báo cáo lãnh đạo Công ty thống nhất thì mới tổ chức thực hiện.
Lãnh đạo CĐ DKVN chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo NSRP |
Thay mặt lãnh đạo NSRP, Tổng giám đốc Shitaro Ishida cảm ơn sự tiếp đón trọng thị cũng như những tình cảm của lãnh đạo CĐ DKVN đối với đoàn. Trong lần đầu được tiếp xúc với công đoàn ngành, ông Shitaro Ishida cho biết đã hiểu thêm về các phương pháp và nội dung hoạt động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người lao động. Đồng thời tin tưởng với sự hỗ trợ của CĐ DKVN, ý thức an toàn, những hoạt động liên quan đến an toàn lao động sẽ được cải thiện.
Ông Shitaro Ishida cũng khẳng định NSRP sẽ luôn cùng CĐ DKVN xây dựng mối quan hệ tốt đẹp để định hướng mục đích chung của hai bên.
Nguyễn Hoan
-
Cuộc gặp mặt xúc động và ý nghĩa của các thế hệ cán bộ công đoàn dầu khí
-
Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp quản trị rủi ro
-
[PetroTimesTV] Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng tiếp và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn SCG (Thái Lan)
-
Công đoàn Dầu khí Việt Nam tăng cường đổi mới, hợp tác trong bối cảnh toàn cầu hóa