Xuân về khu làng Nga 5 tầng

16:22 | 24/01/2012

2,870 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Xuân trên nước Nga mùa của hoa tuyết, những con đường nhuộm màu trắng của tuyết… Những hình ảnh ấy qua truyền hình, báo, đài… làm cho nhiều người Nga ở khu 5 tầng Vũng Tàu càng thấy nhớ nước Nga da diết; nhớ mùa xuân bên lò sưởi cùng gia đình thưởng thức các món ăn truyền thống. Việt Nam xuân về xứ nhiệt đới nhất là miền Nam tiết trời chỉ se se lạnh, nắng vàng ươm, không gian xuân càng vàng tươi hơn với hàng trăm loài hoa khoe sắc, điểm tô thêm cho phố phường, cho từng căn nhà thêm ấm cúng. Có lẽ điều đó đã phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, cái lạnh giá mỗi khi xuân về trong lòng các bạn Nga xa xứ.

Thiên Thanh

Thầy Sergey Goman - Hiệu trưởng trường học trong khu nhà 5 tầng

Những ngày gần cuối năm, tôi về Vũng Tàu thăm làng Nga khu nhà 5 tầng. Đã 30 năm qua, kể từ khi những cư dân Nga đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, họ góp phần tạo nên một diện mạo mới của Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo trước đây là TP Vũng Tàu bây giờ. Tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô ngày trước và Việt – Nga bây giờ vẫn bền chặt qua bao thăng trầm của lịch sử với sự tồn tại một Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro có một không hai trên thế giới và nơi đó có làng Nga sống trong lòng người Việt. Hình ảnh con người, đất nước, văn hóa, phong tục, tập quán của nước Nga đã in phần nào trên mảnh đất này qua 30 năm cộng cư. Dù sống ở đây 1 đến 2 năm, hay 10, 20 năm thì những người bạn Nga ở khu 5 tầng đều có nhiều cảm xúc tươi đẹp về ngày tết cổ truyền của Việt Nam.

Chủ tịch Công đoàn phía Nga, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, ông Yury Sokolov cho biết: Mỗi năm vào dịp Tết âm lịch, chúng tôi đều mời đoàn múa lân vào khu 5 tầng để trình diễn, cầu chúc cho mọi người một năm mới an lành – hạnh phúc. Ngày Tết là thời gian để hai dân tộc có dịp tìm hiểu văn hóa của nhau. Nếu Tết dương lịch, chúng tôi mời các bạn Việt Nam đến nhà, cùng thưởng thức rượu Vodka và dùng món ăn truyền thống của người Nga, thì Tết âm lịch các bạn Việt Nam mời chúng tôi đến nhà, thưởng thức rượu đế và dùng các món bánh, món ăn truyền thống của người Việt.

Ông Yury Sokolov thích nhất và ấn tượng nhất là hội hoa xuân, quanh các đường phố Vũng Tàu đâu đâu cũng thấy hoa, hoa khoe sắc thắm với mai, cúc, quất… vàng ươm các nẻo đường, làm lòng người càng yêu mùa xuân xứ nhiệt đới. Đó là điều mà ông rất tâm đắc và cho rằng, tết dương lịch ở các quốc gia khác không có. Có lẽ một phần, tết ở Nga còn lạnh, chỉ có tuyết trắng xóa, cả gia đình quây quần bên lò sưởi, cùng chúc mừng nhau và thưởng thức các món ăn truyền thống. Ở Việt Nam bao năm, mỗi lần Tết dương lịch và Tết âm lịch đến ông lại nhớ nước Nga da diết. Dù nơi đây có làng Nga, một không gian văn hóa Nga cùng thổ ngữ, phong tục – tập quán, ẩm thực, nụ cười… nhưng trong ông vẫn thấy chút trống vắng với nỗi niềm khó tả. Có lẽ đó là nỗi niềm chung của nhiều người Nga ở khu nhà 5 tầng.

Chị Natasha cùng con gái và cháu ngoại

Đến nhà chị Natasha, thật bất ngờ trước sự đón tiếp nồng hậu của chị và con gái cùng đứa cháu ngoại kháu khỉnh dễ thương. Vợ chồng chị là người vùng Sakhalin – nơi có trữ lượng dầu và nguồn tài nguyên khí đốt rất lớn của nước Nga nhưng cũng là nơi có khí hậu khắc nghiệt. Chị theo chồng sang Việt Nam sinh sống hơn 10 năm, chồng chị làm việc ở Vietsovpetro. Hằng năm cứ có dịp là hai vợ chồng lại về thăm quê hương ít nhất một lần và lần nào cũng lỉnh kỉnh mang không ít đặc sản vùng Sakhalin sang Vũng Tàu, vừa trữ dùng trong gia đình vừa tặng các bạn Việt Nam thưởng thức. Căn nhà bài trí đơn giản, đẹp, gọn gàng. Chị đãi chúng tôi bánh mì truyền thống nước Nga và sô-cô-la đậm đà phong vị từ Moskva.

Những cái Tết cổ truyền ở Việt Nam, chị được các bạn mời đến nhà và vẫn còn đó kỷ niệm đẹp về Việt Nam hiền lành, gần gũi, mến khách; nhất là ngày tết, không gian Tết trong gia đình người Việt thật ấm cúng khiến anh chị cũng đỡ nhớ quê hơn. Khi nhắc đến ẩm thực Việt, chị cười vui tâm sự: “Vợ chồng tôi thích nhất là phở, lẩu của người Việt, cả bánh chưng trong dịp Tết, rất tuyệt vời”.

Bạn bè chị kể rằng, Vũng Tàu cách đây gần 20 năm, không gian lúc đó còn hoang sơ lắm nhưng giờ khác rồi, giàu và hiện đại hơn nhiều. Thấm thoát cũng gần 10 năm chị theo chồng sinh sống ở Việt Nam, giờ chị đã thấm mảnh đất này, yêu con người, khí hậu nơi đây và xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.

Chị Natasha cũng có chung cảm xúc với anh Yury Sokolov – thích nhất là các đường phố đều được trang hoàng hoa, đẹp tuyệt vời – sắc xuân tràn ngập nơi nơi mỗi dịp tết cổ truyền Việt Nam.

Có thể nói, Tết cổ truyền của người Việt Nam để lại trong tâm hồn mỗi người Nga ở đây nhiều ấn tượng sâu đậm về một nền văn hóa phương Đông huyền bí, con người Việt Nam thân thiện, cởi mở, mến khách.

Mỗi lần Tết đến, dù các bạn Nga ở khu nhà 5 tầng thấy thiếu không gian mùa xuân nước Nga mà cái khác biệt lớn nhất giữa hai đất nước là thời tiết – Việt Nam ấm áp bao nhiêu thì lòng các bạn Nga vẫn se lạnh – cái se lạnh của mùa xuân còn tuyết ở Nga nhưng hơi ấm của tình bạn, tình hữu nghị, tình đồng nghiệp thì không bao giờ thiếu. Còn ngày Tết dương lịch, các gia đình ở khu nhà 5 tầng đều tổ chức với nhiều hoạt động vui nhộn. Ngày tôi về Vũng Tàu cũng sắp đón xuân sang, Trung tâm Văn hóa khu nhà 5 tầng đang trong giai đoạn tổng duyệt văn nghệ để đêm 23/12 dương lịch biểu diễn, hâm nóng tâm hồn và tình yêu dân tộc Nga dù bao năm sống xa tổ quốc với các điệu múa truyền thống, các bài hát Nga và điệu nhảy sôi động.

Đối với cô gái trẻ Kachia trong đội tuyển bóng chuyền chuyên nghiệp Vietsovpetro thì thích nhất là hải sản tươi sống ở Việt Nam, còn cà phê thật tuyệt vời – thơm và đậm đà, cơm thì ngon ngọt… Kachia tấm tắc khen ẩm thực Việt Nam sau một năm rưỡi sống ở Vũng Tàu, đã thưởng thức và trải nghiệm nhiều món ngon đất Việt. Giống như bao người Nga làm việc ở Vietsovpetro, Kachia cũng sống trong khu nhà 5 tầng – nơi đó cho Kachia sống lại cảm giác thân thuộc của quê nhà với giọng cười, tiếng nói, tình đồng hương, món ăn Nga ở Việt Nam. Dù vậy Kachia cũng có những khoảnh khắc nhớ nhà da diết nhất là mùa đông quê nhà, nhất là những ngày giáp Tết dương lịch với những bông tuyết trắng xóa phủ ngập những con đường, hình ảnh sẽ không bao giờ tìm thấy ở Việt Nam.

Cô bạn bẽn lẽn cười khi tôi hỏi rằng, nếu mai này Kachia không còn sống và làm việc ở Việt Nam thì bạn nhớ nhất điều gì: Nhớ nhất là những trận đấu giành chiến thắng cùng Đội tuyển bóng chuyền Vietsovpetro, là tình cảm ấm áp – nồng ấm mà các bạn Việt Nam đã dành cho Kachia trong thời gian sinh sống và làm việc ở đây (ấm áp và nồng ấm theo nghĩa rộng).

Riêng thầy hiệu trưởng trường học trong khu 5 nhà tầng Sergey Goman vẫn nhớ cái Tết đầu tiên ở Việt Nam với nhiều ấn tượng khó phai nhạt với từng căn nhà – đường phố đều trang hoàng hoa xuân rực rỡ. Sau 2 năm sống ở Việt Nam, ông đã cảm nhận phần nào văn hóa Việt Nam qua lối sống của con người và cảnh vật nơi đây. Anh thấy vui khi: “Ngày Tết của người Việt, con gái tôi được mừng tuổi bằng một phong bì màu đỏ rất đẹp, điều đó ở xứ tôi không có. Con gái tôi rất vui với điều mới lạ này”. Thầy Sergey Goman cũng nhận thấy rằng, sau bao nhiêu năm bôn ba và tham quan nhiều nước trên thế giới, so với các nước khác, anh cảm nhận rất rõ sự tôn trọng và tình cảm ấm áp mà người Việt Nam dành cho người Nga vẫn vẹn nguyên, trong đó có nhiều người Việt học tiếng Nga, hiểu văn hóa Nga. Điều đó làm cho anh thật sự xúc động.

Một mùa xuân nữa lại về, đêm 23/12 dương lịch, không khí giáng sinh và đón chào năm mới của các bạn Nga rộn ràng ở Nhà văn hóa Nga khu 5 tầng, từng bài hát – điệu nhảy vang lên trong không gian se se lạnh của thành phố biển Vũng Tàu. Ngày Tết âm lịch gần kề, các bạn Nga cũng háo hức cùng đón Tết cổ truyền của người Việt. Những ngày đầu xuân, bạn bè mời đến nhà cùng chúc nhau ly rượu, thưởng thức các món ăn truyền thống đậm đà phong vị Việt… và luôn nhắc nhớ một tình bạn đẹp giữa những người Nga ở khu nhà 5 tầng và các bạn Việt Nam nơi đây. Trong đó, Vietsovpetro là một phần của nước Nga ở Việt Nam; mà khu nhà 5 tầng là khu phố đẹp của người Nga trong lòng Việt Nam.

T.T

DMCA.com Protection Status