PVEP tự hào tiếp bước những chặng đường vinh quang

10:07 | 20/05/2013

656 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Ngày 20/5/1988, Công ty Petrovietnam II (PV II) - đơn vị tiền thân của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) được thành lập với mục tiêu tập trung nguồn lực thực hiện chiến lược từng bước mở rộng hợp tác tìm kiếm thăm dò với các công ty dầu khí nước ngoài. Trải qua 25 năm, với sự nối tiếp đầy nỗ lực của những thế hệ cán bộ, công nhân viên chức lao động PVEP qua các thời kỳ đã vượt khó, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, kỹ thuật chuyên ngành, khẳng định uy tín, vị thế của Tổng Công ty ở trong nước, khu vực và trên trường quốc tế.

Từ năm 1988 đến đầu năm 1990, Công ty Petrovietnam II đã được giao quản  lý, giám sát và phối hợp triển khai các hợp đồng chia sản phẩm dầu khí các Lô ở khu vực miền Trung và miền Nam gồm hợp đồng chia sản phẩm dầu khí các lô 112, 114  và 116 với nhà thầu Shell (Hà Lan); hợp đồng chia sản phẩm dầu khí các lô 117, 118 và 119 với nhà thầu BP (Anh); hợp đồng chia sản phẩm dầu khí các lô 06, 12E và 19 với nhà thầu ONGC (Ấn Độ); hợp đồng chia sản phẩm dầu khí các lô 17 và 21 với nhà thầu Enterprise Oil (Anh); hợp đồng chia sản phẩm dầu khí lô 22 và lô 115 với nhà thầu SECAB (Thụy Điển).

Lễ ra mắt Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí năm 2007.

Để quản lý, giám sát và phối hợp với nhà thầu nước ngoài triển khai các hợp đồng chia sản phẩm dầu khí ở khu vực phía Bắc, ngày 17/11/1988, Tổng cục Dầu khí đã thành lập Công ty Petrovietnam I. Công ty Petrovietnam I đã được giao quản lý giám sát và phối hợp triển khai hai hợp đồng ở vịnh Bắc Bộ là hợp đồng chia sản phẩm dầu khí lô 106 và một phần các lô 103 và 107 với nhà thầu Total (Pháp) và hợp đồng chia sản phẩm dầu khí lô 111 với nhà thầu Sceptre Reources (Canađa).

Việc tổ chức hoạt động của Petrovietnam II và Petrovietnam I trong những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn về ngân sách hoạt động và nguồn nhân lực, máy móc thiết bị. Ở những giai đoạn khó khăn nhất, các đồng chí lãnh đạo của Petrovietnam II đã phải tự lực tìm ra những giải pháp linh hoạt để có được nguồn kinh phí duy trì cho hoạt động của công ty. Thế nhưng những hoạt động thăm dò tại các hợp đồng chia sản phẩm dầu khí giai đoạn 1988-1990 đã cho kết quả bước đầu tương đối khả quan, được xem là bước đột phá, dẫn đường cho hàng loạt các công ty dầu khí nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Ngày 20/3/1993, Công ty Petrovietnam I được chuyển đổi thành Công ty Giám sát các Hợp đồng chia sản phẩm (PVSC) với định hướng giám sát hợp đồng dầu khí và Công ty Petrovietnam II được chuyển đổi thành Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP cũ) với định hướng tham gia trong các hợp đồng dầu khí, qua đó xác định rõ hơn chức năng nhiệm vụ của hai đơn vị và dần hoàn thiện chuỗi năng lực của công ty dầu khí thực thụ. Trên cơ sở tổ chức lại các hoạt động, ngày 14/2/2000, Công ty PVSC tiếp tục được Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đổi tên thành Công ty Đầu tư Phát triển Dầu khí (PIDC) và bắt đầu triển khai các hoạt động đầu tư tại nước ngoài.Việc PIDC giành được dự án thăm dò khai thác dầu khí Lô 433&416b tại Algeria vào tháng 7/2012 với tư cách là một nhà thầu dầu khí quốc tế trở thành mốc lịch sử quan trọng trong công cuộc đẩy mạnh hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tại nước ngoài.

Thực hiện chủ trương tái cấu trúc sau khi Petrovietnam chuyển đổi từ mô hình Tổng Công ty Nhà nước sang Tập đoàn kinh tế, ngày 4/5/2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ra Quyết định số 1311/QĐ-DKVN của Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành lập Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) trên cơ sở hợp nhất hai đơn vị quan trọng là Công ty Đầu tư Phát triển Dầu khí (PIDC) và Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP cũ). Đây là một quyết định chiến lược của Petrovietnam nhằm tập trung nguồn lực trong lĩnh vực hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam và nước ngoài.

Kể từ năm 2007 đến hết năm 2012, PVEP đã triển khai hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò với tổng khối lượng thu nổ địa chấn là 127.074 km địa chấn 2D và 32.856 km2 địa chấn 3D; triển khai thực hiện khoan thăm dò/thẩm lượng là 148 giếng; PVEP đã đạt kỷ lục về phát hiện dầu khí mới với 33 phát hiện, trong đó có 24 phát hiện ở trong nước và một số phát hiện ở nước ngoài (Darma, Danau - Dana, Daya, D41 West - C9, Daya North, Dafnah - C3). Với việc triển khai tích cực công tác thăm dò thẩm lượng ở cả trong và ngoài nước cũng như mua mỏ ở nước ngoài, PVEP đã đạt mức gia tăng trữ lượng đạt 292 triệu tấn quy dầu. Tổng sản lượng khai thác của các dự án giai đoạn 2007-2012 là 83 triệu tấn quy dầu, trong đó sản lượng khai thác dầu đạt khoảng 44,4 triệu tấn và sản lượng khai thác khí đạt 38,6 tỉ m3 khí, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Tập đoàn và nền kinh tế quốc dân; Doanh thu: giai đoạn 2007 đến 2012 là 244.468 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân qua các năm là 25%; Nộp Ngân sách Nhà nước là 82.167 tyỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân qua các năm là 28%.

Người lao động dầu khí PVEP trên giàn khai thác mỏ Đại Hùng

Bên cạnh đó, Tổng Công ty đã  nghiên cứu và áp dụng có chọn lọc các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí. PVEP đã và đang tập trung nghiên cứu, hoàn thiện và áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong tất cả các khâu từ tìm kiếm thăm dò, khoan, phát triển khai thác. Cụ thể, Tổng công ty đã nâng cao chất lượng xử lý minh giải tài liệu địa chấn 3D để phục vụ công tác tìm kiếm thăm dò các mỏ nhỏ và các bẫy phi cấu tạo. Về khoan, PVEP đã tối ưu hóa các cấu trúc giếng, công nghệ khoan, hệ dung dịch, choòng khoan… để khoan hiệu quả và an toàn với chi phí thấp; phát triển khai thác các mỏ nhỏ, cận biên, mỏ khí có hàm lượng CO2 cao, khai thác dầu trong đá móng nứt nẻ, khai thác thứ cấp và các giải pháp gia tăng hệ số thu hồi.; đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong giải pháp kỹ thuật để thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên mới như khí than, khí hydrat… Trong đó, điều quan trọng nhất là Tổng Công ty đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ chuyên gia có trình độ cao, đội ngũ công nhân lành nghề thay thế đội ngũ chuyên gia nước ngoài làm chủ khoa học công nghệ tại các dự án dầu khí.

PVEP đang triển khai thực hiện 60 dự án dầu khí, trong đó 41 dự án dầu khí trong nước và 19 dự án dầu khí nước ngoài. PVEP đã có những đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước đồng thời góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Trong các giai đoạn tiếp theo, PVEP sẽ tập trung đẩy nhanh công tác phát triển các mỏ mới vào khai thác đúng tiến độ. PVEP cũng tiếp tục triển khai đa dạng các hình thức đầu tư và lựa chọn các khu vực có tiềm năng dầu khí cao, thuận lợi về quan hệ chính trị tại nước ngoài như Nga và các nước thuộc Liên Xô (cũ), Đông Nam Á, Nam Mỹ, Trung Đông, Châu Phi để ưu tiên đầu tư, đồng thời tích cực thúc đẩy các hoạt động khai thác dầu khí tại nước ngoài, sớm đưa các phát hiện dầu khí mới vào khai thác, đặc biệt ưu tiên cho việc mua mỏ, trữ lượng tại nước ngoài nhằm đạt mục tiêu sản lượng. Bên cạnh việc mở rộng thị trường hoạt động, PVEP cũng đẩy mạnh việc tăng cường hợp tác với các công ty dầu khí quốc tế có uy tín lớn như ConocoPhillips, BP, Shell, Petronas, Exxon Mobil, Total, Chevron,...

Truyền thống hào hùng 25 năm cùng quyết tâm và khát vọng chinh phục của tập thể cán bộ công nhân viên, PVEP tiếp tục sẽ phát triển lên tầm cao mới sự nghiệp thăm dò khai thác dầu khí, gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật và đóng góp quan trọng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nền kinh tế đất nước.

P.V

DMCA.com Protection Status