TS Ngô Thường San: VPA là nơi tập trung trí tuệ, chất xám của các thế hệ dầu khí

15:31 | 25/01/2012

1,148 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Năm 2009, Hội Dầu khí Việt Nam (VPA) đã được Bộ Nội vụ cho phép thành lập với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Nhiệm vụ của VPA là tập hợp trí tuệ của những nhà quản lý, nhà khoa học, là cơ quan phản biện, tư vấn giúp ngành Dầu khí, Bộ Công Thương, Chính phủ về những lĩnh vực, kiến thức khoa học mới liên quan đến Dầu khí. Hơn 2 năm hoạt động, phát triển và trưởng thành, Hội cũng đã khẳng định được vai trò quan trọng trong sự thành công chung của ngành Dầu khí 2 năm qua. Chào đón xuân Nhâm Thìn, PV Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Ngô Thường San Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San

PV: Thưa ông, theo chúng tôi được biết, năm 2011, Hội Dầu khí đã rất tích cực tham gia các công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn và phản biện theo đề nghị của lãnh đạo Tập đoàn?

TS Ngô Thường San: Hội là nơi tập trung trí tuệ và chất xám của các thế hệ dầu khí, đoàn kết những người đã và đang công tác khoa học, kỹ thuật trong ngành Dầu khí để duy trì, phát triển, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, góp phần xây dựng phát triển ngành Dầu khí trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn ở Việt Nam. Hội sẽ giúp tư vấn xây dựng chính sách năng lượng quốc gia, nghiên cứu và hỗ trợ Tập đoàn trong việc đánh giá, xem xét phê duyệt các dự án đầu tư ở trong nước, ngoài nước và các dự án có sự tham gia góp vốn…

Năm 2011 vừa qua, Hội với trách nhiệm tư vấn và phản biện cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên khi có yêu cầu về chiến lược phát triển ngành Dầu khí, đề xuất và kiến nghị những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả và thúc đẩy ngành Dầu khí phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế để theo kịp trình độ khoa học công nghệ của thế giới trong lĩnh vực công nghiệp Dầu khí. Hội nhận thức rõ nhiệm vụ trọng tâm, xác định công tác quan trọng là tư vấn và phản biện tập trung 5 nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn, đó là: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; Lọc hóa dầu; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Về công tác tư vấn, phản biện, hội thảo khoa học, trong năm 2011, Hội Dầu khí Việt Nam đã phản biện các báo cáo theo đặt hàng của PVN, trong đó có nhiều báo cáo quan trọng như: Báo cáo trữ lượng dầu khí mỏ Gấu Chúa, Gấu Ngựa, Sư Tử Nâu, Hổ Xám, Cá Ngừ Vàng, Hải Sư Đen, ở nước ngoài có dự án phát triển vùng mỏ Maracaibo – Venezuela.

Như tháng 7/2011, Hội cùng với Tập đoàn, tổ chức thành công Hội nghị Công nghiệp khí, bàn thực hiện Chiến lược về công nghiệp khí trong 10-15 năm tới. Tập đoàn đưa ra mục tiêu chiến lược phát triển công nghiệp khí rồi, bây giờ chúng ta bàn vệ việc thực hiện các giải pháp đó như thế nào. Tiếp đến, Hội đứng ra tổ chức Hội nghị làm thế nào hình thành khu công nghiệp khí điện tại Thái Bình. Cùng tham gia với Tập đoàn tổ chức Hội thảo Khai thác dầu trong móng, bàn các giải pháp duy trì và khai thác tối ưu dầu ở giai đoạn suy giảm của mỏ, đây là thực tế đã được dự báo từ trước và câu hỏi đặt ra rằng, chúng ta phải đối diện với tình hình này như thế nào để có những giải pháp duy trì, làm chậm lại tiến độ suy giảm. Hay là vấn đề đa dạng hóa các sản phẩm, nguồn cung cấp dầu, mở rộng đầu tư nước ngoài để đảm bảo nguồn an ninh năng lượng.

Ngoài ra, cùng với Hội Luật gia Việt Nam, Hội cũng đã ra tuyên bố phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam trong vụ cắt cáp tàu địa chấn Bình Minh 02.

PV: Thưa ông, Hội còn tham gia cùng với Tập đoàn trong chiến lược đào tạo con người?

TS Ngô Thường San: Tại Lễ khai giảng khóa I Trường ĐH Dầu khí tại TP Vũng Tàu, Hội đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường ĐH Dầu khí trong việc liên kết đào tạo cho các cán bộ viên chức trong ngành Dầu khí. Trước đây, Hội cũng đã có những khóa đào tạo riêng lẻ, sau này Hội thực hiện chủ trương đào tạo tập trung để đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Hội cũng đã tham gia tổ chức nhiều khóa đào tạo như đào tạo kỹ năng giải quyết các vấn đề và ra quyết định cho 23 cán bộ chủ chốt là trưởng, phó phòng của PVN. Đây là khóa đào tạo được đánh giá là có chất lượng tốt và các cán bộ tham gia đã đề nghị tiếp tục phát triển mở rộng.

Hội viên Hội Dầu khí Việt Nam thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Nhà tù Sơn La

PV: Được biết, tháng 9/2011, ông đã dẫn đầu đoàn công tác của Hội sang Venezuela. Xin ông cho biết kết quả chuyến đi này?

TS Ngô Thường San: Chúng tôi sang Venezuela theo lời mời của Hiệp hội Dầu khí Venezuela (Camara Petrolera de Venezuela – CPV) và Công ty Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) tham gia Hội nghị Dầu khí từ ngày 27 đến 29/9/2011, tại Puerto La Cruz, một thành phố dầu mỏ và hải cảng của Venezuela. CPV là một tổ chức kỹ thuật nghề nghiệp, tập hợp trên 650 doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của ngành Dầu khí Venezuela, là cầu nối giữa Bộ Năng lượng – Dầu khí với PVDSA, với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Trong thời gian diễn ra hội nghị, VPA và CPV đã trao đổi thống nhất ký biên bản hợp tác giữa hai bên. VPA và CPV đã ký biên bản hợp tác với nội dung bao gồm: Trao đổi thông tin nghề nghiệp, phối hợp tổ chức các hội thảo chuyên đề, phối hợp đào tạo nhân lực, trao đổi chuyên gia và khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí hai bên cùng hợp tác phát triển các hoạt động dầu khí ở cả Venezuela và Việt Nam. Hiện 2 bên cũng đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư giữa 2 nước tại Hà Nội, mong muốn của CPV là tham gia đầu tư vào khu lọc dầu của Việt Nam cũng như hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển khai thác thăm dò dầu khí tại Venezuela.

PV: Xin ông cho biết về những nhiệm vụ công tác dự kiến của Hội trong năm 2012?

TS Ngô Thường San: Hội sẽ tích cực chuẩn bị nội dung làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo PVN triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW với 3 quan điểm chủ đạo của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội như một tổ chức chính trị, khoa học công nghệ chịu sự lãnh đạo của đảng. Về công tác tư vấn, phản biện, hội thảo khoa học, trong năm tới Hội sẽ tổ chức những hội thảo về chiến lược xây dựng các công trình hạ tầng dầu khí, tổ chức hội nghị xúc tiến hợp tác đầu tư dầu khí, hội nghị về các giải pháp thăm dò gia tăng trữ lượng và tăng hệ số thu hồi dầu trong quá trình khai thác dầu khí…

Ngoài công tác tư vấn, phản biện những vấn đề chiến lược của Hội đối với ngành. Hội sẽ cùng với những chuyên gia đầu ngành tập trung bàn về những giải pháp thực hiện khâu chiến lược năng lượng phi truyền thống, năng lượng sinh học, những hội thảo giới thiệu về những công trình nghiên cứu phát triển năng lượng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, tổ chức hội thảo về tầng chứa dầu phi tiền lệ, tham gia nghiên cứu lĩnh vực thăm dò, khai thác phát triển mỏ trong và ngoài nước. Năm 2012, Hội cũng sẽ tập trung nghiên cứu công nghiệp khí, về công tác tận dụng khí đồng hành ở các mỏ, thu gom thế nào, giải pháp khí hóa lỏng, tận thu khí đồng hành ở mỏ khí nhỏ. Hội cũng tham gia nghiên cứu giải pháp tăng cường hiệu quả ở các nhà máy Ethanol, đổi mới và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu thay thế. Hội cũng sẽ tổ chức hội thảo nghiên cứu ứng dụng men sinh học (enzyme) sản xuất phân bón cải tạo đất tốt hơn. Hội sẽ tổ chức giới thiệu và cập nhật cho các cán bộ trong ngành về một số điều cơ bản Luật Quốc tế, trong đó có  Luật Biển 1982. Hội cũng sẽ tập trung về giải pháp về quản lý kinh tế, như chúng ta đã biết, thực hiện chủ trương Phát huy nội lực của Tập đoàn, có những thành công to lớn, như việc phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 là những thành công điển hình, tuy nhiên, bất cứ chủ trương nào cũng có mặt được, chưa được cần rút kinh nghiệm và điều chỉnh.

PV: Công tác tổ chức của Hội hiện nay như thế nào, thưa ông?

TS Ngô Thường San: Hội viên của Hội Dầu khí Việt Nam hiện nay đều là những bậc lão thành từng nhiều năm công tác trong ngành Dầu khí, trí tuệ và kinh nghiệm rất quý báu với ngành Dầu khí. Tất cả các cán bộ, công nhân viên trong ngành Dầu khí hiện nay đều là thành viên của các Hội viên tập thể, hội đã có khoảng 350 hội viên chính thức; công nhận 3 chi Hội địa phương là Hà Nội, TP HCM và Vũng Tàu; làm thủ tục thành lập 6 ban chuyên môn trực thuộc Hội. Dự kiến trong quý I/2012, Hội sẽ triển khai thành lập các chi Hội tại Quảng Ngãi và Cà Mau; tổ chức kết nạp hội viên tập thể cho các đơn vị: PVTex Hải Phòng, PVC Cà Mau, Nhà máy Điện Cà Mau, Báo Năng lượng Mới… Ngoài hoạt động chuyên môn, Hội còn thường xuyên tổ chức những chuyến đi thực tế như tìm hiểu cao nguyên đá Đồng Văn – nơi được xem là công viên địa chất, một di sản có giá trị quốc tế, thăm Thủy điện Sông Đà, vùng kinh tế mới Điện Biên, tham quan các di tích lịch sử cách mạng ở Sơn La, Bắc Kạn.

Nhân dịp năm mới – năm Nhâm Thìn tôi xin thay mặt Hội Dầu khí Việt Nam kính chúc toàn thể Hội viên Hội Dầu khí, các cán bộ dầu khí đã nghỉ hưu, và đang công tác trong ngành và ngoài ngành Dầu khí dồi dào sức khỏe, đồng tâm xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam vững mạnh. Tôi cũng xin gửi đến bạn đọc lời chúc mùng năm mới và cám ơn sự ủng hộ nhiệt tình đối với Báo Năng Lượng Mới trong năm qua và mong tiếp tục nhận đươc sự động viên và góp ý nhiều hơn nửa cho sự phát triển của báo.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. Kính chúc Hội Dầu khí Việt Nam vững mạnh, sang năm mới có những đóng góp mới cho sự phát triển của ngành!

Thuận Thiên (thực hiện)

{lang: 'vi'}

DMCA.com Protection Status