Bài học lòng dân

07:00 | 14/09/2016

633 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhớ lại ngày ấy, bây giờ tôi vẫn còn run. Đó là một ngày đầu hè năm 1997. Khi đó phong trào khiếu kiện đông người ở Thái Bình đang giai đoạn cao trào.

Đầu tiên là nhiều đoàn người giương cờ, biểu ngữ kéo về các cơ quan huyện, tỉnh để gửi đơn khiếu kiện và trình bày ý kiến của mình với các cơ quan, các nhà lãnh đạo cao nhất về các tiêu cực ở địa phương mình. Sau đó, là những hành động manh động, bạo lực quá khích nổ ra ở nhiều xã trong tỉnh. Văn phòng UBND xã thậm chí cả văn phòng công an huyện cũng bị đập phá, nhiều cán bộ xã bị hành hung trọng thương, nhiều nhà cửa, vườn tược của cán bộ xã bị đập phá tan hoang. Có nơi công an còn bị giam giữ, hành hạ.

bai hoc long dan
Giếng khoan PV-D14 STL-1X tại xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, Thái Bình

Lúc đó Công ty Anzoil (Australia) đang thực hiện hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại Đồng bằng Sông Hồng. Công ty Giám sát các hợp đồng chia sản phẩm (PVSC) được Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) giao nhiệm vụ giám sát và trợ giúp nhà thầu triển khai thực hiện hợp đồng. Để thực hiện nhiệm vụ này, PVSC đặt văn phòng đại diện tại thị xã Thái Bình, nay là thành phố Thái Bình. Văn phòng đại diện lúc đó chỉ có 3 người. Vào thời điểm này Anzoil đang khoan giếng khoan thăm dò D14-1X tại xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy.

Một buổi chiều thứ Bảy, hai người ở xa nhà tranh thủ về nghỉ, còn tôi có gia đình ngay tại thị xã nên ở lại trực văn phòng. Khoảng 5 giờ chiều, đồng chí Bí thư Huyện ủy Thái Thụy điện thoại báo cho tôi:

- Hiện nay, đồng chí Chủ tịch huyện đang bị hàng trăm người tràn vào khoan trường giữ tại đó. Đề nghị anh xuống ngay để trợ giúp.

Cũng ngay sau đó tôi nhận được điện thoại của đồng chí Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, rồi của đồng chí Phó giám đốc Công an tỉnh cũng với nội dung như trên.

Vào chiều hôm trước, tôi được biết ở xã bên cạnh xã Thái Thọ, sau cuộc họp Đảng ủy xã đã có đông người kéo đến hành hung, gây chấn thương đồng chí Chủ tịch xã, đồng chí Thường vụ huyện ủy và Trưởng Công an huyện Thái Thụy ngay tại văn phòng UBND xã. Nhận thức được tình hình rất căng thẳng, tôi vội báo cáo về công ty, nhờ một cán bộ công ty về nghỉ cuối tuần tới trực tại văn phòng, còn mình nhanh chóng thuê xe xuống khoan trường. Tôi cũng vội xỏ chân vào đôi ủng lao động có đế và mũi sắt có ý đề phòng bất trắc… Khoan trường cách thị xã khoảng 30km. Đi đường Quốc lộ khoảng 20km, mọi chuyện bình thường. Nhưng khi cách khoan trường khoảng 10km là đường liên huyện, liên xã. Trên quãng đường này tôi thấy tại các ngã ba, ngã tư thường có tụ tập đông người, chủ yếu là nam giới, có cả trẻ, già. Những cặp mắt soi mói hằn học nhìn xe đi qua. Xe chạy qua văn phòng UBND xã Thái Thọ, thấy cảnh hoang tàn như vừa qua một trận bom. Dự báo tình hình căng thẳng, nên khi xe tới ngã ba vào khoan trường (cách khoan trường khoảng 100m), tôi cho lái xe quay ra và dặn chờ tôi khoảng 30 phút tại trạm bưu điện cách khoan trường khoảng 3km, nếu không có thông tin gì thì cứ về, tôi sẽ tự lo.

Bước chân vào khoan trường, tôi thấy đám đông dân chúng có tới trên 300 người đang vây quanh đồng chí Chủ tịch huyện, bên cạnh ông là mấy đồng chí công an huyện mặc thường phục vây quanh. Thấy tôi, Chủ tịch reo lên:

- A! Các ông dầu khí đây rồi, bà con cần gì cứ hỏi.

Thế là đám đông quây lấy tôi. Tôi bình tĩnh đề nghị mọi người cần gì thì nêu yêu cầu. Đám đông còn đang ồn ào, quay lại đã không thấy Chủ tịch huyện đâu. Sau mới biết, trước đó ông bị giữ lại không ra được. Khi đám đông giãn ra, ông tranh thủ ra khỏi khoan trường để lại tôi đơn thương độc mã đối phó với dân của ông (!).

Đám đông hỗn độn, hò hét ầm ĩ, một số rất hung hăng. Có kẻ đòi tắt máy điện, có kẻ sục sạo đó đây… Thấy vậy tôi phải nói lớn: “Giếng khoan đang có khí, áp suất cao, rất dễ cháy nổ” và dọa nếu cháy nổ thì cả làng này ra tro. Thấy vậy họ chùn lại và vây quanh tôi.

Sau khi trao đổi với người tự xưng là đại diện của dân chúng, tôi được biết họ yêu cầu tôi cung cấp tài liệu gốc về giá trị đền bù của Anzoil cho xã.

- Tại sao các anh không hỏi cán bộ xã? - Tôi hỏi.

- Chúng tôi không tin họ nên cần tài liệu gốc để đối chiếu.

- Tôi không phải là người của Anzoil nên không có tài liệu này, nhưng tôi giúp các anh liên hệ với Hà Nội để họ giúp các anh.

Tôi yêu cầu hai người đi theo vào phòng làm việc của Trưởng giàn khoan. Thấy chúng tôi gõ cửa bước vào, anh Tây này tỏ ra lo lắng, nhìn tôi:

- Có vấn đề gì, liệu chúng tôi có thể yên tâm làm việc không?

Tôi vội trấn an:

- Các anh cứ yên tâm làm việc bình thường. Có tôi ở đây rồi các anh không phải lo gì cả.

Tôi đề nghị được sử dụng điện thoại để gọi về Hà Nội và bật micro để nói chuyện cho mọi người cùng nghe. Gặp đồng chí Trần Danh Liêm, Phó giám đốc công ty, tôi báo cáo tình hình tại khoan trường và thông báo yêu cầu của đám đông có mặt tại khoan trường. Sau đó tôi yêu cầu người đại diện của người dân nói chuyện với anh Liêm. Anh Liêm trả lời, do khối lượng tài liệu lớn, lại là buổi tối nên sáng mai sẽ đề nghị Anzoil gửi tài liệu về. Sau khi cám ơn Trưởng giàn, chúng tôi ra khỏi văn phòng.

Lúc đó trời đã tối, tôi sải chân bước nhanh vì biết mình chân dài nên buộc những người theo sau phải chạy gằn mới kịp. Đang đi, tôi nghe thấy một giọng nói đàn ông trầm ấm: Chúng mày không được đụng đến bác ấy. Bác ấy là người tốt. Sau tôi được biết lúc đó có một thanh niên cởi trần, bặm trợn, tay cầm một hòn gạch len lên sát tôi thì bị một ông già chặn lại, đồng thời các đồng chí công an đi sau đã đẩy hắn lùi về phía sau. Tôi không ngờ ông già đó là chủ nhà có tài sản vườn và ao cá được đền bù để làm đường vào khoan trường.

Đoạn đường này có ba gia đình được đền bù chỉ có hoa màu và ao cá. Trong một buổi sáng tôi hoàn thành thỏa thuận đền bù có chứng kiến của cán bộ địa chính xã. Thực hiện việc đền bù đúng chính sách và thỏa đáng nên được các chủ nhà chấp nhận ngay. Ví dụ, tại diện tích cần giải phóng mặt bằng, phải đền bù hoa màu cho chủ nhà, tôi khảo sát và ghi chép từng loại cây, phân loại cây ngắn ngày, cây dài ngày, cây ăn quả, rau màu… để áp giá đền bù trên cơ sở giá thị trường và quy định của pháp luật. Gia đình thứ nhất, sau khi ký biên bản thỏa thuận đã đi theo tới gia đình thứ hai, thứ ba để kiểm tra, so sánh… nhưng không có thắc mắc gì khi chứng kiến chúng tôi ký biên bản. Sau khi kết thúc công việc họ nói cứ đền bù như thế này thì chúng tôi không có ý kiến gì, họ còn mời uống rượu để chia tay.

Tới nhà cán bộ tài chính xã, đám đông gọi cửa, không có ai ở nhà. Thế là họ tràn vào nhà đập phá, tháo cánh cửa, chất đống cùng giường, tủ giữa nhà... châm lửa đốt. Trên nóc nhà có kẻ dỡ ngói vứt xuống vườn. Có kẻ bắt cả lợn gà ném xuống giếng… Bên ngoài họ hô nhau du đổ tường giậu. Nhưng, may mà không có người chỉ huy nên sau đó họ bỏ cuộc. Trong khi đó tôi bị hai đàn ông kèm sát ở ngoài. Ít phút sau, tôi yêu cầu:

- Tôi không đứng đây xem các anh đập phá nữa. Tôi có đề nghị, hoặc là các anh đưa tôi về văn phòng UBND xã và bố trí tôi nghỉ ở đó hoặc tôi về khoan trường vì tôi còn nhiều việc ở đó.

Sau khi đắn đo họ đưa ra quyết định:

- Anh về khoan trường. Nhưng anh nhớ là không được ra khỏi đó, anh ra khỏi làng sẽ không an toàn đâu.

Tôi cũng không vừa:

- Tôi nói với các anh rằng tôi sẽ ở lại vì công việc ngày mai. Nhưng tôi có đủ khả năng ra khỏi đây bất cứ lúc nào. Các anh không có khả năng giữ tôi đâu.

Sau tôi mới biết rằng, một số đồng chí công an muốn ra vào khoan trường đều không thực hiện được vì dân chúng canh giữ ở nhiều vị trí ra vào xã.

Quay lại khoan trường tôi thấy đã có khoảng 70 bộ đội biên phòng của đơn vị đóng gần đó và công an tỉnh, huyện có mặt. Việc đầu tiên, tôi đề nghị Giàn trưởng báo nhà bếp nấu cơm cho mọi người. Ý kiến này được ủng hộ tích cực. Còn chỗ nghỉ thì tùy nghi di tản, vì giàn khoan không đủ chỗ nghỉ. Sau khi xong việc, tôi mới thấy mệt nhoài và cần phải tắm rửa vì suốt mấy giờ qua tôi đầm đìa mồ hôi. Tắm xong, không có đồ thay, tôi phải quấn khăn tắm để chờ đồ phơi sau máy lạnh. May mà không có phụ nữ làm việc tại giàn nên mọi việc đều suôn sẻ… Tôi nhớ lúc đó đã quá 22 giờ, đồng chí Phó chủ tịch tỉnh gọi cho tôi để nắm tình hình. Sau khi nghe báo cáo chi tiết, anh động viên tôi:

- Cậu cứ yên tâm làm việc, tỉnh đã bố trí đảm bảo an toàn cho cậu. Và chân tình hỏi tôi:

- Cá nhân có vấn đề gì vướng không, nếu có cứ nói thật, sẽ có cách giải quyết.

- Cảm ơn anh, em hiểu ý anh. Anh yên tâm, em không có vướng vít gì cả nên em tin mọi việc sẽ suôn sẻ.

Anh nhắc tôi cập nhật thông tin và có thể gọi cho anh bất cứ lúc nào.

Sau đó tôi mới nhớ ra mình phải gọi điện về nhà để ở nhà yên tâm. Nhận điện, vợ tôi rất mừng vì trước đó chỉ biết tôi “bị bắt” và đang tìm cách gửi quần áo cho tôi. Đã có mấy cuộc điện thoại từ Hà Nội và cả miền Nam ra để thăm hỏi việc tôi “bị bắt” ở giàn khoan.

Cả ngày hôm sau, tôi nhận tài liệu từ Văn phòng Anzoil Hà Nội gửi về bằng fax. Khối lượng tài liệu khoảng một gam giấy. Do máy còn bận nhiều việc nên mãi tới 4 giờ chiều mới nhận đủ toàn bộ tài liệu đền bù và tài trợ của Anzoil cho xã Thái Thọ. Tôi báo cáo về tỉnh và xin ý kiến việc bàn giao tài liệu. Tôi nhận được chỉ đạo bàn giao tay ba gồm đại diện UBND xã, đại diện người dân và tôi. Công việc được bàn giao nhanh chóng, nhưng đại diện UBND xã không có mặt do hoàn cảnh lúc đó không cho phép mà chỉ có một an ninh xã ký biên bản bàn giao cùng chúng tôi. Sau khi bàn giao tài liệu, đại diện người dân mời tôi dự họp xóm vào buổi tối. Tôi hỏi:

- Có việc gì cần không?

- Anh cứ dự sẽ hiểu. Sau khi trao đổi với các đồng chí công an tại khoan trường, Tôi đồng ý. Họ hứa sẽ cho người ra đón.

Buổi tối, tôi cùng 6 đồng chí công an huyện và tỉnh vào họp xóm. Tới ngõ vào sân của gia đình có cuộc họp, các đồng chí công an dừng lại còn tôi vào trong nhà. Người chủ trì cuộc họp giới thiệu tôi với khoảng hơn 100 người dự họp, nói lời cám ơn và hoan nghênh tôi đã hợp tác, giao đủ tài liệu cho họ. Sau đó anh ta tuyên bố:

- Từ giờ anh được tự do đi lại trong xã và ra khỏi xã bất cứ lúc nào.

Thật nực cười, họ làm cứ như là họ bắt tôi không bằng. Nhưng đó lại là sự thật. Tôi phát biểu ý kiến với nhân dân với ý tuyên truyền, phê phán hành động vi phạm pháp luật của họ, làm xấu môi trường đầu tư, gây nguy hiểm cho công trình khi đang có khí dễ gây cháy nổ và đề nghị mọi người rút kinh nghiệm. Nói xong, tôi chào mọi người và đứng dậy ra về.

Đúng lúc đó mất điện. Một ông già ngồi cạnh tôi kéo tôi ngồi xuống và nói nhỏ:

- Bác đợi có điện hãy về!

Tôi làm theo, nhưng không hiểu ý ông. Khoảng 5 phút sau có điện, tôi đứng dậy ra về. Nhìn thấy trong sân một nửa sân là phụ nữ ngồi, một nửa là nam giới ngồi. Tôi tế nhị định đi qua phía nam giới ngồi, nhưng một cánh tay kéo tôi và khuyên:

- Anh đi lối này! Và người đó dẫn tôi đi qua phía phụ nữ ngồi. Ngay lúc đó tôi hiểu mình được dân bảo vệ như thế nào.

Gần hai năm sau, giàn khoan được chuyển đi. Một buổi sáng tôi đang bước trên đường ra khỏi khoan trường thì ông già đã bảo vệ tôi hai năm trước đi ngược lại phía tôi, tay nắm chắc con dao rựa nét mặt hầm hầm. Đến trước tôi ông dừng lại dứ dứ con dao vào mặt tôi và nói lớn:

- Tại sao mày không bán phế liệu cho tao mà lại bán cho thằng … (tôi không nhớ tên của anh an ninh xã).

Bất ngờ và hoảng sợ nhưng tôi hiểu ra vấn đề và từ tốn:

- Chúng tôi tặng an ninh xã chứ không bán cho ai, vì các anh ấy giúp chúng tôi nhiều.

Ngay lập tức ông hạ dao xuống và dường như ngượng, nên quay đi không nói lời nào. Buổi chiều tôi vào thăm, ông pha nước và xin lỗi:

- Chúng mày làm thế là phải. Tao cứ tưởng mày bán cho nó vì tao hỏi trước nên bực quá, mày thông cảm nhé!

Cho tới nay, nghĩ tới ngày đó, tôi không hiểu sao mình liều vậy. Dám đương đầu với một đám đông rất ô hợp, manh động. Nhưng lúc đó sao mình bình tĩnh và có phần sáng suốt vậy (?). May mà trong quá trình làm việc trực tiếp với nhân dân trong xã, tôi nhận được tình cảm yêu mến của họ, nên chính họ đã bảo vệ, đã đảm bảo an toàn cho tôi ngay cả lúc gay cấn nhất. Họ là những người nông dân chất phác, ít hiểu biết, đang rất manh động nhưng lại rất sòng phẳng, biết phân biệt phải trái và biết làm việc nghĩa, sẵn sàng bảo vệ cái tốt, người tốt.

Bài học lòng dân là đây.

Nguyễn Xuân Nhự

Năng lượng Mới 557

DMCA.com Protection Status