Kỷ niệm 30 năm Ngày ký Hiệp định Liên Chính phủ về việc thành lập XNLD Vietsovpetro (19/6/1981 - 19/6/2011):

Chuyện “làng Nga ở khu năm tầng”

07:00 | 08/07/2011

246 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - “Làng Nga ở khu năm tầng” – một địa danh đã được Việt hóa và trở nên quá thân thuộc với hầu hết người dân ở TP Vũng Tàu. Đã 30 năm qua, kể từ khi những cư dân Nga đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, họ dường như đã thành một gam màu đậm trong bức tranh cuộc sống vốn đã vô cùng phong phú, nhộn nhịp ở đây. Nói “Làng Nga ở khu năm tầng” là đang nói đến khu tập thể đầu tiên ở Việt Nam dành cho các chuyên gia Nga làm việc trong lĩnh vực khai thác dầu khí của Liên doanh Vietsovpetro sinh sống cùng gia đình và trường học cho con em họ. Như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”, thì cộng đồng người Nga ở “khu năm tầng” từ lâu đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của họ bởi có rất nhiều gia đình Nga đã sinh sống ở đây đến thế hệ thứ ba và chưa hề có ý định đi tìm quê hương khác.
Chuyện “làng Nga ở khu năm tầng”
Chị Julia khoe chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam và chiếc áo Xaraphan truyền thống của Nga

Người Nga đang dần Việt hóa!

Ông Ngô Đắc Điệt, Trưởng phòng Quản lý Đời sống và Nhà ở của Liên doanh Vietsovpetro kể: “Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, các chuyên gia Liên Xô cũ, chủ yếu là người Nga và người Azecbaizan đầu tiên đã đến Vũng Tàu làm việc trong Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được bố trí sống trong các căn phòng của Khu Dịch vụ Dầu khí Lam Sơn, Khu Khách sạn Tháng Mười. Năm 1985, khu A thuộc chung cư 5 tầng xây dựng hoàn thành, các chuyên gia Nga chuyển về sống ở đó cho đến ngày nay”.

Ông Điệt từng là du học sinh ở Nga, nói tiếng Nga chuẩn như người bản địa và đặc biệt hiểu đến chân tơ, kẽ tóc những phong tục tập quán của Nga. Theo ông Điệt thì thói quen hay rộng hơn là phong tục của mỗi miền đất đã ăn sâu vào máu và là thứ rất khó thay đổi. Tuy nhiên, những người Nga ở Việt Nam trong một thời gian khá dài và dần dà, họ cũng đã “bị” Việt hóa đi khá nhiều. Điều đó vô tình đã tạo nên một lối sống mới, phong cách mới mà chúng ta dễ dàng nhận thấy những đặc trưng Việt – Nga trong đó.

Cụ thể như, một số gia đình người Nga đã bắt đầu quen với việc cầm đũa ăn cơm hàng ngày, đã phát hiện ra vị ngon trong mắm tôm và ưa cái vị nồng sánh của rượu… “cuốc lủi”. Trên bàn ăn của họ có bánh mì kẹp thịt với xúc xích nướng và cả canh cua với cà muối. Một thứ đặc Nga, một thứ đặc Việt mà ăn với nhau cũng thấy ngon. Thế mới lạ!

Khu tập thể của người Nga ở Liên doanh Vietsovpetro có tất cả 9 khu nhà, tất cả đều được xây đúng 5 tầng nên địa danh “khu năm tầng” có từ đó. Điểm dễ dàng nhận thấy, khu năm tầng được xây dựng mang rất nhiều đặc trưng của kiến trúc Nga với những căn phòng có cửa sổ rất lớn, hành lang thấp, rộng và đặc biệt có rất nhiều vườn cây trong khuôn viên khu nhà.

Chuyện “làng Nga ở khu năm tầng”
Buổi chiều, những người Nga thường có thói quen đi dạo trong khuôn viên khu tập thể

Cuộc sống bình dị giữa thành phố biển

Chúng tôi được ông Yury S. Sokolov, Chủ tịch Công đoàn phía Nga của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro giới thiệu tới thăm một số gia đình người Nga đang sinh sống tại khu năm tầng. Trước khi đi, ông Sokolov cảnh báo: “Đến đó, đừng uống vodka say quá nhé”.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Sergei M.Sarnin và chị Marina V. Sarnina Họ là cặp vợ chồng nổi tiếng ở đây, họ không chỉ là một cặp trai tài gái sắc mà họ cùng làm tại trung tâm y tế nằm trong khuôn viên khu tập thể. Thông thường, tất cả các cư dân trong khu tập thể cứ định kỳ hàng tháng lại đi khám sức khỏe một lần và đương nhiên, họ lại gặp anh Serrei tại đó.

Anh Sergei có bề ngoài như diễn viên điện ảnh bởi vóc người cân đối với nước da trắng hồng hào và đôi mắt xanh đặc trưng Nga. Vợ anh, chị Marina V.Sarnina được mệnh danh là người đàn bà đẹp nhất trong khu tập thể có hơn 1.000 người này. Gặp tôi, chị Marina khoe ngay rằng, chị đã từng nhiều lần được mời chụp hình làm ảnh bìa cho một số ấn phẩm lưu hành nội bộ của Liên doanh Vietsovpetro. Có vẻ như điều đó làm chị rất tự hào.

Anh Sergei hóm hỉnh nói: “Chúng tôi sang làm việc ở Vietsovpetro đã được hai năm rồi. Tôi đã từng làm việc ở nhiều nước trên thế giới nhưng chưa ở đâu tôi lại thích nghi nhanh như ở đây. Có thể là do khí hậu ở Vũng Tàu rất ôn hòa. Anh nhìn nước da của chúng tôi đây này, nó đã bắt đầu Việt hóa rồi đấy, nước da rám nắng có vẻ như rất hợp với tôi”.

Hàng ngày, vợ chồng họ đến trung tâm y tế làm việc từ 7giờ. Trước đây, họ có thuê một bảo mẫu trông coi Ivan nhưng tháng trước người bảo mẫu này bận việc riêng nên đã xin nghỉ. Hiện tại đang nghỉ hè, nên cháu Ivan phải ở nhà một mình. Tôi tỏ ra lo lắng bởi Ivan mới lên 5 tuổi, để cháu ở nhà một mình liệu có yên tâm? Chị Sarnina giải thích: “Ivan 5 tuổi nhưng đã có ý thức tự lập rồi. Vả lại, chúng tôi có lắp một camera ở nhà luôn online qua hệ thống mạng Internet. Từ đây, chúng tôi có thể trông thấy Ivan và nói chuyện với cháu”.

Buổi chiều, những người Nga thường có thói quen đi dạo trong khuôn viên khu tập thể
Buổi chiều, những người Nga thường có thói quen đi dạo trong khuôn viên khu tập thể

Tôi chợt nhớ rằng, ở Việt Nam giờ cũng đã áp dụng phương pháp “trông con” kiểu này rồi. Phòng học của con ở trường mầm non được gắn camera trực truyến kết nối Internet. Bố mẹ làm việc ở đâu, chỉ cần vào mạng là có thể biết được con mình đang làm gì.

Hình ảnh những gia đình người Nga vào buổi tối đi dạo trên bờ biển Vũng Tàu đã là hình ảnh quá đỗi quen thuộc với người dân nơi đây. Đã có rất nhiều người từng đi, từng đến và cũng đã có những gia đình đã sống ở Vũng Tàu nhiều thế hệ. Họ đến Việt Nam, gặp gỡ, yêu nhau rồi kết hôn với nhau ngay trong mảnh đất của Vietsovpetro này.

Với vợ chồng anh Sergey thì đến Vietsovpetro gắn với một bước ngoặt trong cuộc đời họ. Anh Sergey, 25 tuổi đã tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Stavropol khi mới chỉ 24 tuổi. Ngày đầu tiên đến Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro nhận công tác, anh đến Ban Quản lý Đời sống và Nhà ở để làm thủ tục vào khu tập thể sống. Và ở đây, anh đã gặp người vợ tương lại của mình.

Anh Sergey nhớ lại: “Sáng hôm ấy, tôi đến Ban Quản lý Đời sống và Nhà ở gặp chị Maria là nhân viên của Ban này lấy phiếu đăng ký căn hộ. Tôi ngồi đợi ở phòng ngoài được một lúc thì có một cô gái trẻ mang ra một chiếc điều khiển vô tuyến và nói rằng, hãy xem vô tuyến trong khi chờ đợi. Vì mới đến nên tôi cứ ngỡ đó là chị Maria. Tôi liền hỏi liên hồi về những thủ tục, những thói quen sinh sống ở đây. Người phụ nữ ấy tủm tỉm cười, hỏi tên rồi quả quyết rằng, chưa có ai thông báo rằng tôi sẽ được ở trong khu tập thể. Điều đó làm tôi rất hoang mang”.

Một lát sau, anh Sergey mới vỡ lẽ rằng, đó chỉ là một trò đùa và người phụ nữ trẻ kia không phải là chị Maria mà là Elena, em gái của chị Maria. Trong thời gian nghỉ hè, Elena từ Nga sang thăm chị gái, gặp anh chàng Serey “ngờ nghệch” nên đã thử đùa một vố.

Và chẳng hiểu bằng cách nào, chỉ trong vài tuần sau, anh chị đã quen thân với nhau và yêu nhau lúc nào không hay. Sau 5 tháng quen biết, họ cưới nhau và cùng nhau sang Việt Nam. Với năng lực của mình, tuy mới chỉ 25 tuổi nhưng anh Sergey đã được lãnh đạo tin tưởng đề bạt làm Phó phòng Tổ chức nhân sự của Xí nghiệp Khai thác Dầu khí, Liên doanh Vietsovpetro. Còn vợ anh cũng đã may mắn xin được việc làm ngay tại Vietsovpetro.

Chị Elena vui vẻ nói: “Tôi tin đó là duyên số, chúng tôi đã gặp nhau ở Việt Nam, yêu nhau và cưới nhau và dự định sinh con ở Việt Nam. Việt Nam đã tặng cho chúng tôi tình yêu, công việc, niềm vui và hạnh phúc”.

Ngoài những ngày làm việc thì hai vợ chồng họ không lúc nào ngồi yên một chỗ. Buổi tối, sau bữa ăn, họ dắt nhau đi dạo trên bãi biển, uống cà phê và kết bạn với những người Việt Nam. Những ngày cuối tuần họ thường đi khắp nơi du lịch, tìm hiểu phong tục tập quán của người bản địa trên khắp các vùng miền của Việt Nam. Đến giờ thì anh Sergey đã bập bẹ nói được tiếng Việt “bồi”, biết nói đùa kiểu Việt Nam còn chị Elena thì cũng đã sắm cho mình một bộ sưu tập các loại vải vóc ở các địa phương của Việt Nam.

Chuyện “làng Nga ở khu năm tầng”
Khuôn viên “khu năm tầng”- nơi sinh sống của hơn 1.000 người Nga ở Vietsovpetro

30 năm cho một tình bạn lớn

Có một điều tôi đặc biệt ấn tượng là người Nga rất hiếu khách và rất biết cách quan tâm đến người khác. Đó là sự quan tâm thực sự chứ không hề sáo rỗng, hình thức. Hôm chúng tôi đến thăm nhà anh Armen, kỹ sư đang làm việc tại Xí nghiệp Dịch vụ cảng và Cung ứng vật tư – Liên doanh Vietsovpetro, hôm đó thời tiết ngoài trời rất nóng. Đi từ cổng vào đến khu nhà anh Armen, leo được lên tầng 3 thì mặt ai cũng đã lấm tấm mồ hôi. Vừa vào phòng, nhìn thấy chúng tôi mồ hôi nhễ nhại, chị Julia, vợ anh Armen hốt hoảng tắt ngay điều hòa nhiệt độ và mở toang cửa sổ. Chị bảo: “Vừa ngoài trời nắng vào phòng lạnh sẽ rất dễ bị cảm”.

Anh Armen nói tiếng Việt giọng nhẹ lướt như người miền Tây. Anh chẳng học tiếng Việt qua trường lớp nào cả mà như anh giải thích, đơn vị anh làm việc có cả thảy gần 300 người nhưng chỉ duy nhất anh là người Nga, không nói được tiếng Việt mới là lạ!

Vợ chồng anh Armen bài trí căn nhà của mình rất đơn giản nhưng sạch sẽ. Và có lẽ, do vợ chồng anh ở Việt Nam đã gần 10 năm nên mọi đồ đạc, vật dụng trong nhà hầu hết có xuất xứ ở Việt Nam. Anh chị đều đặc biệt thích uống trà Bảo Lộc và ăn kẹo mè trắng. Chị Julia là giáo viên dạy piano, chị hát cho chúng tôi nghe bài “Trống cơm” nhưng lại khăng khăng khẳng định rằng, đó là bài “Trống gạo”! Dù anh Armen đã dạy bao nhiêu lần rồi nhưng trước sau chị vẫn nhầm lẫn.

Có thể nói rằng, cuộc sống của người Nga ở “khu năm tầng” đã hòa trộn văn hóa, phong tục tập quán của hai nước Nga – Việt. Anh Armen cho rằng, những ngày vui nhất ở khu tập thể này là khi có ai đó tổ chức đám cưới. Khách đến dự một nửa là người Việt, còn một nửa là các bạn người Nga. Như một lẽ tự nhiên, họ quên đi quốc tịch của mình, ngồi lẫn vào nhau, uống rượu và lúc ngà say thì hát… vọng cổ cho nhau nghe. Họ sống hòa đồng, coi nhau như những người anh em thân thiết một nhà.

Anh Armen có vô số bạn thân là người Việt Nam. Anh kể: “Chúng tôi thì ít người giỏi tiếng Việt nhưng trái lại, rất nhiều người Việt giỏi tiếng Nga. Chính vì thế, rào cản ngôn ngữ đã không còn là một khó khăn. Và khi ấy, tình bạn giữa chúng tôi cũng dễ dàng hình thành.

Trong “khu năm tầng” dường như là một xã hội thu nhỏ với đầy đủ cơ sở hạ tầng như một thị trấn nhỏ. Với diện tích 13ha, khuôn viên “khu năm tầng” có đầy đủ bệnh viện, trường học, thư viện, siêu thị… Ở đây có duy nhất một trường học gồm học sinh từ mẫu giáo đến hết cấp 3. Học sinh người Nga có thể học từ mẫu giáo đến hết cấp 3, sau đó có thể trở về Nga học đại học. Như cháu Georgy đã sống cùng bố mẹ và học hết cấp 3 ở Việt Nam, sau đó trở về nước và thi đỗ vào Trường đại học Dầu khí Liên bang Nga. Anh Armen kể: “Bố tôi đã từng làm việc ở Vietsovpetro, tôi cũng vậy và khi con trai tôi tốt nghiệp đại học, rất có thể nó cũng sẽ tiếp tục làm việc ở đây”.

Nói như ông Ngô Đắc Điệt thì trong suốt hơn 30 năm qua, người Nga đã hòa vào cộng đồng dân cư ở Vũng Tàu, như một minh chứng cho sự đoàn kết hữu nghị của hai đất nước Việt – Nga. Dù lịch sử có những biến động, thời thế có đổi thay nhưng Liên doanh Vietsovpetro luôn là sự hợp tác bền vững của những người bạn tốt.

Buổi chiều trong khuôn viên “khu năm tầng” thì nhộn nhịp vô cùng. Trẻ con thường đạp xe đạp vòng quanh khắp khu nhà, ngắm những lùm hoa tóc tiên xanh mướt. Phụ nữ thì rủ nhau ra chợ ven biển, mua tôm cá tươi mà thuyền cá vừa cập mạn. Đàn ông thì ồn ào chơi bóng đá hay cầu lông ở sân chơi thể thao gần đó. Cuộc sống và công việc bình dị, hòa đồng của những người bạn Nga anh em cứ như vậy đã suốt 30 năm qua, đồng hành với sự phát triển của Vietsovpetro, mái nhà chung của họ.

Vũ Minh Tiến

DMCA.com Protection Status