Chuyện "thừa - thiếu" xăng dầu và an ninh năng lượng

06:16 | 29/08/2022

4,531 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Những ngày qua, chuyện thừa thiếu xăng dầu cùng sự phản ánh của các cửa hàng bán lẻ về việc lỗ nặng đang nóng lên. Thật hư chuyện này như thế nào và những giải pháp của Bộ Công Thương.

Từ việc phải nhập khẩu xăng dầu 100%, hiện nay với việc xây dựng và đưa vào vận hành ổn định, công suất cao của 2 nhà máy lọc dầu trong nước, chúng ta đã chủ động sản xuất xăng dầu đáp ứng được 70 - 75% nhu cầu nội địa.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất hơn 110% công suất trong nhiều năm qua để phục vụ đất nước.

Hơn 12 năm qua, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất liên tục hoạt động tới 110% công suất, sản xuất hàng chục triệu tấn xăng dầu các loại cho đất nước. Những cải tiến kỹ thuật của kỹ sư Việt Nam không chỉ giúp nhà máy an toàn mà còn là công trình khoa học dầu khí nổi tiếng thế giới. Còn nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, dù mới đưa vào vận hành trong vài năm qua và là một nhà máy liên doanh nhưng cũng đóng góp tới 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Thời gian qua, ngay khi lượng xăng dầu nhập khẩu gặp khó khăn do tác động từ xung đột giữa Nga và Ukraine, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã chấp nhận lùi thời gian bảo dưỡng tổng thể, nỗ lực sản xuất xăng dầu phục vụ nhu cầu trong nước. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận.

Trong thời gian tới, có thể chúng ta sẽ có nhà máy lọc hóa dầu thứ 3, thứ 4. Đến lúc đó, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng sản xuất xăng dầu cho 100% thị trường trong nước và có thể xuất khẩu sang các nước láng giềng trong khu vực. Nhưng hiện nay với 30% nhu cầu xăng dầu còn thiếu đã được phân bổ cho 32 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhập khẩu, cung cấp cho thị trường; hơn thế nữa, Bộ Công Thương đã tăng lượng xăng dầu nhập khẩu cho các doanh nghiệp này khi các nhà máy lọc hóa dầu trong nước phải tạm nghỉ để bảo dưỡng thiết bị. Bộ Công Thương cũng nhiều lần khẳng định là không để thiếu nguồn cung xăng dầu.

Thời gian gần đây, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu liên tục truyền đi thông tin trên các trang mạng xã hội, rồi một số báo, tạp chí phản ánh về việc thiếu xăng dầu và bị ép chiết khấu bằng 0, có người còn khẳng định chiết khấu âm đến 2.000 đồng/lít xăng. Các đại lý cũng phản ánh hiện phải nhập hàng với giá cao hơn giá bán lẻ, cộng cả vận chuyển vào thì thua lỗ nặng do giá bán lẻ không phản ánh kịp theo thay đổi của thị trường thế giới. Thực hư chuyện này thế nào thì chắc chắn cơ quan chức năng như thanh tra Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ vào cuộc làm rõ.

Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã có 2 công văn chỉ đạo, yêu cầu các Sở Công Thương địa phương và các thương nhân kinh doanh xăng dầu phối hợp đảm bảo nguồn cung xăng dầu đáp ứng nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ việc đi lại, sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ như lễ Quốc khánh 2/9, Tết Trung thu, Giáng sinh…

Trong đó, yêu cầu các thương nhân chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới; Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Chuyện
Bộ Công Thương cho phép chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối xăng dầu.

Đặc biệt là Bộ Công Thương cho phép chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường. Đồng thời cảnh báo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu nghiêm túc thực hiện các yêu cầu trên, trường hợp có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo về Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) để phối hợp xử lý.

Mới đây, tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu ngày 26/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, với khả năng cung ứng nguồn cung ứng từ hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn (3,3 triệu m3 xăng dầu trong quý III và 4,4 triệu m3 vào quý IV), cộng thêm nguồn nhập khẩu, từ nay tới cuối năm không thiếu nguồn cung.

Như vậy, có thể khẳng định rằng các doanh nghiệp nhà nước sản xuất xăng dầu đã và đang nỗ lực làm tốt vai trò của mình trong việc đảm bảo hơn 2/3 lượng xăng dầu trong nước, nguồn cung không bị thiếu hụt. Còn việc các đại lý thua lỗ nặng do giá bán lẻ thấp hơn giá vốn cũng được xét đến. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị liên Bộ Công Thương, Tài chính sớm xem xét, phản ánh chi phí, phụ phí xăng dầu trong nước (từ nhà máy lọc dầu về tới kho của doanh nghiệp đầu mối) vào cơ cấu giá bán lẻ, nhằm phản ánh đúng chi phí thực tế. Việc này giúp doanh nghiệp có thêm phần điều chỉnh chiết khấu, đủ bù đắp chi phí kinh doanh.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ tiếp tục xử lý nghiêm việc các đại lý, thương nhân đầu mối găm hàng chờ tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu đang có thể sẽ điều chỉnh tăng mạnh trở lại trong kỳ điều chỉnh tiếp theo. Có lẽ, việc Bộ Công Thương tạm đình chỉ nhập khẩu xăng dầu của 7 doanh nghiệp đầu mối là chưa đủ sức mạnh răn đe đối với một số thương nhân có chủ trương làm ăn chụp giật. Rất mong trong những ngày tới, lực lượng chức năng ngành Công Thương tiếp tục quyết liệt làm trong sạch thị trường xăng dầu trong nước, đảm bảo phục vụ xăng dầu cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Thành Công

Giá xăng dầu hôm nay 26/8: Dầu thô lấy lại đà tăng, Brent tuột mốc 100 USD/thùng Giá xăng dầu hôm nay 26/8: Dầu thô lấy lại đà tăng, Brent tuột mốc 100 USD/thùng
Bộ Công Thương: Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu Bộ Công Thương: Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu
Các cửa hàng xăng dầu liệu có thực sự gặp khó? Các cửa hàng xăng dầu liệu có thực sự gặp khó?

DMCA.com Protection Status