Kỳ diệu Cà Mau

08:08 | 25/11/2011

719 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tôi là một trong số ít các nhà báo may mắn có mặt tại Cà Mau từ ngày đầu xây dựng Cụm Khí Điện Đạm. Dù đã đọc tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, song đến đây, tôi vẫn cứ ngỡ ngàng và không tin nổi vào mắt mình.

Nếu không xuống Cà Mau, không xuống vùng đất lợ mang mác hương tràm, không tận mắt chứng kiến những tháng ngày lao động quả cảm và sáng tạo của hàng ngàn người lao động dầu khí và Lilama thì dù óc tưởng tượng có phong phú đến đâu, dù ai có kể cả trăm lần, tôi vẫn không thể hình dung ra nổi, bằng cách nào họ đã đưa 3 dự án lớn của Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau (được coi là Người khổng lồ nơi đất mũi) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư vào hoạt động trong một thời gian kỷ lục, làm thay da đổi thịt cả vùng cực Nam Tổ quốc.

Đến Cà Mau lần này, tôi không còn nhận ra những con rạch chằng chịt, những cây chàm, cây đước cắm chùm rễ xuống bùn bên bờ sông Cái Tàu, cũng không còn những khu lán trại công nhân lợp lá dừa nước và cả những mái nhà lúp xúp của những người nông dân chân chất. Trước mắt tôi là sừng sững hai nhà máy nhiệt điện với những ống khói sơn màu trắng đỏ, là đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau từ mỏ khí ngoài khơi xa xuyên qua lòng biển, chui vào đất rừng tràm U Minh, rồi chạy vào Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, là Nhà máy Đạm Cà Mau, công suất lớn nhất nước đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng để cho ra sản phẩm đầu tiên vào ngày 27/11 tới. Chao ôi, hơn 7 năm qua, hàng ngàn người thợ dầu khí, Lilama đã trộn mồ hôi, nắng gió, muỗi mòng, trí tuệ thành thứ bê tông ý chí làm nên dòng điện tỏa sáng đất rừng U Minh, làm ra những hạt đạm đục cho mùa vàng bội thu. Lặng người ngắm công trình kỳ vĩ này, tôi rưng rưng lệ nhớ về những ngày gian khó, những khuôn mặt xạm nắng gió thân quen trên công trường…

Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau.

Công trình Thanh niên Cộng sản

Tôi là một trong số ít các nhà báo may mắn có mặt tại Cà Mau từ ngày đầu xây dựng Cụm Khí – Điện – Đạm. Dù đã đọc tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, song đến đây, tôi vẫn cứ ngỡ ngàng và không tin nổi vào mắt mình. Rừng U Minh Hạ âm u với trùng điệp đước, chàm cùng đặc sản là “muỗi đói” cứ ào ào đuổi theo con người. Khí hậu ở đây cũng rất khắc nghiệt, chia làm hai mùa mưa – nắng rõ rệt. Nắng chói chang, xám da thịt từ 5h sáng đến 7h tối sáu tháng liền, còn mưa lại xối xả, trắng trời trong những tháng cuối năm.

Hôm tôi xuống công trường, Cà Mau mịt mù trong mưa, những tia nắng hiếm hoi chỉ lóe lên trong chốc lát rồi lại sầm sậm tối. Con đường từ thị xã Cà Mau vào nhà máy điện dài hơn 20km lầy lội, nhão nhoét, lòng đường chỉ vừa đủ cho một làn xe chạy. Hai bên đường sông nước, kênh rạch chằng chịt. Vì vậy, toàn bộ thiết bị, vật tư cho hai nhà máy điện turbine khí chu trình hỗn hợp có tổng công suất 1.500MW, trong đó có nhiều thiết bị siêu trường, siêu trọng, nhà tổng thầu Lilama đều phải vận chuyển bằng đường thủy. Vào nhà máy làm việc, kỹ sư, công nhân đều phải đi bằng thuyền hoặc ghe, điều mà chưa dự án nào gặp phải. Ngoài thời gian làm việc ở công trường, mọi sinh hoạt của người thợ như ăn uống, đọc sách, xem tivi… đều ở trong màn bởi quờ tay là được cả vốc muỗi. Câu nói: “Làm điện mà như quân đội đánh giặc”, thật chẳng sai chút nào.

Tác giả (đứng giữa) cùng các đồng nghiệp tại Nhà máy Điện Cà Mau

Khu vực đặt hai nhà máy rộng 30ha trước đó là khu đầm lầy ngập mặn xen lẫn những vuông tôm. Vì vậy, việc gia cố, xử lý nền móng nhà máy đặc biệt được quan tâm. Kỹ sư Đỗ Ngọc Thạch, Giám đốc công trường cho biết: khi khoan thăm dò khu vực nhà máy xuống sâu 25m mà vẫn thấy bùn, tới 40m mới thấy đất đông lại và phải sâu 90m thì mới thấy chạm vào nền đất sàn. Chiếc cọc bê tông đầu tiên khi đóng xuống đã “mất hút” luôn tới độ sâu 75m. Để có một nền đất cứng vững xây dựng nhà máy, công nghệ bơm hút nước trong đất bùn để phần đất còn lại cấu kết với nhau thành nền đất cứng đã được những người thợ lắp máy cùng nhà thầu Vinci (Pháp) thực hiện với quy mô lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Nhìn những bao tải cát chất cao tới cả chục mét với mục đích gia tải cho nền đất và khuôn mặt xạm đen cùng bàn tay chai sần của những người thợ, tôi hiểu họ đã phải trải qua những thử thách, cam go đến mức nào.

Hơn 3 năm thi công, công trường điện Cà Mau gần như không có ngày và đêm. Lilama đã đưa về đây thiết bị máy móc hiện đại cùng đội quân tinh nhuệ nhất, trong đó hầu hết tuổi đời chỉ trên dưới 30. Thời điểm thi công nước rút, công trường có tới 3.500 người thợ. Họ mặc áo bảo hộ lao động phản quang màu đỏ hối hả làm việc cùng các chuyên gia nước ngoài với áo bảo hộ màu tím, màu xanh. Ngày nào trên công trường cũng diễn ra ít nhất 3 cuộc họp giao ban giữa chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát. Tôi đã ngồi thông trưa, quên cả ăn để tham dự một cuộc họp như thế và không khỏi tự hào cho tuổi trẻ Việt Nam. Những kỹ sư chỉ trên dưới 30 tuổi, song lại điều hành cả cuộc họp mà người tham dự là các chuyên gia Đức, Pháp, Italia, Nhật… Sau cuộc họp, tôi nói vui với các kỹ sư: “Các bạn đang điều hành cả thế giới đấy”. Chẳng những thế, một vài chuyên gia còn bị nhà thầu Lilama đuổi khỏi công trường vì thái độ làm việc thiếu trách nhiệm và trung thực. Vì thế, Điện Cà Mau được coi là công trình Thanh niên Cộng sản thứ hai sau công trình Thủy điện Hòa Bình.

Là người trưởng thành từ các công trường xây dựng, lại từng tham gia công tác đoàn thể, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không chỉ mang hơi thở và sự quyết liệt của các công trường xây dựng đến đây mà còn là trung tâm đoàn kết, tổng hợp sức mạnh của mọi người. Đêm 30 tết Mậu Tý, ông đã đón giao thừa tại công trường cùng những người thợ và trao tiền thưởng tận tay họ. Ông bảo: “Một đồng tiền thưởng bằng một vạn đồng tiền công là ở chỗ đó”. Những khẩu hiệu màu đỏ chữ vàng: “Hạnh phúc thuộc về những người đúng hẹn”; “Việc hôm nay chớ để ngày mai” mà tôi đã nhiều lần nhìn thấy ở Thủy điện Sông Đà, Thủy điện Yaly hay Lọc dầu Dung Quất như lời hiệu triệu tại đây đã thực sự lôi cuốn và khích lệ tinh thần người thợ.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên khuôn mặt thông minh, ngời sáng của chàng trai Phạm Duy Lợi quê ở Đà Nẵng khi anh hát vang "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” trong Lễ tuyên dương 200 thanh niên tiêu biểu trong các phong trào thi đua trên công trường. Nhịp điệu lao động quên ngày, quên đêm ở Cà Mau như thì thầm nói với tôi rằng, để có dòng điện cho Tổ quốc, biết bao bạn trẻ đã để lại cả tuổi thanh xuân của mình trên các công trường. Ngắm những khuôn mặt thông minh, đầy nghị lực ấy, bất giác tôi liên tưởng đến những cảnh ăn chơi, đua đòi của không ít thanh niên Hà Nội và nhiều đô thị lớn, những người chưa một lần đổ mồ hôi, công sức vì đất nước.

Hạt ngọc mùa vàng

Khác với Nhà máy Điện Cà Mau do doanh nghiệp trong nước làm tổng thầu, Nhà máy Đạm Cà Mau lại do EPC của Trung Quốc làm tổng thầu. Theo kỹ sư Hoàng Trọng Dũng, Phó BQL DA kiêm Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón Cà Mau: Mặc dù còn một vài hạn chế như nhà thầu Trung Quốc chưa hiểu đầy đủ thủ tục, thông lệ quốc tế, hạn chế về ngoại ngữ, song phải thừa nhận công nhân Trung Quốc làm việc chuyên nghiệp, năng suất cao và ý thức kỷ luật rất tốt. Do có kinh nghiệm ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ nên hợp đồng EPC của dự án này được quy định khá chi tiết, trong đó quy định xuất xứ thiết bị bắt buộc phải của châu Âu và G7. Với sự giám sát, quản lý chặt chẽ và sự hỗ trợ của chủ đầu tư, cùng nhau đưa ra những mốc tiến độ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, sau hơn 3 năm thi công, đến nay Nhà máy Đạm Cà Mau đã hoàn thành 98% công việc và sẽ chạy thử vào ngày 27/11 tới để cho ra sản phẩm đầu tiên và hoàn thành nhà máy vào cuối tháng 12 năm nay.

Trên công trường Nhà máy Đạm Cà Mau

Trong bộ quần áo bảo hộ lao động, kỹ sư Đào Văn Ngọc, Giám đốc công trường đưa chúng tôi đi thăm các hạng mục đã hoàn thành. Khác với các nhà máy xi-măng, nhiệt điện, ở nhà máy đạm cây xanh không được trồng tại khu sản xuất để phòng hỏa hoạn mà thay vào đó là những con đường bê tông hoặc rải sỏi đá. Ngọc cho biết: Xây dựng nhà máy nhiệt điện, lọc dầu đã khó (điều kiện thi công khó khăn, công nghệ phức tạp, thiết bị siêu trường, siêu trọng…), song xây dựng nhà máy đạm (công nghiệp hóa dầu) còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Sự khó khăn, phức tạp thể hiện ở chỗ nhà máy đạm có hệ thống tự động hóa cao, có tính liên kết trong các phản ứng hóa học tạo thành phản ứng dây chuyền. Vì vậy, chỉ cần hỏng một mắt xích sẽ kéo theo hỏng cả dây chuyền. Hơn nữa, các dây chuyền công nghiệp làm việc ở nhiệt độ, áp suất lớn, nguy cơ cháy nổ cao, trong quá trình tạo ra sản phẩm có nhiều chất xúc tác, nhiều phản ứng hóa học, nhiều chất độc hại, nguy hiểm, đặc biệt là hai phân xưởng Ammonia và Urê nên rất dễ xảy ra sự cố. Vì vậy, công tác an toàn lao động luôn phải đặt lên hàng đầu.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo: “Nhận xét thế nào về chủ đầu tư?”. Ông Hà Hoàng Tân, Giám đốc thi công của tổng thầu Trung Quốc cho rằng: “Họ đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của chủ đầu tư, nhiều kỹ sư còn trẻ nhưng làm việc rất chuyên nghiệp, am hiểu về hóa dầu nên đã đẩy nhanh tiến độ dự án. Gần 400 kỹ sư và công nhân đã được đào tạo bài bản để sẵn sàng vận hành nhà máy”.

Như vậy là chỉ trong 7 năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có trong tay hai nhà máy Đạm Phú Mỹ và Cà Mau với tổng công suất 1,6 triệu tấn, không chỉ đáp ứng 80% nhu cầu của thị trường nội địa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực mà còn đi đầu trong thực hiện chính sách “Tam nông” của Chính phủ. Phân đạm hạt đục của Đạm Cà Mau sản xuất từ nguồn khí tự nhiên, với công nghệ hiện đại nên chất lượng cao và ổn định. Nó được ví như hạt ngọc mùa vàng. Cùng với Phân đạm Hà Bắc mở rộng và Ninh Bình, năng lực sản xuất phân đạm trong nước sẽ đạt 2,2 triệu tấn và sẽ tăng lên 2,6 triệu tấn vào năm 2015. Ngoài việc bảo đảm nhu cầu trong nước, Việt Nam sẽ trở thành nước xuất khẩu phân bón với đích nhắm trước tiên là thị trường Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar.

Điều kỳ diệu

Vậy là nơi tận cùng đất nước, bức tranh công nghiệp, bức tranh hội nhập quốc tế do trí tuệ và bàn tay của những người thợ dệt nên đã mang lại ý nghĩa kinh tế, xã hội rất lớn. Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở KHĐT Cà Mau cho biết: Cụm công nghiệp không chỉ làm thay đổi bộ mặt của tỉnh mà còn đóng góp đáng kể vào bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia, đưa cơ cấu công nghiệp của tỉnh lên 39%. Cụm công nghiệp này còn góp phần làm tăng giá trị sản phẩm trong tỉnh, giúp tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, vươn lên mức thu nhập trung bình của cả nước. Ngân sách từ cụm công nghiệp này nộp cho tỉnh gần bằng 50% số thu nội địa. Dự kiến, năm nay là 1.295 tỉ đồng và sau năm 2015 số thu của tỉnh sẽ vượt chi và sẽ nộp về ngân sách Trung ương, điều mà nhiều tỉnh nghèo đang mơ ước. Bên cạnh đó, cụm công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Đây sẽ là nơi tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, là điểm đầu mối tác động lớn đến tác phong công nghiệp trong vận hành nền kinh tế, tạo động lực cho miền Tây cất cánh.

Chúng tôi tạm biệt Cà Mau vào sáng bình minh cùng với trận mưa rào cuối mùa. Anh Đoàn Hữu Thư, người đã gắn bó cả cuộc đời với đất rừng phương Nam và cũng là cán bộ Nhà máy Đạm Cà Mau bảo rằng: Đây là trận mưa “vàng” báo hiệu mùa mưa chấm dứt để chuyển sang mùa khô. Nó giúp cho rừng U Minh tích nước để chống chọi với mùa khô khắc nghiệt, người nông dân Nam Bộ sẽ đỡ khổ hơn. Tự nhiên, tôi xúc động nhớ tới hình ảnh các em nhỏ chạy tung tăng đến trường trong ngày khánh thành Trường tiểu học Bầu Cạn, Hồ Thị Kỷ do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng, rồi những giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo của các Mẹ Việt Nam anh hùng khi có căn nhà mới, bước chân vững chãi hơn của những thương binh, người tàn tật qua cầu do những người dầu khí xây dựng. Cùng với “Người khổng lồ nơi đất mũi” và hàng chục công trình lớn đang được triển khai quyết liệt ở trong và ngoài nước, nhiều năm qua, Tập đoàn Dầu khí đã hỗ trợ tỉnh Cà Mau số tiền hơn 1.000 tỉ đồng xây dựng nhà tình nghĩa, trường học, đường giao thông, góp phần an sinh xã hội.

"Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền xé sóng mũi Cà Mau”. Tôi bâng khuâng nhớ tới hai câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu và thầm biết ơn công sức và cả sự hy sinh của hàng ngàn người thợ. Chỉ có những người lao động lớn lao mới có mặt ở đây. Họ chính là người đã tiên phong đưa con thuyền xé sóng tiến ra đất mũi và đã làm được điều kỳ diệu. Sau chuyến đi này, tôi càng hiểu rằng, mùa xuân đất nước và sự nghiệp CNH, HĐH đã và đang được khắc họa từ chính những con người, những công trường như thế này. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Dầu khí, xin được gửi đến họ một tấm lòng.

Trần Thị Sánh

DMCA.com Protection Status