Miền Trung đi đầu sử dụng xăng E5

07:50 | 12/11/2014

558 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đến đầu tháng 11, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng đã nhập cuộc mạnh mẽ trong việc phân phối xăng E5. Mặc dù còn gần một tháng nữa, lộ trình E5 sẽ áp dụng tại 7 tỉnh thành phố; tuy nhiên, sự đồng thuận của chính quyền địa phương với doanh nghiệp đã là bài học để các tỉnh, thành phố khác làm theo.

Năng lượng Mới số 372

Doanh nghiệp đồng thuận

Phải nói rằng, nếu không có sự vào cuộc của các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khu vực miền Trung thì lộ trình cũng chỉ triển khai ở mức độ nhỏ lẻ, phân tán.

Là doanh nghiệp “sống” nhờ giá của mặt hàng xăng dầu; tuy nhiên, Petrolimex xem việc phân phối xăng E5 cũng giống như chính nghĩa vụ phân phối các mặt hàng khác. Petrolimex tính toán, suất đầu tư trên toàn hệ thống kinh doanh xăng E5, bao gồm hơn 60 kho xăng dầu, hơn 2.000 cửa hàng trực thuộc, hơn 4.000 đại lý, tổng đại lý, phải đầu tư xây dựng mới, cải tạo bồn bể chứa E100 và E5, đầu tư công nghệ pha chế, hệ thống bơm rót xuất hàng, lắp đặt mới bể chứa tại các cửa hàng xăng dầu, đầu tư thiết bị cột bơm xăng... lên tới 500 tỉ đồng. Trường hợp xấu nhất, Petrolimex tính toán có thể lỗ tới trên 1.500 tỉ đồng. Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) trong quá trình cung cấp thử nghiệm cũng lỗ và đang đề xuất cơ chế bù lỗ cho xăng sinh học được bán thấp hơn giá xăng truyền thống. Nếu Petrolimex và cả PV Oil không chịu “lùi một bước” để cùng đồng thuận thì lộ trình kinh doanh xăng E5 sẽ không tiến triển.

Bán xăng E5 tại Quảng Ngãi

Petrolimex cũng đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thành viên thực hiện đúng lộ trình cam kết này. Công ty Xăng dầu Khu vực V - TNHH MTV (Petrolimex Đà Nẵng) chịu trách nhiệm phân phối E5 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Petrolimex Đà Nẵng đã khẩn trương xây dựng phương án để kinh doanh xăng E5 thay thế dần xăng không chì RON 92 trên toàn bộ hệ thống phân phối; trước hết là tại hệ thống cửa hàng xăng dầu (CHXD) của mình. Petrolimex triển khai kinh doanh xăng E5 sớm hơn so với lộ trình Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg là: 14 tháng tại tỉnh Quảng Nam và 1 tháng tại TP Đà Nẵng.

Petrolimex là đơn vị kinh doanh xăng dầu đơn thuần. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn cung và một bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai xăng E5 tại Quảng Ngãi đã giúp tập đoàn này tin tưởng vào thành công triển khai ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Việc tạo nguồn xăng E5 trước mắt được thực hiện bằng đường bộ (xe ôtô xi-téc/xe bồn) nhận hàng tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ra Quảng Nam, Đà Nẵng và theo phương thức di chuyển nội bộ (Petrolimex Quảng Ngãi xuất điều động nội bộ cho Petrolimex Đà Nẵng). Khi Petrolimex Đà Nẵng hoàn thành hệ thống phối trộn, Petrolimex có chỉ đạo tiếp theo nguyên tắc lựa chọn đường vận động hàng hóa tối ưu đối với từng địa điểm, khu vực.

Petrolimex còn chỉ rõ cho các công ty thành viên cách thức phân phối xăng E5. Cụ thể, tại tỉnh Quảng Nam, tại mỗi CHXD chỉ kinh doanh xăng E5 hoặc xăng không chì RON 95. Nếu điều kiện cho phép thì kinh doanh đồng thời 2 mặt hàng xăng E5 và xăng không chì RON 95; tạm dừng kinh doanh mặt hàng xăng không chì RON 92. Tại TP Đà Nẵng, Petrolimex Đà Nẵng có thể kinh doanh đồng thời cả 2 mặt hàng xăng E5 và xăng không chì RON 92. Phương án cụ thể do Petrolimex Đà Nẵng quyết định, căn cứ thực tế từng CHXD và theo nguyên tắc lấy tiêu chí hiệu quả kinh doanh để lựa chọn mặt hàng và phương án kinh doanh.

Ông Ngô Ánh Dương, Phó giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Quảng Nam nhận định: “Trước khi triển khai kinh doanh xăng E5, Petrolimex Quảng Nam đã tiến hành xúc rửa, chuyển đổi bể chứa, cột bơm bảo đảm đưa xăng E5 vào lưu thông an toàn kỹ thuật, môi trường; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến công tác kinh doanh phục vụ nhu cầu xăng của nhân dân trong thời gian thực hiện công tác kỹ thuật chuyển đổi. Bên cạnh đó, Petrolimex Quảng Nam đã chủ động làm việc với các sở, ban, ngành tại địa phương, các đại lý phân phối để phối hợp tuyên truyền, phổ biến về xăng E5 đến nhân dân trên địa bàn. Tại các CHXD bán xăng E5 trực thuộc, Petrolimex Quảng Nam đều có thông báo bằng băng rôn để khách hàng, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, chọn mua mặt hàng xăng phù hợp”.

Với sự chỉ đạo sát sao của Petrolimex, với sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực trong việc khắc phục những khó khăn về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, thời gian triển khai, đến nay Petrolimex Quảng Nam đã chuyển đổi mặt hàng kinh doanh xăng E5 thành công, an toàn, nhanh gọn, tiết giảm được chi phí chuyển đổi và trước lộ trình quy định của Chính phủ.

Chính quyền bắt tay

Để thúc đẩy thị trường tiêu thụ xăng E5, giữa năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Petrolimex đã thống nhất kế hoạch phối hợp triển khai phân phối xăng E5 tại Quảng Ngãi. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 879/QĐ-UBND ngày 19/6/2014, đây là quyết định hết sức quan trọng mang tính đột phá đối với sự hình thành và phát triển thị trường nhiên liệu sinh học (NLSH) trên địa bàn tỉnh cũng như trên phạm vi cả nước. Kết quả ban đầu cho thấy chương trình phát triển NLSH đã đạt được những thành công nhất định tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh, các cơ quan liên quan và người dân hết sức ủng hộ chương trình, sản lượng xăng E5 xuất bán ra thị trường liên tục tăng và vượt so với dự kiến ban đầu.

Thành công của mô hình tại Quảng Ngãi đã tác động một cách tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa sang các địa phương theo lộ trình cũng như những địa phương chưa nằm trong lộ trình thực hiện phân phối NLSH của Chính phủ. PVN đã làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng, theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 7021/QĐ-UBND về việc “Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện lộ trình phân phối xăng sinh học E5 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Cụ thể, từ ngày 1/10/2014, tất cả các CHXD trên địa bàn thành phố Đà Nẵng triển khai phân phối xăng sinh học E5 song song với xăng A92 và A95; từ 1/11/2014 sẽ phân phối xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng A92, lưu hành song song cùng xăng A95. 

Đà Nẵng hiện có 61 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, với 95 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 24 tàu kinh doanh dầu diesel. Hệ thống đầu mối có 4 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Xăng dầu Khu vực 5, Chi nhánh Công ty CP Xăng dầu Dầu khí (PV Oil) tại Đà Nẵng, Công ty Xăng dầu Quân đội Khu vực 2, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh. Trong đó, có 4/8 cửa hàng trực thuộc Chi nhánh Công ty CP Xăng dầu Dầu khí PV Oil Miền Trung tại Đà Nẵng và 2 đại lý thuộc đơn vị là Công ty CP Xây dựng và Thương mại Cảng Đà Nẵng và Công ty TNHH TMDV Phú Hiền đã tổ chức bán xăng E5 cùng với các loại xăng dầu khác. Mức tiêu thụ từ năm 2011 đến năm 2013 trung bình khoảng 2.000m3/năm. Với lực lượng các đầu mối như vậy, chính quyền Đà Nẵng gần như không gặp khó khăn nào trong công tác chỉ đạo, điều hành thị trường xăng dầu. Bởi lẽ, mỗi doanh nghiệp đều có phân khúc thị trường tương đối ngang bằng nhau, không có doanh nghiệp nào trội hẳn lên nên để kiếm tìm sự đồng thuận cũng dễ dàng hơn.

Sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi là sự nhập cuộc vì người nông dân. Quảng Ngãi có nhà máy sản xuất ethanol và tỉnh đang quy hoạch vùng nguyên liệu sắn rộng 16.700ha. Quảng Nam cũng có nhà máy nhiên liệu sinh học Đồng Xanh đang hoạt động cầm chừng và cũng có vùng nguyên liệu rất lớn. Để người nông dân có hướng đi cho cây sắn và không bỏ hoang đất canh tác, việc sớm đẩy nhanh lộ trình phân phối xăng E5 là nguyên nhân thúc giục chính quyền địa phương phải vào cuộc và mạnh tay trong chỉ đạo, điều hành.

Cả nước hiện có 7 nhà máy sản xuất Ethanol với tổng công suất 535 triệu lít/năm, xây dựng theo quy hoạch tại những vùng trồng sắn trọng điểm, đủ khả năng cung cấp ethanol để pha chế xăng E5, E10 trong năm 2014, 2015 và các năm tiếp theo. Nếu chính quyền nào cũng nghĩ như Quảng Nam, Quảng Ngãi thì thật là… mừng!

Đ.Chính

 

DMCA.com Protection Status