Một đời đam mê với nghề

11:00 | 19/01/2016

2,904 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong ngành Dầu khí, không hiếm những người một đời gắn bó, lặng lẽ cống hiến, lần hồi góp công sức như góp những viên đá chắc nịch vào nền móng của những thành tựu, nhưng luôn coi danh lợi vinh hoa như gió thoảng mây bay. Ông là một người như vậy.  

Những tháng ngày gian khó

43 năm theo nghiệp dầu khí, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quý khởi hành từ chặng đầu hoang sơ của con đường "đi tìm lửa", đến nay đã là một xa lộ mênh mang. Giờ này, ông vẫn chưa một ngày nghỉ ngơi dù đã hưu trí mấy năm rồi. Ông hiện đang giữ cương vị Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam, vẫn tiếp tục  mong muốn được góp sức cho ngành.

mo t do i dam me vo i nghe
TS Nguyễn Huy Quý

Tiếp xúc vài lần, người ta thường cảm tưởng như lúc nào ông cũng thẳng tưng, trắng phớ ra. Cách ông nói chuyện luôn khiến cho người đối thoại thấy bối rối nếu không đủ tự tin hoặc không đủ thông tin để thuyết phục ông. Điều gì bất hợp lý, phi lô-gic là ông vặn liền. Nhiều người vẫn chê ông “ngang” lắm. Đâu ngờ, gặp nhiều rồi mới biết ông lại là người hết sức tinh tế, nhạy bén và thông tuệ. Sự minh triết ở ông trực diện đến thô ráp, mạch lạc như những đường kẻ, điểm nối điểm, dòng tiếp dòng.

Biết ông đã 5 năm, làm việc, đi công tác với ông không ít lượt, nhưng cứ mỗi lần tôi ngỏ ý viết về ông là y như rằng "có gì đâu mà viết!".

Từng nhiều lần chứng kiến trí nhớ kỳ lạ của ông, chuyện của vài chục năm, người của mấy thập niên cứ như mới hôm qua vừa đây thôi vậy, nhưng đối với ông, thành tích, công lao dường như luôn của người khác, ông chỉ là người chứng kiến mà thôi.

Với lý do vì cuộc thi "Những kỷ niệm sâu sắc về ngành Dầu khí", nữa là để lớp trẻ bây giờ có thêm thông tin của những người đi trước, ngõ hầu thêm yêu ngành, yêu nghề... nắn nót công phu lắm tôi mới "gạ gẫm" được ông kể cho nghe vài chuyện cuộc đời.

6 năm theo học ngành địa chất dầu khí ở Rumani, năm 1973 tốt nghiệp về nước, ông được Tổng cục Địa chất cử về Đoàn Nghiên cứu chuyên đề về dầu lửa 36B mới thành lập, đóng ở Hưng Yên. Ông xung phong vào tổ địa hóa do ông Nguyễn Xuân Đàn, đồng hương của ông làm tổ trưởng

Thời ấy, dầu của Việt Nam vẫn chỉ nằm trong dự báo, hy vọng, còn chưa biết ở đất liền hay giữa đại dương… Các đội khảo sát thực địa, văn phòng phân tích di chuyển đến đâu đều ở nhờ nhà dân. Vì vậy, có câu ví von “ăn cơm tự nấu, ngủ nhờ nhà dân” và làm việc hết mình cho đất nước. Khối kỹ thuật - Đoàn 36B của ông may mắn được sống trong một khu nhà tranh, vách đất ở Chợ Gạo, các chuyên gia Liên Xô thì ở nhà cấp 4 gọi là “Khu chuyên gia”. Những ngày tháng ấy cuộc sống của anh em cán bộ dầu khí, địa chất rất cơ cực, sinh hoạt, ăn uống kham khổ, ngày nghỉ, cả tổ mua được mấy tấm mía về liên hoan đã là cải thiện lắm rồi. Khoảng cách chỉ hơn 60 cây số nhưng muốn về thăm nhà ở Hà Nội có khi phải đi cả ngày trời. Giai thoại được anh em nhớ mãi như một kỷ niệm vui là chuyện chen tàu, chen xe mà thành thơ. Từ câu “Trần Huyên, Huy Quý, Mạnh Huyền/Ba thằng chụm lại huyên thuyên suốt ngày” các ông sửa lại thành “Trần Huyên, Huy Quý, Mạnh Huyền/ Ba kỹ sư trẻ học chuyên về dầu (thời đó kỹ sư dầu khí là của hiếm)/ Việc gì chúng cũng đi đầu/ Sá chi những chuyện chen tàu, chen xe”.

mo t do i dam me vo i nghe
TS Nguyễn Huy Quý và Tổng cục trưởng Tổng cục địa chất Đan Mạch tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Dầu khí (5-1998)

Được Liên Xô giúp đỡ chuyên gia và máy móc thiết bị, những giếng khoan thăm dò đầu tiên ở miền Võng Hà Nội, Trũng An Châu bắt đầu cho những tín hiệu lạc quan. Nhiệm vụ của ông Quý là theo các đội khoan, lấy mẫu về phân tích và đánh giá dầu khí tầng “đá mẹ”. Ông còn nhớ như in chuyện ở giếng khoan 61 đặt tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trên cấu tạo Tiền Hải C. Ngày 18-3-1975, tại khoảng vỉa thử 1.148-1.150m đã nhận được dòng khí tự do, lưu lượng khí và khí hóa lỏng (condensat) tương đối lớn, có giá trị công nghiệp trong phụ tầng Tiên Hưng 1. Tâm trạng của những người đang làm công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí vào lúc đón dòng khí công nghiệp đầu tiên rất bồi hồi, vui đến không tả được bằng lời, họ tưng bừng đốt lửa, quay phim, chụp ảnh ăn mừng.

Tối đến có người tá hỏa nhớ ra chuyện mải vui quên mất một việc rất quan trọng là chưa ai lấy mẫu khí. Truy mãi cuối cùng mới biết, thì ra ông Quý đã lặn lội từ Hưng Yên xuống, lẳng lặng đi lấy mẫu khí mang về phân tích ở phòng thí nghiệm của Đoàn 36B. Người khác có thể quên, nhưng ông thì không, chuyện gì cũng chu đáo, đến nơi đến chốn, từ lúc còn trẻ cho đến bây giờ vẫn vậy.

30-4-1975, miền Nam được giải phóng. Giữa bộn bề lo toan của những ngày đầu thống nhất đất nước, ngay từ đầu tháng 8-1975, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước và thành lập cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên về dầu khí là Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (ngày 3-9-1975) - tiền thân của Tổng Công ty/Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sau này, trên cơ sở tách và hợp nhất hai tổ chức làm công tác dầu khí trong Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất và một lực lượng nhỏ từ Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản (do chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập trước năm 1975 ở Sài Gòn).

Trong khí thế chung của chiến thắng, cuối năm đó, khi mọi người ai cũng muốn ra Bắc hội ngộ gia đình sau những cuộc chia ly đằng đẵng thì ông lại lẳng lặng nộp đơn xung phong Nam tiến tìm dầu, dù vừa mới cưới vợ được hơn một tháng.

Thấy tôi quá ngạc nhiên trước quyết định ấy, ông cười lớn: “Hồi đó có ai nghĩ chuyện xa vợ là khó khăn đâu, được thỏa nguyện công tác là vui lắm rồi”. Có lẽ chỉ ở thế hệ của ông vào thời điểm đó mới có loại khí phách ấy, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, chỉ cầu được lao động, cống hiến.

Đầu năm 1976, khăn gói vào Nam khi tàn dư chiến tranh còn ngổn ngang khắp các nẻo đường. Ông Quý được điều vào Đoàn Địa chất 21 (thuộc Công ty Dầu khí II) ở Vũng Tàu, tiếp tục vác balô lên đường đi khảo sát thực địa khắp các vùng Nam Bộ lấy mẫu địa chất về đưa ra Hà Nội phân tích địa hóa. Ông bảo: “Nguy hiểm nhất là luôn phải tránh sự rình rập của bọn Fulro, khó khăn vất vả thì chẳng là gì”.

mo t do i dam me vo i nghe
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Văn Biên thăm giếng khoan 61 ngày 16-3-1976

Gắn bó với Khoa học công nghệ

Năm 1978 thành lập Viện Dầu khí, ông lại được điều ra Hà Nội. Thời kỳ đầu thành lập, Viện rất khó khăn, cơ cấu trình độ, tỷ lệ cán bộ trên đại học, đại học ở mức dưới 5%, tức là rất thiếu cán bộ đầu đàn, ông Quý đã cùng những cán bộ lãnh đạo của Viện bắt tay vào xây dựng cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ chủ chốt của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam với các chức năng nghiên cứu các đề tài khoa học phù hợp với kế hoạch sản xuất - kinh doanh của Tổng cục, kết hợp với các chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản của Nhà nước để chủ yếu tạo ra giá trị trung hạn và dài hạn cho ngành cũng như tư vấn cho ngành và cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dầu khí.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ dịch vụ khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là phân tích thí nghiệm cũng rất được coi trọng vì nó cung cấp những cứ liệu, những tham số cần thiết cho nghiên cứu, cho sản xuất, đồng thời là nguồn thu tài chính quan trọng cho ngân sách của Viện và qua  đó đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công nhân viên. Tuy giai đoạn đó còn có những hạn chế nhất định, Viện đã có những đóng góp quan trọng cho ngành, kể cả về phương diện khoa học cũng như cung cấp cán bộ chuyên môn và quản lý các cấp cho toàn ngành.

Từ 1985 đến 1990 ông Quý đã vượt qua rất nhiều thủ tục, thi tuyển khó khăn để được tuyển chọn đi nghiên cứu sinh ở Ba Lan, về nước, quay lại Viện công tác, năm 1993 ông được bổ nhiệm giữ chức Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam. Trong suốt 10 năm sau đó, từ chỗ phải đi tìm việc làm để tự nuôi nhau, ông đã góp sức cùng tập thể cán bộ, các nhà khoa học xây dựng Viện thành một cơ sở hiện đại, đồng bộ, đảm bảo các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đồng thời cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao cho các công ty dầu khí nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trình độ chuyên môn của cán bộ trong Viện cũng như uy tín, thương hiệu của Viện được nâng cao là những lợi ích không thể đánh giá bằng tiền ngoài khoản thu ngoại tệ lớn năm sau tăng hơn năm trước. Những điều đó đã chứng minh tính đúng đắn từ các quyết định của lãnh đạo tổng công ty và của Viện để vượt qua những khó khăn khách quan của đất nước trong giai đoạn khi Liên Xô cùng hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, các nguồn viện trợ không còn, lại còn bị các lực lượng thù địch phá hoại, bao vây, cấm vận.

Thời gian này, TS Nguyễn Huy Quý trong vai trò là điều phối viên của nhiều chương trình hợp tác quốc tế đã đi tiên phong trong việc kết nối hợp tác, trao đổi đào tạo, học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức, công ty lớn của thế giới như Viện Dầu khí Pháp, Ủy ban Điều phối các chương trình khoa học địa chất Đông và Đông Nam Á (CCOP), Cục Địa chất Đan Mạch & Greenland (GEUS), Geochem Group, Simon- Robertson, Fairfield, Total, BP, Idemitsu…

Ông Quý không bao giờ quên những người bạn tốt như Tiến sĩ Lars Henrik Nielsen, Tiến sĩ Ioannis Abatzis người Đan Mạch, các ông P. Rogier - Phó viện trưởng phụ trách đối ngoại,  ông Gadelle - chuyên viên Ban Đối ngoại, cũng như sự vận động, hậu thuẫn của TS Nguyễn Văn Quý, một Việt kiều rất có uy tín về chuyên môn của Viện Dầu khí Pháp đã rất tận tâm ủng hộ ngành Dầu khí Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo tích cực của Viện trưởng PGS.TS Trần Ngọc Toản, nhờ sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình và hiệu quả của các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế qua các chương trình viện trợ đã giúp cho Viện có được những trang thiết bị tiên tiến, công năng hiện đại ngang tầm với các trung tâm khác trên thế giới, có khả năng xử lý số liệu địa chấn 2D, 3D, các xử lý đặc biệt, giải các bài toán ngược trong địa chấn, phân tích AVO, xử lý tài liệu địa chấn giếng khoan…

Trong những năm đảm nhiệm cương vị Phó viện trưởng, TS Nguyễn Huy Quý đã được giao chủ biên Đề tài KC-09-06 “Nghiên cứu cấu trúc địa chất và địa động lực làm cơ sở đánh giá tiềm năng dầu khí vùng biển sâu và xa bờ” thuộc Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước KC-09. Ông còn là điều phối viên của Chương trình quản lý tài nguyên (OGRM), Chương trình đánh giá tài nguyên và kế hoạch hóa. Phía Việt Nam đã được chuyển giao công nghệ phần mềm đánh giá rủi ro trong thăm dò dầu khí (GeoX) để đánh giá rủi ro về đầu tư tìm kiếm, thăm dò cho các đối tượng dầu khí ở Việt Nam. Ông kể: “Đây cũng là giai đoạn có nhiều hội nghị khoa học dầu khí cấp quốc gia và quốc tế được tổ chức tại Việt Nam như hội nghị Công nghiệp Dầu khí Việt Nam 20 năm phát triển và trưởng thành, Hội nghị khoa học - công nghệ ngành Dầu khí Việt Nam trước thềm thế kỷ XXI. Lúc ấy các công ty dầu khí nước ngoài vào Việt Nam tìm cơ hội đầu tư cũng thường thuê Viện tổ chức các hội thảo khoa học, tổng hợp đánh giá tiềm năng dầu khí các Lô mà họ quan tâm, đó là giai đoạn Viện hoạt động rất sôi nổi, thu được nhiều ngoại tệ, trình độ chuyên môn của cán bộ được nâng cao, đời sống anh em cũng khá hơn, được đi nước ngoài học tập, tham quan, tiếp xúc nhiều”.

Từ năm 2004 đến 2010 TS Nguyễn Huy Quý được điều động về giữ chức Phó ban Khoa học Công nghệ, Thư ký Hội đồng KHCN của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Với TS Nguyễn Huy Quý, thời kỳ này đáng nhớ nhất là Hội đồng KHCN của Tập đoàn đã làm tròn chức năng tư vấn của mình về tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn, giúp cho lãnh đạo Tập đoàn và cả cho các cơ quan quản lý Nhà nước định ra những bước đi hợp lý để phát triển ngành, đặc biệt đã soạn thảo, hoàn thiện Chiến lược phát triển KHCN của Tập đoàn. Kết quả này rất khó đánh giá bằng tiền nhưng chắc chắn là khá quan trọng và là một yếu tố không thể tách rời đối với những thành công của Tập đoàn.

Có thể nói, giai đoạn 20 năm công tác của ông từ 1990 đến 2010 là giai đoạn ngành Dầu khí Việt Nam đã phát triển vững chắc các lĩnh vực đã có, xây dựng các lĩnh vực còn thiếu và đặt nền móng cho sự phát triển không ngừng và bền vững của ngành trong giai đoạn tiếp theo.

Năm 2008, theo chủ trương của Tập đoàn, những người trước khi nghỉ hưu 2 năm sẽ không đảm trách chức vụ quản lý nữa mà tham gia Tổ cố vấn để  giúp lãnh đạo Tập đoàn. TS Nguyễn Huy Quý thuộc lớp cố vấn đầu tiên của Tập đoàn. Thời gian này, ông đã được TS Ngô Thường San và một số vị lãnh đạo ngành giao việc vận động thành lập Hội Dầu khí Việt Nam nhằm gây dựng một tổ chức tập hợp rộng rãi lực lượng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong và ngoài ngành, ở những lĩnh vực chuyên môn khác nhau, những người đã nghỉ chế độ cũng như đang làm việc để tiếp tục đóng góp tâm sức, trí tuệ vì sự phát triển ổn định và bền vững của ngành Dầu khí. Hội được thành lập và đi vào hoạt động năm 2009, và năm 2010 TS Nguyễn Huy Quý nghỉ chế độ hưu trí, từ đó đến nay, ông lại dốc hết nhiệt huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Hội, dù tuổi đã cao.

Tôi có may mắn được tham gia nhiều hoạt động của ông, được chứng kiến nhiều việc làm mà có lẽ ít người có thể kham được khi đã ngoại lục tuần. Nhanh nhẹn và xốc vác, với trọng trách Tổng thư ký Hội, ông hiện diện ở khắp nơi, quán xuyến mọi mặt công tác của Hội từ việc đi vận động các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp tham gia vào Hội, thành lập các chi hội địa phương đến việc tổ chức, sắp xếp các cuộc gặp gỡ đối nội, hợp tác đối ngoại, các cuộc hội nghị, hội thảo, những chuyến công tác khảo sát thực địa… đâu đâu cũng in đậm dấu ấn của ông.

Trí nhớ thiên phú cộng với tư duy khoa học đã giúp ông kịp thực hiện được khối lượng công việc khổng lồ, dường như không việc gì làm khó được ông. 6 năm qua, Hội đã khẳng định được vai trò quan trọng trong sự thành công chung của ngành Dầu khí bằng những hoạt động hết sức ý nghĩa, thiết thực, tạo dựng được uy tín cao đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh việc xây dựng được mạng lưới, đội ngũ rộng khắp trong cả nước, Hội đã thực hiện tốt công tác đánh giá hiện trạng, tư vấn giải pháp cho những đề án lớn của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ… đặc biệt là xây dựng, phát triển cơ quan ngôn luận của Hội - Báo Năng lượng Mới và Báo Điện tử PetroTimes.vn - một cách mạnh mẽ, hiệu quả, kịp thời thông tin rộng rãi để người dân ngày càng hiểu biết hơn về ngành. Trong những hoạt động ấy, TS Nguyễn Huy Quý đều có những đóng góp công sức không nhỏ.

Chưa bao giờ người ta thấy ông tỏ ra mệt mỏi hay gắng gượng, cứ như thể ông được sinh ra để làm việc. Làm việc một cách hứng thú và say mê. Mỗi năm, mỗi kỳ họp của Hội lại đề ra hàng loạt những kế hoạch, chương trình mới tiệm cận với đường lối phát triển của ngành kinh tế kỹ thuật hàng đầu đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng… lúc đó, cái “máy tính” trong đầu ông lại bắt đầu lập trình để mọi việc tuần tự vào “phom”, sao cho mang lại hiệu quả cao nhất.

Cơ trí và năng động không kém gì thời thanh niên, lại thêm kinh nghiệm và mối quan hệ rộng và sâu, TS Nguyễn Huy Quý vẫn đang từng ngày cần mẫn góp tâm sức xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam.

Nguyễn Tiến Dũng

Năng lượng Mới 492

DMCA.com Protection Status