Ngành dầu khí chủ động ứng phó thách thức mới

09:58 | 17/02/2021

25,589 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 cùng với giá dầu duy trì ở mức thấp khiến ngành dầu khí nói chung và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Ngành dầu khí chủ động ứng phó thách thức mới
Khai thác dầu khí tại mỏ Đại Hùng.

Ðể vượt khó, ngay từ những tháng đầu năm, PVN và các đơn vị thành viên đã chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp cấp bách nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. 

Nỗ lực vượt khó

Năm qua, PVN và các đơn vị thành viên phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp, có thời điểm giá dầu xuống mức âm 37 USD/thùng khiến tình hình sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Ðặc biệt là lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí; chế biến, lọc hóa dầu,... đứng trước nguy cơ phải đóng mỏ, dừng hoạt động vì nếu duy trì sẽ bị thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng. Ðứng trước thực trạng nêu trên, lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã triển khai hàng loạt các giải pháp cấp bách nhằm duy trì hoạt động sản xuất và từng bước đưa "con tàu dầu khí" vượt khó, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Thí dụ, do chịu tác động của "khủng hoảng kép" làm lợi nhuận sáu tháng đầu năm 2020 của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) âm hơn 4,2 nghìn tỷ đồng. Nhờ kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó, sáng tạo, BSR đã "vượt bão" thành công với khối lượng sản xuất cả năm đạt hơn 5,93 triệu tấn, vượt 7% kế hoạch; doanh thu đạt gần 57,9 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách đạt hơn 6,2 nghìn tỷ đồng.

Nhìn lại giai đoạn khó khăn, Tổng Giám đốc BSR Bùi Minh Tiến khẳng định, chưa bao giờ công ty gặp khó khăn lớn như vậy kể từ khi đi vào hoạt động. Sự hoành hành của dịch Covid-19 từ nửa cuối tháng 2 đến nửa đầu tháng 4-2020 đã kéo theo giá dầu giảm sâu, tiêu thụ sản phẩm vô cùng khó khăn, tồn kho của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cao, có thời điểm lên đến 90%, các bể chứa đầy ắp, nhà máy đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động.

Trong tình thế căng như dây đàn, Ban lãnh đạo BSR quyết tâm duy trì nhà máy vận hành liên tục, áp dụng mọi giải pháp để chèo chống qua khó khăn, tránh đổ vỡ dây chuyền. Một loạt giải pháp sáng tạo đã được áp dụng như tối ưu dầu thô chế biến, linh hoạt trong việc điều chỉnh công suất nhà máy theo nhu cầu thị trường, giải phóng hàng tồn kho giá cao để có chỗ chứa cho các lô dầu thô có giá thấp. Tối đa tiêu thụ dầu thô trong nước để tăng liên kết chuỗi lợi ích trong ngành,... Ðồng thời, tăng cường rà soát, kiểm soát, cắt giảm và tối ưu chi phí sản xuất, kinh doanh đã giúp công ty hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tương tự, do ảnh hưởng của "khủng hoảng kép" khiến tình hình sản xuất của Tổng công ty Thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) gặp rất nhiều khó khăn, nhiều mỏ hoạt động không hiệu quả, thậm chí thua lỗ nếu tiếp tục duy trì. PVEP đã cùng với người điều hành tại các đơn vị, dự án phối hợp chặt chẽ tìm các giải pháp ứng phó cốt yếu, kịp thời đưa ra các nhóm giải pháp tổng thể của PVEP gồm tiết giảm chi phí - giảm đơn giá khai thác; điều chỉnh, giãn tiến độ đầu tư; các giải pháp tài chính bảo đảm sự tồn tại của PVEP và duy trì hoạt động của các dự án một cách tối ưu nhất. Qua đó, hoạt động sản xuất của PVEP được bảo đảm liên tục, ổn định, sản lượng khai thác hoàn thành kế hoạch được giao với sản lượng khai thác đạt 3,81 triệu tấn quy dầu, đạt 100,3% kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 20,8 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế và phân bổ đạt 638 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 5,83 nghìn tỷ đồng.

Ứng phó linh hoạt

Phó Tổng Giám đốc PVEP Nguyễn Thiện Bảo cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, tìm kiếm và đánh giá, lựa chọn đối tượng tiềm năng, nghiên cứu G&G để có thể tối ưu vị trí các giếng khoan, giảm rủi ro địa chất, thi công, bảo đảm mục tiêu gia tăng trữ lượng. Rà soát, tối ưu phương án phát triển và các hạng mục đầu tư phát triển mỏ phù hợp tình hình hiện nay theo thứ tự ưu tiên, các đầu tư gia tăng sản lượng khai thác có giá khai thác thấp, các đầu tư phát triển các dự án có dầu, khí FO/FG sớm; tối ưu các hoạt động sửa chữa giếng, nâng cấp thiết bị trong giai đoạn giá dầu thấp,... nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, năm qua là năm khó khăn nhất trong lịch sử 45 năm thành lập ngành dầu khí. Tập đoàn vừa phải tập trung ứng phó dịch bệnh, vừa phải ứng phó suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu khí. Cùng với đó, một số cơ chế tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn vẫn đang trong quá trình xem xét từ các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, với định hướng và phương châm chỉ đạo xuyên suốt cùng sự nỗ lực của tập thể những "người đi tìm lửa", PVN đã kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả gói giải pháp ứng phó tác động kép.

Tập đoàn đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra, về đích trước nhiều chỉ tiêu quan trọng. Cụ thể: gia tăng trữ lượng dầu khí về đích trước sáu tháng, đạt 15,0 triệu tấn quy dầu; sản lượng khai thác dầu hoàn thành trước 26 ngày, đạt 11,47 triệu tấn, vượt 8,0% kế hoạch; sản lượng khai thác khí đạt 9,16 tỷ m3; sản xuất đạm đạt 1,80 triệu tấn, vượt 15,0% kế hoạch; sản xuất xăng dầu đạt 11,87 triệu tấn, vượt 0,5% kế hoạch năm; sản xuất điện đạt 19,17 tỷ kW giờ. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 566 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 83 nghìn tỷ đồng. Các hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo được triển khai tích cực; công tác thanh tra, kiểm tra giám sát mọi mặt hoạt động từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời,...

Bước sang năm 2021, với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 cùng với giá dầu ở mức thấp, PVN sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn trong tình hình mới. Do vậy, PVN sẽ tập trung thực hiện tám nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó tiếp tục tập trung đổi mới phương thức quản trị, quản lý doanh nghiệp; bám sát diễn biến thị trường, thường xuyên cập nhật, đưa ra mục tiêu, giải pháp cho từng lĩnh vực, phù hợp diễn biến giá dầu, cung cấp dầu thô, khí đốt, sản phẩm lọc dầu, hóa dầu trong từng thời điểm.

Ðồng thời, tiếp tục rà soát chi phí để tối ưu, tiết giảm chi phí vận hành, cân đối sản lượng giữa các mỏ sẵn sàng ứng phó kịch bản giá dầu thấp hơn dự kiến; tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ những dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí như: chuỗi dự án Lô B, Cá Voi Xanh, LNG Thị Vải, LGP Sơn Mỹ, Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, các dự án nhiệt điện: Sông Hậu 1, Thái Bình 2…, đồng thời, bám sát cơ quan có thẩm quyền để sớm có chủ trương, giải pháp cụ thể triển khai dự án nhiệt điện Long Phú 1; hoàn thành xây dựng tiêu chí đầu tư cho các lĩnh vực của toàn Tập đoàn, quản trị danh mục đầu tư của Tập đoàn theo từng lĩnh vực hoạt động; phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng.

Năm 2021, dầu khí thế giới đi về đâu?Năm 2021, dầu khí thế giới đi về đâu?
Cơ hội đầu tư vào PV PIPECơ hội đầu tư vào PV PIPE
PTSC - Bản lĩnh cao, nội lực mạnhPTSC - Bản lĩnh cao, nội lực mạnh

Theo Báo Nhân dân

DMCA.com Protection Status