Nhịp đập năng lượng ngày 9/11/2023

19:47 | 09/11/2023

17,431 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Châu Á cần khí đốt làm cầu nối cho một tương lai năng lượng sạch hơn; Nga xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng; Kazakhstan chen chân vào thị trường dầu mỏ châu Âu… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 9/11/2023.
Nhịp đập năng lượng ngày 9/11/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Châu Á cần khí đốt làm cầu nối cho một tương lai năng lượng sạch hơn

Ông Toshiro Kudama, Giám đốc điều hành của Jera Asia Pte Ltd., cho biết tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg ở Singapore hôm 9/11: “Chúng tôi cần khí đốt tự nhiên tại nền kinh tế châu Á. Thật khó có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của khu vực này bằng các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục”.

Quan điểm này lặp lại quan điểm của các nhà khai thác năng lượng lớn, trong đó có Chevron và Shell, khẳng định rằng khí đốt sẽ đóng vai trò lâu dài trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận thấy nhu cầu khí đốt sẽ đạt đỉnh điểm trong thập niên này và do đó không cần có dự án dài hạn mới nào.

Ở châu Á, “việc chuyển đổi ngay lập tức từ than đá sang các nguồn năng lượng tái tạo là không thực tế”, Yao Lixia, một thành viên cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết tại hội nghị trên. “Vì vậy, giải pháp trước mắt nhất có thể là khí đốt tự nhiên”, ông nhấn mạnh.

Nga xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng

Nga đang xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với một số loại xăng, hãng tin Interfax dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Nikolai Shulginov cho biết hôm 8/11. Theo đó, Nga đang xem xét việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng Ai 92 và Ai 95.

Nga đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu vào ngày 21/9, để giải quyết tình trạng thiếu hụt và giá cả trong nước tăng cao. Chính phủ đã nới lỏng các hạn chế vào ngày 6/10, cho phép xuất khẩu dầu diesel bằng đường ống, nhưng vẫn giữ nguyên các biện pháp về xuất khẩu xăng. Các quan chức cho biết, lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ khi thị trường trong nước ổn định.

Interfax trích dẫn một nguồn tin thị trường nhiên liệu giấu tên cho biết, nhà máy lọc dầu Kirishi, thuộc sở hữu của Surgutneftegaz, đã đưa ra yêu cầu xuất khẩu xăng vào giữa tháng 11.

Nigeria ra mắt loại dầu thô mới tập trung vào thị trường châu Âu

Nigeria đã đưa ra thị trường một loại dầu thô mới có tên là “Nembe”. Ông Maryamu Idris, Giám đốc điều hành Dầu thô và Condensate tại NNPC Trading, một trong những bộ phận của Công ty Dầu khí Nigeria (NNPC Ltd), công bố điều này hôm 7/11, bên lề hội nghị Argus European Crude được tổ chức tại Vương quốc Anh.

Việc ra mắt loại dầu mới này nhằm mục đích tăng khả năng cạnh tranh của dầu thô Nigeria trên thị trường châu Âu. Ông Maryamu Idris giải thích rằng dầu thô Nembe của Nigeria có thể cạnh tranh với các loại vàng đen đang có mặt trên thị trường dầu châu Âu, đặc biệt là của Brazil và Azerbaijan.

Ông cho biết thêm, tháng trước, hai chuyến hàng dầu Nembe đã được gửi đến Hà Lan và Pháp, mỗi nước mua 950.000 thùng. Gã khổng lồ dầu mỏ châu Phi hiện sản xuất khoảng 50.000 thùng mỗi ngày. Một mức ổn định mà ông muốn tăng lên 80.000 thùng/ngày vào quý I/2024 và lên 150.000 thùng/ngày vào năm 2025.

Nam Phi đẩy nhanh kế hoạch sản xuất điện từ khí đốt

Vào ngày 8/11, Bộ trưởng Điện lực Nam Phi Kgosientsho Ramokgopa tuyên bố nước này đang đẩy nhanh các dự án sản xuất điện chạy bằng khí đốt có tổng công suất 3 GW nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng và giành lại vị trí nền kinh tế lớn nhất châu Phi vào năm 2024.

Nam Phi đang phải đối mặt với tình trạng cắt điện hằng ngày, vì các nhà máy điện đốt than cũ kỹ của công ty điện lực nhà nước Eskom thường xuyên gặp sự cố. Châu Phi cần thêm 6 GW công suất phát điện nhằm chấm dứt tình trạng mất điện hàng ngày.

Bên cạnh các dự án sản xuất điện bằng khí đốt, Nam Phi dự tính nâng mức công suất năng lượng tái tạo lên 5,5 GW vào năm 2026. Nhờ đó, Nam Phi sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng điện đang đè nặng lên nền kinh tế.

Kazakhstan chen chân vào thị trường dầu mỏ châu Âu

Kazakhstan đã đồng ý bắt đầu vận chuyển dầu tới Hungary mà không qua Ukraine khi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế nguồn cung từ Nga, Upstream Online đưa tin.

Theo số liệu của EU, khối này hiện đã là thị trường lớn đối với dầu khí của Kazakhstan, với sản lượng xuất khẩu dầu khí của quốc gia Trung Á này chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 29,8 tỷ euro (32 tỷ USD) sang khối vào năm 2022.

Kazakhstan gần đây cũng tăng cường xuất khẩu dầu thô sang Đức, sau khi nhà điều hành đường ống dẫn dầu do nhà nước kiểm soát Kaztransoil kết nối đường ống xuất khẩu truyền thống với mạng lưới truyền dẫn dầu của Nga được sử dụng để vận chuyển dầu thô của họ tới châu Âu.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết trong chuyến thăm thủ đô Astana của Kazakhstan vào tuần trước rằng, Hungary dự kiến nhập khẩu hơn 4,6 triệu thùng dầu thô Kazakhstan trước cuối năm nay.

Nhịp đập năng lượng ngày 7/11/2023Nhịp đập năng lượng ngày 7/11/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 8/11/2023Nhịp đập năng lượng ngày 8/11/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status